Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

I. Chủng Loại (S.iii,246)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu.

II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu.
4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh.
5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại hóa sanh.
6) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, các loại từ thai sanh và các loại từ ẩm ướt sanh, không mang đi các loại Nàga hóa sanh.
7) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu hóa sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và các loại hóa sanh.
8) Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng.

III. Làm Hai Hạnh (S.iii,247)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Kim xí điểu từ trứng sanh?
4) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, có loại (chúng sanh) làm hai hạnh về thân, làm hai hạnh về lời nói, làm hai hạnh về ý. Chúng được nghe như sau: "Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, có thọ mạng lâu dài, nhan sắc thù thắng, hưởng thọ nhiều lạc".
5) Chúng suy nghĩ như sau: "Ôi mong rằng, sau khi thân hoại mạng chung, chúng ta có thể được sanh cọng trú với các Kim xí điểu từ trứng sanh!" Sau khi thân hoại mạng chung, chúng được sanh cọng trú với các Kim xí điểu từ trứng sanh.
6) Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây, một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Kim xí điểu từ trứng sanh.

IV. Làm Hại Hạnh (S.iii,248)
(Như kinh trước, chỉ thế vào các loại Kim xí điểu từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và các loại hóa sanh ).

V. Ủng Hộ Bố Thí (S.iii,248)
1-3) Nhân duyên ở Sàvathi...
Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Kim xí điểu từ trứng sanh?
4) -- Tại đây, này Tỷ-kheo, có loại (chúng sanh) làm hai hạnh về thân, làm hai hạnh về lời nói, làm hai hạnh về ý. Chúng nghe nói như sau: "Các Kim xí điểu từ trứng sanh được thọ mạng lâu dài, nhan sắc thù thắng, thọ hưởng nhiều lạc".
5) Chúng suy nghĩ như sau: "Ôi mong rằng, sau khi thân hoại mạng chung, chúng ta được sanh cọng trú với các Kim xí điểu từ trứng sanh!"
6) Chúng bố thí đồ ăn. Sau khi thân hoại mạng chung, chúng được sanh cọng trú với các Kim xí điểu từ trứng sanh. Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây, một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Kim xí điểu từ trứng sanh. Chúng bố thí đồ uống... Chúng bố thí vải mặc... Chúng bố thí hương liệu xoa bóp... Chúng bố thí ngọa cụ... Chúng bố thí nhà cửa... Chúng bố thí đèn dầu. Sau khi thân hoại mạng chung, chúng được sanh cọng trú với các Kim xí điểu từ trứng sanh.
7) Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Kim xí điểu từ trứng sanh.

VI. Ủng Hộ Bố Thí (S.iii,248)
(Như kinh trên, câu hỏi được đặt ra với ba loại Kim xí điểu còn lại và câu trả lời được nói lên theo mỗi trường hợp).

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 9: Tương Ưng Kim Xí Điểu

RỒNG, KIM XÍ ĐIỂU, CÀN THÁT BÀ, THẦN MÂY

Ở đây hôm nay thời tiết rất xấu, trời âm u mù mịt nên rất có thể đường net sẽ bị trục trặc. Chúng tôi tranh thủ được đến lúc nào hay lúc đó. Hôm nay chúng ta học cùng một lúc bốn chương. Rồng, Kim Xí Điểu, Càn Thát Bà, Thần Mây.

Rồng, theo trong kinh Nguyên Thủy, cũng là một loại chúng sinh, như hôm qua đã nói rồi. Không phải cái gì có trong trời đất này mình cũng nhìn thấy bằng mắt. Và cái gì không thấy thì không hẳn là không có. Chuyện gì không đi ngược lại lý nhân quả và lý Tam tướng thì đều rất có thể xảy ra. Đây là nguyên tắc chung, mai này có nghe chuyện gì kỳ lạ cách mấy đi nữa thì cũng nhớ giùm nguyên tắc này: chuyện gì không đi ngược lại lý nhân quả và lý Tam tướng thì đều rất có thể xảy ra.

Lý nhân quả tức là điều kiện hợp lý, sự kết hợp bằng những nguyên tắc hợp lý sẽ cho ra kết quả nào đó. Ví dụ làm thiện thì được quả lành, làm ác được quả xấu. Cũng dòng điện đó mà kết hợp với một số nguyên tắc vật lý thì tạo ra hơi nóng của lò sưởi, cũng dòng điện đó, mà kếu hợp với một số nguyên tắc vật lý nó lại tạo ra hơi lạnh của máy điều hòa nhiệt độ (Air Conditioner).

Mọi sự ở đời đều do nhân do duyên mà có. Mỗi quả đều có thể là cái nhân cho cái quả khác. Cái gì đã có trên đời thì phải có lúc biến mất, đó là vô thường. Cái gì do duyên tạo mới có mặt và bản thân sự có mặt đó cũng là sự lắp ráp của vô số thành tố khác chớ không có gì đơn thuần cá biệt, đó được gọi là vô ngã. Như vậy thì tất cả mọi sự ở đời đều do duyên mà có và có trên hình thức lắp ráp, vay mượn, đồng thời đã có rồi thì phải có lúc biến mất, đó là lý Tam tướng. Cái gì không đi ngược lại với lý nhân quả, lý Tam tướng thì hoàn toàn có thể có. Ví dụ hôm qua chúng ta học về một loài chúng sinh rất lạ mà chúng ta chưa bao giờ thấy trong đời sống, đó là loài rồng. Theo trong kinh, rồng là một loài chúng sinh có hình dáng giống rắn nhưng có thần thông, mắt thường mình không thấy được.

Loài rồng chỉ có ba trường hợp lộ diện nguyên hình cho nhân loại nhìn thấy được bằng mắt thường: lúc nằm ngủ, lúc giao phối, lúc chết. Lúc khác thì loài rồng gần giống như phi nhân các loại, gồm Dạ xoa, A-tu-la, ngạ quỷ. Loài rồng cũng có bốn hình thức tái sinh (noãn, thai, thấp, trứng). Rắn cũng có loài sinh ra bằng trứng, cũng có loài sinh ra nguyên con. Có lẽ nhờ vậy mà hạn chế được số lượng theo quy luật thiên nhiên, quy luật đào thải sinh học hoặc biến động môi sinh, nhờ vậy mà cân bằng sinh thái. Nói hơi tàn nhẫn, nếu không có dịch bệnh, chiến tranh, thất bát mùa màng hạn hán thiên tai thì nhân loại bây giờ làm gì có đất sống. Hôm nay Tokyo, New York, Hà Nội, Sài Gòn bùng nổ nạn nhân mãn. Tokyo có loại sleeping box, là loại khách sạn có buồng chỉ rộng gấp ba, bốn lần cái quan tài. Giá vài đô la một đêm. Có loại hình khách sạn như vậy vì đất hẹp, người đông. Tự thiên nhiên có luật đào thải để quân bình chủng loại. Có những loài ác quá, ăn nhiều quá, tự nhiên có lý do nào đó chúng phải chết dần chết mòn vì thực phẩm cạn kiệt để nhường chỗ cho một số loài động vật khác.

Có loài mình thấy được, có loài mình không thấy được nhưng không phải lúc nào cái gì mình thấy thì mới có, không thấy thì không có. Chúng tôi chỉ là người giảng kinh, chớ không làm chuyện của Charles Darwin hay các nhà khoa học để bảo vệ luận điểm, luận cứ nào.

Đức Phật xác nhận, dù làm loài gì đi nữa, nếu có chút hạnh phúc thì đều phải do công đức mà có.

Rồng là loại rắn đặc biệt.

Kim xí điểu là loài chim đặc biệt, có thần thông, chuyên ăn thịt rồng.

Càn thát bà là loại phi nhân sống dựa vào cây cối củ rễ, cành lá.

Thần mây, thần mưa, thần gió cũng vậy, sống dựa vào các hiện tượng thiên nhiên. Họ tác động thiên nhiên, nhưng không phải hiện tượng thiên nhiên nào cũng do họ xui khiến. Mọi sự còn do duyên nghiệp của chúng sinh.

Trong chú giải nói rõ, đôi khi do ý muốn của một nhân vật nào đó, vì lý do nào đó họ dùng thần thông để khiến cho có mưa có gió; hoặc do duyên nghiệp chúng sinh. Trong chú giải có ghi rõ khi nào chúng sinh từ vua quan và dân chúng hiền thiện, tu nhân tích đức thì mưa thuận gió hòa, cây cối phát triển tốt đẹp, xum xuê, thịnh mậu. Còn địa phương nào mà con người sống ác ôn côn đồ sống không biết trời biết đất, không biết thiện ác, thì ác nghiệp đó khiến cho nơi đó mưa gió trái mùa, sai thời tiết, mùa màng thất bát, độc hại, thứ bổ dưỡng ngon lành dần dần mất đi, thay vào đó là cỏ gai nấm độc. Do là do duyên nghiệp của chúng sinh ở đó. 

Chúng tôi không có thần thông nên không có phang ẩu, nhưng có thể nói rằng đất nước xã hội nào có tổ chức, có đạo đức, thông minh thì thiên nhiên ở đó tốt hơn, dù điều kiện môi trường ở đó không tốt lắm. Ví dụ Israel, dầu điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất nhỏ, dân không đông, nhưng công nghệ thì thuộc về hàng top. Đó là một đất nước cực kỳ cằn cỗi, không tài nguyên, đã vậy nóng bức, thiếu nước, mà lại dẫn đầu toàn cầu về công nghệ nông nghiệp. Bất cứ ai muốn trồng trọt làm ruộng làm vườn thì rất nên tìm sang học hỏi, thọ giáo, rút kinh nghiệm từ người Do Thái về lĩnh vực cải tạo thiên nhiên. 

Không phải đổ hết mọi sự cho chư thiên, cũng không phải cho rằng con người tạo tác hết rồi phủ nhận thế lực siêu hình. Đó là sự cực đoan. Không gì bậy cho bằng, đường đời muôn vạn lối, chuyện đời thì thiên hình vạn trạng mà chúng ta cứ khư khư chấp chặt một đường lối, một học thuyết, một chủ nghĩa nào đó rồi lấy đó làm giải pháp duy nhất cho vạn sự ở đời. Đây là thái độ phản khoa học, manh động, thiếu thông minh. 

Dù trong Phật pháp mà tu hành giới, định, tuệ theo nhận thức khư khư thì cũng như phản đạo mà mình không biết. Đức Phật là bậc Chánh Đẳng Giác, Ngài đã đưa ra con đường rất thông minh, Ngài đưa ra người ta cái lợi lạc hiệp thế và siêu thế. Ngài không đưa ra học thuyết giáo nghĩa hay chính sách ép người ta vào đường cùng “Các con phải như vậy!” Ngài luôn có sữa cho trẻ em, có thức ăn cho người lớn và có thức ăn cho người có răng và cho người sống bằng ống, bằng nước biển, thuốc chích, thuốc uống. Bát Chánh Đạo có ngàn lẻ một cách để thực hành chớ không phải có một cách ốm o gầy mòn để tu học.

Dù là loài chúng sinh nào đi nữa, nếu có chút hạnh phúc thì hạnh phúc đó chắc chắn là từ công đức đời trước, và dù là loài nào đi nữa nếu có một chút đau khổ thì đau khổ đó do nghiệp đời trước. Làm chó làm mèo của nhà giàu cũng khá hơn làm chó mèo nhà nghèo. Nói thân nữ không bằng thân nam, nhưng phải xét lại nam là nam ở xứ nào, bối cảnh gia đình nào, điều kiện xã hội nào. Nữ ở xứ tự do dân chủ, được học hành tới nơi tới chốn, có khả năng độc lập tài chính, độc lập đời tư thì có thua kém gì nam.

Bài học chung cho cả bốn chương:

– Do khuynh hướng tâm lý dẫn đến hạnh nghiệp và từ đó là dẫn đến cảnh giới tái sinh.

– Chút hạnh phúc hay tí đau khổ trong đời sống ở các cảnh giới ít nhiều đều do tiền nghiệp.

Theo chánh tạng, Đức Phật xác nhận, có những người được nghe về cảnh giới của rồng, của Càn thát bà rồi họ thích, giống như kiểu nguyện nhưng không phải nguyện, mà chỉ vì họ thích. Hãy cẩn thận với những điều mình thích và mình ghét trong đời sống thường nhật. Càng ít cái thích, càng giảm cái ghét thì càng tốt. Tham sân si của chúng ta lúc nào cũng đầy ắp, thiện tâm lại ít ỏi, còm cõi. Nghiệp xấu của mình nhiều hơn nghiệp thiện. Thích và ghét càng nhiều, cộng với thiện ác nghiệp, sẽ dẫn đến hình thức hiện hữu trong tương lai, cảnh giới tương ứng. 

Thích quần là áo lụa, thích chưng diện mà phước nhiều thì sanh trở lại làm chư thiên, làm nhân loại, ăn sung mặc sướng, áo quần xênh xang, nữ trang vàng ngọc. Nếu khoái chưng diện mà phước ít quá thì sanh làm ong làm bướm, làm sâu làm bọ sống trong hoa trong lá. Thích ăn ngon mà phước nhiều thì sanh làm chư thiên, loài người được ăn sơn hào hải vị. Thích ăn ngon mà không đủ công đức thì sanh làm heo, làm loài cá ăn tạp, làm loài omnivore (loài tạp thực), giống như một loại gấu ở Alaska, đến mùa cá Hồi về thì chúng đứng ở nơi suối cạn móc lên từng con cá để ăn, còn khi không có mùa cá về thì chúng ăn củ, rễ.

Có câu chuyện tiền thân về ngài Rāhula. Ngài Raṭṭhapāla là Đệ nhất tín xuất gia, ngài Rāhula là Đệ nhất hiếu học.[1] Xem thêm kinh Raṭṭhapāla, Trung Bộ Kinh để biết thêm. Có chuyện ít ai ngờ là trong đời quá khứ xa xưa, cách đây một trăm ngàn đại kiếp vào đời Phật Padumuttara, ngài Rāhula và Raṭṭhapāla là đôi bạn tri kỷ. Cả hai đều là công tử con nhà giàu. Ngài Raṭṭhapāla có một sư phụ là đạo sĩ trên rừng, đắc thần thông. Vị đạo sĩ này cứ mỗi lần ăn trưa xong thì lên cõi Trời nằm nghỉ trưa cho mát. Ngài Rāhula thì có một sư phụ cũng là đạo sĩ đắc thần thông, ăn trưa xong thì xuống cõi Long Cung nghỉ ngơi. Quan trọng của câu chuyện này là hãy cẩn thận với khuynh hướng tâm lý của mình. Hai sư phụ đạo sĩ mỗi lần vui miệng đều kể cho đệ tử của mình nghe về cảnh giới Cõi Trời, và Long Cung. Lâu ngày hai đệ tử đem lòng tơ tưởng tới hai nơi đó. Trong mỗi lần làm phước, cúng dường, tiền thân của ngài Raṭṭhapāla cứ mơ màng về cõi Trời, còn tiền thân của ngài Rāhula thì cứ mơ về cõi Long Cung.

Bố thí cho loài bàng sanh, chó heo mèo chuột thì công đức rất lớn, nhưng bố thí cho con người thì phước báo lớn hơn cho thú dù người đó có lưu manh cà chớn đến mấy. Bố thí cho người có đức hạnh thì phước lớn hơn bố thí cho người bất thiện. Bố thí cho người có giới luật tốt hơn bố thí cho người có không có giới. Bố thí cho người đắc thiền phước nhiều hơn bố thí cho người không thiền. Hai vị công tử này do một đời cúng dường hộ độ hai vị đạo sĩ đắc thiền ly dục này, nên khi chết rồi một người sinh về trời làm Đế Thích, là tiền thân ngài Raṭṭhapāla, một người sinh làm rồng là tiền thân của ngài Rāhula. Sở dĩ hai người này sinh về những nơi đó là vì do sư phụ “cho thuốc” mỗi ngày hốt cho đệ tử một thang, lâu ngày yêu mê những quan điểm, suy nghĩ của sư phụ, rồi thích những nơi đó theo. Vì vậy, hãy chú ý thầy bạn quanh ta, cùng những gì ta nghe, đọc, thấy, suy tư mỗi ngày. Hai vị công tử này đã có phước trong tay rồi nhưng vì bị thầy “bốc nhầm thuốc” nên sau khi chết một người sanh lên trời làm Đế Thích một người sanh xuống biển làm rồng.

Đến khi Đức Phật Padumuttara ra đời thuyết pháp độ sinh. Đế Thích xuống nghe pháp, thấy gặp Phật không dễ mà nghe pháp lại hay, nhớ lại người bạn xưa nên xuống biển nói với Long Vương bạn xưa của mình: Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ, khó khăn lắm mới gặp một vị Chánh Đẳng Giác, tôi đã được gặp Ngài và được thọ ký sẽ trở thành một vị tỳ kheo Đệ nhất về tín giải xuất gia. Tôi nghĩ rằng, nếu như ông gặp Ngài nghe pháp chắc chắn sẽ có nhiều lợi lạc lắm. Long Vương – tiền thân của ngài Rāhula nghe vậy thích quá, lên nghe pháp rồi thỉnh Đức Phật Padumuttara về Long cung để cúng dường. Đức Phật Padumuttara là vị Chánh Đẳng Chánh Giác, khi Long Vương lên thỉnh là Ngài biết tiền căn hậu kiếp của Long Vương rồi. Thế là trong bữa đi thọ lễ trai tăng dưới biển, Ngài cố ý dắt theo vị tỳ kheo là người con ruột của ngài lúc trước khi đi xuất gia (Vị Phật nào trước khi đi tu cũng có con ngoài đời). 

Trong kinh nói, con của vị Bồ tát kiếp chót lúc nào cũng ba mươi hai tướng tốt, đẹp lắm. Khi thọ trai xong, thay vì thuyết pháp, Đức Phật Padumuttara không thuyết pháp mà kêu vị tỳ kheo con ruột Ngài thuyết pháp. Long Vương nhìn vị tỳ kheo đó mà không tài nào nghe pháp nổi. Ai mà giống Thế Tôn quá vậy. Sau khi biết là con của Ngài. Long Vương cứ ngồi nhìn mê mẩn. Vị tỳ kheo thuyết pháp xong, Long Vương lết đến thưa với Đức Phật: Bạch Thế Tôn, công đức cúng dường trai tăng bảy ngày vừa qua, con xin nguyện có một điều, kiếp cuối cùng giải thoát sinh tử, con được giống như vị tỳ kheo này.

Đức Phật Padumuttara quán xét thấy đủ duyên và thọ ký rằng: Một trăm ngàn đại kiếp nữa sẽ có một vị Chánh Đẳng Chánh Giác tên là Gautama Shakyamuni ra đời. Lúc đó ngươi sẽ là con trai của vị này trước khi thành Phật, tên là Rāhula, Đệ nhất về hạnh hiếu học.

Đệ nhất về hạnh hiếu học là vì mỗi sáng ngài Rāhula hốt một nắm cát tung lên và nói hôm nay ta sẽ học chừng này. Ngài tìm đến hỏi với Đức Phật, học với ngài Xá Lợi Phất, ngài Ānanda, ngài Mahākassapa, học không biết mệt mỏi. Có điều, do duyên nghiệp nên ngài Rāhula sống không bao lâu. Chỉ thọ năm mươi mấy tuổi. Một ngày kia thấy nhân duyên đã mãn, ngài đảnh lễ từ giã Đức Phật, từ giã bà Gotami, từ giã bà Yasodhara. Rồi ngài đi về khu thượng uyển trên cõi Đao Lợi, thuyết pháp cho chư thiên rồi vĩnh viễn nằm yên trên đó, không bao giờ trở lui cõi nhân loại nữa, chuyến đi cuối cùng trong đời của ngài. Đó là vị tỳ kheo có cách Niết bàn đặc biệt nhất trong lịch sử Phật Giáo.

Bài học từ những chương này: Cẩn thận với thầy bạn, và những gì mình thấy, nghe, đọc mỗi ngày. Bởi vì những cái đó cộng với duyên nghiệp của mình sẽ dẫn mình vào cảnh giới nào đó. Có khi mình thích những cái lạ lắm. Ví dụ cùng sanh ra ở những xứ giàu có nhưng có người thích sưu tập vỏ đạn, người thích sưu tập nắp chai, người thích sưu tập tranh, hoặc đồ cổ. Có người sống trong môi trường nghèo túng nhưng lại có kiểu sống của người nhà giàu. Có người sống trong nhung lụa lại khuynh hướng sống của người nghèo. Tất cả là do khuynh hướng tâm lý cộng với tiền nghiệp. Những nghiệp nào ta làm hôm qua đó chính là tiền nghiệp của hôm nay. Những nghiệp nào ta làm hôm nay thì nó chính là tiền nghiệp của ngày mai. Và câu này: “Tương lai, thực ra đã đi vào đời ta từ những ngày quá khứ”, bà con phải xăm lên trán hoặc lấy son vẽ lên kiếng. 

Đừng nghĩ tương lai là chuyện của mai này. Cách đây mười lăm năm về trước, tôi là người hút thuốc, uống rượu, đánh bài, trác táng. Chính từ quá khứ đó nên năm năm nữa tôi chính thức bị ung thư gan, ung thư phổi, ung thư bao tử, bị cao máu, tim mạch… Như vậy rõ ràng năm năm nữa là chuyện tương lai. Bệnh ung thư của năm năm nữa thật ra đã được chuẩn bị từ mười lăm năm trước rồi. Nói như vậy có nghĩa là hôm nay, tháng 10 năm 2015, tôi đang từng ngày chuẩn bị cho một tương lai, cái tương lai đó chưa có, nhưng hôm nay là quá khứ của tương lai. Mười lăm năm nữa đời tôi ra sao thì một phần lớn (hay toàn bộ) là của hôm nay và của hôm qua. Ngay trong hiện tại đã chuẩn bị tương lai mà trong quá khứ đã chuẩn bị cho tương lai rồi. Câu này không phải nói cho vui, mà nói để chúng ta sống có trách nhiệm hơn, sống cẩn trọng hơn. Những gì ta thích, ghét cộng với duyên nghiệp thiện ác sẽ cho ra cảnh giới hiện hữu trong tương lai.

Trong kinh này Đức Phật nói rất rõ, các cảnh giới tái sinh là do sở thích cộng với duyên nghiệp. Có người gặp Phật mà mang thân nữ để làm tín nữ, làm tỳ kheo ni. Có người đủ duyên phước gặp Phật, họ là người nam và đi xuất gia. Có người có duyên gặp Phật, nhưng chỉ làm cư sĩ – thiện nam. Có người đủ duyên gặp Phật nhưng gặp rồi chỉ thích ngồi thiền chớ không học Tam Tạng, có người thì thích học Tam tạng mà không thích ngồi thiền. Có người gặp Phật rồi thì thích bố thí, thích phục vụ, thích quét chùa lau dọn chớ không thích thiền tịnh, học giáo pháp hay mặn mà chuyện bố thí giữ giới. Họ chỉ thích phục vụ. Mình muốn có một tương lai như thế nào thì phải ngó rõ hiện giờ chúng ta đang sống ra làm sao, vì tương lai đã đi vào đời ta từ những ngày quá khứ.

Trong bài kinh Rồng có câu:

“XI. 4) — Ở đây, này Tỷ-kheo, có loại (chúng sanh) làm hai hạnh về thân về thân, làm hai hạnh về lời nói, làm hai hạnh về ý. Chúng nghe nói như sau: “Các Nàga từ trứng sanh, thọ mạng lâu dài, nhan sắc thù thắng, thọ hưởng nhiều lạc”.

“hai hạnh”, từ chữ ‘từ chữ ‘dvayakārino’, trong chú giải giải thích là ‘kusalākusalakārino’ nghĩa là cùng lúc làm hai nghiệp, vừa làm thiện vừa làm ác.

Làm thiện nghĩa là bố thí, trì giới, kham nhẫn, phục vụ… Làm ác nghĩa là nghĩ ác, nói ác, hành động ác. Chính vì thiện ác pha trộn như vậy, cộng với sở thích hướng về kiểu sống của loài rồng giống như những người thích sống trong bóng tối, lặng lẽ, lầm lầm lì lì, không muốn giao tế với ai, nếu có chút phước báo nào đó, khả năng làm rồng rất lớn. Người nào thích tung tăng thưởng thức cảnh du lịch, đường xa xứ lạ, hoa cỏ ong bướm, nếu phước nhiều có khả năng trở về trời, người; còn nếu thiếu phước thì sở thích tung tăng đó có thể trở thành loài ong, loài bướm.

Thời Phật Ca Diếp trước Phật Thích Ca, có ông thiện nam tính tốt thương bạn thương thầy nhưng hơi nghịch ngợm. Tu kiểu ầu ơ ví dầu, hắc bạch lưỡng đạo, lúc tu lúc phá, lúc ác lúc thiện. Một ngày kia có bạn đến thăm, nhằm ngày bát quan trai. Ông thiện nam có trái xoài ngon, thấy bạn tới nên đem ra mời. Người bạn từ chối, xoài tuyệt vời nhưng hôm nay tôi bát quan, không ăn chiều. Ông thiện nam ép ông bạn mình ăn. Sau khi chết, ông thiện nam sanh thành loại Vemānika: Á thiên (demi-god).

Chữ ‘Vemānika’có từ chữ ‘Vimana’: ‘lâu đài’; ‘Vemānika’: ‘kẻ có lâu đài’. Tôi, người đang hầu chuyện quí vị, tôi cũng lúc tu, lúc không tu. Do kiểu sống của tôi, nên chết rồi tôi sanh thành loại Vemānika này. Ban ngày tôi sống sướng như tiên, ban đêm bị lửa đốt, bị chó xé, bị đủ thứ hình phạt, bởi kiểu sống của tôi vừa thiện vừa ác. Cũng loại đó, nhưng có người thì đêm sướng ngày khổ, hoặc sáu tháng sướng như tiên, rồi sáu tháng khổ; hoặc ba tháng vui, rồi ba tháng khổ. Loại Vemānika này độc đáo ở chỗ đó. Hễ sống pha trộn thiện ác thì sanh lại khổ lạc cũng pha trộn.

Có những cá nhân không sanh làm loài này mà sanh làm người. Trong thân người cũng có sự pha trộn. Có người hết sức đẹp, xuất thân giàu có học hành tới nơi tới chốn, mà lấy người chồng tệ đến nỗi sống không bằng chết. Có người cái gì cũng hoàn hảo từ hôn nhân, tình yêu, gia đình… nhưng bịnh hoài, bịnh từ nhỏ đến chín chục tuổi. Có người gặp vấn đề nhan sắc, xấu quá đi đâu cũng khó. Quí vị để ý không, trong mấy ông thuyết pháp, tôi là người duy nhất không dám thuyết video mà toàn audio. Quí vị thấy mặt tôi là lạnh xương sống luôn, riêng giọng nói là thấy ớn rồi.

Trong bốn chương này, có bài học quan trọng: Hãy cẩn thận với cái mình thích và cái mình ghét. Vì hai cái này cộng với thiện nghiệp ác nghiệp sẽ dẫn mình về cảnh giới tương tích.
____________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.