PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[25] Chương IV: Tương Ưng Nhập
I. Con Mắt (S.iii,225)
1-2) Nhân duyên tại Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, mắt là vô thường, biến hoại, đổi khác. Tai là vô thường, biến hoại, đổi khác. Mũi là vô thường, biến hoại, đổi khác. Lưỡi là vô thường, biến hoại, đổi khác. Thân là vô thường, biến hoại, đổi khác. Ý là vô thường, biến hoại, đổi khác.
4) -- Này các Tỷ-kheo, ai có lòng tin, có tín giải đối với những pháp này; vị ấy được gọi là Tùy tín hành, đã nhập Chánh tánh, đã nhập Chân nhân địa, đã vượt phàm phu địa. Vị ấy không có thể làm những hành động gì, do làm hành động ấy phải sanh vào địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ; một vị không có thể mệnh chung mà không chứng quả Dự lưu.
5) Với ai, này các Tỷ-kheo, kham nhẫn một ít Thiền quán, như vậy với trí tuệ về những pháp này; vị ấy được gọi là Tùy pháp hành, đã nhập Chánh tánh, đã nhập Chân nhân địa, đã vượt phàm phu địa. Vị ấy không có thể làm những hành động gì, do làm hành động ấy, phải sanh vào địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ; một vị không có thể mệnh chung mà không chứng quả Dự lưu.
6) Với ai, này các Tỷ-kheo, đối với những pháp này, biết rõ như vậy, thấy như vậy, vị ấy được gọi là đã chứng Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc hướng đến giác ngộ.
II. Sắc
(Như kinh trên, chỉ thế "mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý" bằng "sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp").
III. Thức
(Như kinh trên, chỉ thế vào "nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức").
IV. Xúc
(Như kinh trên, chỉ thế vào "nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc").
V. Thọ
(Như kinh trên, chỉ thế vào "thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh").
VI. Tưởng
(Như kinh trên, chỉ thế vào "sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng").
VII. Tư
(Như kinh trên, chỉ thế vào "sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư").
VIII. Ái
(Như kinh trên, chỉ thế vào "sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái").
IX. Giới
(Như kinh trên, chỉ thế vào "địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới").
X. Uẩn (S.iii,227)
(Như kinh trên, chỉ thế vào "sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn").
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 4: Tương Ưng Nhập
CON MẮT
Có một chuyện vui mà cũng là chuyện buồn, quí vị buồn chứ tôi không buồn. Chương tới cũng là chương trùng: Chương Nhập
‘Okkanta’ # ‘pavittha’: sự đi vào, bước vào, dự vào.
‘Okkanti’ # ‘avakkanta’: sự nhập thai, đầu thai, tái sinh.
Nguyên phẩm này, Đức Phật dạy: Này các tỳ kheo, sáu căn là vô thường, ai có niềm tin chín chắn vào quy luật đó thì người đó trong trường hợp này được gọi là vị Tu-đà-hoàn.
Nghĩa là, ai có niềm tin xác tín rằng sáu căn – năm uẩn là vô thường, một niềm tin bất động không vì lý do nào thay đổi, dù sông có thể cạn, núi có thể mòn, dù có chết đi sống lại mười lăm kiếp, có bị bỏ vào cối giã nát như nem như chả, chích điện, trấn nước, cho uống thuốc độc, xô lầu hay đạp xuống giếng… niềm tin của vị đó cũng không thay đổi. Chứ không phải như mình, mình mà sợ quá thì niềm tin biến mất, hoặc thấy một chuyện lạ nào đó thì nhận thức thay đổi. Bà con đừng bao giờ cho rằng mình hay mình giỏi, mình là ông sư, mình là tu nữ, mình là cư sĩ trong sạch đức tin, tu hành ngon lành…; tất cả những điều đó chỉ là viên thuốc mình uống, đủ duyên thì hết bịnh, không đủ thì gieo duyên, chớ đức tin của mình luôn luôn có vấn đề nếu mình còn là phàm phu.
Quí vị có thể nói rằng: “Tôi cũng thấy mọi sự là vô thường, cũng thấy năm uẩn là vô ngã, là đau khổ, cái đó tôi đâu có nghi ngờ, nếu nói ai tin được sáu căn là vô thường với niềm tin không thay đổi người đó là bậc Dự Lưu, vậy thì Dự Lưu có gì đâu mà khó?” Tôi xin thưa rằng, không phải dễ như vậy đâu. Phải đạt tới một nhận thức nào đó hội đủ hai tiêu chuẩn sau đây: Đủ để thay đổi mình và không thể vì một tác động nào ngọt hay đắng mà thay đổi quan điểm. Nghĩa là, thứ nhất, từ chỗ tham lam sân hận si mê mà bây giờ mình không còn chấp ngã nữa, người ta có chửi mình, có giết người thân trước mặt, mình cũng không vì vậy mà căm hận thù ghét. Đó mới gọi là cái thấy của bậc thánh. Thứ hai, nhận thức này phải như vậy cho đến lúc Niết bàn chớ không phải thay đổi vì cái ngọt ngào hay cay đắng nào đó. Đó là chánh tri kiến của vị thánh. Còn nếu như cái thấy của mình không đủ thay đổi mình, khi chưa biết đạo mình cũng nóng tánh, nhỏ mọn, ti tiện, giờ biết đạo, mình chỉ biết bố thí cúng dường mà tánh tình vẫn như vậy thì cái thấy đó không xài được, chỉ đủ gieo duyên cho kiếp sau nào đó. Cái thấy đủ thay đổi con người mình từ xấu qua tốt thì hơi khó. Đừng bao giờ thấy vì mình có đi dự vài khóa thiền, học vài lớp giáo lý, đọc một vài bộ kinh thì thấy mình hay.
Muốn thấy mình hay thì dễ lắm, chỉ cần nhớ hai điều:
1/ Cái biết của mình có đủ để thay đổi con người mình từ xấu qua tốt hay không.
2/ Mình có chắc rằng cái biết này sẽ không vì một tác động nào đó mà thay đổi hay không.
Tôi có thấy trong đời của tôi không ít trường hợp, có những vị Phật tử mê giáo lý đi kiếm các ông sư giỏi, uyên bác biện tài, để học. Thời gian sau thì đổi tông, đi theo những ông sư ít nói hiền lành, giỏi hay dở thì không biết nhưng chỉ luôn nói: “Niệm Phật đi con…”, “Nguyện đi con…”, niệm Phật xong rồi thì “Hồi hướng đi con”, hồi hướng cửu huyền thất tổ nội ngoại hai bên, ba đời tám kiếp gì đó, dạy mấy cái tín hạnh nguyện. Một sự hướng dẫn đơn giản như vậy, cộng với mặt mũi, giọng nói ánh mắt nụ cười… Không hiểu vì sao cô ấy là con mọt sách mà bây giờ buông hết chỉ đi theo sư phụ với vài lời giáo huấn rất nhẹ nhàng, rất đơn giản như vậy. Tôi không phải chê những hướng dẫn đó nhưng tôi ngạc nhiên sao một con người có thể thay đổi 180 độ như vậy, ngày xưa học kinh bộ này qua bộ khác, cãi cọ lý luận tùm lum, bây giờ chỉ đơn giản là niệm Phật rồi hồi hướng cho nhất thiết chúng sinh, cửu huyền thất tổ, nội ngoại.
Vị Tu-đà-hoàn không có chuyện đổi tông 180 độ như vậy. Ở vị thánh thì gọi là niềm tịnh tín bất động, nhưng ở phàm phu phải coi chừng, có khi không phải là niềm tịnh tín bất động mà là cái ngoan cố lì lợm. Khi nào mình đúng mà vẫn kiên trì với cái đúng mới là niềm tịnh tín bất động. Cái suy nghĩ quan điểm nào mâu thuẫn đối lập với kinh điển thì phải xét lại. Vị Tu-đà-hoàn là người tin chắc thật vào cái mình thấy có cơ sở có nền tảng.
*Niềm tin của vị Tu-đà-hoàn
1- Niềm tin về lý Nghiệp báo: Mọi người đều phải chịu trách nhiệm về những gì mình nói, nghe, và suy tư, dù thiện hay ác.
2- Niềm tin về lý Tam tướng: bất cứ cái gì cũng do duyên mà sanh ra và do duyên mà biến mất
3- Niềm tin vào lý Tứ đế: Mọi hiện hữu là khổ dù ở hình thức nào, mọi sự đam mê là nguồn khổ, chấm dứt đam mê là cứu cánh thoát khổ, tinh thần Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến sự thoát khổ.
4- Niềm tin vào 12 Duyên khởi: Tin rằng một người không biết Bốn Đế là vô minh. Chính từ Vô minh này mới là nhân để tạo ra nghiệp thiện ác, đó là Hành. Từ Hành (thiện hành, ác hành) mới dẫn đến tâm đầu thai là Thức. Thức duyên Danh sắc – Danh uẩn và sắc uẩn trong thời tái tục đầu đời. Có Danh sắc đầu đời mới dẫn đến Lục nhập, sự có mặt của 6 căn sau đó. Từ sự có mặt của 6 căn mới có 6 xúc. Tức là khi 6 căn, 6 thức, 6 trần gặp nhau tạo ra Xúc. Từ 6 xúc mới tạo có 6 thọ, bởi có thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, nên mới có cảm giác; từ cảm giác đó mới dẫn đến sự đam mê, đó là Thọ duyên Ái. Đam mê ở cấp độ nhẹ yếu gọi là Ái, ở cấp độ sâu rộng có tà kiến đi cùng gọi là Thủ – Ái duyên Thủ. Thủ duyên Hữu là do có sự chấp chặt bằng tham ái và tà kiến nên dẫn đến tái sinh. Lúc này vòng tròn lại được tiếp tục.
Chi pháp của Hữu giống hệt như chi pháp của Hành. Khi tham ái và tà kiến mạnh quá, lúc bấy giờ sẽ trở thành Thủ. Chính Thủ này là quyết định chỗ tái sinh của mình là cõi nào. Dù có chấp nhưng có tu thiền Sắc giới thì sanh về cõi Phạm thiên Sắc giới. Dù có chấp nhưng đắc thiền Vô sắc thì chết sanh về cõi Vô sắc. Dù chấp nhưng có làm thập thiện thì chết sanh về các cõi Dục thiên. Còn nếu chấp mà không tu hành gì hết thì chết sanh về các cõi đọa Súc Sanh, Ngạ Quỷ, A-tu-la, Địa ngục. Hễ có sanh thì phải có già đau, chết. Vòng tròn này lặp đi lặp lại vô số lần trong dòng sinh tử của mình.
(Đoạn 3), Vị nào thấy rõ rằng 6 căn (mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý) là vô ngã vô thường một cách chắc chắn; một cái thấy không vì lý do nào thay đổi được, vị đó tối thiểu phải là Tu-đà-hoàn. Vị đó được gọi là Tùy Pháp Hành.[1]. Vị nào thấy rõ 6 trần (sắc, thanh, khí, vị, xúc, pháp) là vô thường; vị nào thấy rõ 6 thức là vô thường. (Đoạn 4),Vị nào tin chắc rằng 6 xúc là vô thường vô ngã; vị nào thấy rõ 6 thọ, 6 tưởng là vô thường vô ngã, vị nào thấy rõ 6 tư, 6 ái, 6 giới và 5 uẩn là vô thường vô ngã. (Đoạn 6) “vị ấy được gọi là đã chứng Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc hướng đến giác ngộ”.
*6 Căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý
*6 trần: sắc, thinh, khí, vị, xúc (còn gọi là 6 cảnh)
*6 Xúc:
Theo A-tỳ-đàm của Phật Giáo Nguyên Thủy thì thần kinh thị giác là nhãn căn, cái ta thấy được là cảnh sắc, cái biết của mắt là nhãn thức. Sự họp mặt của ba thứ này là Xúc. Có 6 Xúc tất cả.
Chỉ có thần kinh thị giác, chỉ có cảnh sắc thì không đủ để cho mình biết mà cần phải có cái biết của con mắt. Lúc quí vị đang nằm ngủ, thì dù có mắt đó nhưng vì đang ngủ, không có tâm nhãn thức nên không có thấy được. Muốn thấy được phải có đủ ba thứ: thần kinh nhãn căn, cảnh sắc (visible object) và cái biết của mắt. Cả ba thứ này họp mặt lại mới gọi là xúc. Có tất cả 6 xúc: Nhãn xúc là thần kinh thị giác + cảnh sắc + cái biết của mắt. Nhĩ xúc là thần kinh thính giác + tiếng động âm thanh+ cái biết của tai. Tương tự, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc cũng như vậy.
*6 thọ: cảm thọ nào có được trong lúc ta thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy tư gọi là Thọ
*6 tưởng: Khái niệm (perception) nọ kia có được trong lúc ta thấy, nghe, ngửi… gọi là Tưởng.
Tại sao vừa nhìn cái đó mình biết đó là màu xanh, không phải màu đỏ, tại sao gọi nó là muỗng không phải là nĩa. Đó là tưởng. Bởi vì ngày xưa ông bà, cha mẹ, trường lớp, sách vở, báo chí, truyền thanh, truyền hình… đã dạy cho mình như vậy. (Nếu hôm nay ai là dân du lịch sẽ biết có một cái dụng cụ tên là spork (spoon + fork) đó là một loại muỗng có cái đầu giống như nĩa, hoặc có hai đầu một đầu là muỗng, một đầu là nĩa). Hoặc nghe thì biết đây là tiếng nói không phải tiếng ho; biết đây là tiếng Pháp, không phải là tiếng Nhật…v.v, đó là Tưởng, vì đó là sự hồi ức, là kinh nghiệm, là kiến thức, sự suy diễn của mình dựa trên cái biết đã có.
*6 tư (volition, investment)
Còn gọi là sự đầu tư. Ngay trong lúc thấy, nghe, mình đã đầu tư ý thức vào đó mà mình không biết. Khi thích cái gì đó thì đã có tâm tham dán vào trong cái cảnh đó. Cái dán đó gọi là cetana, invesment. Khi mình ghét cái gì đó thì mình cũng tìm lý do nào đó để ghét nó, cái đó thoáng qua đầu rất nhanh, tưởng đâu là không có gì. Ví dụ như đi trên đường nghe mùi gì đó mình hơi sốc một xíu, mình tưởng là bình thường chớ có gì đâu; thế nhưng với người học A-tỳ-đàm, khoảnh khắc nghe sốc đó không đơn giản, mà đó chính là lúc mình đang tạo nghiệp, đang tạo ý nghiệp bất thiện mà mình không hề biết. Đây là lý do vì sao Đức Phật dạy mình phải sống chánh niệm để hạn chế cái thương và cái ghét, thích và sợ, là chỗ đó. Cứ sơ sẩy là tạo nghiệp bất thiện mà mình không biết. Mỗi lần thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, là mình đang đầu tư nghiệp thiện ác mà mình không biết.
Sắc tư là đầu tư nghiệp thiện ác qua con mắt. Thinh tư là đầu tư ý thức thông qua cái mình nghe… Cứ vậy mà hiểu.
Sau khi học xong chương này chúng ta phải luôn luôn tâm niệm: Một khoảnh khắc, một giây phút mình sống tuy ngắn ngủi phù du nhưng không phải vô nghĩa, đơn điệu mà là giây phút mình tạo nghiệp ác nghiệp thiện. Đời sống là sự cộng ghép của vô số những giây phút thiện ác. Biết vậy mình sẽ sống trách nhiệm trong từng giây phút. Từng giây phút thiện ác này chính là Tưởng, là Tư, là Xúc, là Thọ, là Ái.
*6 Ái
Sắc ái là niềm đam mê có được từ khoảnh khắc mình thấy cái gì đó. Thinh ái là niềm đam mê có được từ việc mình nghe cái gì đó. Khí ái là niềm đam mê có được từ khi mình nghe cái mùi gì đó…
Lão Tử có câu này rất quan trọng: “Đừng coi thường những tư tưởng thoáng qua trong đầu, nó lặp lại vài lần nữa thì sẽ thành tư tưởng của ta. Tư tưởng hun đúc lâu ngày sẽ dẫn đến ngôn ngữ hay hành động. Từ hành động và lời nói sẽ dẫn đến những hậu quả hay kết quả.”. Mình cứ tưởng liếc cái bông, hoặc ra đường nhìn người ta quần là áo lụa thì đâu có gì sai. Thật ra mình rảnh lắm mới đi nhìn tầm bậy, đi nghe tầm bậy, suy nghĩ chuyện tầm bậy. Những gift-shop của Tàu, Tây thường bày bán bộ ba cái tượng Khỉ, có khi là ba chú tiểu, gọi là Tam Không. Tôi gặp ở Thụy Sĩ là ba con gấu. Một con khỉ che tai, một con khỉ che mắt, một con che miệng. Tam không là không nghe chuyện tầm bậy, không nói chuyện tầm bậy và không để mắt chuyện tầm bậy. Có lúc tôi gặp bộ Tứ không; một con khỉ lấy hai tay xếp lại để trước bụng. Tiếng Hán gọi là ‘thúc thủ’, nghĩa là ‘bó tay’. Che mắt nghĩa là cái gì bậy không nhìn, che tai là chuyện gì tầm bậy không thèm nghe, che miệng là cái gì tầm bậy không thèm nói, thúc thủ là chuyện gì tầm bậy không thèm làm. Voltaire có câu: “Khi không còn gì để nói thì người ta sẽ nói bậy. Không có gì để làm thì sẽ làm bậy. Không có gì để nghĩ thì sẽ nghĩ bậy”. Ông bà ta xưa có câu: Nhàn cư vi bất thiện – ở không thì sanh chuyện.
*6 giới
Toàn bộ vũ trụ chúng sinh chỉ được cấu tạo bằng 6 thứ giới này thôi, đó là 4 đại và thức.
Có nhiều cách phân tích thế giới. Có chỗ Đức Thế Tôn phân tích thế giới là năm uẩn, là danh sắc, là 12 xứ, là 18 giới. Có chỗ Ngài phân tích thế giới này thành 6 đó là: 4 đại, hư không và thức (tâm, ý). Hư không là ranh giới phải có để phân biệt các thứ vật chất, các không gian khác nhau. Bỏ 6 giới này ra thì thế giới không còn gì hết. Có người Đức Phật dạy không nên chấp trong năm uẩn, có người Ngài dạy không nên chấp trong 12 xứ, có người Ngài nói không nên chấp trong 6 căn, có người Ngài dạy không nên chấp trong 6 trần, có người Ngài dạy không nên chấp trong 6 thức, có người Ngài dạy đừng chấp trong 18 giới (6 căn, 6 cảnh, 6 thức). Có người Ngài nói gọn đừng chấp thủ trong 6 giới, bởi đối với họ như vậy là gọn và đủ, bởi số 6 này bao gồm con số 12, 18 kia. Sáu giới này là tên gọi khác của 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới.
Sáu giới gồm có: Đất, nước, lửa, gió, hư không và tâm thức. Sáu giới này làm nên toàn bộ thế giới vũ trụ. Tất cả chư Phật, thánh hiền, phàm phu, trùn, dế, Chư thiên, Phạm thiên, Ma Vương, Sa-môn, Bà-la-môn tất cả đều được cấu tạo bằng 6 giới này. Có điều, do duyên nghiệp khác nhau nên đất, nước, lửa, gió của mỗi người có cách hiển bày khác nhau. Cũng đất, nước, lửa, gió mà có người ngó vô thấy đẹp, có người ngó thấy xấu hoắc. Cái xấu này ở đâu ra? Là do 6 tưởng của chúng sinh mà ra. Do một nghiệp duyên nào đó trong quá khứ đẩy mình sanh vô một nơi nào đó mà văn hóa văn minh của người dân ở đó qui định như vậy là đẹp, như vậy là xấu. Ví dụ ở Miến Điện có một dân tộc con gái sinh ra là lấy những cái vòng bằng đồng đội cái cổ lên, đến khi trưởng thành thì cổ dài như cổ rắn lục, họ gọi đó là đẹp. Có bộ tộc nong cái môi họ ra. Có bộ tộc khoét lỗ mũi. Người da đen phải ăn mặc sặc sỡ mới đẹp. Những minh tinh ở Hollywood thì ăn mặc cầu kỳ nhiều kiểu nhiều chất liệu khác nhau. Do duyên nghiệp của chúng sinh mà người ta chấp thủ đây là đẹp, đây là xấu.
*Năm Uẩn
Ai thấy được năm uẩn là vô ngã vô thường và cái thấy đó không thay đổi bởi bất cứ một tác động nào từ ngoại lực thì cái thấy đó mới đủ thay đổi người ta từ phàm sang thánh, từ xấu sang tốt, cái thấy đó mới đủ để ngăn chặn dòng luân hồi. Vị thánh Tu-đà-hoàn thấy chắc chắn năm uẩn là vô thường thì cái thấy đó dù sông cạn đá mòn vẫn không thay đổi, cái thấy đó mới đủ để ngăn dòng luân hồi. Vị đó tái sanh nhiều lắm là bảy kiếp nữa trong cõi Dục giới mà thôi, và từ đó ra đi vĩnh viễn không về. Cái thấy của vị Tu-đà-hoàn không vì lý do nào mà bị biến đổi như là cái thấy của phàm phu.
Học đạo là để mình vun bồi trí huệ, phước duyên. Ngày nào chưa thành thánh thì đừng tin vào cái sở kiến, cái nhận thức của mình cho rằng đó là đời đời bất diệt. Trong cuộc đời luôn luôn thay đổi này, không có cái gì bậy cho bằng, mình là một phàm phu mà lại thấy một quan điểm nào đó là vĩnh viễn thiên thu tuyệt đối đúng. Bao nhiêu giọt máu, giọt nước mắt của nhân loại đã đổ ra trên hành tinh này suốt mấy ngàn năm cũng vì đường lối quái gở đó, cho rằng mọi người phải đi theo đường lối chính trị này, đường lối văn hóa này, hệ thống mô hình xã hội như thế này trong khi đó mọi thứ luôn luôn thay đổi và chúng sinh thì mỗi người một duyên nghiệp khác nhau. Dồn nén người ta vào ống, đổ khuôn người ta, thì không cách chi bậy cho bằng.
Buổi giảng hôm nay tới đây cũng vừa phải lẽ. Đúng một tiếng rưỡi đồng hồ. Bữa nay chúng ta học đúng giờ và đúng nguyên vẹn một chương kinh Hẹn lại quí vị ngày mai. “Tin vui trong giờ tuyệt vọng” là kinh ngày mai trùng nữa. Chúc quí vị một ngày vui, một đêm vui. Xin cúng dường công đức này tới Sư trưởng mong sư trưởng vạn sự cát tường, sở cầu như nguyện, tật bệnh tiêu trừ.
______________________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma-sambuddhassa !
Trả lờiXóaNamo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa!
Xóa