Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 13 - Tương Ưng Thiền

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 13 - Tương Ưng Thiền

PHẦN CHÁNH KINH

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[34] Chương XIII: Tương Ưng Thiền

I. Thiền Ðịnh Thiền Chứng (Tạp 31, Ðại 2,222c) (S,iii,263)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người tu Thiền này. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị tu Thiền, thiện xảo về Thiền định trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định.
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị tu Thiền, thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về Thiền định trong Thiền định.
6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị tu Thiền, không thiện xảo về Thiền định trong Thiền định, cũng không thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định.
7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị tu Thiền, thiện xảo về Thiền định trong Thiền định, cũng thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định.
8) Tại đây, này các Tỷ-kheo, có vị tu Thiền, thiện xảo về Thiền định trong Thiền định, và cũng thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định. Trong bốn vị tu Thiền ấy, vị này là vị tối tôn, tối thắng, là vị thượng thủ, tối thượng, tối diệu.
9) Ví như, này các Tỷ-kheo, từ bò cái, được sữa; từ sữa được lạc; từ lạc được sanh tô; từ sanh tô được thục tô; từ thục tô được đề hồ. Ðề hồ này được gọi là tối tôn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị tu Thiền thiện xảo về Thiền định trong Thiền định và cũng thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định. Trong bốn vị tu Thiền ấy, vị này là vị tối tôn, tối thắng, là vị thượng thủ, tối thượng, tối diệu.

II. Chỉ Trú (S.iii,264)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Ở đây, này các Tỷ-kheo, có bốn vị tu Thiền này. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị tu Thiền, thiện xảo về Thiền định trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định.
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị tu Thiền, thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về Thiền định trong Thiền định.
6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị tu Thiền, không thiện xảo về Thiền định trong Thiền định, cũng không thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định.
7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị tu Thiền, thiện xảo về Thiền định trong Thiền định, và cũng thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định.
8) Tại đây, này các Tỷ-kheo, vị tu Thiền, thiện xảo về Thiền định trong Thiền định, cũng thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định. Trong bốn vị tu Thiền ấy, vị này là vị tối tôn, tối thắng, là vị thượng thủ, tối thượng, tối diệu.
9) Ví như, này các Tỷ-kheo, từ bò cái nên có sữa; từ sữa có lạc; từ lạc có sanh tô; từ sanh tô có thục tô; từ thục tô có đề hồ. Ðề hồ được gọi là tối tôn.
10) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị tu Thiền thiện xảo về Thiền định trong Thiền định, cũng thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định. Trong bốn vị tu Thiền ấy, vị này là vị tối tôn, tối thắng, là vị thượng thủ, tối thượng, tối diệu.

III. Xuất Khởi (Vutthàna)
(Như kinh trên, chỉ đổi "thiện xảo về xuất khởi" cho "thiện xảo về chỉ trú ").

IV. Thuần Thục (Kallavà)
(Như kinh trên, chỉ đổi "thiện xảo về thuần thục" cho "thiện xảo về xuất khởi").

V. Sở Duyên (Arammana)
(Như kinh trên, chỉ đổi "thiện xảo về sở duyên").

VI. Hành Cảnh (Gocara)
(Như kinh trên, chỉ đổi "thiện xảo về hành cảnh").

VII. Sở Nguyện (Abhinnara)
(Như kinh trên, chỉ đổi "thiện xảo về sở nguyện").

VIII. Thận Trọng (Sakkaccakàrii)
(Như kinh trên, chỉ đổi "thiện xảo về thận trọng").

IX. Kiên Trì (Sàtacca)
(Như kinh trên, chỉ đổi "thiện xảo về kiên trì").

X. Thích ứng (Sappàyam)
(Như kinh trên, chỉ đổi "thiện xảo về thích ứng").

XI. Chỉ Trú Trong Thiền Chứng (S.iii,269)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Có bốn hạng tu Thiền này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định.
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định.
6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, không thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định, cũng không thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định.
7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định, và cũng thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định.
8) Tại đây, này các Tỷ-kheo, người tu Thiền thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định và cũng thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định. Trong bốn vị tu Thiền ấy, vị tu Thiền này là tối tôn, tối thắng, là bậc thượng thủ, tối thượng, tối diệu.

XII. Xuất Khởi Từ Thiền Chứng
(Như kinh trên, chỉ thế "thiện xảo về xuất khởi" thay cho "thiện xảo về chỉ trú").

XIII. Thuần Thục Trong Thiền Chứng
(Như kinh trên, chỉ thế vào "thiện xảo về thuần thục").

XIV. Sở Duyên Trong Thiền Chứng
(Như kinh trên, chỉ thế vào "thiện xảo về sở duyên").

XV. Hành Cảnh Trong Thiền Chứng
(Như kinh trên, chỉ thế vào "thiện xảo về hành cảnh").

XVI. Sở Nguyện Trong Thiền Chứng
(Như kinh trên, chỉ thế vào "thiện xảo về sở nguyện").

XVII. Thận Trọng Trong Thiền Chứng
(Như kinh trên, chỉ thế vào "thiện xảo về thận trọng").

XVIII. Kiên Trì Trong Thiền Chứng
(Như kinh trên, chỉ thế vào "thiện xảo về kiên trì").

XIX. Thích ứng Trong Thiền Chứng
(Như kinh trên, chỉ thế vào "thiện xảo về thích ứng").

XX. Chỉ Trú - Xuất Khởi ( S.iii,272)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Có bốn hạng tu Thiền này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về xuất khởi trong Thiền định.
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về xuất khởi trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định.
6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, không thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định, cũng không thiện xảo về xuất khởi trong Thiền định.
7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định, và cũng thiện xảo về xuất khởi trong Thiền định.
8-9) Tại đây, này các Tỷ-kheo, vị tu Thiền thiện xảo về chỉ trú trong Thiền định và cũng thiện xảo về xuất khởi trong Thiền định. Trong bốn vị tu Thiền ấy, vị tu Thiền này là tối tôn, tối thắng, là bậc thượng thủ, bậc tối thượng, tối diệu.

XXI - XXVII. Thuần Thục Cho Ðến Thích ứng
(Như kinh trên, chỉ thế vào "thuần thục, sở duyên, hành cảnh, sở nguyện, thận trọng, kiên trì, thích ứng trong chỉ trú").

XXVIII. Xuất Khởi - Thuần Thục (S.iii,272)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Có bốn hạng người tu Thiền này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về xuất khởi trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về thuần thục trong Thiền định.
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về thuần thục trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về xuất khởi trong Thiền định.
6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, không thiện xảo về xuất khởi trong Thiền định, cũng không thiện xảo về thuần thục trong Thiền định.
7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền thiện xảo về xuất khởi trong Thiền định, và cũng thiện xảo về thuần thục trong Thiền định.
8-9) Tại đây, vị tu Thiền thiện xảo về xuất khởi trong Thiền định và cũng thiện xảo về thuần thục trong Thiền định. Trong bốn vị tu Thiền ấy, vị này là tối tôn, tối thắng, là bậc thượng thủ, tối thượng và tối diệu.

XXIX - XXXIV. Sở Duyên - Thích ứng
(Như kinh trên, chỉ thế vào "sở duyên" ... cho đến "thích ứng").

XXXV. Thuần Thục - Sở Duyên
1-4) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Có bốn hạng người tu Thiền này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về thuần thục trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về sở duyên trong Thiền định.
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về sở duyên trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về thuần thục trong Thiền định.
6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, không thiện xảo về thuần thục trong Thiền định, cũng không thiện xảo về sở duyên trong Thiền định.
7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về thuần thục trong Thiền định, và cũng thiện xảo về sở duyên trong Thiền định.
8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị tu Thiền thiện xảo về thuần thục trong Thiền định và cũng thiện xảo về sở duyên trong Thiền định. Trong bốn vị tu Thiền ấy, vị tu Thiền này là tối tôn, tối thắng, là bậc thượng thủ, là vị tối thượng, tối diệu.

XXXVI - XL. Thuần Thục (S.iii,275)
(Vị ấy thiện xảo về thuần thục trong Thiền định, nhưng (a) không thiện xảo về hành cảnh... (b) không thiện xảo về sở nguyện, (c) không thiện xảo về thận trọng, (d) không thiện xảo về kiên trì, (e) không thiện xảo về thích ứng).

XLI. Sở Duyên - Hành Cảnh
1-7) Nhân duyên ở Sàvatthi...
... thiện xảo về sở duyên trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về hành cảnh trong Thiền định.
... thiện xảo về hành cảnh trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về sở duyên trong Thiền định.
... không thiện xảo về sở duyên trong Thiền định, cũng không thiện xảo về hành cảnh trong Thiền định.
... thiện xảo về sở duyên trong Thiền định, cũng thiện xảo về hành cảnh trong Thiền định.

XL.II-XL.V. Sở Duyên
... vị ấy thiện xảo về sở duyên trong Thiền định, nhưng (a) không thiện xảo về sở nguyện, (b) không thiện xảo về thận trọng, (c) không thiện xảo về kiên trì, (d) không thiện xảo về thích ứng.

XL.VI. Hành Cảnh - Sở Nguyện
... thiện xảo về hành cảnh trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về sở nguyện trong Thiền định.. .. thiện xảo về sở nguyện trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về hành cảnh trong Thiền định.. .. không thiện xảo về hành cảnh trong Thiền định, và cũng không thiện xảo về sở nguyện trong Thiền định.
... thiện xảo về hành cảnh trong Thiền định và cũng thiện xảo về sở nguyện trong Thiền định.

XLVII-XLIX. Hành Cảnh
... thiện xảo về hành cảnh trong Thiền định, nhưng (a) không thiện xảo về thận trọng trong Thiền định, (b) không thiện xảo về kiên trì trong Thiền định, (c) không thiện xảo về thích ứng trong Thiền định.

L. Sỏ Nguyện - Thận Trọng
1-7) Nhân duyên ở Sàvatthi...
... thiện xảo về sở nguyện trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về thận trọng trong Thiền định.
... thiện xảo về thận trọng trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về sở nguyện trong Thiền định.
... không thiện xảo về sở nguyện trong Thiền định, và cũng không thiện xảo về thận trọng trong Thiền định.
... thiện xảo về sở nguyện trong Thiền định và cũng thiện xảo về thận trong trong Thiền định.

LI-LII. Sở Nguyện Và Kiên Trì
... thiện xảo về sở nguyện trong Thiền định, nhưng (a) không thiện xảo về kiên trì, và (b) không thiện xảo về thích ứng.

LIII. Thận Trọng Và Kiên Trì
... thiện xảo về thận trọng trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về kiên trì trong Thiền định.. .. thiện xảo về kiên trì trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về thận trọng trong Thiền định.
... không thiện xảo về thận trọng trong Thiền định, và cũng thiện xảo về kiên trì trong Thiền định.
... thiện xảo về thận trọng trong Thiền định và cũng thiện xảo về kiên trì trong Thiền định.

LIV. Kiên Trì Và Thích ứng (S.iii,277)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người tu Thiền này. Thế nào là bốn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về kiên trì trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về thích ứng trong Thiền định.
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về thích ứng trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về kiên trì trong Thiền định.
6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, không thiện xảo về kiên trì trong Thiền định và cũng không thiện xảo về thích ứng trong Thiền định.
7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu Thiền, thiện xảo về kiên trì trong Thiền định, và cũng thiện xảo về thích ứng trong Thiền định.
8) Tại đây, này các Tỷ-kheo, người tu Thiền thiện xảo về kiên trì trong Thiền định và cũng thiện xảo về thích ứng trong Thiền định. Trong bốn vị tu Thiền ấy, người tu Thiền này là tối tôn, tối thắng, là bậc thượng thủ, là tối thượng và tối diệu.
9) Ví như, này các Tỷ-kheo, từ bò cái, có được sữa; từ sữa có lạc; từ lạc có sanh tô; từ sanh tô có thục tô; từ thục tô có đề hồ. Và đề hồ được xem là tối tôn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị tu Thiền này đối với bốn vị tu Thiền ấy, vị này là tối tôn, tối thắng, là bậc thượng thủ, là tối thượng, và tối diệu.
10) Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

(Như vậy có 55 câu trả lời vắn tắt cần phải giải thích cho rộng)

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 13: Tương Ưng Thiền

Chương tiếp theo, tôi báo trước tin vừa buồn vừa vui. Tin vui là chương này mình học qua rất nhanh bởi vì quí vị Phật tử không thật sự có nhu cầu với nội dung của chương này. Chương này nói chuyện rất xa xôi. Đức Phật dạy cho chư tỳ kheo trong giới nhà nghề, những tay thiền định. Cư sĩ nghe chương này khó.

Chương Tương Ưng Thiền có nội dung như sau: Có người nhàm chán nhục dục, đủ duyên chứng thiền, nhưng không am tường những vấn đề liên quan trong thiền. “4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị tu Thiền, thiện xảo về Thiền định trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định.”

Bồ tát Tất Đạt, năm bảy tuổi, Ngài ngồi dưới gốc cây, nhìn chung quanh, nhìn những người đi lễ, nam nữ tìm nhau, con nít chạy lăng xăng, các cụ già xúm lại nói chuyện trên trời dưới đất; Ngài thấy những điều đó tẻ nhạt vô vị quá. Ngài nghĩ, tại sao phải chú ý đến người ta, sao mình không sống một mình cho an lạc. Đó là thói quen của hai mươi A-tăng-kỳ và là kiếp chót của một vị Chánh Đẳng Chánh Giác nên khả năng sống tự lập của Ngài rất cao. Ngài để ý đến hơi thở. Trong vòng ba nốt nhạc Ngài đắc Sơ thiền. Lúc đó mới bảy tuổi, Ngài chẳng biết Sơ thiền là gì, nhưng rất an lạc. Đó là buổi lễ hạ điền. Mỗi năm vua Tịnh Phạn lại xuống ruộng làm một động tác cầm cày đi theo con bò – một nghi thức kiểu như khai mạc vụ mùa mới. Mọi người lo làm lễ, trong thời gian vài giờ đồng hồ đó, Bồ tát rất an lạc, Ngài hoàn toàn không biết gì chung quanh, chỉ ngồi theo dõi hơi thở. 

Ngài an trú trong hơi thở đó bằng trình độ định tâm của một bậc Sơ thiền. Ngài không biết đó là gì, sau đó về lại cung và trở lại đời sống của một hoàng tử. Chuyện thiền định đó chìm vào quên lãng. Hai mươi tám năm sau, lúc ngồi dưới gốc bồ đề, sau khi đã trải qua nhiều kinh nghiệm tu hành từ các sư phụ, Ngài nhớ lại và nghĩ, tại sao hồi nhỏ mình không biết cái gì là ngũ dục, hưởng thụ, tu hành, giải thoát mà lại có thể được cảm giác thanh tịnh lắng yên đó. Ngài nhớ ra mình đã theo dõi hơi thở. Chỉ có vậy.

Những điều tôi sắp nói đây, bà con có quyền không tin, nếu nghĩ tôi tuyên truyền mê tín dị đoan tôi đành chịu. Tôi đang giảng kinh. Trong kinh nói có nhiều vị đắc Sơ thiền hoài mà loay hoay không biết làm sao để lên Nhị thiền. Có nhiều vị đắc Sơ thiền xong tự nhiên có một ngày mới đắc xong, nghĩ liền, Sơ thiền còn thô. Khi có lòng nhàm chán như vậy, vị đó đắc Nhị thiền. Đắc Nhị thiền xong thấy còn thô, thế là đắc Tam thiền. Có người đắc Sơ thiền rồi đắc một lèo lên tới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng không gián đoạn. Đắc Sơ, Nhị, Tam, Tứ, Thiền xong, loay hoay không biết làm sao có thần thông. Có vị có thần thông nhưng chỉ một hai thông chớ không đủ ngũ thông; có khả năng thiên nhãn, thấy chư thiên nhưng không biết họ nói gì. Hoặc có vị đắc thiên nhãn, thiên nhĩ nhưng không có khả năng trau dồi tha tâm thông, mặc dù trên nguyên tắc có tha tâm thông thì phải có thiên nhãn. Có vị có tha tâm thông, thiên nhãn, thiên nhĩ thấy nghe ngàn dặm nhưng không có biến hóa thông. 

Trong kinh nói ngài Xá Lợi Phất được xem là Đệ nhất trí tuệ là vì một vấn đề ngài có thể hiểu ngàn cách. Khi nghe qua một vấn đề ngài có thể hiểu đến ngàn phương diện. Ngài Mục Kiền Liên được xem là Đệ nhất thần thông vì trong một nháy mắt ngài có thể biến hiện ngàn cách. Theo A-tỳ-đàm, hóa hiện thần thông là như sau (nói ra thì hơi dài dòng nhưng diễn biến rất nhanh): Muốn đi trên mặt nước, vị đó trước đây đã từng tu tập đề mục đất. 

Tu tập đề mục đất là lấy một miếng đất có đường kính một gang cộng với 2 (có kinh nói là 4) ngón tay nằm khít nhau. Vẽ một vòng tròn đường kính tương tự trên mặt đất. Tại sao phải vẽ vòng tròn? Để dễ tập trung. Niệm: đất, đất, đất, đất… niệm đến một lúc “kiếm tức là tâm, tâm tức là kiếm”, “nhân kiếm hợp nhất”, đạt tới trình độ của Trương Vô Kỵ trong lần Trương Tam Phong dạy cho đi đấu với Lục đại môn phái. Lúc bấy giờ đề mục đó đi vào tâm cảm của hành giả. Hành giả nhắm mắt rồi vẫn thấy miếng đất đó hiện rõ rành rành trước mặt, và miếng đất đó từ từ chuyển màu sáng, giống như một cái đĩa, một cái mâm bằng vàng. Có người thấy giống như mặt trời hoặc mặt trăng sáng vằng vặc. Hành giả cứ tiếp tục niệm: đất, đất, đất, đất…tiếp tục cho đến lúc đắc thiền. Hành giả có thể dùng tâm lực của mình nhìn mặt nước mà thấy nó là đất và hoàn toàn có thể đi được trên đó.

Bà con có thể không tin nên tôi ví dụ thế này. Những người làm xiếc, khi luyện tập đi trên dây lâu ngày, chỉ cần tâm họ nói thế này: Đi được mà! Thế là họ đi được.

Ngài Nāgasena khi được vua Milinda hỏi:

– Trẫm không tin chuyện tấm thân nặng nề này có thể bay được. Trẫm nghe nói vị có thần thông có thể bay được, xê dịch tấm thân này trong vòng nháy mắt từ điểm A qua điểm B cách nhau vạn dặm. Xin ngài hoan hỉ giải thích. Tu là tu tâm. Tâm là cái vô hình vô sắc vô tướng. Tự nhiên tu tâm mà làm sao có thể điều khiển cái thân này như vậy?

Ngài Nagasena trả lời: Từ bé đến giờ có bao giờ thân thể đại vương lơ lửng trên mặt đất không?

Vua trả lời: Có. Lúc trẫm nhảy lên.

Ngài Nagasena hỏi: Vì sao lơ lửng được.

Vua đáp: Do trẫm muốn!

Ngài Nagasena: Cũng vậy, người đắc thiền họ cũng muốn. Tâm họ mạnh nên cái muốn cũng rất mạnh và kéo dài thời gian lơ lửng

Tâm mạnh là như thế nào? Ở đây có ai biết đập thủy điện không? Cũng cái hồ, con suối đó, khi người ta chặn lại và cho nước thoát đi bằng một đường nào đó thì dòng nước trở nên rất mạnh. Cũng vậy, khi mình đặt miếng giấy bên trên một ngọn nến với khoảng cách chừng một tấc, tờ giấy chỉ nóng. Nhưng nếu vẫn ngọn nến đó, vẫn tờ giấy và khoảng cách đó, mà ngọn nến được chụp lên bằng một bóng đèn thì sức nóng hội tụ bên trên đủ đốt cháy tờ giấy. Kính lúp cũng hoạt động như vậy, khi gom ánh sáng vào một điểm nhỏ là có thể đốt cháy. Cũng vậy, suốt một ngày, cứ mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi mùi, mình giống như con khỉ lăng xăng hết nhánh cây này tới cây kia, sức mạnh không tập trung được. Người có khả năng tập trung tư tưởng, có thể giải được bài toán khó. Thông minh là một phần, phần lớn là khả năng định tâm của họ rất cao, lúc đó không có gì chen vào được, chen vào thì trí không làm việc được.

Một người tu đề mục đất, đến một lúc đắc thiền, muốn băng qua một dòng sông hay đứng lơ lửng trên hư không họ chỉ cần chú nguyện: Đó là đất! Thì đó sẽ là đất. Họ nhập thiền cơ. Xuất khỏi Ngũ thiền. Họ chú nguyện “Thành đất đi!”. Thì chỗ đó trở thành đất. Đất đó là đất cho họ thôi chớ không cho người khác, trừ khi họ có lời chú nguyện thứ hai: “Mọi người cùng đi như tôi!”, thì mọi người cùng đi được.

Ở đây, giảng thì phải giảng vậy thôi chớ bà con không tin thì tôi chịu. Trong kinh nói sau khi Đức Thế Tôn niết bàn rồi, có một nhóm tỳ kheo ở bên Tích Lan, bữa đó các vị nói với nhau như thế này: “Đi bát ở đây sao có cái xóm nhỏ xíu xơ xác mà ngày nào chúng ta cũng kéo nhau đi như vầy. Họ càng nghèo, mình càng khổ, bữa đói bữa no, giá như đi đâu xa xa chút cũng đỡ.” Trong nhóm có một vị có thần thông. Vị này nói: Thôi mình đi chỗ khác, bữa nay tôi đưa các vị qua Ấn Độ đi bát, chỗ này PG còn mạnh, Phật tử đông. Vị này nói xong thì những vị kia hỏi: Làm sao chúng tôi đi được. Vị này đáp: Cứ đi bình thường, mọi khi đi sao thì hôm nay cũng đi vậy. Họ vừa quẹo qua thì thấy thành phố, Phật tử đông đúc ra để bát. Những vị này đi vào khu vườn thật đẹp ngồi ăn và ngạc nhiên là vì chưa từng thấy bao giờ. Họ hỏi: Thưa sư huynh, có phải chúng ta đã đi qua Ấn Độ? Vị có thần thông đáp: Đúng rồi, vũng nước mà khi nãy các đệ đi ngang, đó là biển đó. Tôi đã chú nguyện cho mọi sự trở nên đơn giản như vậy.

Đây là một trong nhiều cách hóa hiện. Cách phổ biến nhất ở trong kinh là biến mất ở điểm A và xuất hiện ở điểm B. Một cách nữa đó là rút đường. Rút ngắn đoạn đường làm cho nhỏ lại bằng thần thông. Với một vị thiện xảo (skillful), họ có thể làm được, nhưng vị không thiện xảo thì không có khả năng làm chuyện này. Có vị đắc thiền có thể ngồi nhập định suốt mấy ngày trời, không đau nhức, không ăn uống tiêu tiểu nhưng thực hiện thần thông thì không được; giống như hai người cùng lực lưỡng cơ bắp như nhau nhưng một người là con nhà võ thì có thể thi triển công phu, còn một người thì chỉ có thể biết vác gạo vác lúa thôi.

Nguyên chương này, Đức Thế Tôn dạy rằng: Có những vị đắc thiền. Muốn đắc thiền phải ly dục. Không còn tiếp tục thích sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, sự êm ái nữa. Nhàm chán năm dục thì khi tu thiền mới có thành tựu thần thông và thiền định.

Khi xem kinh, cần đánh một vòng rộng bên ngoài để có một khái niệm. Ở đây Đức Thế Tôn nói về thiền, thì mình phải hiểu thiền ở đâu mà có. Có những chúng sinh trong đời này do có huệ căn nhiều đời, sanh ra tự nhiên nhìn thấy quần là áo lụa, ăn uống, nhà cửa xe cộ đều là phù phiếm rồi chán. Từ cái chán này họ mới ly dục. Từ ly dục họ mới tu tập thiền định. Một người tu hành nhiều đời, không ai dạy, tự nhiên nhìn màu xanh của lá, họ đắc thiền. Nhìn màu trắng của mây trời, họ đắc thiền. Nhìn một phiến đá rêu phong, họ đắc thiền. Nhìn một giọt nước rơi xuống, họ đắc thiền.

Tu đề mục nước là nhìn nước mà niệm. Niệm lâu ngày, nước với mình là một. Vị đó đứng trên mặt đất mà có thể độn thổ được vì đối với vị đó mặt đất lúc bấy giờ đã trở thành mặt nước. Có thể lặn xuống được. Người tu đề mục nước có thể làm ra mưa, ra mây được. Có thể xuyên qua tường, qua đất, vì vị đó chỉ cần nghĩ “đây là nước” thì nó là nước.

Tu đề mục hư không là vị đó niệm: “đây là khoảng trống, đây là khoảng trống, đây là khoảng trống…”. Đến một lúc nào đó khi đắc thiền, tất cả những rào cản, vật cản, chướng ngại đối với vị đó không thành vấn đề dù đó là một bức tường, tảng đá hay gốc cây. Vị đó có thể đi xuyên qua được vì “kiếm và người đã hợp nhất”, thành một. Chỉ cần niệm “đây là hư không”, “đây là khoảng trống” thì tảng đá, gốc cây, bức tường trở thành khoảng trống cho vị đó đi.

Tu đề mục lửa là để một ngọn lửa rồi niệm hoài, đến một lúc nào đó vị đó với lửa là một. Khi nào cần thì vị đó có thể hóa hiện ra lửa. Thời Đức Phật có một vị tỳ kheo đi trai tăng ở nhà Phật tử về. Trên đường đi, gia chủ theo sau. Trời quá nóng, đang đi gia chủ nói: Trời như thế này mà có mưa xuống hay biết bao nhiêu. Vị tỳ kheo nói: Không có khó đâu, mưa liền bây giờ. Ngài vừa nói xong là có một đám mưa nhỏ xíu đổ xuống đủ cho đoàn người mát. Gia chủ thấy thích quá, xin được coi thêm. Vị tỳ kheo nói, đợi lát nữa về chùa. Khi về chùa, vị tỳ kheo đưa lá y của mình bảo gia chủ trải trên sân trước phòng rồi lấy cỏ khô chất lên lá y, rồi ngài vô phòng đóng cửa lại. Tự trong phòng có tia lửa xuyên qua lỗ khóa đốt rụi đám cỏ khô mà lá y không suy xuyển mảy may. Ngài mở cửa ra. Gia chủ thích quá, quỳ xuống chân ngài: Lần đầu tiên con mới thấy thần thông, ngài là sư phụ của con, ngài muốn cái gì con cũng cúng dường cho ngài hết. Ngài đáp: Tốt lắm. Xin cảm ơn tấm lòng của ông. Ta làm như vậy vì muốn ông có thêm niềm tin vào Phật pháp, và đây là lần cuối cùng ông gặp mặt ta. Từ đó gia chủ không bao giờ còn cơ hội nhìn thấy ngài nữa, ngài không bao giờ trở lại miền đất đó nữa. Trong kinh không nói vị đó là thánh hay phàm, nhưng câu chuyện đó quá đẹp. Vị tỳ kheo đến với đời thuyết pháp, hành thiền, làm gương cho cư sĩ, nhưng không có lòng mong chờ báo đáp. Như con ong đến với nụ hoa hút mật rồi bay đi không làm tổn hại đến hoa. Như vầng trăng đến rồi lại đi. Như cánh hạc bay, không một sự nắm níu.

“4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị tu Thiền, thiện xảo về Thiền định trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định.”

“thiện xảo về Thiền định” nghĩa là muốn đắc gì thì đắc, biết tầng một, tầng hai, tầng ba. “không thiện xảo về Thiền chứng” nghĩa là đắc thiền thì được nhưng không có khả năng nhập định. Thiện xảo trong việc đắc thiền nhưng không có thiện xảo trong các chi thiền.

Bữa nay bà con ngủ đã luôn. Bà con nào mất ngủ đừng uống thuốc ngủ, riết lờn thuốc không tốt. Cứ nghe lại băng giảng bữa nay là ngủ đã luôn. Tôi giảng cho bà con mà đã buồn ngủ dữ lắm rồi đó. Ráng gồng mà giảng chớ còn nản ghê lắm, mình đang giảng một cái nó không thuộc về mình. Hai nữa là giảng cho cái đám mà biết ly dục nó làm không nổi thì đắc nỗi gì.

Muốn đắc sơ thiền có hai việc phải làm: (1) Từ bỏ năm triền cái. (2) Có được năm chi thiền.

Từ bỏ năm triền cái là không tham dục, sân hận, trạo hối, hôn thụy, hoài nghi. Trạo hối (katamakatam): nhớ chuyện xưa cũ chuyện đã làm và chưa làm (done, undone).

Khi mẹ tôi mất, khi ngài Hộ Giác tịch, khi tôi nghe một người quen nào đó vừa qua đời, nếu là người tôi thương tôi quí, chuyện đầu tiên là tôi nghĩ đến những chuyện mà tôi đã làm cho người ấy buồn và tôi nghĩ đến chuyện lẽ ra tôi làm mà tôi không chịu làm. Trong kinh, Đức Phật nói hối hận là nghĩ về chuyện mình đã làm và mình không chịu làm. Vị muốn đắc thiền thì tạm thời phải gác ngang hết. Trong kinh kể, có vị tỳ kheo chỉ phạm một giới nhỏ xíu: vì bị đuối trên sông sợ nước cuốn nên tình cờ bứt nắm cỏ. Chuyện không đáng mà lúc lâm chung lại nhớ. 

Phật pháp là cái mền giúp ta ấm, không phải làm ta ngạt. Phật pháp là để cho mình hành trì, và được an lạc. Ví dụ, tại sao không ăn chiều? Bởi vì:

– Lượng sinh tố để sống chỉ cần một bữa ăn là đủ.

– Ăn nhiều hơn mức cần chỉ có hại.

– Ăn chiều mất thời gian tu học.

– Thêm một bữa ăn thêm nhu cầu kiếm tìm, bảo quản.

– Giảm bớt tâm tham.

Tất cả các giới đều có lý do. Tại sao không nhổ cây nhổ cỏ? Nếu là người cầu đạo giải thoát thì có lý do gì mà bày ra chuyện đốn cây nhổ cỏ. Chuyện quán giới (xem giới có trầy xước hay không), tu thiền Chỉ, thiền Quán, học hỏi Tam tạng, Phật ngôn kinh điển đã hết thì giờ rồi. Một vị tỳ kheo nguyên thủy đúng luật, vốn không có tài sản, rày đây mai đó, không nhà riêng tư hữu thì chuyện đốn cây nhổ cỏ là không cần thiết. Chỗ ở chỉ là một gốc cây, một nền đất nho nhỏ, nếu có cư sĩ thương làm giúp, còn không thì vị tỳ kheo thà bỏ đi chỗ khác. Nếu vị tỳ kheo có quyền đốn cây nhổ cỏ thì vị đó có quyền canh tác, từ đó sinh ra ngàn lẻ một rắc rối. Đức Phật đã thấy rõ điều này, Ngài chặn từ lúc còn là một đốm lửa để tránh nạn cháy rừng. 

Ngài không cho giữ vàng bạc vì Ngài biết chỉ cần cho tỳ kheo giữ tiền thì sẽ nảy ra một tỷ thứ rắc rối. Đời sống ngày xưa thì không có nhu cầu xài tiền, còn thời nay thì kẹt phải dùng mà thôi. Nếu đúng là thật lòng cầu đạo giải thoát thì cái nhu cầu tiền bạc của một bậc chân tu không đủ để phải tà mạng, bán trời không văn tự để nhằm kiếm được tiền. Vì vậy, chuyện ăn chiều, lỡ trễ mười lăm hai mươi phút, thì thôi ăn đại đi, cứ khư khư, để đến chiều đói lả, học không được, thiền không được, cười cũng không xong. Thân người khó được, không chịu giữ sức khỏe để tu tập, cứ câu chấp rồi đói không tu tập được. Giới luật nói riêng và Phật pháp nói chung là cái mền đắp cho ấm chớ không phải trùm cho ta ngộp.

Vị đó muốn đắc thiền thì phải không còn tham dục, không sân hận, không trạo hối, không hôn thụy, và không hoài nghi, hoang mang. Chuyện gì không đáng thì bỏ qua. Còn nếu nghi ngờ thì phải đi kiếm thầy để xác định chớ không tu trong niềm hoang mang nghi hoặc.

Năm chi thiền:

Tầm là sự hướng tâm đến cảnh, Tứ là sự quan sát. Tầm giống như con ong từ xa bay tới cái bông. Tứ là động tác bay vòng vòng đảo quanh cái bông. Hỷ là niềm vui của người không còn năm triền. Hỷ còn thô thiển vì có biểu hiện, còn Lạc thì không. Có loại hỷ khiến cho hành giả có cảm giác giống như sóng biển đang đánh vào người, hoặc bay bổng, hoặc toàn thân được tưới mát. Lạc là hỷ ở mức vi tế hơn. Định là khả năng tập trung tư tưởng.

Muốn đắc tầng cao hơn thì phải chán tầng dưới. Thấy còn nhiều chi thiền còn phiền quá. Giống như ngày xưa mình đi đâu thì cũng có dây nhợ lòng thòng. Cái CPU của desktop ngày xưa nặng năm bảy ký lô. Rồi từ từ lên laptop, rồi đến ipad. Dần dần càng nhẹ càng mỏng và chức năng thì nhiều hơn.

“kammaniya”: đa dụng, tiện dụng (useful). Nghĩa cũng giống như ‘kusala’ (khéo).

Tâm Sơ thiền cần đến năm chi thiền, nặng quá, dây nhợ tùm lum (cord nhiều quá, không bằng cordless, wire nhiều quá không bằng wireless). Với người đại duyên thì mỗi chi thiền là một sợi dây điện, một gánh nặng, một rắc rối. Từ chỗ nhàm chán rắc rối của sơ thiền, họ chứng nhị thiền, và cứ vậy mà hiểu.

Muốn đắc Sơ thiền thì phải thấy năm Triền là rắc rối. Nhị thiền bỏ hẳn tầm tứ. Tam thiền bỏ hỷ. Tứ thiền bỏ luôn  lạc, chỉ còn định và và lạc khổ lúc này đổi lại thành Xả.

Tham dục và sân hận (tức thích và ghét) vốn là một cặp. Bên thiền Quán (Vipassanā), vị Nhị quả giảm nhẹ dục ái và sân, vị Tam quả dứt hẳn dục ái và sân. Bên thiền Chỉ, Tứ thiền chấm dứt khổ, lạc. Khổ và lạc là một cặp đối xứng. Dù khổ không phải là chi thiền, nhưng với người không còn lạc nữa thì khổ cũng biến mất. Khi nào không còn đam mê nữa thì không còn bất mãn nữa. Khi nào suffer đối với anh là zero thì happiness với anh cũng là zero. Từ đó thánh hiền nhìn đời chán phèo. Vị đó không còn khổ nữa thì không còn vui nữa, không còn lạc nữa thì cũng không còn khổ nữa. 

Ai đọc trong Luận Tỳ Bà Sa sẽ thấy có cặp chị em ruột. Cô chị tên là Sri nghĩa là Cát Tường, cô em là Kalakanni nghĩa là Hắc Nhĩ (kẻ hãm tài). Sri đi đâu cũng đem lại may mắn, còn Kalakanni đi tới đâu thì không thiên tai nhân họa thì người ta cũng gặp chuyện xui tận mạng. Người ta mến cô chị bao nhiêu thì sợ cô em bấy nhiêu. Khi mời, họ chỉ muốn mời riêng cô chị. Cô chị trả lời: Cha mẹ chết hết, chỉ còn hai chị em. Em tôi mà buồn tủi thì tôi không yên, nếu chọn tôi thì phải mời em tôi luôn.

Muốn đắc Sơ thiền thì phải thấy năm Triền là gánh nặng. Ngay trong đời sống dục giới, muốn bỏ phiền não thì phải thấy nó là phiền phức. Muốn nhà cửa sạch đẹp, phải biết chán sợ những thứ không cần thiết. Muốn mặt mũi sạch đẹp phải biết chán sợ những thứ làm mình xấu như mụn, gàu, ghẻ, lác, lang ben. Muốn đắc Sơ thiền thì phải thấy năm triền cái là phiền phức. Muốn đắc các tầng thiền cao hơn phải thấy các tầng thiền thấp là phiền phức, nặng nề. Muốn đi xa phải xem lại hành lý. Sẵn đây nói chuyện lạc đề, rất cần cho bà con hay đi đứng. Có lời khuyên cho người thường hay đi đó là chọn ra những thứ cần thiết mang theo rồi bỏ lại một nửa thì ok để tránh việc mang theo những thứ không dùng. 

Một lần đó tôi đi Miến Điện, tôi đem một vali, qua tới nơi mở ra mới thấy hãi hùng. Hai phần ba vali là đồ không xài được. Khi tôi đọc lời khuyên này tôi thích vô cùng. Kỳ đó tôi đi hành hương nhưng hành xác là nhiều. Quí vị có đọc bài Chỉ Thiếu Một Vầng Trăng hay không. Một cô Phật tử bên Mỹ thấy tôi lâu quá không có tin tức, cổ tìm cách liên lạc. Liên lạc được rồi cổ hỏi bên đây có ok không. Tôi nói, ok lắm, mà chỉ thiếu một vầng trăng. Thiếu một vầng trăng là vì nóng quá nóng, mặt tôi đen thui, trên trán chỉ thiếu một vầng trăng nữa là thành Bao Công. Lần đó, bên đó sống khổ muốn chết, đồ ăn ăn không được. Vali đem theo nặng nề, chỗ nào có cầu thang vác lên mệt đuối, đồ đem theo không xài được mà cũng đâu có bỏ, phải mang về. 

Muốn lên cao thì phải xét lại túi hành lý. Tha nhiều quá mà đường xa vạn dặm, đôi vai nặng trĩu thì làm sao đi đây. Châu Phi có câu cũng hay: “Muốn đi nhanh thì đi một mình và ít đồ. Muốn đi xa thì đi nhiều đồ và nhiều bạn”. Một lần tôi vào trong tiệm bán đồ Sport của Mỹ, họ để một câu rất là sai tiếng Anh nhưng rất dễ thương: “Go light, go small, go fast”. Tôi đứng nhìn mà mê, không biết ai nghĩ ra câu này hay thiệt. Ở đó người ta bán những đôi giày, đèn pin, thức ăn khô cho người leo núi, chạy bộ. Dịch thoát là: Hành lý nhẹ gọn, thì bạn mới đi nhanh được. Hãy nhớ là trên đường đi không thể xài những đồ mọi khi vẫn dùng trong nhà.

THIỀN ĐỊNH THIỀN CHỨNG

Hôm nay chúng ta trở lại với chương Tương Ưng Thiền.

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị tu Thiền, thiện xảo về Thiền định trong Thiền định, nhưng không thiện xảo về Thiền chứng trong Thiền định.”

Nhàm chán đời sống ngũ trần thì sẽ không dẫn đến sự bất mãn. Còn thích cái này cái kia trong năm dục thì còn bất mãn cái này cái nọ, thích trong thiền thì không có bất mãn đi chung. Ghét, ghen, giận, sợ, đều do lòng ham muốn trong ngũ dục mà có. Đây là công thức bắt buộc phải nhớ. Còn thấy mình sợ hãi ghen tức, hờn giận thì phải biết mình còn sống nặng trong năm dục. Người càng ít cái thích chừng nào thì càng ít bất mãn chừng đó.

Năm triền cái (nivarana hindrance): thích trong năm trần, sân hận bất mãn trong năm trần, hôn thụy, trạo hối, hoài nghi. ‘Nivarana hindrance’: sự ngăn trở, ngăn che, che khuất.

Muốn đắc Sơ thiền thì tạm thời dàn xếp năm triền cái này, từ đó mới có được năm chi thiền (tầm, tứ, hỷ, lạc, định). Năm chi thiền nói gọn lại là năm khía cạnh làm nên cái biết trong cảnh thiền.

Cái biết trong cảnh Dục không có được năm chi thiền. Bởi vì một cái biết gắn liền với sự an tĩnh của nội tâm, của sự an lạc yên tĩnh, gắn liền với sự tập trung tư tưởng, năm khía cạnh đó cộng lại mới làm nên cái biết cảnh thiền trong Sơ thiền. Càng lên cao thì cái biết đó càng đơn giản hơn. Chi thiền sẽ ít hơn, vì cảnh thiền lúc này đã mỗi lúc một vi tế nhỏ nhiệm hơn.

Có những vị đắc thiền nhưng không am tường những gì liên quan đến thiền, cũng giống như trong Thập thiện, có những người bố thí mà không biết nhiều về bố thí, chỉ biết cho mà thôi. Họ không biết kiểu bố thí nào là chủ nhân thí, kiểu nào bằng hữu thí, hay nô lệ thí. Họ cũng không biết đối tượng nào là đối tượng xứng đáng. Họ không biết trường hợp nào bố thí đem lại quả báo lớn, người thí thanh tịnh người nhận không thanh tịnh, hoặc người nhận thanh tịnh mà người thí không thanh tịnh. Có trường hợp người thí và nhận đều thanh tịnh và trường hợp cả hai đều không thanh tịnh. Chỉ riêng chữ bố thí thôi, có nhiều người biết làm bố thí mà không biết các pháp liên quan bố thí. 

Giới cũng vậy, nhiều người giữ giới, nhưng không hiểu về từng giới. Ví dụ như giới không sát sanh: không chỉ đơn giản là vì Phật cấm hoặc giữ giới để có phước, mà còn có những lý do sâu xa nằm sau đó. Chẳng hạn như vì từ bi mà không giết, hoặc vì suy xét mình không muốn ai giết mình thì mình cũng không giết ai khác. Hôm nay mình giết người ta thì mai này sẽ có người giết lại mình. Một người có đầy đủ những thiện pháp như là từ tâm thì không có lý do gì sát sanh. Sát sanh có nghĩa là một dấu chỉ cho thấy mình bị khiếm khuyết trong các thiện pháp. Trộm cắp tà dâm uống rượu nói dối cũng vậy. Không đơn giản mình giữ giới là để tránh tội cầu phúc, mà còn lý do sâu xa hơn nữa đó là trang nghiêm nội tâm bằng những thiện pháp tương ứng. Nhờ những thiện pháp đó mà mình không làm những chuyện đó được.

Có những người giữ giới mà không hiểu gì về giới, bố thí mà không hiểu về bố thí, và cũng có người đắc thiền mà không hiểu biết gì về thiền. Cũng có những người đắc thiền và có hiểu biết về thiền. Ở đây Đức Thế Tôn đưa ra một số trường hợp:

CHỈ TRÚ

- Đắc thiền mà không biết làm sao để nhập thiền mau chóng.

‘ṭhitikusalo’: ‘chỉ trú’, làm sao để nhập thiền mau chóng.

‘sattaṭṭhaaccharāmattaṃ’: chỉ trong thời gian ngắn ngủi tương đương bảy tám búng tay.

Ngài Mục Kiền Liên là đệ nhất thần thông, khả năng hóa hiện thần thông của ngài rất nhanh trong khoảnh khắc. Trong kinh kể, sau khi Phật Niết bàn, có một vị A-la-hán, buổi sáng đang đứng súc miệng, nghe tiếng ‘rắc’, nhìn lên thấy hai vị sa di đang trèo trên cây cao và nhánh cây gãy. Ngay lập tức vị này nhập thiền ngay tức khắc và hóa hiện thần thông chụp kịp hai vị sa di đó. 

Theo chú giải, có những vị do phước duyên hơi mỏng, đủ để đắc thiền nhưng không có thần thông, hoặc có thần thông nhưng phước duyên không đủ để đạt được tốc độ đó. Những vị như Đức Phật, Chánh Đẳng Giác, Độc Giác, Chí thượng Thanh Văn, những vị này có những tốc độ mà vị A-la-hán bình thường không có được. Giữa các vị A-la-hán với nhau vẫn có sự chênh lệch rất lớn về tốc độ ví dụ giữa vị Chánh Đẳng Chánh Giác và vị Độc Giác, giữa vị Độc Giác và hai vị Chí Thượng Thanh Văn, giữa hai vị Chí Thượng Thanh Văn và 47 vị Đại thanh văn, giữa 47 vị Đại thanh văn và những vị thanh văn bình thường, vô danh, không có biệt hạnh. Có những vị đắc chứng nhưng không luyện tập thường xuyên nên cũng không đạt được tốc độ như vậy.

XUẤT KHỞI

‘vuṭṭhānakusalo’: khả năng xuất thiền mau chóng.

Muốn hóa hiện thần thông thì phải có khả năng nhập nhanh rồi ra cũng nhanh. Muốn hóa thông phải nhập định rồi xuất định sau đó mới chú nguyện. Nói ra dài dòng lâu lắc, nhưng trong thực tế chỉ nháy mắt. Nên thần thông trong tiếng Pāḷi là ‘iddhi’ (ý muốn). Vị đắc ngũ thiền chỉ cần có ý muốn thực hiện điều gì đó thì trong nháy mắt đã làm xong quy trình nhập xuất định và chú nguyện. ‘Iddhi’(ý muốn) từ động gừ căn ‘Ijh’, động từ nguyên mẫu hoàn chỉnh là ‘ijjhati’ nghĩa là ‘muốn’.

THUẦN THỤC

‘kallitakusalo’: khả năng an lạc trong thiền. Chú giải giải thích là ‘haseti’, ‘toseti’. Nghĩa là trong hoàn cảnh nào đi nữa thì các vị đó có thể nhanh chóng tìm thấy sự an lạc trong thiền bằng cách nhập thiền.

Nói chung, một loạt kinh này chỉ nói những từ gần như là đồng nghĩa. Ví dụ như nói rằng: vị đó có khả năng nhập thiền tự tại như ý, có khả năng xuất thiền tự tại như ý, cũng có khả năng an lạc với thiền như ý, thì cũng gần như là đồng nghĩa nhau. Chẳng hạn như mình ngồi trong một chỗ quá ồn ào, sẽ rất là khó chịu, nhưng vị đắc thiền sẽ mau chóng tìm thấy sự an lạc bằng cách nhập thiền. Đó cũng là một cách thiện xảo.

Trong kinh có nói hai trường hợp: ‘samaya’ và ‘asamaya’ nghĩa là ‘tự tại’ và ‘lệ thuộc’. Có những vị muốn là nhập thiền lúc nào cũng được, không cần chuẩn bị hoàn cảnh điều kiện gì đặc biệt. Có vị thì cần phải có điều kiện phù hợp như thời tiết, nhiệt độ, chỗ ngồi êm ấm, vắng vẻ. Bụi nhiều quá hoặc khói khó chịu, vị đó cũng không nhập thiền được. Có hai thầy trò sống trong rừng, chỉ có một cái am bằng lá nhỏ xíu. Theo luật, đệ tử nhường cái am cho sư phụ. Đệ tử ra ngồi gốc cây, mưa quá thì trú đỡ trong tàng cây bụi rậm, khô ráo thì ra ngoài. Cứ sáng đi bát, hoặc vô rừng lượm trái cúng dường cho sư phụ, xong bổn phận của đệ tử là ra gốc cây, cứ xếp bằng là vô thiền rất là mau. Hạng này gọi là ‘samaya’. Sư phụ ở trong am ngon lành nhưng lòng cứ nghĩ đến người đệ tử không cha không mẹ, coi mình là chỗ nương tựa, mà bây giờ để ở ngoài gốc cây không biết có lạnh, có muỗi mòng gì cắn không. Tội nghiệp quá. Cứ nghĩ vậy, suốt ba tháng an cư trong rừng, sư phụ nhập định không được bao nhiêu, chỉ một vài lần, còn đệ tử thì thoải mái. Sau mùa an cư, sư phụ hỏi: Con có được an lạc thoải mái trong mùa an cư không, chỗ ở của con làm thầy áy náy quá. Đệ tử trả lời: Dạ, con cứ nghĩ sư phụ ok nên ngoài này con ok. Sư phụ nói: Vì nghĩ con không ok nên sư phụ không ok.

Tu hành là phải có khả năng buông. Dĩ nhiên, còn mang cục nợ mấy chục ký này nhiều khi cũng có nắng gió mưa sương, ốm đau, tiêu tiểu, ngứa ngáy, nhức mỏi, nhưng làm sao hạn chế nhu cầu càng ít chừng nào thì khả năng an lạc của mình càng lớn chừng đó. Quí vị làm ơn nhớ câu này, rất quan trọng: Người giàu nhất thế giới không phải cái gì cũng có mà là có khả năng thích nghi với những gì mình có. Hạnh phúc không phải là đầy đủ tiện nghi (vốn không dễ có) mà là khả năng tự thích nghi. Chuyện tu thiền cũng y như vậy. Chương này nói về thiền, nhưng là gợi ý rất lớn về Phật pháp nói chung. Tu thiện nghiệp mà không biết rõ về thiện nghiệp thì sẽ gặp nhiều rắc rối trong việc tu tập thiện nghiệp.

Hôm qua tôi có nói, cũng giữ giới ăn chiều nhưng có người giữ rất thoải mái vì họ am hiểu về giới ăn chiều. Đức Phật dạy ăn chiều tốn nhiều thời gian, ăn một bữa cho một ngày là đủ, nếu có thêm nhu cầu bữa ăn thì có thêm nhu cầu kiếm tìm và bảo quản. Ngày xưa tôi ở VN, gia tài chỉ có lon sữa đặc, khui ra là rộng nước. Cái tô đó, chỉ cần có bụi rớt xuống là kiến đi qua lớp bụi đột nhập vào. Chưa kể con gián sẽ bò qua được. Lon sữa để lâu bị sét, bị hôi. Bảo quản thực phẩm là một vấn đề. Bây giờ có tủ đông, tủ đá, tủ lạnh, treo tòn teng sợ chuột, sợ gián, sợ ẩm sợ mốc… Nhu cầu kiếm tìm đã mệt lại thêm nhu cầu bảo quản. Người ăn một ngày một buổi thì bao tử của họ chỉ làm việc có 50%, và nghỉ ngơi 50%. Người ăn một buổi tiết kiệm 50% trong đời để lo chuyện khác, một cách hiểu rất khoa học. Vì vậy khi nào mình lỡ buổi chút ít mình vẫn ăn, bởi hiểu lý do vì sao mình không ăn, miễn sao mình không mất nhiều thời gian cho ăn uống.

Bố thí cũng vậy. Có người hỏi tôi, “con lỡ hứa rồi, nhưng giờ con đang kẹt, con không làm thì thất hứa, mà làm thì trong nhà đang rối”.Tôi trả lời: “Hãy đến nói với trụ trì là mình kẹt quá.” Lúc nào cũng có thí chủ thay thế, lỡ như không có, mình hồi lại năm sau, năm khác, thì ông sư đâu có chết, trong khi mình ôm chặt lời hứa là mình chết. Hãy nhớ, giữ giới, bố thí, tụng kinh, nghe pháp, phục vụ, hay là thiền định, tất cả mọi chuyện đều cần đến sự hiểu biết. Có sự hiểu biết thì sự tu tập chắc chắn dễ dàng hanh thông hơn. Uống thuốc, sinh hoạt thường nhật trong đời sống cũng vậy. Phải có hiểu biết, có linh động, chứ khư khư là khó sống lắm.

SỞ DUYÊN

‘Arammananakusalo’: Sở duyên, cảnh, đối tượng. Sự rành rẽ trong mười đề mục Kasina: Xanh, vàng, đỏ trắng, đất nước lửa gió, hư không, ánh sáng. Nói dễ nhớ là: bốn đại, bốn màu, hư không, ánh sáng.

Niệm đất là nhìn vào khuôn đất đường kính một gang tay cộng hai ngón để ngang. Theo ngài Pa Auk Sayadaw thì có thể là đường kính năm tấc tay. Niệm đề mục nước là một chậu nước kính khoảng chừng năm tấc. Niệm đề mục lửa là một cái khung có cái lỗ tròn đường kính khoảng chừng năm tấc, bên trong mình đốt một ngọn nến hoặc ngọn đèn. Niệm đề mục gió là mình khoét một cái lỗ cho gió thổi xuyên qua cũng đường kính khoảng chừng năm tấc, hoặc khe hở nào đó trong vách trong tường. Để cho gió xuyên qua chạm da của mình rồi niệm: Đất, đất, đất, đất…, hoặc, nước, nước, nước…Lâu ngày tâm mình định. Nhờ định này mới đắc thiền.

Khi đắc thiền rồi mới có thể hóa hiện ra nhiều thứ. Như khi chứng thiền bằng đề mục màu xanh thì hành giả có thể hóa hiện vật gì đó trở nên xanh, hoặc hóa hiện bóng tối. Đắc thiền bằng đề mục hư không thì hành giả có thể đi xuyên các vật cản. Đề mục nước thì giúp hành giả độn thổ hay xuyên vật cản, hoặc khiến nhà cửa núi non rung chuyển theo ý. Có vị A-la-hán bảy tuổi, dùng ngón chân ấn vào lâu đài của Đế Thích làm cho lâu đài cao mười ngàn do-tuần rung chuyển.[1]

Hành giả thông thạo trong 10 đề mục Kasina là biết cách tu mỗi đề mục như thế nào và khi đắc thiền bằng các đề mục này thì sử dụng ra sao để hóa hiện thần thông. Nếu không có học làm sao mình biết rằng để tạo bóng tối phải dùng đề mục màu xanh. Tạo ra ánh sáng thì dùng đề mục lửa. Hoặc tạo ra khói thì dùng đề mục lửa. Xem trong Thanh Tịnh Đạo phần Định Samadhiniddesa. Thần thông chỉ là thứ phẩm của thiền định. Mục đích cao nhất của thiền định là làm nền tảng cho trí tuệ Vipassanā quán chiếu năm uẩn. Chúng ta đã đắc thiền, đắc thần thông không biết bao nhiêu tỷ lần trong quá khứ. 

Trong kinh nói rằng không có cảnh giới nào chúng ta chưa từng đi qua. Khi không có chư Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, người đắc thiền có thần thông nhiều lắm. Nhưng họ chỉ quẩn quanh tối đa là lên Phạm thiên, sống hết tuổi thọ thì lọt xuống lại. Nếu có duyên may gặp thầy bạn nhắc nhở tu hành trở lại rồi trở về Phạm thiên thì tốt, nhưng trường hợp này cực hiếm. Thông thường lọt xuống rồi thì gặp những thứ trời ơi đất hỡi, tiếp tục bắt cá, săn bắn, hưởng thụ, nhậu nhẹt, đâm heo thuốc chó, giết người cướp của… y như thuở nào. 

Lâu lâu thiệt là lâu, một lần nào đó chúng ta tình cờ nhìn một xác chết, nhìn một người già rồi sanh tâm nhàm chán và mong được giải thoát. Lâu lâu có một kiếp nào đó nhìn thấy nản và muốn giải thoát. Có người nản cái này đi tìm cái khác, có người nản thì muốn buông hết; chính cái nản đó mới trở thành chủng tử giác ngộ. Một đời kiếp nào đó họ có điều kiện làm việc bố thí, trì giới, những việc đó trở thành Ba-la-mật. Tới lúc Ba-la-mật tròn trịa, may mắn gặp vị Chánh Đẳng Chánh Giác thì họ đắc, còn lúc tròn mà không gặp Phật ra đời thì tiếp tục luân hồi. Trong chú giải có câu:

Nếu trễ chẳng gặp Phật nào,
Nhằm kỳ Độc Giác làm sao cũng thành.

Nghĩa là nếu lòng cầu giác ngộ mà mình gặp trục trặc, Ba-la-mật đầy ứ thì từ tâm nguyện Thanh Văn sẽ trở thành Độc Giác. Dĩ nhiên muốn thành Phật Độc Giác thì phải mất một mớ thời gian lâu thăm thẳm nữa mới có khả năng tự giác ngộ. Khi Ba-la-mật đầy đủ rồi thì tự nhiên nhìn lá rụng, giọt nước rơi, nghe tiếng gió thổi bên tai là đắc quả.

HÀNH CẢNH

‘gocara’: hành cảnh, hành xứ, chỗ lui tới, mục trường.

‘Go’: trâu bò, ngựa (ngưu). ‘Cara’: tới lui tới lui. ‘gocara’: mục trường, chỗ chăn thả gia súc (nghĩa đen trước khi Phật ra đời). Từ đó, chữ này có thêm nghĩa trừu tượng là chỗ lai vãng của tâm thức, những gì ta suy tư, hay kiểu sống nào ta theo đuổi, đề mục, môi trường sống của một tỳ kheo; đều gọi là gocara. Ví dụ, tôi thích chơi số đề, thích lê la vào chỗ bàn đề, nơi đó gọi là ‘gocara’ của tôi. Thích tụng niệm thì chùa miểu nhà thờ là hành xứ, gocara của tôi. Đề tài nào thường hay suy nghĩ, thơ ca âm nhạc là ‘gocara’của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ.

Nội dung bài kinh này: đề mục và môi trường sống của hành giả gọi là ‘gocara’. Hành giả biết rằng với nội tâm nào với đề mục nào, trong trường hợp đó gọi là “sự thiện xảo trong chỗ lai vãng lui tới của tâm thiền”. Người không biết gì về điều đó thì gọi là “không có thiện xảo”.

SỞ NGUYỆN

‘Abhinīhārakusalo’ (Sở nguyện): Biết cách chú nguyện điều mình muốn, chẳng hạn như khi hóa thông theo câu chuyện tôi vừa kể. Trong trường hợp muốn biết đề mục nào đó giúp mình hóa thông được, biến hóa được, nhưng lúc nhập vào đề mục đó phải nguyện như thế nào. Ví dụ chuyện hôm qua, vị đó muốn đưa nhóm tỳ kheo từ Tích Lan sang Ấn Độ khất thực phải chú nguyện như thế nào:

1. Mong cho tất cả hãy cùng với tôi có mặt tại…

2. Mong tất cả biển hồ sông suối núi đồi hãy nhỏ lại dưới chân của chúng tôi.

Nếu không biết cách chú nguyện thì không làm sao hóa thông được.

THẬN TRỌNG

‘sakkaccakārī’(thận trọng): làm sao cho tâm khắng khít (appeti) trong cảnh thiền. Vì có những lý do khiến ta hoại thiền như để mặc phiền não phát triển, thiếu luyện tập mỗi ngày. Vị này biết phải làm sao không quá nhiều, không quá ít để tâm mình liên tục khắng khít trong thiền. Bồ tát khi bảy tuổi, đắc xong rồi không biết giữ lại. Nhiều hành giả cũng vậy, để mặc cho nó mất.

“Na samādhismiṃ sakkaccakārīti”: không biết cách làm sao để tâm khắng khít trong thiền.

KIÊN TRÌ

‘sātaccakārī’ =‘satatakārī’: giữ tâm thiền được liên tục không gián đoạn hư mất. Thế nào là giữ liên tục? Nghĩa là “na kadācideva karoti”: không tu thiền kiểu lai rai tùy hứng.

‘Kadācideva’: lai rai, thỉnh thoảng.

Bữa nay sẵn quí vị học thêm từ mới nữa. Mình dốt đặc không biết chữ Pāḷi nhưng khi học lớp này, mình học thêm số từ cho vui. Mai mốt lỡ có duyên đi học Pāḷi cũng đỡ khổ cái thân. Bữa nào chat, bạn hỏi: Lúc này có ok không, thì mình trả lời ‘Kadācideva’ cũng là chữ hay. Tại sao dân chat chit trên internet họ xài nhiều thứ tiếng? Bởi họ thích thứ tiếng nào họ xài tiếng đó, thỉnh thoảng mình cứ gặp nào là ‘arigato’, ‘sayonara’, ‘au revoir’… Mình là người tu Phật, Nam Tông thì biết từ Pāḷi cũng hay chứ mắc gì không xài. ‘Kadācideva’ là lúc có lúc không

THÍCH ỨNG

‘Sappāya’: ‘thích ứng’. Ngài Minh Châu dịch một chữ, tôi dịch một chữ. Xin thưa với bà con, tôi không hề dám có ý chê HT dịch sai nhưng tôi e rằng có nhiều chỗ quá dễ nên HT dịch theo chữ HT thấy thích mà không dò chú giải.

Trong quyển Tâm Thức Gió Lùa, tôi có đề cập nhiều chuyện tôi cho là thiết thân và cận nhân tình. Tôi cho rằng không thể không nói vì tôi không muốn chuyện này mãi mãi nằm trong bóng tối. Thí dụ, tôi có đề nghị người cư sĩ nên chọn sách gì để tìm hiểu Phật pháp, tại sao. Hoặc một chút lạm bàn về kinh nghiệm dịch sách Phật, trường hợp nào nghĩa dịch (lấy ý), trường hợp nào trực dịch (sát theo tự điển). Hoặc thái độ nào là cần thiết của một hành giả tu thiền, thái độ chọn thầy, chọn pháp môn, chọn dòng thiền để đi theo v.v… Trước sau chỉ là những đề nghị rất là chân thành, rất khiêm tốn và nhẹ nhàng chớ không hề có ý răn đời dạy đời. Trong cuốn này tôi lạm bàn rất nhiều vấn đề cực kỳ thiết thân. 

Chẳng hạn như mình cứ sợ tiền bối. Tiền bối khoa bảng quá mình không dám sửa lại chữ của tiền bối, cứ xưa bày nay làm thì kẹt quá. Vương Khải Siêu có câu này rất hay: “Đối với tiền nhân ta nên là học trò để học cái hay của họ chứ không nên là nô lệ để nhắm mắt đội họ trên đầu”. Bên Miến Điện, một quyển Thanh Tịnh Đạo hay là quyển Thắng Pháp Tập Yếu người ta có mấy chục bản dịch. Tại sao phải dịch lại? Vì họ có điểm cần bàn thêm, cần sửa lại; những điểm bất đồng, họ đem ra nói hết. Và mỗi bản dịch như vậy là đóng góp rất lớn cho PG Miến Điện. Còn mình đụng tới thì sợ phạm thượng.

‘sappāya’, ngài Minh Châu dịch là ‘thích ứng’. ‘sappāya’ ở đây có nghĩa là ‘thoải mái’.

‘sappāya kusalo’ là biết làm sao để việc tu thiền, chứng thiền, hóa thông được thoải mái. Giống như là giữ giới làm sao để giới là cái mền đắp ấm chớ không phải là để mình ngạt. Ai ngày xửa ngày xưa ở vùng nông thôn VN biết sợ ma là gì chắc nhớ điều tôi nói. Càng sợ lại càng trùm. Trùm rất là bậy, trùm như vậy là hít toàn carbonic, một giấc ngủ thiếu Oxygen, lại nực nữa. Trùm như vậy là tự đẩy mình vào góc kẹt, vào thế bị động, lỡ có ăn trộm ăn cướp mà mình cứ trùm vậy có khác gì con cù lần lấy tay che mặt, con đà điểu vùi đầu trong cát. Không thể giải quyết vấn đề bằng cách che mặt. 

Như một sư cô ở Đài Loan qua Ấn Độ, khi xe ngừng để đi vệ sinh, sư cô hỡi ôi khi thấy mỗi người chiếm một gốc cây, một bụi rậm. Sư cô vốn oai nghi tế hạnh, chịu không nổi, nói với Tour guide: Hoàn cảnh này làm sao tôi tự xử được. Ông Tour guide lấy xô đưa cho sư cô, và nói sư cô lấy xô trùm đầu thì sẽ thoải mái. Đó cũng là một cách. Nhiều khi ta không thay đổi được chuyện đời thì thay đổi cách nhìn của mình về cuộc đời. Câu chuyện đó tôi nói cho bà con đừng buồn ngủ thôi, nhưng cũng gợi ý là làm sao chúng ta tìm thấy sự thoải mái thôi. Làm bất cứ gì, dù là gia chánh nội trợ hay tu hành trong chùa trong non cao rừng thẳm mà không khả năng tìm thấy thoải mái cho công việc của mình thì e rằng khó thực hiện được công việc.

Phần còn lại là kinh trùng. Những chữ trong chương này không phải đồng nghĩa nhưng đều nhằm nói về một vấn đề là làm gì cũng phải có một kiến thức tối thiểu trong đó để dễ làm hơn, hiệu quả hơn.

Trong 32 hảo tướng của Đức Thế Tôn có hảo tướng ống chân thon dài tuyệt đẹp do nhiều đời Ngài làm việc lành nào cũng luôn tìm cách nhanh chóng nhất, hiệu quả nhiều nhất, không đi theo lối mòn.

Đường đời muôn vạn lối, chuyện đời muôn mặt. Bất cứ vấn đề nào cũng có vô số giải pháp. Bậy bạ nhất là giải quyết tất cả vấn đề bằng một thứ giải pháp. Ví dụ đất nước đói nghèo, muốn dân tộc đi lên, mà cứ khư khư ôm chặt một học thuyết cho rằng đây là chân lý, là đỉnh cao duy nhất, như vậy không nên. Chuyện đời luôn biến đổi, phải có sự co giãn linh động liên tục và liên tục để kịp thời thích ứng với dòng chảy bất tận của nó. Tu hành cũng vậy, phải tôn trọng tinh thần linh động.
______________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t...

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại...

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,...

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta ...

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.