PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[23] Chương II: Tương Ưng Ràdha
I. Phẩm Thứ Nhất
III. Sợi Dây Tái Sanh (Tạp 6, Ðại 2,37c) (S.iii,190)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:
-- "Ðoạn diệt sợi dây tái sanh. Ðoạn diệt sợi dây tái sanh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Thế nào là sợi dây tái sanh, bạch Thế Tôn? Thế nào là sự đoạn diệt sợi dây tái sanh?
4) -- Này Ràdha, phàm dục gì, tham gì, hỷ gì, khát ái gì, phàm những chấp thủ phương tiện, tâm kiên trú, thiên chấp tùy miên gì đối với sắc, như vậy gọi là sợi dây tái sanh. Sự đoạn diệt chúng là sự đoạn diệt sợi dây tái sanh.
5-7)... đối với thọ... với tưởng... với các hành...
8) Phàm dục gì, tham gì, hỷ gì, khát ái gì, phàm những chấp thủ phương tiện, tâm kiên trú, thiên chấp tùy miên gì đối với thức, đó gọi là sợi dây tái sanh. Sự đoạn diệt chúng là sự đoạn diệt sợi dây tái sanh.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 2: Tương Ưng Radha
SỢI DÂY TÁI SANH (Bhavanettisutta)
Theo Chú giải, ‘netti’ định nghĩa là ‘rajju’. ‘Bhavanetti’ dịch là ‘sợi dây tái sinh’ nhưng có chỗ cũng chính ngài Minh Châu dịch là ‘sợi dây sinh hữu’. Trong tiếng Pháp có chữ être, avoir; trong tiếng Mỹ có to be, to have; thì trong tiếng Pāḷi là bhava. Bhava là ‘sự hiện hữu’, ‘sự có mặt’. Từ căn của bhavalà là bhu, nghĩa là ‘có’, ‘là’, ‘hiện hữu’, ‘tồn tại’. Chữ bhu cùng một lúc có hai nghĩa, vừa là being, vừa là becoming. Bhava là chữ rất hay trong tiếng Pāḷi và cũng là trong kinh Phật. Chúng ta là những đơn vị pháp giới mà trong từng phút từng giây chúng ta đang trở thành một cái khác.
Vạn vật luôn trở thành một cái khác không thể đứng yên mà tồn tại. Vì vậy sự có mặt của mình cũng chính là hành trình ‘trở thành’. Bhava có nhiều nghĩa: ‘cảnh giới tái sinh’, ‘sự có mặt trong đời’. Sự có mặt vừa là being, être, avoir vừa là becoming. Đại khái như sự có mặt là nam là nữ, là lớn là nhỏ, là đẹp là xấu, và luôn luôn thay đổi trở thành một cái khác; là từ một bé gái, lên tới thiếu nữ, thiếu phụ, rồi lên tới bà lão v.v…
‘Bhavanetti’ là sợi dây sinh hữu, sợi dây ràng buộc ta vào cảnh giới tái sanh, vào các cảnh giới luân hồi. Đó là lòng tham chấp nơi năm uẩn theo trình độ của mỗi chúng sinh.
Một người thất học ở nhà quê thì chỉ biết con còng con cua, củ năng củ súng, chỉ biết chiếc xuồng với bùn sình, nhưng lại đam mê trong đời sống đó. Một người thành phố quần là áo lụa kẻ đón người đưa, đèn đóm hoa đăng, cũng đam mê trong đời sống đó. Một giáo sư đại học, một nghệ sĩ đường phố, một kỹ nữ ở công viên hay một sinh viên trong giảng đường, một thầy chùa trên núi cao cũng đều quẩn quanh trong năm uẩn. Cao hơn nữa là các vị thiên cõi Dục giới, và cao hơn hết là Phạm thiên cõi Sắc giới và Vô sắc giới, tất thảy đều quẩn quanh và đam mê trong năm uẩn theo trình độ của mình.
Vì không biết những điều này nên mình tưởng mình hay, thật ra mình chỉ quẩn quanh trong năm uẩn tùy theo điều kiện mình đang có. Ngay kiếp này mình có vàng son chói lọi như thế nào đi nữa nhưng khi tắt hơi rồi thì đi về đâu chỉ có trời biết. Bhavanetti là sợi dây sinh hữu ràng buộc ta vào sự tái sinh, vào các cảnh giới luân hồi, sợi dây đó là lòng tham chấp nơi năm uẩn theo trình độ của mỗi chúng sinh.
__________________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét