PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[23] Chương II: Tương Ưng Ràdha
I. Phẩm Thứ Nhất
II. Chúng Sanh (Tạp 6, Ðại 2,40a) (S.iii,189)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:
-- "Chúng sanh, chúng sanh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là chúng sanh?
4) -- Này Ràdha, dục nào (chanda), tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, do vậy gọi là chúng sanh (sattà).
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) Dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với thức, triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, do vậy gọi là chúng sanh.
9) Ví như, này Ràdha, các đứa con trai hay các đứa con gái chơi với cái nhà bằng đất. Cho đến khi đối với những nhà bằng đất ấy, lòng tham chưa thoát ly, lòng dục chưa thoát ly, lòng ái chưa thoát ly, lòng khát chưa thoát ly, lòng nhiệt tình chưa thoát ly, lòng khát ái chưa thoát ly, thời chúng còn tham dính vào, thích chơi, chất chứa, và đắm trước những nhà bằng đất ấy.
10) Nhưng khi nào các đứa con trai hay các đứa con gái ấy đối với những nhà bằng đất kia, lòng tham đã thoát ly, lòng dục đã thoát ly, lòng ái đã thoát ly, lòng khát đã thoát ly, lòng nhiệt tình đã thoát ly, lòng khát ái đã thoát ly, thời với tay và với chân, chúng phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với những căn nhà bằng đất ấy.
11) Cũng vậy, này Ràdha, Ông hãy phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với sắc, chú tâm hướng đến đoạn diệt khát ái đối với sắc.
12-14) ... thọ... tưởng... các hành...
15) ... Ông hãy phá tan, phá vỡ, phá sập và không chơi với thức, chú tâm hướng đến đoạn diệt khát ái đối với thức.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 2: Tương Ưng Radha
CHÚNG SANH
Chữ “Chữ “satta” (chúng sanh) có chỗ dịch là ‘hữu tình’
‘Atta’: chính mình, cá thể, cá nhân (own, self)
‘Sa’: có, với (co-, with), tương tự kiểu ghép của chữ co-exist: cộng sinh
Satta = (sa + atta): nghĩa là cái gì ở đời này bản thân nó là một cá nhân, một cá thể, độc lập giữa cuộc đời này. Chữ này được dùng trước khi Đức Phật ra đời mang nghĩa chúng sinh (beings) trong đời. Theo chú giải, ngài Rādha là một nhân vật biện tài (patibhaniya), ngài hỏi Đức Thế Tôn từng chữ từng chữ. Tôi từng nói với quí vị là Phật pháp sâu và rộng đến mức không có thứ gì trong đời này mình không tìm thấy tối thiểu một bài kinh liên quan. Một người giỏi kinh Phật lật cuốn tự điển tiếng Việt ra, từng chữ trong cuốn tự điển đều có thể diễn dịch chữ đó qua một đề tài trong Phật pháp.
Ví dụ, chữ tô, tồ, tố, tổ, tộ, chỉ riêng chữ ‘tô’ thôi cũng đủ để một người như tôi có thể thuyết một bài pháp, huống chi là một vị biện tài như ngài Rādha. Một cái tăm xỉa răng cũng có thể có một trăm đề tài để thuyết pháp, tăm chưa xài tôi nói khác mà tăm xài rồi tôi vẫn có chỗ để nói về Phật pháp. Không phải là tôi giỏi mà vì Phật pháp rất sâu rộng. Đó chính là lý do ngài Rādha đến hỏi Đức Thế Tôn từng chữ từng chữ. Hôm trước thì ngài hỏi về chữ ‘māra’, hôm nay thì hỏi về chữ ‘satta’: “Chúng sanh, chúng sanh, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là chúng sanh”.
Đây là chữ đã có trước khi Thế Tôn ra đời hoằng đạo. Nhưng ngài Rādha biết, cái gì đến với Thế Tôn rồi thì phải lớn chuyện; ngài Ānanda, và chư tỳ kheo, trên đường đi bát gặp điều gì, nghe điều gì, suy nghĩ điều gì thì đem về thưa với Đức Phật. Các vị biết khi thưa với Đức Phật một chuyện như vậy thì sẽ được nghe một bài pháp tuyệt vời. Tuyệt vời là vì Thế Tôn luôn biết rõ căn cơ sở tánh của mỗi người. Mình dù có khôn bằng trời hay ngu như vịt thì Ngài cũng biết cái gì hợp với mình nhất. Khi nghe được Ngài nói, nếu không có đắc thì tối thiểu đủ để cho mình đảo lộn càn khôn, biến thành một con người khác tốt hơn, an lạc hơn. Chư tăng tin điều đó nên chuyện gì cũng đem về thưa với Đức Phật.
Đó là lý do tại sao khi Thế Tôn vừa tuyên bố Niết bàn thì trời rung đất chuyển; tại sao khi Thế Tôn nằm dưới hai cây sala thì thiên chúng mười muôn triệu thế giới đổ về khóc, vì đây là con người cái gì cũng biết, ai Ngài cũng thương, đức lành nào Ngài cũng có. Sau đêm nay, con người này vĩnh viễn ra đi, mình có chuyện gì không biết tìm ai. Tôi phải nói rằng, nếu được gặp Thế Tôn, được tận mắt nhìn thấy Thế Tôn, nếu tôi đủ phước, cho tôi hỏi Ngài một câu gì đó, và được nghe Ngài trả lời xong, có chết tôi cũng chịu. Bây giờ là ba giờ ba mươi mốt phút, tôi vẫn xác định như vậy. Chỉ nghe một câu từ Ngài thôi, đáng lắm!
Chữ ‘satta”, từ động từ căn ‘sat’nghĩa là: ‘dính’, ‘máng’, ‘liên hệ’, ‘lòng thòng’, ‘dây dưa’, ‘dính dấp’, ‘dính líu’. Trong chú giải có định nghĩa là ‘lagga’nghĩa là. Chữ ‘lagga’ có nghĩa rộng, cái đãy của ông thầy chùa cũng gọi là ‘lagga’, miếng kẹo gum dính vào áo cũng gọi là ‘lagga’, một miếng nước dính trên bàn cũng gọi là ‘lagga’.
Theo một bài kinh khác, “Này các tỳ kheo, như con chim có điều kiện sẽ bay về trời, con cá có điều kiện sẽ tìm về với nước, chồn cáo tìm về hang hốc, rắn rít tìm xuống khe hở. Cũng vậy, sáu căn của chúng sinh (như mắt luôn luôn tìm cái để nhìn, tai luôn luôn tìm cái để nghe, mũi luôn luôn tìm cái để ngửi…) luôn luôn ở trong tình trạng sẵn sàng làm việc, vì vậy chúng sinh luôn luôn giống như cục keo, bạ đâu dính đó”.
Tu Tứ Niệm Xứ là hạn chế sự dính đó. Nghĩa là cái gì xảy ra thì biết chớ không đi kiếm. Người không tu thì bạ đâu dính đó, nghe cái gì bực mình thì cái phải tâm dán vào cái bực mình đó để sân hận, nghe tiếng động hay cái mùi gì thích thì dán cái tâm vào đó để tham. Sân ở đâu, tham ở đâu thì si ở đó. Chúng sinh không tu thì y hệt như cục keo – giống như một loại keo siêu dính; loại keo này dính rất nhanh và rất chắc, không thể nào gỡ ra. Sáu căn của phàm phu y hệt như vậy, luôn luôn trong tình trạng bám dính không cái này thì cái khác. Khi tu tập chánh niệm, là không tiếp tục bạ đâu dính đó nữa. ‘Satta’là chúng sinh, ám chỉ cho phàm phu.
Ở đây, khi ngài Rādha hỏi Thế Tôn ‘chúng sinh’ là gì. Đức Thế Tôn đã dùng hình ảnh rất đẹp:
“Ví như, này Ràdha, các đứa con trai hay các đứa con gái chơi với cái nhà bằng đất. Cho đến khi đối với những nhà bằng đất ấy, lòng tham chưa thoát ly, lòng dục chưa thoát ly, lòng ái chưa thoát ly, lòng khát chưa thoát ly, lòng nhiệt tình chưa thoát ly, lòng khát ái chưa thoát ly, thời chúng còn tham dính vào, thích chơi, chất chứa, và đắm trước những nhà bằng đất ấy”.
Theo chú giải, pamsu-agāra = paṃsughara: nhà nắn bằng đất sét của trẻ con. Trẻ con nông thôn thường chơi nhà chòi, đây là căn nhà nhỏ nhỏ làm bằng những nhánh lá cột lại, cũng có hai mái trước sau; rồi lấy đất sét nắn thành những trâu bò, lò bếp; hái lá cây làm tiền, chơi trò mua bán v.v… Đức Phật nói rằng, ngày nào những đứa bé còn mê những trò chơi này thì chưa trưởng thành được, và khi đã trưởng thành rồi thì không bao giờ thích chơi những trò trẻ con đơn điệu buồn chán như thế này. Cũng vậy, ngày nào còn là phàm phu thì mình còn thích chuyện đầu cơ tích trữ nhà đất, mái ấm gia đình, tình yêu sự nghiệp danh tiếng… Sẽ có một ngày mình thấy những điều đó chỉ là trò hề, những kẻ hôm trước tung hô mình, hôm sau chà đạp mình, lúc đó mới thấy chuyện khen chê chẳng là cái gì hết.
Ai đọc sử VN cũng thấy, bao nhiêu chế độ đi qua, kẻ hôm qua được suy tôn, hôm nay phải chịu án tử. Chết rồi cũng không dám đề tên thiệt nơi mộ dù ngày nào là đệ nhất công dân. Vì vậy Đức Phật dạy hãy quán chiếu năm uẩn để thấy rằng sẽ có một ngày ta khi ly tham ly dục được đối với năm uẩn bằng cách thấy nó là khổ, là tạm bợ, là nguồn gốc của hiểm nạn thì sẽ không còn tiếp tục thích nó; như một người trưởng thành không còn thích thú cái vô vị tẻ nhạt của trò chơi nhà chòi bằng đất của thuở nào tóc còn để chỏm nữa.
Trong cái nhìn của bậc thánh, chúng ta có bao nhiêu tuổi đi nữa mà không chánh niệm, không có trí tuệ thì chúng ta vẫn mãi hoài là đứa trẻ, thậm chí là người điên. Trong mắt các bậc thánh tiếng cười của mình chỉ là tiếng khóc. Trong mắt của bậc thánh những vũ điệu của mình chỉ là những động tác của người điên. Đó là kinh nói, không phải tôi nói. Dù trăm tuổi đi nữa mà không hiểu pháp sanh diệt của năm uẩn thì cũng như là con bò chỉ phát triển cái thân của nó, còn con đường sinh tử thì vẫn dài dằng dặc. (Theo Kinh Pháp Cú)
Đức Thế Tôn định nghĩa chúng sinh là đụng đâu bám đó, bám để bực, để tham, thích cái này, ghét cái kia như đứa trẻ, vì vậy Ngài gọi là ‘satta’. Có tu tập thì sẽ có một ngày dầu cũng còn mang tiếng là ‘satta’ nhưng ta không còn tiếp tục đụng đâu dính đó. Mai này, quí vị chỉ cần nhớ: hình như mình đang dính tùm lum, và đời sống chánh niệm là không biến mình thành cục keo nữa, sẽ có một ngày mình không còn tiếp tục đụng đâu dính đó.
______________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammãsambuddhassa !
Trả lờiXóaNamo Tassa Bhagavato Arahato Samma-sambuddhassa.
Trả lờiXóa