PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[23] Chương II: Tương Ưng Ràdha
I. Phẩm Thứ Nhất
I. Màra (Tạp 6, Ðại 2,39b) (S.iii,188)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Ràdha đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:
-- "Màra, Màra", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là Màra?
4) -- Nếu có sắc, này Ràdha, thời có chết (Màra) hay có sát giả (Màretà), hay có sự chết (Miiyati). Do vậy, này Ràdha, Ông hãy thấy sắc là sự chết, hãy thấy là sát giả, hãy thấy là bị chết, hãy thấy là bệnh, hãy thấy là ung nhọt, hãy thấy là mũi tên, hãy thấy là bất hạnh, hãy thấy tự tánh là bất hạnh. Những ai thấy sắc như vậy là thấy chơn chánh.
5-7) ... Thọ... tưởng... các hành...
8) Nếu có thức, này Ràdha, thời có chết, hay có sát giả, hay có bị chết. Do vậy, này Ràdha, Ông hãy thấy thức là sự chết, hãy thấy là sát giả, hãy thấy là bị chết, hãy thấy là bệnh hoạn, hãy thấy là ung nhọt, hãy thấy là mũi tên, hãy thấy là bất hạnh, hãy thấy tự tánh là bất hạnh. Những ai thấy thức như vậy là thấy chơn chánh.
9) -- Bạch Thế Tôn, chánh quán với mục đích gì?
-- Chánh quán, này Ràdha, với mục đích nhàm chán.
10) -- Bạch Thế Tôn, nhàm chán với mục đích gì?
-- Nhàm chán, này Ràdha, với mục đích ly tham.
11) -- Bạch Thế Tôn, ly tham với mục đích gì?
-- Ly tham, này Ràdha, với mục đích được giải thoát.
12) -- Bạch Thế Tôn, giải thoát với mục đích gì?
-- Giải thoát, này Ràdha, với mục đích Niết-bàn.
13) -- Bạch Thế Tôn, Niết-bàn với mục đích gì?
-- Này Ràdha, Ông đi quá xa với câu hỏi này, không thế nắm được giới hạn của câu hỏi. Nhập vào Niết-bàn, này Ràdha, là sự thực hành Phạm hạnh; Niết-bàn là mục tiêu cuối cùng; Niết-bàn là cứu cánh.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 2: Tương Ưng Radha
MÀRA
Hôm nay chúng ta bắt đầu học chương Rādha. Tại sao chúng tôi bỏ một loạt kinh kia không giảng? Đã xem kỹ lắm rồi, quí vị chỉ cần nghe lại bốn buổi giảng vừa qua của chúng tôi thì toàn bộ loạt bài chúng tôi không nhắc tới đó sẽ tự nhiên sáng bừng lên. Vì thấy trùng nên tôi xếp qua một bên, chúng ta để dành thời giờ cho kinh khác. Quí vị chỉ nghe lại bốn bài gần đây là hoàn toàn có thể hiểu được những bài chúng tôi cố ý bỏ qua.
Có một vị tỳ kheo tên là Rādha đi đến đảnh lễ Đức Phật và hỏi Đức Phật: Con có nghe chữ Māra, mà con muốn đích thân Thế Tôn định nghĩa cho con biết Māra có nghĩa là gì.
Ở đây ngài Minh Châu không dịch chữ Māra và chúng tôi cũng không dịch chữ này, bởi vì chữ này rất nổi tiếng trong dân chúng Ấn Độ, đặc biệt là châu thổ Magadha thời đó. Chữ này là gốc của chữ ‘ma’ trong tiếng Hán
Trong tiếng Pāḷi, ‘mar’ có nghĩa là ‘chết’, ‘giết’. Tiếng Pháp có chữ ‘mort’, tiếng Latin có chữ ‘mortuum’, tiếng Sanskrit có chữ ‘mrt’.
Chữ ‘māra’ có nhiều nghĩa:
1. Sự chết.
2. (Nghĩa chuyên môn trong đạo Phật) Māra ám chỉ cho một vị đại lực tiên ông – vị thiên vương ở cõi trời Dục giới cao nhất. Đây là nhân vật đã quấy rối đức Bồ tát trước khi thành đạo và sau khi thành Phật. Māra phá Ngài và những đệ tử của Ngài suốt. Trong kinh xác định là một nhân vật có thật. Ngoài ra, chữ ‘māra’ ám chỉ cái chết, hoặc những gì mang ý nghĩa ‘tang tóc’, ‘hiểm họa’ trong tiếng Magadha thời đó.
Ngài Rādha thấy chữ này đáng hỏi, bởi thỉnh thoảng ngài nghe Đức Phật nghe nhắc chữ này, hình như có chỗ mang nghĩa này, có chỗ mang nghĩa khác thế nên hôm nay ngài Rādha đến hỏi Đức Thế Tôn. Ở đây Đức Thế Tôn dùng hai nghĩa: ‘tử thần’ và ‘sự chết’. Đức Phật trả lời, Ngài dùng chữ ‘māra’ với hai nghĩa: “Nếu có sắc, này Ràdha, thời có chết (Màra) hay có sát giả (Màretà), hay có sự chết (Miiyati)”; và Ngài nói rằng trên đời này nếu có cái gì đó cùng lúc đáng gọi cả hai: sự chết và sát thủ (người bị giết và kẻ giết) đó chính là năm uẩn.
Vì sao vậy? Lão Tử cũng từng nói: “Sở dĩ ta có đại họa là vì ta có thân này, thân này là bia bắn của tất cả thị phi và hiểm nạn trong đời”. Người ta đánh mình, đâm chém, kiện tụng, vu oan giá họa cho mình bởi mình có cục nợ mấy chục ký lô này. Chính vì có tâm này thân này nên mình mới có buồn, có vui, có nhu cầu trốn khổ tìm vui, ham sướng sợ khổ. Vì có thân này, tâm này chúng ta mới tìm đến hôn nhân, xây dựng mái ấm, chạy theo danh vọng, có thắng có thua, có đắc có thất, và vì chạy theo như vậy cuộc đời mình mới tang thương. Vì vậy Đức Thế Tôn nói: Tất cả hiểm họa từ đời này được khởi đi từ năm uẩn; hễ ngày nào còn có năm uẩn thì còn có vấn đề. Năm uẩn có ba trường hợp:
1. Năm uẩn ở chúng sanh sa đọa (trùn, dế, heo, chó, bò). Chúng cũng có năm uẩn, năm uẩn này u mê tăm tối trăm phần trăm.
2. Năm uẩn ở chúng sanh hưởng dục có phước như loài người, có sắc thọ tưởng hành thức, có thân có tâm. So với con chó con heo thì mình ngon lành hơn, mình có nhà có villa, muốn ăn gì thì ăn, mặc gì thì mặc, biết được các vấn đề tôn giáo, nghệ thuật v.v… Dù biết như vậy nhưng khoảng cách từ con người đến con thú chỉ cách có một gang tay, nghĩa là cũng ‘đực cái’, ‘trống mái tìm nhau’ và khả năng phản vệ (phản ứng và tự vệ). Ngoài những giống nhau thì mình chỉ khác con thú một chút là lâu lâu mình cũng biết lập thể, trừu tượng, biết nghe opera, nghe concerto, biết Platon, Socrates, Descartes, Aristote, Lão Trang v.v…, mình tưởng là hay như thật ra đó cũng chỉ là cái biết vớ vẩn, bởi phàm phu thường mắc vào những cái dốt sau: 1/ Biết chuyện không đáng biết. 2/ Không biết chuyện đáng biết, tức là không biết những gì làm cho mình tốt hơn, an lạc hơn, nhiều lắm chỉ biết kiếm tiền, biết cần câu cơm. 3/ Biết điều đáng biết nhưng không tới, chỉ biết đại khái. Chính vì vậy dù mang thân nhân loại, đi bằng hai chân, cuộc sống thẳng lên nhưng năm uẩn của mình vẫn là cục nợ, vẫn là cục khổ nạn.
3. Năm uẩn ở những người ly dục, sống bằng thiền định, tức là các vị Phạm thiên. Sống hết tuổi thọ trên đó rồi cũng trở về đơn vị gốc, tức trở về cõi Dục.
Đơn vị gốc ở cõi Dục là các cõi Đọa. Đơn vị gốc để mình tái sanh là cõi thấp nhất, còn đơn vị gốc của tâm hồn chính là tâm bất thiện. Ở quân đội, trước khi được chuyển qua nơi chốn nào đó thì có đơn vị xuất phát, sư đoàn nào đó, đó gọi là đơn vị gốc. Đơn vị gốc của tâm mình là 12 bất thiện. Tại sao gọi là đơn vị gốc? Gốc nghĩa là không cần nỗ lực gì hết, tự nhiên rớt xuống chỗ nào thì chỗ đó gọi là đơn vị gốc. Được gọi là gốc cây thì chỉ cần lê gót tới đó, nằm đó, dựa vào đó, không cần làm gì cũng vẫn ở ngay gốc cây, còn muốn lên tàng, nhánh, cành, ngọn thì cần phải nỗ lực mới trèo lên được.
Đức Phật dạy năm uẩn chính là khổ vì năm uẩn của loài hạ cấp khổ đã đành rồi, năm uẩn của loài trung cấp biết thiện, biết ác nhưng vẫn còn hưởng dục thì loanh quanh cũng trở về cõi đọa. Còn năm uẩn của chúng sinh biết thiền định, ly dục, khi hết tuổi thọ thì cũng trở về đơn vị gốc vì tâm hồn mình có đơn vị gốc là 12 phiền não. Vì vậy, chỉ có một cách duy nhất đó là chấm dứt sinh tử chứ không cách nào hết khổ. Năm uẩn ở đâu thì cái chết ở đó, năm uẩn là cội nguồn của tang tóc, năm uẩn là kẻ sát nhân. Năm uẩn là cội nguồn của chết chóc và hiểm nạn. Đây chính là lý do vì đâu mà Đức Thế Tôn gọi năm uẩn là Māra – cái chết và sát thủ. Ngài dạy hãy thường xuyên quán xét, thân này là gốc của mọi hiểm nạn.
Đi đường nhìn thấy cái cây bên đường, mình cũng phải tâm niệm, biết đâu cái cây này sau này làm quan tài cho mình chưa biết chừng, biết đâu đứa bé đang bò lổn ngổn đây sau này nó là bác sĩ mổ cái xác của mình, biết đâu chỗ nào đó bên đường sau này là chỗ mình tắt thở; đó là sự thật thưa quí vị, ‘biết ra sao ngày sau’. Vì vậy phải quán chiếu thân này, tâm này là sự chết và cũng là kẻ sát nhân, là nguồn bịnh, là mũi tên, là hiểm nạn, là bất hạnh. Tại sao phải quán chiếu như vậy? Để mà chán! Tôi – người đang hầu chuyện quí vị, dù mai này tôi có ra sao có khùng có điên, tôi có nằm xuống đi nữa thì làm ơn nhớ giùm tất cả những gì quý vị đang nghe đây là tuyệt đối cần thiết. Phải thường xuyên nhớ rằng, hãy sống trong nỗi chết. Chính là con đường an toàn và thông minh nhất. Sống trong tâm niệm về nỗi chết sẽ giúp quí vị sống tỉnh thức hơn, sống có trách nhiệm hơn.
Theo Thanh Tịnh Đạo, người nghĩ nhiều về cái chết thì dễ sống tha thứ, dễ sống kham nhẫn, sống buông bỏ, sống không tích lũy tài sản. Với sự chuẩn bị tâm lý này, khi gặp bất cứ chuyện gì họ cũng bình thản, không quýnh lên. Cách đây mấy hôm tôi nghe bà cụ bên Thụy Sĩ nói chuyện mà tôi nản, buổi sáng thức dậy, bả đưa tay chống tính ngồi dậy thì không thấy tay mình đâu. Bà không còn cảm giác gì về cái tay hết. Cái não mất liên lạc với cái tay. Thì ra bà mới biết mình bị stroke, và ngay lúc đó thì miệng cũng đơ luôn, không nói được. Nhanh lắm quí vị, nếu không phải Phật tử, ở một mình, là rối lên liền, rồi đổ ra bao nhiêu chuyện: tiếc của, thương con, nhớ cháu.
Vì vậy phải thường xuyên quán chiếu, còn trẻ phải nghĩ đến lúc già, còn khỏe phải nghĩ đến lúc bịnh, còn sống phải nghĩ đến lúc chết, lúc có được phải nghĩ đến lúc mất sạch. Hôm nay mình đi ngang trại hòm, bệnh viện, nhà già, phải tâm niệm: vì có cục nợ này nên người ta mới xây nên những nơi đó. Có một số nghề mà đầu năm khó chúc lắm, bán tạp hóa thì còn chúc buôn may bán đắt chớ trại hòm chúc làm sao. Nhưng thật sự phải tâm niệm rằng, chúng ta là người góp phần cho trại hòm ăn nên làm ra.
Nội dung bài kinh này là Đức Phật dạy hãy thường xuyên quán chiếu năm uẩn này là sự chết, là cõi chết, là thần chết, là kẻ sát nhân để nhàm chán. Từ nhàm chán dẫn đến ly tham ly dục. Từ ly tham ly dục sẽ dẫn đến giải thoát. Nếu ngay đời này đủ duyên lành Ba-la-mật thì chứng đắc thánh trí, còn không thì sự ra đi của người thường xuyên quán chiếu năm uẩn cũng chỉ là lành chớ không phải là xấu. Có những cái chết để đi lên, có những cái chết là sự đi xuống. Có những cái chết người ra đi phải vui và có những cái chết người ra đi nên sợ. Đức Phật dạy có ba hạng người chết không nhắm mắt:
1. Làm quá nhiều điều ác
2. Làm quá ít điều thiện
3. Còn tâm nguyện dang dở
Tôi vẫn hỏi hoài những người Phật tử trước mặt tôi trong buổi thuyết pháp, có ai dám nói bây giờ sẵn sàng chết mà không cần về nhà không. Một vài người giơ tay nhưng tôi không tin cho lắm. Ngay trong chư tăng tôi cũng không tin có vị nào đang đi ngoài đường mà có thể an lòng ra đi không cần về nhà để sắp xếp.
Tóm lại, phải thường xuyên quán chiếu năm uẩn; không có nó thì không có chết chóc, tang tóc, hiểm nạn, thị phi. Đó là nói trên mặt lý thuyết, còn về mặt tu chứng thì sao? Cứ quán chiếu năm uẩn theo cách này: Sống chậm! Nghĩa là xưa giờ ăn uống, nhai nuốt, buồn vui nói cười không biết, bây giờ sống chậm. Chậm không phải lờ đờ như người bại liệt, hết pin, thiếu máu, mà là chậm trong tốc độ mình có thể kiểm soát được để luôn luôn có thể kịp thời ghi nhận mình đang làm cái gì. Khát nước không lao đi kiếm nước nốc vào mà nghe biết là mình đang khát, chạm tay rót nước biết là rót, uống, nuốt, biết là đang nuốt. Đang lái xe trên đường, nghĩ cái gì đó, biết là tâm sân v.v…. đó là quán chiếu năm uẩn. Từng động tác biết rõ, cảm giác buồn vui, tham lam, sân si biết rõ. Dĩ nhiên là chưa quen vì bao nhiêu đời kiếp mình đâu có tu như vậy. Cứ thử đi, chẳng những miễn phí mà không tốn chút mồ hôi sức lực nào hết.
Sống tỉnh thức như vậy mình sẽ nhận ra biết bao nhiêu vấn đề: Thứ nhất, thấy rõ cái gì đang diễn ra trong thân và tâm mình, và từ đó thấy được mọi sự đúng là vô thường, tôi hồi nãy hoàn toàn khác tôi lúc này. Không có cái gì kéo dài từ phút này qua phút khác. Thấy rõ mọi sự là dòng chảy ghép nối bởi những giọt nước, là một đống cát được ghép bởi nhiều hạt cát. Thứ hai, thấy rõ tất cả niềm vui nỗi buồn đều rất mong manh, do duyên mà có, nhờ có điều kiện này điều kiện nọ mà mới có vui, có buồn, có dễ chịu, có khó chịu. Tệ nhất là loại hành giả không chịu chuyên tâm thực tập mà cứ lo đi học lý thuyết ba mớ rồi về bàn, cãi: “phải niệm cái này là danh; không phải là sắc, cái này là sắc đi, không phải tôi đi v.v…”. Xin bà con đừng học đòi người ta cái đó, không xài được. Khi nào người ta lão luyện thì những điều đó sẽ đến một cách tự nhiên và mới có công dụng đối trừ phiền não.
Tôi không biết ai đang nghe, và sau này ai nghe lại băng giảng này, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước quí vị và chư tôn đức những gì tôi nói, làm ơn để ba cái vụ quán chiếu gì đó tự nó tới. Cứ chánh niệm cho tôi nhờ, sống chậm lại, cái gì diễn ra thì biết rõ. Cứ vậy thôi, cộng với kiến thức căn bản về A-tỳ-đàm. Học xong cứ bỏ đó quên mất, rồi bắt đầu giữ chánh niệm. Cứ như vậy một thời gian thì tự nhiên huệ xuất hiện, đừng học đòi bắt chước người ta tuệ thứ năm thứ tám. Thời Đức Phật nghe có một câu đắc liền vậy tuệ thứ ba thứ tám nằm ở đâu?
Người ta phân tích tuệ là để giải thích cho mình nghe tiến trình: tuệ sợ hãi, tuệ nhàm chán rồi đến hờ hững, lãnh đạm không sợ, không chán v.v…; mình nghe xong rồi tự gạt mình đây là tuệ thứ năm thứ bảy. Thật ra, người ta phân tích cho mình nghe vậy thôi, cũng giống như khi khuyên mình ăn rau, người ta nói có nhiều chất xơ, giúp tránh táo bón, ngừa ung thu, người ta vẽ hình và phân tích cho mình thấy đường đi, cơ chế hoạt động của chúng như thế nào; học cho biết vậy thôi, chứ căn bản vẫn sống hồn nhiên và ăn rau. Chỉ làm đúng căn bản: kiếm rau trái ăn cho nhiều, hạn chế thịt đỏ, chớ đừng cầm trái táo lên phân tích tùm lum là có chất gì trong đó thì tới Tết chưa ăn xong trái táo.
______________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét