PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (g)
C. Năm Mươi Kinh Sau
V. Phẩm Kiến
IV. Và Nếu Không Phải Của Tôi (S.iii,183)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) -- Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì tà kiến như sau sanh khởi: "Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta"?
3) -- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
4) -- Này các Tỷ-kheo, do có sắc, chấp thủ sắc, thiên chấp sắc nên tà kiến này khởi lên: "Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta".
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) Do có thức, chấp thủ thức, thiên chấp thức nên tà kiến này khởi lên: "Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta".
9) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy, và khởi lên tà kiến như sau: "Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10-13) ... Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy, và khởi tà kiến như sau: "Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
V. Tà Kiến (S.iii,184)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Này các Tỷ-kheo, do có cái gì, do chấp thủ gì, do thiên chấp gì, tà kiến khởi lên?
4) -- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
5) -- Này các Tỷ-kheo, do có sắc, có chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc nên tà kiến khởi lên.
6-9)... thọ... tưởng... các hành...
Do có thức, do có chấp thủ thức, do thiên chấp thức nên tà kiến khởi lên.
10) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy, và khởi lên tà kiến không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11-14) ... Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy, và khởi lên tà kiến không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Do thấy vậy... vị ấy biết rõ... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
VI. Hữu Thân
(Giống như kinh trước, chỉ thế "hữu thân" cho "tà kiến").
VII. Ngã Kiến
(Giống như kinh trước, chỉ thế "ngã kiến" (attànuditthi) cho "hữu thân").
VIII. Thân Kiến
(Giống như kinh trước, chỉ thế "bị trói buộc, thiên chấp kiết sử" cho "ngã kiến").
IX. Thân Kiến
(Giống như kinh trước, chỉ thêm: "Sự tham trước về sự trói buộc, thiên chấp các kiết sử").
X. Ananda (S.iii,187)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi...
2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến... bạch Thế Tôn:
3) -- Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con, để sau khi nghe pháp, con sống một mình an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
4) -- Ông nghĩ thế nào, này Ananda, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
5-8) -- Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
9) Do thấy vậy... vị ấy biết rõ... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Kiến
NẾU KHÔNG PHẢI CỦA TÔI
“Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì tà kiến như sau sanh khởi: Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta?”. Kinh này không giải thích là không được.
Kinh này học rồi mà bà con quên, chỉ riêng…một mình tôi nhớ. Đức Phật dạy thế này: Này các tỳ kheo, với một người không có thiền định thần thông gì hết, thì tất cả những cái họ nhìn thấy trước mắt ngay bây giờ cũng chỉ là năm uẩn, là danh sắc, là mười hai xứ, mười tám giới, chỉ là sáu căn, sáu cảnh và sáu thức. Và này các tỳ kheo, nếu một người có thần thông mà nhớ lại các thời quá khứ thọ, hành, tánh, tướng…, những gì họ nhớ được cũng chỉ là các uẩn – các uẩn đã diệt, các uẩn quá khứ. Những gì họ thấy ngay bây giờ, trước mắt, cũng chỉ là các uẩn – các uẩn hiện tại. Những gì mà một người có thần thông, có thiền định biết rõ sẽ xảy ra trong kiếp sau thì đó cũng chỉ là năm uẩn sẽ có, chưa có, sắp có – năm uẩn tương lai. Trong khi đó, phàm phu thì không biết điều này, nếu có học đạo thì cũng học cho có, chứ trong đầu cũng ‘lén’ nghĩ ‘tôi là’ và cái gì đó là ‘của tôi’.
Đây là thứ tà kiến: “Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta”. Câu này dịch quá sát nên mình thấy hơi tối nghĩa. Phải hiểu thế này, thỉnh thoảng (quí vị để ý mới thấy) mình nghĩ về mình. Mình luôn nghĩ về mình từ góc độ chủ thể. Lẽ ra mình phải nhìn bản thân như là một đối tượng; trong khi đó, thông thường ta nhìn về mình không từ góc độ khách quan.
Tại châu Âu này, có một cô gái nói như gió năm ba thứ tiếng, ở trường bao giờ cũng đứng đầu lớp, anh em trong nhà ai cũng nể. Đùng một cái, nàng bỏ bến bỏ thuyền đi lấy chồng một sớm mùa đông. Sau những ngày tháng nồng cháy, nàng có một đứa con. Có con rồi nàng bỗng… ngu không tưởng tượng được, bao nhiêu cái thông minh quăng xuống sông biển hết. Con nàng làm gì, nàng cũng cho là đúng, nó ở dơ cỡ nào nàng cũng cho là thơm. Năm nay thằng bé 16 tuổi, cao một mét tám, ở dơ, lười biếng, cái gì cũng tệ. Vậy mà nàng nhắc về nó như một tín đồ thuần thành nhắc về bậc thánh. Vì sao vậy? Vì nàng nhìn con mình không từ góc độ khách quan mà nhìn từ góc độ ‘tôi là mẹ nó’, ‘nó là con tôi’. Không ít lần nàng đã nói với tôi, phê bình nhận xét một cách gay gắt về thói xấu của con em người khác, dù y hệt như con nàng mà nàng không nhận ra, bởi nàng nhìn từ góc độ ‘tôi là’, ‘của tôi’.
Cứ nghĩ, tôi có cái này, tôi không có cái kia, bây giờ tôi có mặt ở đây, tôi không có mặt ở chỗ nọ, bây giờ tôi có, không biết đời sau có hay không, đó là thứ tà kiến. Lẽ ra cần phải quán chiếu bản thân như là một đối tượng, từ góc độ khách quan nhất. Loạt kinh sau cũng y như vậy.
________________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma-sambuddhassa!
Trả lờiXóaNamo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa!
Xóa