PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (g)
C. Năm Mươi Kinh Sau
V. Phẩm Kiến
III. Ngã (Tạp 7, Ðại 2,43c) (S.iii,182)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Này các Tỷ-kheo, do có cái gì, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, tà kiến này khởi lên: "Cái này là ngã, cái này là thế giới, cái này sau khi chết sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại"?
4) -- Ðối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
5) -- Này các Tỷ-kheo, do có sắc, chấp thủ sắc, thiên chấp sắc nên khởi lên tà kiến như sau: "Cái này là ngã, cái này là thế giới, cái này sau khi chết sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại".
6-9) ... thọ... tưởng... các hành...
10) Do có thức, chấp thủ thức, thiên chấp thức nên khởi lên tà kiến như sau: "Cái này là ngã, cái này là thế giới, cái này sau khi chết sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại".
-- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy, và khởi lên tà kiến như sau: "Cái này là ngã, cái này là thế giới, cái này sau khi chết sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11-14) ... Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn?
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy, và khởi lên tà kiến như sau: "Cái này là ngã, cái này là thế giới, cái này sau khi chết sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Kiến
NGÃ
Do chấp thủ cái gì mà phàm phu có những ý niệm tôi là, của tôi, cái này vĩnh cửu, cái kia thiên thu, cái nọ còn hoài…?
Cũng chỉ là năm uẩn! Năm uẩn là đồ lắp ráp, luôn biến đổi và do duyên mà sanh diệt. Vì vậy những ý niệm này chỉ làm cho mình khổ, đó là niềm tin vào đống cát, giọt sương, mảnh vỡ thủy tinh, vào đống tuyết. Ai ở xứ lạnh thì biết, năm nay tôi gần năm mươi tuổi nhưng vẫn còn niềm vui quái gở mà người quen ai cũng lắc đầu. Tôi sợ lạnh lắm nhưng lại thích buổi sáng mùa đông nhìn ra ngoài rừng thấy một màu tuyết trắng. Cảm giác đó lạ lắm. Trong những ngày tháng ở Châu Âu chuyện đó bình thường lắm, nhưng tới giờ tôi cũng không chán. Tuyết rơi một lớp dày rồi mà vẫn tiếp tục rơi. Mọi thứ chung quanh tuyền một màu trắng, nhưng nó rất là triết học, bởi bên dưới đống tuyết đó là rác, là gai góc, là hầm hố, giờ đây đã phủ lấp hết, chỉ còn thấy một màu trắng thôi. Cũng vậy, bất cứ cái gì mình sở hữu, cũng đều ngầm chứa bên dưới bao nhiêu bất trắc, nguy hiểm, nhưng trước mắt thì nó được phủ lên bởi một lớp ảo tưởng nên thấy cái gì cũng đẹp.
Tôi nhớ hoài câu chuyện này, một tối mùa đông trên phố có đứa bé cầm bó hồng đến mời một anh thanh niên đứng bên cạnh chiếc xe đắt tiền: Chú ơi, chú mua giùm cháu bó bông đi chú. Chú không thích bông! Anh thanh niên trả lời. Vậy chú mua cho vợ chú đi. Không, chú chưa có vợ. Vậy chú mua cho người yêu đi chú. Chú chưa có người yêu. Đứa bé nói: Vậy chú càng phải mua, mua để tự mừng cho mình rằng mình đang rất tự do, giờ này còn đứng đây không sợ ai cằn nhằn. Ớn nhất cái cảnh có người mong chờ ở nhà. Riêng tôi, chưa bao giờ có vợ nhưng tôi biết rõ cảm giác đó. Cũng có người muốn có người ở nhà đợi. Biết ai đó đang chờ ở nhà thì 99.9% người không vui, chỉ có 0.1% người vui. Nếu chờ rồi cằn nhằn thì quá ớn, dù cằn nhằn vì thương mình thì cũng không khoái.
Tóm lại, trông cậy vào năm uẩn là không được.
______________________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét