PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (g)
C. Năm Mươi Kinh Sau
V. Phẩm Kiến
II. Cái Này Là Của Tôi (Tạp 7, Ðại 2,43a) (S.iii,181)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, do có cái gì, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì mà quán: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
4) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
5-9) -- Này các Tỷ-kheo, do có sắc, do chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc... do có thức, do chấp thủ thức, do thiên chấp thức nên quán: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi".
10) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn...
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy, và quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11-13) ... Thọ... Tưởng... Các hành...
14) -- Thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có nên chấp thủ cái ấy và quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Kiến
CÁI NÀY LÀ CỦA TÔI
“Này các Tỷ-kheo, do dựa vào cái gì, do chấp cái gì, mà chúng sinh phàm phu trong đời này nói: Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”
Cái mà phàm phu dựa vào để lầm tưởng rằng ‘đây là tôi, của tôi’ chỉ là năm uẩn thôi. Đây là nhan sắc của tôi, đây là tuổi trẻ của tôi, đây là tình yêu, mái ấm của tôi…, tất cả những cái ‘của tôi’ đó chỉ dựa vào năm uẩn. Năm uẩn là đồ lắp ráp, luôn vô thường, do duyên mà sinh diệt, nên cái ‘tôi và của tôi’ là cái rất mỉa mai và phũ phàng. Bản thân chữ ‘của’ rất là mỉa mai. Quí vị không hành trì, không học đạo, có thể hỏi tôi, nếu chống chữ ‘của’ như vậy thì trong nhà có sở hữu cái gì không, có dao, kéo, tô chén, muỗng, nĩa, không? Có! Nhưng bản thân cái ‘có’ đó cũng là vấn đề. Nó là đồ lắp ráp, do lắp ráp nên nó có hình vóc, có màu sắc.
Tôi đã từng bị cảnh mua cái va-li về xài ít lâu bị sút bánh ra, cái tay cầm bị gãy. Có mấy cái bị như vậy, do nặng quá mà mình tin nó quá, mình nghĩ là nó ok. Sáng nay tôi gởi tặng quí vị câu danh ngôn này: “Con chim an tâm đứng trên cành với niềm tin vào đôi cánh, con người tin vào cành cây”. Hai niềm tin này, cái nào an toàn hơn? Người sống có chánh niệm, có trí tuệ, có nhận thức thì giống như con chim. Vị A-la-hán không trông đợi vào những gì mình có, không có tin rằng tấm thân này còn khỏe, còn trẻ, không có tin rằng cái này là tốt lắm, không có hư… Ngài không tin gì hết, chỉ tin vào bản thân ngài thôi. Con chim đứng trên cành với niềm tin vào đôi cánh, còn con người tin vào cành cây; tin vào đôi cánh coi bộ chắc ăn hơn!
Hạnh phúc của mình, nói rốt ráo, phải là niềm tin vào bản lãnh của chính mình; chớ còn trông đợi vào người khác, vào ngoại vật thì đó là thái độ rất là thơ ngây và vô cùng nguy hiểm. Hãy tâm niệm: tôi là một con chim đứng trên cành cây cuộc đời, tôi chỉ tin vào đôi cánh chánh niệm và trí tuệ của tôi chớ không tin cậy vào cái tôi có.
Cách đây bốn ngày, tôi suýt chết vì một cái chuyện, nếu mà có cái tin cáo phó, người không thương tôi họ cười chết. Đó là một nhánh cây khô nặng không dưới năm mươi ký, nó rơi từ trên cao khoảng mười mấy hai chục mét xuống, lúc tôi đang đứng trong rừng ở Thụy Sĩ. Tôi nghe tiếng rắc rắc, tôi không biết làm gì, chỉ ôm sát cái thân cây. Chung quanh tôi là rừng nên khi tôi ôm sát thân cây, tôi hy vọng rằng cái gì cũng sẽ rớt bên ngoài khoảng trống chớ không chạm vào tôi. Bây giờ nhắc lại cho bà con nghe tôi vẫn còn toát mồ hôi. Con chim làm sao biết nhánh nào tươi hay khô, nên chỉ tin vào đôi cánh, còn mình thì tin vào nhánh cây, vào ngoại vật.
Nội dung bài kinh Cái Này Là Của Tôi, Đức Phật nói rằng người ta dựa vào năm uẩn mà chấp rằng ‘đây là tôi’, ‘đây là của tôi’; Bài kinh trước Ngài hỏi: Hạnh phúc và đau khổ dựa vào đâu mà có? Cũng chỉ là từ sự ngộ nhận vào năm uẩn! Nhờ ngộ nhận vào năm uẩn mà có hạnh phúc và đau khổ. Ý niệm ‘tôi và của tôi’ cũng từ đó mà ra. Niềm tin vào năm uẩn là niềm tin của một người đứng trên cành cây khô.
________________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét