PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (g)
C. Năm Mươi Kinh Sau
V. Phẩm Kiến
I. Nội (Tạp 7, Ðại 2,43b) (S.iii,180)
1-2) Ở Sàvatthi...
3) -- Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, nội lạc, khổ khởi lên?
4) -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...,...
5) -- Này các Tỷ-kheo, do có sắc, do chấp thủ sắc, nội lạc, khổ khởi lên.
6-8)... thọ... tưởng... các hành...
9) Do có thức, do chấp thủ thức, nội lạc, khổ khởi lên.
10) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, nội lạc, khổ có thể khởi lên không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
11-13) ... Thọ... Tưởng... Các hành...
14) -- Thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời nội lạc, khổ có thể sanh khởi không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Kiến
NỘI (Ajjhattasutta)
Bài kinh này có một chỗ bắt buộc mình phải bàn tới. Bản tiếng Việt đọc vô là ‘điếc con ráy’: “3) Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, nội lạc, khổ khởi lên?”,trong khi đó bản Pāḷi sáng trưng: “uppajjati ajjhattam sukhadukkham”.
‘Ajjhattam’: trong thâm tâm mình, bản Hán dịch là ‘nội tại’.
Câu kinh trên dịch lại như sau: Do dựa vào cái gì trên đời này mà có hạnh phúc và đau khổ, tâm ta buồn vui là do cái gì?
Đức Phật dạy: Toàn bộ nỗi khổ và niềm vui trên đời này dựa vào năm uẩn mà có. Năm uẩn thì là đồ lắp ráp, luôn vô thường, và do duyên mà sinh diệt. Nói vậy có nghĩa là bản thân cái gọi là hạnh phúc và đau khổ cũng là đồ lắp ráp, luôn vô thường và do duyên mà sinh diệt. Do thấy vậy mới có thể nhàm chán rồi ly tham (tham là Tập đế, là nguồn khổ), ly tham thì bớt khổ và hết khổ. Còn là phàm thì bớt khổ, chứng thánh thì hết khổ. Ly tham của người hiểu đạo nhiều, hiểu đạo ít, hành trì tinh tấn hay lười biếng thì khác nhau; ly tham của vị Tu-đà-hoàn khác với ly tham của vị ở tầng thánh cao hơn.
___________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét