PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (g)
C. Năm Mươi Kinh Sau
III. Phẩm Vô Minh
IV. Vi Ngọt
1-2) Tại Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika thưa với Tôn giả Sàriputta:
-- "Vô minh, vô minh", thưa Hiền giả Sàriputta, được nói đến như vậy. Thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Và cho đến như thế nào được gọi là vô minh?
4) -- Ở đây, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) ... không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.
V. Vị Ngọt (S.iii,174)
1-2) Tại Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển...
3) -- "Minh, minh", này Hiền giả Sàriputta, được nói đến như vậy. Thế nào là minh, thưa Hiền giả? Như thế nào được gọi là minh?
4-8) Ở đây, này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc... của thọ... của tưởng... của các hành... như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.
9) Ðây gọi là minh, này Hiền giả. Cho đến như vậy được gọi là minh.
VI. Tập Khởi (S.iii,174)
1-2) Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển...
3) -- "Vô minh, vô minh", thưa Hiền giả Sàriputa, được nói đến là như vậy. Và thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là vô minh?
4) -- Ở đây, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) ... không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.
9) Như vậy, này Hiền giả, được gọi là vô minh. Cho đến như vậy được gọi là vô minh.
VII. Tập Khởi (S.iii,174)
1-2) Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika thưa với Tôn giả Sàriputta:
-- "Minh, minh" thưa Hiền giả Sàriputta, được nói đến như vậy. Thế nào là minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là minh?
4) -- Ở đây, thưa Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) ... như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.
9) Như vậy được gọi là minh, này Hiền giả. Cho đến như vậy được gọi là minh.
VIII. Kotthika (S.iii,175)
1) Bàrànasi, Isipatana, Migadàya.
2) Tôn giả Sàriputta vào buổi chiều...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Kotthika:
-- "Vô minh, vô minh", này Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là vô minh?
4) -- Ở đây, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) ... không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.
9) Như vậy gọi là vô minh, thưa Hiền giả. Cho đến như vậy được gọi là vô minh.
10) Khi được nói vậy, Tôn giả Sàriputta và nói với Tôn giả Kotthika:
-- "Minh, minh", thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế nào là minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là minh?
11) -- Ở đây, thưa Hiền giả, vị Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm, và sự xuất ly của sắc.
12-14) ... thọ... tưởng... các hành...
15) ... như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.
16) Như vậy, này Hiền giả, được gọi là minh. Cho đến như vậy được gọi là minh.
IX. Kotthika (S.iii,175)
1) ... Bàrànasi, Isipatana, Migadàya.
2-3) -- "Vô minh, vô minh", thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là vô minh?
4) -- Ở đây, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) ... không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.
9) Như vậy, này Hiền giả, được gọi là vô minh. Cho đến như vậy được gọi là vô minh.
10) Ðược nói vậy, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Kotthika:
-- "Minh, minh", thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế nào là minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là minh?
11) -- Ở đây, này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.
12-14) ... thọ... tưởng... các hành...
15) ... như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.
16) Như vậy, này Hiền giả, được gọi là minh. Cho đến như vậy, được gọi là minh.
X. Kotthika (S.iii,176)
1-2) Nhân duyên như trên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Kotthika:
-- "Vô minh, vô minh", thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Và thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào, được gọi là vô minh?
4) -- Ở đây, thưa Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ sắc, không biết rõ sắc tập khởi, không biết rõ sắc đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt.
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) ... không biết rõ thức, không biết rõ thức tập khởi, không biết rõ thức đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt.
9) Như vậy, này Hiền giả, được gọi là vô minh. Cho đến như vậy được gọi là vô minh.
10) Khi được nói vậy, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Kotthika:
-- "Minh, minh", thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế nào là minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào, được gọi là minh?
11)-- Ở đây, này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sắc, biết rõ sắc tập khởi, biết rõ sắc đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt.
12-14) ... thọ... tưởng... các hành...
15) ... biết rõ thức, biết rõ thức tập khởi, biết rõ thức đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt.
16) Như vậy, này Hiền giả, được gọi là minh. Cho đến như vậy được gọi là minh.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Vô Minh
VỊ NGỌT
Sáng nay bắt đầu bài kinh Vị Ngọt. Tiếp theo đó là một loạt kinh có nội dung tương tự nhau. Kinh Vị Ngọt là ngài Mahā Kotthika đến hỏi ngài Xá Lợi Phất vô minh nghĩa là gì. Ngài Xá Lợi Phất đưa ra một định nghĩa hơi khác một chút (về cách nói) so với những định nghĩa về vô minh trước đây chúng ta đã học. Xin thưa rõ với bà con một điều, những bài kinh tạng như thế này, nếu đọc một mình thì một trăm người thì có lẽ chỉ có một người còn hứng thú để tiếp tục đi tới những bài khác; còn lại hầu hết thấy trùng thì coi thường, có người thấy nội dung khô quá thì chán. Coi thường thì cũng không đọc tới được, không chịu tìm hiểu, không hứng thú để suy tư thêm nữa thì làm sao mình có thể tiếp tục đi tiếp về phía trước được. Tôi chỉ mong đời sau sanh ra được gặp mấy bài kinh này là tôi mừng lắm rồi.
Trên đời này có nhiều trường hợp ta nghe nói tới chữ ‘ngu’, chữ ‘dốt’; nhưng theo trong Phật pháp, thì có một điểm giống ngoài đời là chúng ta không thể nào sống trong bóng tối của dại khờ, của nông nỗi, của sự ngu si dốt nát, thiếu hiểu biết. Hãy tưởng tượng một người không biết chữ, không nhận thức, không có khả năng suy nghĩ, khổ cỡ nào. Sống trên đời này bằng cái đầu của một người say rượu, mất trí, tâm thần thì khổ cỡ nào. Cái gì cũng có thể làm cho mình đau khổ được hết. Được cái gì đó, khi nó thay đổi cũng đã khổ, nói gì khi mình gặp đắng cay phũ phàng trong đời sống. Cái khổ đó chỉ đến từ đời sống thiếu nhận thức, thiếu trí tuệ.
Một lát nữa đây quí vị sẽ có dịp học một ngàn bài kinh nhấn mạnh điều chúng tôi đang nói. Đời sống của một người say, một người khùng, một đứa bé, một người già lú lẫn thì khổ cỡ nào. Đời sống sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu chúng ta có khả năng nhận thức về thế giới chung quanh, có khả năng nhận thức về chính mình. Thế giới này là cái gì và mình là cái gì, ở đâu tới, sẽ về đâu và phải làm gì. Toàn bộ những điều đó mà mình không biết nghĩa là vô minh. Có nhiều cách định nghĩa về vô minh, có chỗ vô minh được định nghĩa là sự bất tri Tứ Đế.
Ở loạt kinh này vô minh được định nghĩa là sự thiếu hiểu biết về năm uẩn qua các khía cạnh thay vì là sự thiếu hiểu biết trong Bốn Đế như ta vẫn thường nghe và biết.
Đối với năm uẩn nếu biết được qua ba khía cạnh: vị ngọt, vị đắng, sự giải thoát cũng được gọi là trí tuệ giải thoát. Đó là biết rõ năm uẩn là gì, biết rõ mọi sự trên đời đều nằm trong năm uẩn, biết rõ những gì làm cho mình thấy ngọt ngào, vui vẻ đam mê đều được gọi là vị ngọt của năm uẩn và tất cả những vô thường, thay đổi, làm cho mình khó chịu, sợ hãi, không an lạc, gọi là vị đắng của năm uẩn – vị ngọt và vị đắng vốn dĩ là hai mặt của một đồng tiền. Đau khổ là gốc của an lạc, an lạc là gốc của đau khổ. Hai thứ này không rời nhau. Có đói lạnh thì sự ăn mặc mới hạnh phúc; có thương nhớ, có mong đợi thì gặp gỡ mới mừng. Cái hạnh phúc này chắc chắn ngàn phần trăm là nó sẽ bị mất trong nháy mắt, trong vài giờ, trong vài tuần, vài tháng hay vài năm. Không có hạnh phúc nào kéo dài liên tục vài tháng, ngay cả chuyện mình trúng số đi nữa.
Nỗi khổ niềm đau của một kẻ phàm phu chỉ có thể được thấy rõ bằng đời sống chánh niệm và trí tuệ. Chính vì không thấy rõ thế giới này và bản thân mình được kiến tạo và xây dựng trên năm uẩn nên từ đó mới dẫn đến không biết rằng những vị ngọt trong đời này vốn không bền và là gốc của vị đắng. Vì không thấy được vị đắng trong năm uẩn, trong sự hiện hữu bản thân nên mình không có sự nhàm chán, sợ hãi đối với sự hiện hữu của năm uẩn. Chính vì không chán sợ nên mình tiếp tục đam mê và đầu tư cho đời sau kiếp khác. Sự mơ hồ, thiếu nhận thức, không hiểu biết về năm uẩn qua các khía cạnh đó được gọi là vô minh. Nếu một người có đủ hiểu biết, đủ trí tuệ nhận thức được những khía cạnh đó ở năm uẩn, thì khả năng nhận thức đó gọi là minh, là trí tuệ.
Mỗi một bài trong loạt kinh này rất ngắn, nhưng ngài Xá Lợi Phất xác định rõ một điều: Tất cả mọi nỗi khổ niềm đau trên đời này đi ra từ sự thiếu hiểu biết về năm uẩn. Sự thiếu hiểu biết đó gọi là vô minh. Còn ngược lại, có sự hiểu biết nhận thức rõ ràng về năm uẩn, cái gì là vị ngọt, vị đắng của năm uẩn, và con đường nào dẫn đến sự chấm dứt sinh tử, sự nhận thức đó rất là cần thiết, giúp cho mình an lạc đời này và chấm dứt sinh tử đời sau, đó là minh. Nói đến chữ vô minh là nói đến nguồn khổ, chấm dứt vô minh là hết khổ. Cả hai: nguồn khổ và chấm dứt khổ chỉ đi ra từ một chuyện: anh có nhận thức về năm uẩn hay không. Còn tất cả những học vị, bằng cấp chuyên môn ngoài đời chỉ là những cái biết quẩn quanh trong dòng sinh tử. Còn cái biết thánh hiền chư Phật ba đời luôn đề cao và nhấn mạnh đó là sự nhận thức rõ về năm uẩn, bởi năm uẩn chính là bản chất của thế giới, của mọi chúng sinh.
Chúng ta vừa học cùng lúc xong hai bài kinh Vị Ngọt và hai bài kinh Tập Khởi, ba kinh Kotthita (ở đây ghi là Kotthika). Chúng tôi không rõ vì đâu, trong tiếng Pāḷi, tên của vị này có hai cách viết. Giống như ngài Mahakaccayana còn có một cách viết Mahakaccana (trong kinh Bắc Tông ghi là Ca-Chiên-Diên); còn chữ Kotthika trong chữ Sanskrit là Kausthila, trong kinh Hán tạng gọi là Câu-Hy-La. Phải biết những điều này, bởi mai này mở kinh Bắc Tông ra nghe là Câu-Hy-La thì mình phải biết đó là Maha Kotthika, và nhớ thêm là có một loạt kinh về năm uẩn có liên hệ đến vị này.
____________________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét