PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (g)
C. Năm Mươi Kinh Sau
II. Phẩm Thuyết Pháp
XII. Kappa (Tạp 1, Ðại 2,4c) (S.iii,169)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Kappa đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kappa bạch Thế Tôn:
-- Do biết như thế nào, do thấy như thế nào, bạch Thế Tôn, đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, lại không có (tư tưởng) ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn?
4) -- Phàm có sắc gì, này Kappa, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc thắng hay liệt, hoặc xa hay gần; tất cả sắc ấy cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
5-7) Phàm có thọ gì... tưởng gì... các hành gì...
8) Phàm có thức gì, này Kappa, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức cần phải như quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Do biết như vậy, do thấy như vậy, này Kappa, đối với thân có thức này, và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có (tư tưởng) ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn.
XIII. Kappa (S.iii,170)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kappa bạch Thế Tôn:
-- Do biết như thế nào, thấy như thế nào, bạch Thế Tôn, đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, tâm ý không còn các tư tưởng ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, vượt qua kiêu mạn, tịch tịnh, khéo giải thoát?
3) -- Phàm có sắc gì, này Kappa, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại... tất cả sắc, sau khi như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", được giải thoát, không có chấp thủ.
4-6) Phàm có thọ gì... tưởng... các hành...
7) Phàm có thức gì, này Kappa, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức, sau khi như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", được giải thoát, không có chấp thủ.
8) Do biết như vậy, thấy như vậy, này Kappa, đối với thân có thức này, và trong tất cả tướng ở ngoài, tâm ý không có các tư tưởng ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, vượt qua kiêu mạn, tịch tịnh, khéo giải thoát.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Thuyết Pháp
KAPPA (Kappasutta)
Ngài Kappa hỏi Đức Phật: Bạch Thế Tôn con phải thường xuyên suy tư như thế nào để không phải tiếp tục chấp ngã nữa, vì đời sống của con nặng nề quá, phiền não quá. Bao nhiêu khổ tâm đều đi ra từ sự chấp ngã, thấy tôi là cái gì đó, cái gì đó là tôi, của tôi, vậy làm sao để bỏ được sự chấp ngã như vậy?
Đức Phật trả lời: Vị tỳ kheo phải nhớ rằng, toàn bộ cái gì trong trời đất này dù đó là danh hay sắc, là thân hay tâm; dù ở đời này hay kiếp khác, vũ trụ này hay vũ trụ khác, ở đâu có thân có tâm thì ở đó có khổ, vô thường, vô ngã.
Bài kinh này rất quan trọng, vì nhiều khi người ta cũng còn có mơ hồ nghĩ rằng chỉ trong cõi sa bà này có khổ, có đói nghèo, hận thù tranh giành chớ cõi khác không có; người ta còn tin rằng có cõi nào đó gọi là Cực Lạc, còn có nơi nào đó đáng để mình về. Đức Thế Tôn xác nhận là không. Ngài đã xác nhận: dù bất cứ nơi đâu, trong vô lượng vũ trụ, trong bao nhiêu đời quá khứ, hiện tại, vị lai, xa gần, thô tế, thắng liệt, bất cứ không gian, thời gian điều kiện hoàn cảnh nào đi nữa thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức, luôn luôn là do duyên mà có, và có rồi phải mất. Có danh sắc là phải vô thường, làm sao mọi sự có thể tồn tại đứng yên được. Vấn đề lớn nhất của mình là mình không chịu nổi sự vô thường, mình chạy theo cái ngọt và sợ cái đắng.
Chính vì không có cái ngọt nào còn hoài nên mới sanh ra khổ. Cái ngọt đó do ba nhân (tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống) mà có, do ba nhân đó mà mình thích hay không thích. Bản thân chữ ‘thích’ đã có vấn đề. Còn đối tượng mình thích thì hoặc là mình sẽ chán, hoặc là đối tượng đó sẽ bỏ mình mà đi. Tôi không phải là thiền sư, nhưng nhờ nghĩ vậy mà tôi sống được. Tôi cũng thương nhớ, cũng tương tư, nhưng vì khổ quá, thương quá nên tôi phải nghĩ: vài chục năm nữa, tóc họ rụng trụi hết, tay chân lóng cóng ngồi trong nhà già, khi tôi tới thăm thì họ không nhớ tôi, ăn uống thì rớt lên rớt xuống, mắt mũi kèm nhèm… Dù mình có sức khỏe hoàn hảo, danh lợi số một, cuộc đời mỹ mãn đi nữa, mình có sống đến 90 tuổi, thì rồi sẽ ra làm sao? Mới vừa rồi có ông hoàng tử Arab Saudi, đẹp trai, giàu sụ, đứt gân máu chết, mới có 31 tuổi.
Chính vì vậy ngài Kappa mới hỏi như trên và Đức Phật dạy: Cứ luôn luôn nhớ thế này, đừng hy vọng cõi này cõi nọ, đời sau kiếp khác, mà hãy nhớ rằng, tất cả cái gì thuộc quá khứ hay vị lai, tiền tiền vô thỉ, hậu hậu vô chung, xa gần thô tế thắng liệt… hễ danh sắc là luôn luôn vô ngã vô thường.
Kinh Kappa thứ hai cũng y hệt như vậy.
__________________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét