PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (g)
C. Năm Mươi Kinh Sau
II. Phẩm Thuyết Pháp
VIII. Kiết Sử (S.iii,166)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về các pháp bị trói buộc và sự trói buộc. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị trói buộc? Thế nào là sự trói buộc? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp bị trói buộc. Dục và tham đối với sắc là sự trói buộc của sắc.
5-7) ... Thọ... Tưởng... Các hành...
8) Thức, này các Tỷ-kheo, là pháp bị trói buộc. Dục và tham đối với thức là sự trói buộc của thức.
9) Này các Tỷ-kheo, các pháp này, này các Tỷ-kheo, được gọi là các pháp bị trói buộc. Ðây là sự trói buộc.
IX. Chấp Thủ (S.iii,167)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng cho các Ông về các pháp bị chấp thủ và sự chấp thủ. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị chấp thủ? Thế nào là sự chấp thủ? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp bị chấp thủ. Dục và tham đối với sắc là sự chấp thủ đối với sắc.
5-7) ... Thọ... Tưởng... Các hành...
8) Thức, này các Tỷ-kheo, là pháp bị chấp thủ. Dục và tham đối với thức là sự chấp thủ đối với thức.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Thuyết Pháp
KIẾT SỬ
“3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về các pháp bị trói buộc và sự trói buộc. Hãy lắng nghe. 4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị trói buộc? Thế nào là sự trói buộc? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp bị trói buộc. Dục và tham đối với sắc là sự trói buộc của sắc….”
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là các pháp bị trói buộc. Tâm tham, lòng ưa thích, là sự trói buộc. Ở đây, nếu đọc bản tiếng Việt nghe chữ ‘bị’ mình dễ hiểu nhầm. Bài kinh này rất sâu.
Nội dung bài kinh: Toàn bộ thế giới này chỉ gồm có hai thứ là đối tượng và chủ thể. Do thích mới có cái để thích. Cái để thích chính là năm uẩn, do thích chúng, ta tiếp tục có chúng, tiếp tục sinh tử, lành ít dữ nhiều, buồn nhiều hơn vui.
Sự thích thú chính là tham, đối tượng thích thú chính là năm uẩn. Còn thích thú trong năm uẩn thì sẽ tiếp tục có năm uẩn mới, tiếp tục hành trình sinh tử mới. Đời nào kiếp nào sanh ra cũng thấy mình ngon lành hết, dù là một con dòi trong đống phân hay ông hoàng trong cung điện hay thằng điên trên đường phố. Điên cũng có cái thích cái ghét. Dù mình là ai đi nữa, suốt đời này cứ chạy theo cái mình thích, khi gặp cái không thích thì bất mãn – ưu, gặp thích thì tham.
Trong kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Thế Tôn gom gọn phiền não lại thành hai thứ: tham và ưu. “Ở đây vị tỳ kheo tinh cần tỉnh giác sống quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp tinh tấn chánh niệm diệt trừ tham ưu ở đời”. Suốt cuộc đời, suốt một dòng sinh tử chỉ có thích và ghét. Nếu phân tích chia chẻ rộng rãi – bên dưới thích và ghét – thì có ái, hoài nghi, vô minh, ngã mạn, tà kiến… Ở đây Ngài không nhắc đến, Ngài chỉ nói gọn đời sống này chỉ gồm hai thứ: sự đam mê và đối tượng để mình đam mê.
Tùy theo duyên nghiệp mà ta có năm uẩn ra sao và thích cái gì qua đó. Nghĩa là, có người sanh ra đẹp, có người vui nhiều hơn khổ (hạng này hơi hiếm), có người thì xấu, khổ nhiều hơn vui (hạng này hơi nhiều), tùy vào hoàn cảnh mà họ thích cái gì. Con ruồi thích cái mà con ong con bướm không thích. Tôi xuất thân làm thầy chùa từ bé, làm sao tôi thích đánh golf hay sở hữu những chiếc du thuyền. Quý vị chở tôi đi tới chỗ cảnh đẹp thì tôi thích, nhưng đưa tôi chiếc du thuyền để lái thì tôi không thích. Quí vị mà cho tôi những bức danh họa nổi tiếng, biết mắc tiền thì tôi bán liền trong vòng ba giây vì tôi chẳng hiểu gì và cũng không biết thích chúng ở chỗ nào.
______________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét