PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (g)
C. Năm Mươi Kinh Sau
II. Phẩm Thuyết Pháp
VI. Giải Thoát (Tạp 2, Ðại 2,19c) (S.iii,165)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) -- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Các Ông có quán sắc: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
3-5) ... thọ... tưởng... các hành...
6) ... các Ông có quán thức: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông phải như thật quán thức với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
VII. Giải Thoát (Tạp 2, Ðại 2,19c) (S.iii,166)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) -- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Ông có quán sắc: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi"?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải như thật quán sắc với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
3-5) ... thọ... tưởng... các hành...
6) ... các Ông có quán thức: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi"?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
-- Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải như thật quán thức với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
7) Do thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy biết rõ: "... không còn trở lui trạng thái này nữa".
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Thuyết Pháp
GIẢI THOÁT
Ở đây Đức Phật cũng dạy y hệt như vậy. Ngài hỏi: Các ngươi có thấy ‘cục thịt’ (tấm thân) này là các ngươi và các ngươi chính là ‘cục thịt’ này hay không, những niềm vui nỗi buồn này có phải là các ngươi hay không? Chư tỳ kheo trả lời: Thưa không.
“Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Các Ông có quán sắc: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Vì sao các tỳ kheo trả lời như vậy? Vì trước khi cạo đầu đi theo Thế Tôn là các vị ấy đã nghe điều này rồi. Vì nghe được hiểu được nên mới đi theo Phật, và khi Đức Phật hỏi thì hiểu ngay phải trả lời như thế nào. Chính các vị ấy trong bao nhiêu ngày tháng chiêm nghiệm, sống chết buồn vui trong sự quán niệm nên thấy rõ cái này không phải ‘của tôi’. Chỉ quán sát chữ ‘của’ là đủ đắc A-la-hán rồi. ‘Của’ là một khái niệm rất buồn cười.
Khi mình còn thở thì ai đụng không được chớ mười lăm phút nữa không còn thở thì phũ phàng ghê gớm. Chỉ cần quên thở mười lăm phút thì người thân mình không dám đụng. Mình mất mười mấy năm để trở thành bác sĩ, luật sư, chủ nhà hàng, chủ tiệm nail, mở phòng mạch, mở văn phòng, tìm kiếm thân chủ, có quan hệ xã hội, gia đình hạnh phúc v.v…; đùng một cái, quên thở mười lăm phút thì quên tất cả mọi cái mình có, căn nhà tám triệu đô la giờ không biết của ai, vợ mình người khác xài, con mình người khác sai.
Quán chiếu như vậy thì thấy chữ ‘của’ là chữ mỉa mai bậc nhất trong ngôn ngữ của chúng sinh. Chư thiên mà chết còn thảm nữa, chỉ cần nghiệp mệnh chung xảy đến thì tan biến như “một làn khói trắng ru đời vào quên lãng” không để lại dấu vết gì hết. Chúng ta còn để lại ‘cục thịt’ này cho người ta thiêu, chôn. Chính vì vậy Đức Thế Tôn biết các vị tỳ kheo đã thấy, đã hiểu rồi mà Ngài vẫn hỏi:
– Các ngươi có thấy cái tấm thân này là của mình hay không?
– Dạ không.
– Các ngươi có thấy tất cả niềm vui nỗi buồn là của mình hay không?
– Dạ không.
– Các ngươi có thấy những hồi ức, kỷ niệm, kiến thức kinh nghiệm là của các ngươi hay không?
– Dạ không.
– Các ngươi có thấy những cảm giác khó chịu dễ chịu này là của các ngươi hay không?
– Dạ không.
Lâu lâu gặp mặt, Ngài nhìn cái tâm của các vị tỳ kheo và hỏi như vậy. Có những khi các vị ấy trả lời xong thì đắc quả A-la-hán, có khi họ không đắc gì hết nhưng bội phần tinh tấn hơn. Có nhiều khi họ đang dễ duôi, Ngài hỏi, và lập tức họ trở lại tinh tấn như cũ. Nội dung bài kinh là Ngài liên tục xác nhận rằng một người cầu đạo giải thoát phải thường trực quán chiếu rằng ‘tấm thân này không phải là của tôi’, ‘tôi không phải là tấm thân này’, tất cả những nỗi khổ niềm đau không phải là của tôi và tôi cũng không phải là chúng.
______________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét