PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (g)
C. Năm Mươi Kinh Sau
II. Phẩm Thuyết Pháp
V. Trói Buộc (Tạp 2, Ðại 2,19b) (S.iii,164)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh... không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là kẻ vô văn phàm phu, bị trói buộc bởi các trói buộc của sắc, bị trói buộc bởi các trói buộc nội ngoại, kẻ không thấy bờ bên này, kẻ không thấy bờ bên kia, khi sanh bị trói buộc, khi chết bị trói buộc, khi đi từ đời này qua đời khác bị trói buộc.
4-6) ... quán thọ... quán tưởng... quán các hành...
7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh... không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán thức như là tự ngã, tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là kẻ vô văn phàm phu, bị trói buộc bởi các trói buộc của thức, bị trói buộc bởi các trói buộc của nội ngoại, kẻ không thấy bờ bên này, kẻ không thấy bờ bên kia, khi sanh bị trói buộc, khi chết bị trói buộc, khi đi từ đời này qua đời khác bị trói buộc.
8) Còn vị Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, thấy rõ các bậc Thánh... tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị Ða văn Thánh đệ tử, không bị trói buộc bởi các trói buộc của sắc, không bị trói buộc bởi các trói buộc nội ngoại, vị đã thấy bờ bên này, vị đã thấy bờ bên kia. Ta nói, vị ấy được giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ.
9-11) ... Ðối với thọ... với tưởng.... với các hành...
12) ... không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị Ða văn Thánh đệ tử, không bị trói buộc bởi sự trói buộc của thức, không bị trói buộc bởi sự trói buộc nội ngoại; vị đã thấy bờ bên này, đã thấy bờ bên kia. Ta nói, vị ấy đã giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Thuyết Pháp
TRÓI BUỘC (Bandhanasutta)
Mình cùng nhau đọc chút xíu chánh kinh, vì có một vài chữ cần phải để ý. Sáng nay chúng ta học một loạt các bài kinh nội dung giống nhau. Sở dĩ có chuyện đó vì các ngài kiết tập Tam tạng gom những bài kinh có nội dung gần giống nhau để vào một chuỗi. Còn bối cảnh thì khác nhau và thời gian thuyết giảng từng bài có thể cách nhau năm năm, mười năm, hai mươi năm.
Không giống như bên Bắc Tông, họ có cái thuyết gọi là “Ngũ thời thuyết giáo”. Trí Khải đại sư tưởng tượng ra lúc Đức Thế Tôn mới thành đạo, trong đời Ngài chia ra năm thời điểm, lúc thì thuyết toàn kinh Đại Thừa, lúc thì thuyết toàn kinh Tiểu Thừa, lúc thì thuyết cho Bồ Tát, lúc thì thuyết cho Thanh Văn… Bên Phật Giáo Nguyên Thủy không phải như vậy, không có chuyện thứ lớp. Có thể buổi sáng Ngài gặp một kẻ cướp, trưa gặp một học giả, tối gặp ông vua hoặc chư tăng, tùy đối tượng Ngài thuyết. Hai đối tượng có thể cách nhau vài giờ đồng hồ, và cách thuyết giảng cùng đề tài cho hai đối tượng cũng khác nhau chẳng hạn với người ít học Ngài nói khác, với người giỏi Veda thì Ngài nói khác. Thuyết Ngũ thời thuyết giáo vốn không có trong kinh Nguyên thủy.
“3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh… không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc…”
Chữ ‘quán’ ở đây có nghĩa là ‘xem’, ‘coi’, ‘nghĩ tưởng’, ‘cho rằng’, ‘nhận thức rằng’, ‘quan niệm rằng’. Ngài Minh Châu dịch sát từ chữ ‘samanupassati’.
“quán sắc như là tự ngã” nghĩa là nhìn vật chất ngoại thân và nội thân, thấy trong vật chất có mình, mình và vật chất là một. Ví dụ, cái đồng hồ, cách đây một giờ nó còn nằm trong tiệm, mình chưa mua, nếu nghe nói tiệm đồng hồ đó bị cháy, tâm mình dửng dưng. Nhưng sau khi mình đã trả tiền, cái đồng hồ đã vào túi của mình, nếu có bị trầy xước, bể, mất trộm thì mình đau khổ ghê gớm, bởi lúc bấy giờ cái đồng hồ gắn liền với máu thịt của mình. “quán sắc như là tự ngã” là như vậy. Lúc bấy giờ cái đồng hồ với mình là một. Tôi nhớ VN có câu chuyện nhỏ: Đàn ông mở cửa xe cho đàn bà chỉ có ba trường hợp: vợ mới cưới, xe mới mua, hoặc đó không phải là vợ. Ở VN thì người ta có thể hiểu ngầm là xe đó mới mua hoặc người phụ nữ đó mới quen. Khi mình chưa mua thì chiếc xe đó không có quan hệ gì với mình hết, nhưng khi đã thuộc về mình và nhất là xe mới nữa thì giữa mình với nó có mối quan hệ ghê gớm lắm.
Cũng tấm thân này, khi mình nghĩ là mình đẹp thì mình dành nhiều thời giờ để chăm sóc nó. VN có một từ “kẻ yêu gương” nghĩa là người thích soi gương. Cổ tích các nước trên thế giới có điểm giống nhau là bà hoàng hậu khi không có nhan sắc thì rất ghét gương và cho người đập vỡ hết tất cả các gương trong nước vì không chịu nổi chuyện nhìn thấy mặt mình trong gương. Còn nếu mình thấy mình trẻ, đẹp, có thể nhìn ngắm được thì mình thích soi gương. Lúc bấy giờ mình và hình hài nhan sắc ngoại diện của mình là một, nó là tôi, tôi là nó; bằng mọi giá mình phải bảo vệ nó. Tất cả những niềm vui nỗi buồn trong đời mình, mình coi nó và mình là một, đó gọi là quan sát danh uẩn gắn liền với cái tôi, cả vật chất và tinh thần, nó chính là tôi, tôi chính là nó.
Lẽ ra với cái nhìn của người hiểu đạo thì hiểu rằng tấm thân này, tài sản này, tất cả niềm vui nỗi buồn này đều theo duyên mà có và theo duyên mà mất, vì duyên mà đến, vì duyên mà đi; quan sát nó như là một người đứng bên bờ nhìn những phiêu vật trôi nổi trên dòng nước, lúc thì là một tờ giấy, lúc thì là một cùi bắp cọng rơm cọng rác. Chính vì nhiều đời nhiều kiếp mình quen gắn liền cái tôi với vật chất, cái tôi với tinh thần. Đức Phật gọi sự gắn liền đó là “quán sắc như là tự ngã”, “tự ngã như là có sắc”. Cái đồng hồ đó chính là tôi, tôi chính là đồng hồ đó. Gương mặt đó chính là tôi, tôi chính là gương mặt đó. Quyền lực đó, chức vụ đó chính là tôi, tôi chính là quyền lực chức vụ đó. Mình không phân biệt được cái gì là trong, cái gì là ngoài, không thấy được rằng mình không quan hệ gì với cái mình sở hữu.
Chữ ‘của’ là một đề tài, một công án rất lớn để mình tham chiếu suốt cuộc đời. Bởi vì, nếu ngồi bình tâm, mình sẽ suy nghĩ, chữ ‘của’ đó là gì, bản chất thật sự của nó ra sao. Tôi từng kể nhiều lần câu chuyện anh chàng ghép chân, đêm đêm không ngủ được vì sợ hãi khi trong cơ thể mình có cái chân của một người đã chết. Đó là suy nghĩ sai lầm, bởi cơ thể mình từ nhỏ đến lớn luôn luôn thay đổi, chỉ có cái gene thì không mà thôi. Sư phụ anh ta nói, thật ra chẳng có cái chân nào của anh ta, ngay cái chân đã cưa bỏ cũng không phải, cái chân ghép cũng không phải là của người khác, bữa nay nó đến bữa sau nó cũng đi.
Với một người biết đạo, một hành giả, thì sự quán chiếu cho họ thấy mọi sự khác đi. Không phải biết đạo thì trở thành một người có suy nghĩ bất thường mà là nhìn rõ hơn, trưởng thành hơn, không tiếp tục nhận thức sai lầm nữa, không gắn liền tôi và của tôi với hình hài thân xác, với niềm vui nỗi buồn nữa. Cho nên, rất nhiều lần Đức Thế Tôn đến thăm bệnh vị tỳ kheo hay cư sĩ, Ngài thường hỏi một câu “có đau đớn lắm không, có chịu nổi không”, và những vị ấy phải nặng lắm mới đến mức Ngài đi thăm. Họ thường trả lời: “Bạch Thế Tôn con chịu không nổi, con nghĩ thà chết còn hơn, sống với cơn đau thế này con chịu không nổi”. Khi đó Đức Phật dạy: “Hãy quán niệm rằng tất cả những đau đớn sợ hãi này cũng là vô thường, dầu ghê gớm cách mấy rồi nó cũng vô thường. Tất cả những gì trước đây con thấy ngọt ngào hấp dẫn, cũng đã bỏ con mà đi rồi phải không. Đừng nghĩ rằng con bịnh, khổ thọ đó, cảm giác đó không phải là con và con không phải là nó”. Tôi diễn dịch bài kinh đó bằng ngôn ngữ của thời nay là như vậy đó. Đừng ghép ‘cái tôi’ với cơn đau, vì như thế thì lớn chuyện lắm.
“Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là kẻ vô văn phàm phu, bị trói buộc bởi các trói buộc của sắc, bị trói buộc bởi các trói buộc nội ngoại, kẻ không thấy bờ bên này, kẻ không thấy bờ bên kia, khi sanh bị trói buộc, khi chết bị trói buộc, khi đi từ đời này qua đời khác bị trói buộc.”
“nội ngoại” ở đây là nội xứ và ngoại xứ, ví dụ như mình bị trói buộc bởi mắt, bị trói buộc bởi cảnh sắc, bị trói buộc bởi cái mình thấy và sự thấy; bị trói buộc bởi cái mình nghe, âm thanh và thính giác.
“không thấy bờ bên này, kẻ không thấy bờ bên kia”; đọc bản tiếng Việt nghe câu này không hay, quí vị đọc bản dịch Pāḷi mới thấy hay:
‘Atīradassī’: không thấy được bờ sinh tử.
Apāradassī: không thấy được bờ giải thoát.
Tiradassi kẻ thấy được bờ mê (mê tân), ‘Paradassi’ kẻ thấy được bến giác (giác ngạn). Tīra và Para đều là bờ nhưng trong Hán tạng dùng hai từ Tân, Ngạn để phân biệt.
Theo chú giải, ‘tīra’ cũng có nghĩa là ‘bờ’ nhưng ám chỉ cho luân hồi (vaṭṭa). Chữ ‘pāra’ cũng có nghĩa là ‘bờ’ nhưng ám chỉ cho Niết bàn (nibbana).
Thưa với quí vị rằng, tôi cực kỳ sung sướng bởi vì “cái tôi nói có người thấy”. Tôi kể quí vị nghe một câu chuyện nhỏ. Một vị tỳ kheo tên là Lakkhana đang đi chung với ngài Mục Kiền Liên trên núi bỗng thấy ngài Mục Kiền Liên cười. Ngài Lakkhana hỏi: Sư huynh thấy gì mà cười vậy? Ngài Mục Kiền Liên nói: Lát nữa trước mặt Thế Tôn thì sư đệ hẵng hỏi. Sau khi đi bát xong xuôi về đảnh lễ Phật, ngài Lakkhana nhắc lại câu chuyện lúc sáng. Ngài Mục Kiền Liên nói: “Hồi sáng tôi thấy một cục thịt to bay ngang qua mặt mình, lát sau tôi gặp một bộ xương bay ngang, tôi biết đó là loài ngạ quỷ. Có lúc tôi nhìn thấy một vị tỳ kheo đắp y tăng già lê bay ngang mặt mình mà mình mẩy bao phủ bởi lửa. Tôi cười vì thấy trên đời này nhiều trò quá”. Đức Phật dạy: “Này Lakkhana, trước đây Như Lai vừa thành đạo cũng thấy vậy nhưng ta không nói cho ai biết bởi vì người thấy giống như vậy không có, nên người ta sẽ nghi ngờ. Hôm nay có Mục Kiền Liên nói thì ta xác nhận ta đã từng thấy như vậy”. Rồi Ngài giải thích, những con ngạ quỷ, ngày xưa cũng từng là quan chức tham nhũng hối lộ, hoặc là những người vợ không nên nết, người chồng không ra gì. Vị tỳ kheo đi trên hư không bị lửa cháy là ngày xưa tu tập không chơn chánh nên khi chết rồi sinh làm ngạ quỷ, do nghiệp khiến cho có hình thức là vị tăng hoặc vị ni, nhưng lại bị đốt suốt nhiều ngàn năm.
Tôi vui vì khi tôi đang giảng quí vị post (câu Pāḷi) lên như vậy, nghĩa là cái chỗ tôi thấy cũng là chỗ bà con thấy. Atīradassi dịch là “không thấy được bờ mê”, apāradassī là “không thấy được bến giác”. Quá sang!
Vì không thấy được bờ mê bến giác cho nên bị trói buộc từ đời này sang đời khác. Tôi đã nói vô số lần, tôi, người đang nói chuyện đây, có ra làm sao đi nữa, nhưng khi tôi ngồi trong đây chia sẻ với bà con, thì làm ơn lắng nghe giùm. Mình mất thời gian vào đây thì phải lắng nghe. Nhiều người nghĩ bụng không biết tôi có phải hành giả không mà giảng mấy cái này. Thật sự thì dù tôi có như thế nào đi nữa, nói mấy chỗ này bắt buộc cũng phải thấy như vậy, bởi kinh điển, chú giải đã nói rõ như vậy. Điều thứ hai, quan trọng hơn nhiều, người không hiểu đạo khi chấp chặt cái ‘tôi và của tôi’ đối với vật chất và tinh thần thì chính sự trói chặt đó, từ thân ngũ uẩn đời này họ đầu tư cho tấm thân danh sắc đời sau.
Biết được điều này chúng ta mới thấy sợ, ngay bây giờ khi quí vị và chúng tôi đang cùng có mặt trong cái room giáo lý như thế này thì biết bao nhiêu con trùn, con chim, con cá đang tiếp tục chìm sâu trong cõi luân hồi. Mình cũng vô minh nhưng nhờ lời Phật mình thấy lờ mờ, còn biết bao nhiêu chúng sinh trong cuộc đời này hiện giờ vẫn không biết chúng là ai, là cái gì, từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Tang thương hơn là họ không hề biết rõ cái mà họ thấy là ngọt ngào hấp dẫn đến từ ba nhân: tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, hoàn cảnh sống hiện tại. Có loài giờ này nằm trên đống rác, xác thúi của một động vật nào đó, hoặc cái đống phân, mà lại thấy như một gia tài, mâm cỗ, bữa tiệc. Chư thiên nhìn mình y như mình nhìn thấy chúng, họ thấy mình nấu nướng, dọn mâm dọn chén, tắm rửa giặt giũ, họ cũng ớn như vậy. Vì tiền nghiệp đẩy mình vào làm thân nhân loại, rồi mình có nhà cửa, bằng cấp, tiền bạc, xe cộ…
Hiện giờ mình đang vacation ở Bali, ở Hongkong, hoặc đang ở Paris, London ăn điểm tâm rồi đi shopping, săm soi những món hàng hiệu món giá năm ngàn, tám ngàn… mà không hề biết rằng có những chúng sinh cao cấp hơn, nhìn mình, họ cũng lạnh xương sống. Còn riêng mình, thì mình tự thấy quá bảnh, quá sang. Mình thấy nhiều người Việt xa xứ không được như mình, nhìn về quê hương thấy bao nhiêu người không được như mình. Vì sao mình thích những cái đó? Tiền nghiệp đẩy mình vô chỗ đó, vì thích nên mình thấy nó ngọt, cộng với khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Chứ nếu tiền nghiệp đẩy mình vô Đồng Tháp, U Minh thì giờ này mình quần ống thấp ống cao đi bắt rùa bắt rắn…
Tôi đang vẽ lại cuộc đời của quí vị đó. Một mâm cỗ của vị đế vương, trong cái nhìn rốt ráo cũng như đống phân vậy thôi. Chính vì không thấy như vậy nên đời này qua đời khác bị trói buộc. Năm uẩn ở đây chia gọn thành hai: sắc uẩn và danh uẩn (đời sống tinh thần và đời sống vật chất). Bốn danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức) kể ra thì lê thê nhưng thật ra chúng là bốn khía cạnh tâm lý luôn luôn có mặt chung nhau trong từng sát na.
_____________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét