PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (g)
C. Năm Mươi Kinh Sau
II. Phẩm Thuyết Pháp
I. Vô Minh (Hay Vị Tỷ-kheo) (S.iii,162)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Vô minh, vô minh", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Bạch Thế Tôn, thế nào là vô minh? Cho đến như thế nào, một người là vô minh?
4-8) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không biết rõ sắc, không biết rõ sắc tập khởi, không biết rõ sắc đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt, không biết rõ thọ... không biết rõ tưởng... không biết rõ các hành... không biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt.
9) Này Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh. Và cho đến như vậy, một người là vô minh.
II. Minh (Hay Vị Tỷ-kheo) (S.iii,163)
1-4) Nhân duyên ở Sàvatthi... Ngồi xuống một bên, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Minh, minh", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Bạch Thế Tôn, như thế nào là minh? Cho đến như thế nào, một người là minh?
5) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử biết rõ sắc, biết rõ sắc tập khởi, biết rõ sắc đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt.
6-8)... biết rõ thọ... biết rõ tưởng... biết rõ các hành... biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Thuyết Pháp
VÔ MINH (Avijjāsutta)
Một vị tỳ kheo đến hỏi Đức Thế Tôn thế nào là vô minh. Có chỗ định nghĩa vô minh là bất tri trong Tứ Đế. Vô minh trong Khổ đế là không biết rằng mọi hiện hữu là Khổ; vô minh trong Tập đế là không biết tất cả niềm đam mê là nguồn khổ; không biết rằng sự vắng mặt của Khổ đế và Tập đế là Niết bàn là vô minh trong Diệt đế; không biết Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến Diệt đế là vô minh trong Đạo đế.
Trong bài kinh này vô minh được định nghĩa khác, vì tùy căn tánh của người nghe. Nếu họ thích hợp với Bốn Đế thì Đức Phật sẽ nói rằng vô minh chính là không hiểu biết về Bốn Đế; nếu họ thích hợp với đề tài năm uẩn thì Ngài sẽ nói vô minh là sự không hiểu biết trong năm uẩn v.v…
Vô minh ở đây là không thấy được Tứ Đế trong năm uẩn. Không thấy rõ rằng sự có mặt của năm uẩn là khổ. Đó là vô minh về Khổ đế trong năm uẩn. Không thấy rằng sự đam mê trong năm uẩn chính là Tập đế. Không thấy rằng sự chấm dứt năm uẩn là Diệt đế. Không thấy rằng sự nhàm chán trong năm uẩn (Bát Chánh Đạo) chính là Đạo đế. Bát Chánh Đạo lúc bấy giờ chỉ còn lại có một chữ: ‘Chán’, hoặc ‘Sợ’. Xem lại bài Bát Chánh Đạo[1]. Chỉ riêng một chánh trong tám chánh cũng đủ đại diện, tiêu biểu cho cả tám chánh.
________________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét