PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (f)
V. Phẩm Hoa
X. Vô Thường Tánh (Hay Tưởng) (Tạp 10, Ðại 2,70c) (S.iii,155)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham được đoạn tận, tất cả sắc tham được đoạn tận, tất cả hữu tham được đoạn tận, tất cả vô minh được đoạn tận, tất cả ngã mạn được tận trừ.
4) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người làm ruộng, vào mùa thu, dùng một cái cày lớn cắt đứt tất cả rễ mọc trong khi cày. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham được đoạn tận, tất cả sắc tham được đoạn tận, tất cả hữu tham được đoạn tận, tất cả vô minh được đoạn tận, tất cả ngã mạn được tận trừ.
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người cắt cỏ cắt đứt cây cỏ, nắm lấy đầu ngọn đập lên, đập xuống, đập tả, đập hữu, rồi quăng một bên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham được đoạn tận... tất cả ngã mạn được tận trừ.
6) Ví như, này các Tỷ-kheo, khi một chùm xoài bị cắt đứt từ cành, thời các trái xoài cùng dính vào cành đều bị đứt theo. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham được đoạn tận... tất cả ngã mạn được tận trừ.
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngôi nhà có nóc nhọn, phàm có rui kèo nào, tất cả đều đi đến nóc nhọn, hướng đến nóc nhọn, quy tụ về nóc nhọn, và nóc nhọn là tối thượng hơn chúng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng... tất cả ngã mạn được tận trừ.
8) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những rễ hương gì, hương anusàri đen là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... tất cả ngã mạn được tận trừ.
9) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những lõi hương gì, hương chiên-đàn đỏ là tối thượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... tất cả ngã mạn được tận trừ.
10) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những hoa hương gì, hương vassika là tối thượng hơn những hương ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo. .. tất cả ngã mạn được tận trừ.
11) Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những tiểu vương nào, tất cả những vua ấy đều tùy thuộc vua Chuyển luân vương. Vua Chuyển luân vương được gọi là vua tối thượng đối với họ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... tất cả ngã mạn được tận trừ.
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, ánh sáng các loại sao gì, tất cả ánh sáng ấy không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng mặt trăng được xem là tối thượng trong các ánh sáng ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo... tất cả ngã mạn được tận trừ.
13) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong mùa thu, khi trời mở rộng và gột sạch mây, mặt trời mọc lên trên bầu trời, đuổi sạch tất cả u ám khỏi hư không, bừng sáng, chói sáng và rực sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn vô thường tưởng, tất cả dục tham được đoạn tận, tất cả sắc tham được đoạn tận, tất cả hữu tham được đoạn tận, tất cả vô minh được đoạn tận, tất cả ngã mạn được tận trừ.
14) Tu tập vô thường tưởng như thế nào, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như thế nào mà tất cả dục tham được đoạn tận... tất cả ngã mạn được tận trừ?
15) Ðây là sắc; đây là sắc tập khởi; đây là sắc đoạn diệt; đây là thọ... đây là tưởng... đây là các hành... đây là thức; đây là thức tập khởi; đây là thức đoạn diệt.
16) Vô thường tưởng được tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, được làm cho sung mãn như vậy, tất cả dục tham được đoạn tận, tất cả sắc tham được đoạn tận; tất cả hữu tham được đoạn tận; tất cả vô minh được đoạn tận; tất cả ngã mạn được tận trừ.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Hoa
VÔ THƯỜNG TÁNH (Aniccasaññāsutta)
Nội dung kinh Vô Thường Tánh là Đức Phật kêu gọi quán chiếu bản chất vô thường trong năm uẩn nhờ vậy được giải thoát. Bài kinh này muốn nói đủ thì ba tháng, đủ nữa thì ba năm, mà muốn đủ nữa thì một đời, còn không thì nói mấy câu là xong.
Ta khổ và luân hồi vì không chịu thấy mọi sự trên đời chỉ tồn tại trong mỗi chớp mắt, không có gì đáng để yêu thích hay ghét sợ. Vì Ba-la-mật non yếu nên dù có biết được như vậy ta vẫn tiếp tục phiền não và đau khổ. Những bài kinh về năm uẩn này, người có Ba-la-mật chín muồi, họ nghe thì còn hơn trúng số độc đắc đô la Mỹ nữa. Ngài dạy rằng: nhờ luôn quán chiếu vô thường nên bỏ được ngã chấp (‘asmimāna’: ý niệm ‘tôi là’). Một ngày làm không được thì làm hoài sẽ được, nghĩa là thường xuyên quán chiếu. Đừng theo sách vở thiền sư bày vẽ những cái lạ lùng, cứ y theo trong kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật đã dạy, đi biết là đi, ngồi xuống biết là ngồi xuống, cầm lên biết cầm lên, để xuống biết để xuống; sâu hơn một chút, muốn cầm lên biết muốn cầm lên, muốn để xuống biết muốn để xuống, càng lúc càng khít khao hơn.
Từ từ sẽ thấy đời sống này là lắp ráp, đúng là vô thường. Chính nhìn thấy sự vô thường này mới làm cho mình nhàm chán danh sắc, lìa bỏ phiền não chớ còn ngồi thấy mùa thu lá vàng rơi, nước chảy chân cầu, nhìn mái tóc bạc da mồi, cái vô thường đó chưa đủ đâu, phải thấy khít khao, thấy liền, liên tục, chính xác thì mới chấm dứt phiền não được. Đừng có ham mấy cái Tuệ thứ tư thứ năm, đừng mê mấy cái xa vời đó, đó là của đời sau chớ thời Đức Phật chẳng ai đi tu mà mong mấy cái tuệ đó. Chỉ quán chiếu danh sắc, ra sao thì thấy vậy, không thêm bớt gì hết, nếu đủ duyên thì thành thánh, không đủ thì an lạc hiện tiền. Có vị cũng từng đi học bên Thái, cũng có bằng cấp A-tỳ-đàm mà tôi thấy nản quá, mở miệng ra là Tuệ thứ năm thứ bảy, ai học A-tỳ-đàm thì biết tuệ này tuệ kia chỉ là tâm đại thiện, tâm phàm, bữa có bữa không.
Ví dụ sáng nay tôi quán chiếu năm uẩn lòng tôi hờ hững lãnh đạm thì đó là Hành xả tuệ. Theo trong bản đồ thiền tuệ thì Hành xả tuệ là phàm tuệ cao nhất. Nhưng trong thực tế thì không phải như vậy, sáng nay tôi Hành xả tuệ nhưng trưa nay tôi quay trở lại Tuệ sợ hãi khi tôi nhớ lại danh sắc sao sanh diệt nhanh quá. Chiều tôi quay lại Tuệ chán nản tối tôi quay lại Hành xả. Tuệ chỉ là từng giai đoạn tâm trạng nhận thức của hành giả đối với danh sắc. Những giai đoạn này đắp đổi với nhau lúc vầy lúc khác, lúc trồi lúc sụt, lúc lên lúc xuống. Theo trong kinh thì Tuệ thứ nhất thấp hơn Tuệ thứ hai, Tuệ thứ hai thấp hơn Tuệ thứ tư, thứ tư thấp hơn thứ tám, đó là người ta trình bày cho mình thấy quá trình trải qua như vậy, cái này cao hơn cái kia vậy thôi chớ không phải để cho mình đi tìm mong mỏi Tuệ thứ năm thứ bảy.
Tốt nhất là quán chiếu vô thường qua năm uẩn, đầu mình dốt quá thì cứ làm chuyện đơn giản: làm gì biết nấy. Lâu ngày thì tự nhiên biết cái này là danh cái này là sắc. Khi nào hành giả chánh niệm ngon lành, trí tuệ ngon lành là tự động phân biệt cái đó. Bài kinh này Đức Phật dạy quán chiếu vô thường, dĩ nhiên là sẽ có bài kinh khác Ngài dạy mình quán chiếu khổ, vô ngã. Riêng trong bài này, Ngài nhìn số người ngồi trước mặt và biết nên nói cho họ nghe về sự quán chiếu vô thường. Trong chú giải nói thêm: Người thiếu niềm tin thì hợp với đề mục vô thường, người Định mạnh thì hợp với đề mục khổ, người Trí nhiều thì hợp với đề mục vô ngã.
Khổ ở đây không phải chỉ là sự khó chịu, mà chính là sức ép (pilana), đẩy mọi thứ đi vào chỗ băng hoại. Dầu muốn dầu không thì thân tâm này phải vô thường, thay đổi, dầu muốn dầu không cơn đau, cơn ngứa, trạng thái thoải mái này phải biến mất. Đang ngồi mà thấy người mát lạnh, nổi da gà, người nhẹ tênh, phải biết đây là hỷ lạc, hỷ lạc này sớm muộn gì cũng biến mất. Một lần Đức Phật đến thăm bệnh một vị tỳ kheo, Ngài hỏi có đau lắm không, vị tỳ kheo thưa: Bạch Thế Tôn con đau quá, đến mức chỉ nghĩ thà chết tốt hơn. Đức Phật dạy: Ngươi hãy nhớ như sau: đau đớn như thế nào, sợ hãi như thế nào rồi thì cũng vô thường. Lúc sắp chết thì sợ hãi và đau đớn là hai cái nổi bật còn nhớ thương tiếc nuối chỉ là chuyện phụ. Đau đớn cách mấy, sợ hãi cách mấy rồi mọi thứ cũng qua đi.
Ngay bây giờ quí vị thấy những điều này không quan trọng, nhưng mai mốt nằm một mình trây trét tiểu tiện không tự chủ, thì nhớ ngày xưa tôi từng giảng tu chánh niệm bây giờ để đối mặt với cô đơn, cái chết mà không chịu làm. Quí vị phải làm ngay bây giờ chớ không thể nào để tháng sau năm tới được. Sau khi tôi bái bai, quí vị tắt máy thì quí vị phải sống chánh niệm ngay cho tôi, vì mình không thể biết thời gian mình chuẩn bị cho cái chết bao lâu, để rồi khi những chuyện kinh hoàng xảy đến thì trở tay không kịp. Cứ sống chánh niệm, không tốn tiền bạc gì hết, từ nền tảng đó thì sẽ nảy sinh trí tuệ. Khi Niệm mạnh rồi thì tự động thấy ra.
Giống như khi mình còn nhỏ, cái ôm của mẹ của cha không thấm đâu. Cứ sống đời cho giỏi, về chăm mẹ rửa giùm cái chén cái bát, rồi bữa nào đó thầy cô kêu dậy sớm tới lớp, lúc đó mới thấy ra dậy sớm không dễ vậy mà mẹ mình dậy sớm mấy chục năm để lo cho gia đình. Bữa nào đi học về trễ đói bụng thấy đói bụng khổ như vầy, vậy mà mẹ nhịn đói biết bao nhiêu lần để nhường miếng ăn cho mình. Bữa nào ngủ đạp cái mền rớt xuống đất thấy lạnh cóng mới thấy thì ra ngủ lạnh khó ngủ như thế này vậy mà nhiều lần không có mền mà mẹ vẫn dành cho mình, từ từ mới thấy ra tình mẹ. Nhỏ xíu thì làm sao hiểu tình mẹ, từ từ hiểu thức khuya dậy sớm là khổ, đói lạnh là khổ, bịnh không thuốc uống là khổ, ra đường bị người ta coi khinh là khổ, vậy mà mẹ mình gánh hết để cho mình khôn lớn, lúc đó mới hiểu được tình mẹ.
Ở đây cũng vậy, những vụ quán chiếu danh sắc, khổ, vô thường, vô ngã xa lắm, cứ sống chánh niệm, chánh niệm lâu dần thì sẽ có Tuệ.
_____________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét