PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (f)
V. Phẩm Hoa
IX. Cán Búa (Hay Chiếc Thuyền) (Tạp 10, Ðại 2,67a) (S.iii,152)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Do biết, do thấy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố sự đoạn tận các lậu hoặc, không phải do không biết, do không thấy.
4) Do biết cái gì, thấy cái gì, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận? Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ... Ðây là tưởng... Ðây là các hành... Ðây là thức. Ðây là thức tập khởi. Ðây là thức đoạn diệt. Do biết như vậy, do thấy như vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận.
5) Này các Tỷ-kheo, như có Tỷ-kheo sống không chí tâm trong sự tu tập, khởi lên ước muốn như sau: "Mong rằng tâm của ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ!" Tuy vậy, tâm của vị ấy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, có chấp thủ.
6) Vì sao? Phải nói rằng vì vị ấy không có tu tập. Không có tu tập cái gì? Không có tu tập Bốn niệm xứ. Không có tu tập Bốn chánh cần. Không có tu tập Bốn như ý túc. Không có tu tập Năm căn. Không có tu tập Năm lực. Không có tu tập Bảy giác chi. Không có tu tập Thánh đạo Tám ngành.
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà, không được con gà mái ấp nằm đúng cách, không được ấp nóng đúng cách, không được ấp dưỡng đúng cách.
8) Dầu cho con gà mái ấy khởi lên ý muốn: "Mong rằng những con gà con của ta, với chân, móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn"; tuy vậy các con gà con ấy không có thể, với chân, móng, đỉnh đầu hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn.
9) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, tám, mười hay mười hai trứng gà ấy không được con gà mái ấp nằm một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn.
10) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không chí tâm trong sự tu tập. Dầu cho vị ấy có khởi lên ý muốn: "Mong rằng tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm vị ấy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, có chấp thủ.
11) Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy không có tu tập. Không có tu tập cái gì? Không có tu tập Bốn niệm xứ... Không có tu tập con đường Thánh đạo Tám ngành.
12) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chí tâm trong sự tu tập. Dầu cho vị ấy không khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm của ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm vị ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
13) Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy có tu tập. Có tu tập cái gì? Có tu tập Bốn niệm xứ, có tu tập Bốn chánh cần. Có tu tập Bốn như ý túc. Có tu tập Năm căn. Có tu tập Năm lực. Có tu tập Bảy giác chi. Có tu tập con đường Thánh đạo Tám ngành.
14) Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà. Các trứng ấy được con gà mái ấp nằm một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn. Dầu cho con gà mái ấy không khởi lên ước muốn: "Mong rằng các con gà con của ta, với chân, móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn"; tuy vậy, các con gà con ấy có thể với chân, móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn.
15) Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà được con gà mái ấy ấp nằm một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn.
16) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy sống chí tâm tu tập. Dầu cho vị ấy không khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm của ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm của vị ấy vẫn được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
17) Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy có tu tập. Tu tập cái gì? Có tu tập Bốn niệm xứ... có tu tập con đường Thánh đạo Tám ngành.
18) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thợ đá hay đệ tử người thợ đá, khi nhìn vào cán búa thấy dấu các ngón tay và dấu các ngón tay cái. Vị ấy không có thể biết được như sau: "Hôm nay, từng ấy cán búa của ta bị hao mòn; hôm nay từng ấy, các ngày khác từng ấy". Nhưng vị ấy biết được cán búa bị hao mòn trên sự hao mòn của cán búa.
19) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo chí tâm trong sự tu tập không có biết như sau: "Hôm nay, từng ấy lậu hoặc của ta được hao mòn, hôm qua từng ấy, các ngày khác từng ấy". Nhưng vị ấy biết được các lậu hoặc được hao mòn trên sự hao mòn các lậu hoặc.
20) Ví như, này các Tỷ-kheo, một chiếc thuyền đi biển có đầy đủ cột buồm và dây buồm, bị mắc cạn sáu tháng do thiếu nước trong mùa khô; các cột buồm và dây buồm bị gió và mặt trời làm hư hỏng, rồi bị nước mưa đổ xuống trong mùa mưa, chúng trở thành yếu và hư nát.
21) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chí tâm trong sự tu tập, các kiết sử rất dễ bị yếu dần và hư nát.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Hoa
CÁI BÚA (Vāsijaṭasutta)
Học xong bài kinh Cái búa này thì nghỉ, tôi thấy bà con bắt đầu hơi nản rồi đó. Kinh này dành cho hành giả, chớ còn học cho vui thì nghe chán lắm. Nếu tôi không lầm trong room này không ai dưới 18, mà 18 còn trẻ lắm; tôi nghi ngờ lắm, trẻ thì đâu vô đây gần chết mới vô đây, giá chót cũng 40. Nhớ là mình phải chuẩn bị cho cái chết. Người sống đẹp nhất là người biết chuẩn bị cho cái chết.
Bài kinh Cái Búa này Đức Phật dạy một vị tỳ kheo không nhận thức đúng đắn trong năm uẩn thì đừng mong có sự giải thoát. Sự nhàm chán sợ hãi trong năm uẩn đúng cách phải là hành trì 37 pháp trợ Bồ Đề. Có chỗ gọi là Tứ Chánh Cần, có chỗ gọi là Tứ Như Ý Túc, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ. Kể ra thì khác nhau, nhưng tu tập cái này cũng chính là tu tập cái kia. Tùy duyên người nghe mà Đức Phật trình bày con đường giải thoát theo cách nào.
Có chỗ Ngài nói: “Này các tỳ kheo, toàn bộ thời gian một ngày chỉ nên dành hết cho toàn bộ Chỉ và Quán” (Tăng Chi, Phần hai chi), không hề nhắc gì đến giới. Tại sao Ngài nhắc Chỉ (samatha) ở đây? Bởi vì Giới năng sinh Định, Định năng sinh Tuệ. Có người Ba-la-mật đầy đủ, Định đủ mạnh để quán chiếu thì không cần tốn nhiều sức, còn người yếu thì cần phải trau dồi Định bằng thiền Chỉ, để cho tâm mạnh đủ để có thể an trụ, không phóng dật, từ đó mới quán chiếu năm uẩn (bản chất là gì và đang ra sao). Ai là hành giả Tứ Niệm Xứ mới hiểu điều này, còn chỉ học suông thì không cách nào hiểu. Khi sống chánh niệm làm gì biết nấy, nói gì biết nấy, nghĩ gì biết nấy, chuyện gì xảy ra biết ngay thì còn quá hơn là giữ giới.
Tôi không giảng 37 Pháp trợ Bồ đề[2] ở đây vì mấy cái này giảng sơ sài thì cũng như không giảng, lòng tôi cũng không yên. Bắt tôi nói đầy đủ thì không có thời gian. Có người, nhiều khi tôi đang giảng bài kinh này, quí vị post bài kinh khác làm tôi hiểu ngầm kêu tôi giảng bài kinh khác.
Nội dung bài kinh Cái Búa: Sự giải thoát chỉ có ở người có nhận thức. Nhận thức ở đây là sự nhàm chán cùng với sự hành trì 37 pháp trợ Bồ Đề. Bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp chúng ta giống như con gà trong trứng không chui ra được nhưng khi hành trì 37 pháp trợ Bồ đề thì giống như con gà đã mổ bể vỏ trứng để không tiếp tục sống trong bóng tối vô minh. Trong Luật tạng Đức Phật cũng xác nhận như vậy: Ta là con gà đầu tiên trong ổ trứng ra được khỏi vỏ trứng, từ đó ta mới hướng dẫn người khác. ‘Đầu tiên’ ở đây là đầu tiên trong mỗi thời kỳ của từng vị Phật.
Giống như người dùng búa lâu ngày thì họ không thể cân đong đo đếm lúc đầu trọng lượng bao nhiêu, dày bao nhiêu và bây giờ mòn bao nhiêu; có điều họ chỉ nhìn chỗ để ngón tay để thấy cái búa đã mòn bao nhiêu. Một người tu Tứ Niệm Xứ lâu ngày sẽ có cơ hội nhận ra mình bây giờ không dễ giận như ngày xưa, không còn thích thứ này thứ kia dễ dãi như ngày xưa. Không phải là hành giả, hay là người cầu đạo giải thoát thì gặp bài kinh này thấy rất chán. Tôi không phải là hành giả nhưng vì tôi sợ chết nên đọc bài kinh này tôi rất thích.
Đức Phật dạy mình phải thường xuyên quán xét xem hôm nay có khá hơn hôm qua, tuần này có giỏi hơn tuần trước hay không. Và Ngài dạy, giống như chiếc thuyền được làm ra để đi trên nước, có đi thì mới được bảo trì, duy tu, còn nếu lôi nó lên úp trên cạn để mặc cho mưa nắng tháng ngày thì hư mục chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi. Mình cứ kiếm chuyện để giận để thích nghĩa là đang bảo trì duy tu sơn sửa chiếc thuyền sinh tử, phiền não của mình. Còn thường xuyên kiểm soát nó, phiền não của mình sẽ giống như chiếc thuyền bị kéo lên cạn úp đó, sớm muộn gì cũng hư. Một người sống quán chiếu, tỉnh thức đối với năm uẩn, thiện ác, phiền não của mình thì khả năng luân hồi sớm muộn gì cũng bị hư mòn và kết thúc.
Đoạn cuối bài kinh Cán Búa là niềm an ủi rất lớn cho các hành giả. Khi biết rõ phiền não là phiền não, vô thường là vô thường, vô ngã là vô ngã, nhận thức này sẽ làm cho dòng luân hồi ngắn đi. Còn bây giờ không thấy sợ sự có mặt ở đời thì chỉ kéo dài dòng sinh tử ra mà thôi. Lý tưởng cao nhất của người trí tuệ chính là chấm dứt sinh tử, bởi dù chúng ta có kiến tạo ra một thiên đường nhân gian rồi sẽ cũng bịnh, chết. Cứ quay tới quay lui như vậy sẽ được gì. Các chính khách, ai cũng hứa hẹn xây dựng một thiên đường trên mặt đất này, nhưng rốt ráo thì đi về đâu?
______________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammàsambuddhassa!
Trả lờiXóaRất là hân hoan khi đọc các bài giảng của Sư. Có nhiều điều được hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa lời dạy của Đức Phật qua các bài giảng. Lời giảng của Sư có một sự lôi cuốn làm ước muốn tìm hiểu thêm Phật pháp trong đời sống và tinh cần thực hành theo đúng chánh pháp.
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa!
Xóa