PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (f)
V. Phẩm Hoa
I. Dòng Sông (Tạp 10, Ðại 2,70a) (S.iii,137)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một con sông từ núi cao chảy xuống, từ xa chảy đến, dòng nước chảy xiết. Trên hai bờ con sông ấy, nếu cỏ lau kàsà mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại cỏ kàsà mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại lau babbakjà mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại cỏ bìranà mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại cây mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống.
4) Và một người bị dòng nước của con sông ấy cuốn trôi, nếu người ấy nắm lấy cỏ lau kàsà, cỏ này có thể bựt đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn. Nếu người ấy nắm lấy loại cỏ kàsà, cỏ này có thể bựt đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn. Nếu người ấy nắm lấy loại lau babbakjà, cỏ này có thể bựt đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn. Nếu người ấy nắm lấy các loại cây, loại cây này có thể bựt đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn.
5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Khi sắc ấy của người ấy bị bựt đứt, do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn.
6-8) ... quán thọ... quán tưởng... quán các hành...
9) ...quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Thức ấy của người ấy bị bựt đứt, do nhân duyên ấy, người ấy rơi vào tai ách khổ nạn.
10) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
11-14) -- Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
15-16) Do vậy... Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.
II. Bông Hoa (hay Tăng trưởng) (Tạp 2, Ðại 2,8b) (Siii,113)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Này các Tỷ-kheo, người nói Pháp không tranh luận bất cứ với một ai ở đời.
4) Này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là "không", Ta cũng nói là "không". Này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là "có", Ta cũng nói là "có".
5) Và này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là "không", Ta cũng nói là "không"?
6) Này các Tỷ-kheo, người có trí ở đời không chấp nhận sắc là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là "không".
7-9) Thọ... tưởng... các hành...
10) Người có trí ở đời không chấp nhận thức là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là "không".
11) Này các Tỷ-kheo, đây là cái gì ở đời người có trí chấp nhận là "không", Ta cũng nói là "không".
12) Và này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là "có", Ta cũng nói là "có"?
13) Này các Tỷ-kheo, người có trí ở đời chấp nhận sắc là vô thường, không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là "có" (vậy).
14-16) ... thọ... tưởng... các hành...
17) Này các Tỷ-kheo, người có trí ở đời chấp nhận thức là vô thường, không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là "có" (vậy).
18) Này các Tỷ-kheo, đây là cái gì người có trí ở đời chấp nhận là vô thường, không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là "có" (vậy).
19) Ở trong đời, này các Tỷ-kheo, có thế pháp. Thế pháp ấy Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng tri. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng tri, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ.
20) Này các Tỷ-kheo, thế pháp ở trong đời là gì, thế pháp ấy được Như Lai chứng ngộ, chứng tri; sau khi chứng ngộ, chứng tri, Ngài tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ?
21) Sắc, này các Tỷ-kheo, là thế pháp ở trong đời. Thế pháp ấy được Như Lai chứng ngộ, chứng tri, sau khi chứng ngộ, chứng tri, Ngài tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ.
Và ai, khi Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ như vậy, (vẫn) không biết, không thấy, thì đối với người ấy, Ta xem là vô tích sự, là kẻ ngu si, phàm phu, mù lòa, không có mắt, không có biết, không có thấy.
22-24) Thọ... Tưởng... Các hành...
25) Thức, này các Tỷ-kheo, là thế pháp ở trong đời. Thế pháp ấy được Như Lai chứng ngộ, chứng tri. Sau khi chứng ngộ, chứng tri, Ngài tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ. Và ai, khi Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ như vậy, (vẫn) không biết, không thấy, thì đối với người ấy, Ta xem là vô tích sự, là kẻ ngu si, phàm phu, mù lòa, không có mắt, không có biết, không có thấy.
26) Ví như, này các Tỷ-kheo, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước nhiễm ướt.
27) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai sanh ra ở trong đời, lớn lên trong đời, vươn lên khỏi đời, và sống không bị đời ô nhiễm.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Hoa
DÒNG SÔNG (Nadīsutta)
Bài kinh này mà đọc chánh kinh thì ngán lắm, vì dài mà ngôn ngữ thì khô khan. Không khô sao được, đây là bài giảng của vị Chánh Đẳng Chánh Giác thuyết cho những vị đại căn đại duyên thì làm gì có hoa lá cành, hơn nữa Ngài nhìn thẳng vào bản tâm người nghe chớ đâu phải nói cho người ta thích. Thế Tôn chữa bệnh, châm cứu ngay huyệt. Hôm nay ta nghe pháp chỉ là ăn một mâm cơm có vài lá thuốc nam. Ngày xưa Đức Phật và thánh tăng thuyết pháp theo cách châm cứu. Hôm nay chúng ta nghe pháp là ăn bánh xèo rất ngon miệng, có vài lá thuốc nam, hên lắm thì có chút thuốc vào người để chữa bệnh, còn ngày xưa thì thuyết pháp là châm cứu, Đức Phật nhắm ngay cái huyệt mà châm thôi. Vì vậy đọc chánh kinh ngán lắm.
Ở đây, Ngài vẽ ra một bức tranh. Đức Thế Tôn hoàn toàn có thể nói gọn hơn một chút nhưng vì nhìn vào bản tâm của người đang nghe, Ngài vẽ một bức tranh đầy kịch tính và nhiều tác dụng minh họa, đánh đố tâm lý như thế này: Hãy giả định như có một dòng sông lớn đang chảy xiết, có một người lọt xuống sông. Trong tâm trạng hoảng loạn của một người tham sống sợ chết, họ gặp cái gì họ cũng nắm níu lấy. Trong bài giảng trước đây tôi có nói một ví dụ trong kinh, dù mình có sợ ma cách mấy, nhưng khi bơi trên biển đã kiệt sức rồi thì, dù phải bám vào xác chết mình cũng phải bám. Ở đây cũng vậy, một người sắp chết đuối trên sông thì gặp gì cũng phải vơ lấy để bám. Giả sử lúc đó bên bờ sông có những bụi cỏ thòng xuống, nếu trong tầm tay thì người ta sẽ chụp lấy, Đức Thế Tôn vẽ bức tranh như vậy.
Chúng sinh trong đời này, nếu chịu khó bình tâm lắng lòng thì thấy mình giống y như người sắp chết đuối. Từ lúc 1 ngày tuổi cho đến 100 tuổi luôn luôn giống nhau ở điểm là phải tìm cái gì đó để nắm níu. Đời sống chỉ có hạnh phúc và đau khổ, chúng ta lúc nào cũng giằng co và giành giật bao nhiêu thứ trong đời sống để trốn khổ tìm vui, y như người sắp chết đuối quơ quào kia. Những thứ mình quơ quào đó không nằm ngoài năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
“ubhatotīre kāsādayo viya dubbalapañcakkhandhā”: năm uẩn vốn yếu đuối, mong manh như bụi cỏ ven bờ.
‘Ubhatotīre’: hai bên bờ sông
‘Kāsādayo’: các loại cỏ.
Khi sợ chết đuối người ta quơ đỡ nắm cỏ mong manh. Suốt đời chúng ta cũng quơ đỡ, chúng ta quơ những viên thuốc vì sợ chết, trông cậy vào bài tập thể dục, chuyện ăn kiêng, trông cậy vào khí trời mình hít thở. Chúng ta trông cậy vào tình cảm gia đình, tình bạn bè láng giềng, trông cậy vào sự chính xác của bác sĩ, trông cậy vào hiệu quả của thuốc men, trông cậy vào áo quần để cho mình đẹp hơn, để mình tự tin giữa đám đông. Chúng ta phải trông cậy vào phấn son, đồng hồ, dây chuyền, cà vạt, giày dép… Chúng ta phải trông cậy vào xã hội, chính phủ, vào sở làm, tiền bạc, tài chính… Nghĩa là chúng ta phải trông cậy rất nhiều thứ để trốn khổ tìm vui. Y như người chết đuối trông cậy vào nắm cỏ dại hai bên bờ sông, chúng ta trông cậy vào tất cả những gì chúng ta có thể trông cậy được. Chúng ta trông cậy cả cây kim sợi chỉ. Tôi là ông sư mà đi đâu trong vali cũng có cây kim sợi chỉ, nếu dọc dường bị rách cái y thì sao, đến cả cây kim sợi chỉ cũng là chỗ để tôi trông cậy và gởi gắm tâm nguyện bình sinh của tôi, mong sao mình không mặc y rách. Một tu sĩ mà còn cơ man bao nhiêu là thứ để trông cậy nói chi là một người ngoài đời. Bản chất thế giới này là trông cậy. Trong tiếng Pāḷi có chữ:
“Paticcasamuppada”: ‘y tương sinh’, ‘duyên khởi’. Tôi dịch chữ này là “do y tương sinh’, ‘duyên khởi’. Tôi dịch chữ này là “do trông cậy (nương đỗ, dựa vào, lean on) nhiều thứ mà tồn tại, hiện hữu, có mặt”.
Xe lửa bên Thụy Sĩ có ghi trên cửa “Do not lean on door” kêu mình đừng có tựa vào vì cái cửa này mở ra mở vô. Tựa vào sẽ bị té khi cửa mở. Đời sống này cũng vậy, từng người trong chúng ta luôn tựa lưng vào cửa xe lửa. Tựa cửa xe lửa đã bậy rồi, trong đời sống chúng ta còn tựa vào nhiều thứ bậy hơn tựa cửa xe lửa nữa. Những người đốt vàng mã, tuy họ u mê, nhưng thật ra chưa biết ai u mê hơn ai, người ta chỉ bỏ ra một ít tiền, mua giấy vàng bạc về đốt rồi xong. Còn mình thì suốt một đời, bỏ ra rất nhiều thời gian công sức và tiền bạc để trông cậy vào những đầu tư mạo hiểm (risky investment) và rất là ngốc ngếch, giống như người ta đốt giấy vàng bạc. Tốn tiền để cầu cái chẳng được gì hết như người tựa vào cửa xe lửa.
Ở đây Đức Thế Tôn không dùng hình ảnh tựa cửa xe lửa, hay đốt giấy vàng bạc mà Ngài dùng hình ảnh người sắp chết đuối trông cậy nắm cỏ bên bờ sông. Cả đời chúng ta vay mượn, chúng ta phải trông cậy vào đủ tất cả mọi thứ để thấy mình tồn tại. Bỗng nhiên tôi nhớ ca từ “Một đời cày xới nỗi sầu. Một đời vun xới niềm đau”. Cả đời này mình trốn cái khổ này bằng cách đầu tư cái khổ khác như người chết đuối trông cậy nắm cỏ bên bờ sông, trông cậy vào sự tạm thời và không tin cậy được, chỉ vun xới nỗi khổ niềm đau. Bài kinh này thơ mộng và sâu sắc. Cũng như bài kinh trước, bài kinh này không nói chuyện trên mây mà nói chính xác những gì đang xảy ra tại đây và bây giờ nơi quí vị.
Chuyện quí vị đêm nay có qua khỏi hay không tôi cũng không sure lắm. Mình sống được chừng nào mình không biết nhưng mình nghĩ năm nay mình mới có 45, 55, 65; thậm chí 85 họ cũng nghĩ rằng họ chưa đi. Họ tin cậy vào cái gì? Tám mươi lăm tuổi vẫn còn trông cậy vào một mảnh giấy nhỏ xíu của bác sĩ. Chỉ cần bác sĩ nói, cụ còn tốt quá, đường tốt quá, tim mạch tốt quá, không có sao… Chỉ cần mấy câu đó thôi, cộng với tờ giấy xét nghiệm nhỏ xíu trong phòng xét nghiệm gởi ra lập tức một cụ già 85 tuổi vẫn còn yêu đời.
Đời sống này là sự tin cậy, chúng ta trông cậy, tín nhiệm vào những thứ rất đỗi phù du. Bảy mươi tuổi tính năm, tám mươi tuổi tính tháng, chín mươi tuổi tính ngày ấy vậy mà có không ít người cứ dựa vào mảnh giấy nhỏ xíu của bác sĩ mà tiếp tục yêu đời, tiếp tục dễ duôi, tiếp tục lười biếng, tin vào những thứ sâm nhung bổ yến chớ dứt khoát không tin đời sống chánh niệm để mà đi. Giờ đó thì sâm nhung bổ yến giúp được cái gì. Chỉ nuôi cái xác rã rời teng beng từa lưa của mình chớ nó đã là chiếc xe quá cũ. Bài kinh này sâu ở chỗ Ngài nói chuyện gì đang xảy ra ở chúng ta mỗi ngày, mỗi phút mỗi giây và Ngài dạy rằng toàn bộ những trông cậy của chúng ta không có cái nào xài được hết.
BÔNG HOA
Bài kinh này Đức Thế Tôn vẫn tiếp tục nói đến Tam tướng trong năm uẩn. Đức Phật từng dạy rằng: Này các tỳ kheo, ta trước sau trong cuộc đời hoằng hóa độ sinh chỉ nói hai điều: mọi hiện hữu là khổ và con đường nào để chấm dứt hiện hữu để không còn khổ nữa. Trong bài kinh này cũng có nội dung gần giống như vậy. Ngài dạy rằng, khi có mặt trên đời này ngài không hề tạo ra cái gì mới và cũng không chống lại chân lý ở đời. Ngài chỉ phát hiện và đồng tình những gì là chân lý ở đời.
Chân lý thứ nhất là mọi thứ có mặt đều nằm trong Tam tướng, không gì là vĩnh cửu, không gì là hạnh phúc, không gì là ta hay của ta, không gì là đẹp xấu.
Chữ “subha” ở đây, mấy chục năm qua người Phật tử Việt Nam được giải thích là ‘sạch’ nên đề mục ‘asubha’ mới được dịch là ‘bất tịnh’. Thật ra ‘asubha’ là ‘bất mỹ’, ‘không đẹp’. Trong tiếng Khmer và tiếng Thái, chữ ‘s̄axād’ (สะอาด) có hai nghĩa, vừa là đẹp, vừa là sạch. Các ngài của mình đem kinh sách từ bên Miên về cho nên một phần các ngài thích chữ gì thì dùng chữ đó; một phần nữa là bên kinh sách Hán Tạng người ta chỉ lấy một trong hai nghĩa, các vị đem cái biết của mình trong tiếng Miên tiếng Thái, dựa vào kinh sách của Bắc Tông – Hán Tạng. Tôi biết tôi nói vậy thì trong room có nhiều người vốn thần tượng các vị trưởng lão ngày xưa sẽ không tin.
Người Việt mình có bịnh nặng lắm đó là sợ chân lý, mê hình thức. Chín chục triệu dân VN hôm nay sống khổ như vậy vì chúng ta chỉ có một đời sống chuộng hình thức sợ nội dung, sợ chân lý. Cái gì mà ông lớn, người giàu, người đẹp, người nổi tiếng, người có bằng cấp nói gì là cứ tin. Không phải lúc nào người đẹp, người già, người giàu, người có bằng cấp cũng nói đúng. Mình cứ đi theo lối mòn, cứ chọn chữ ‘bất tịnh’ rồi nói ngài Hộ Tông dịch như vậy, ngài Bửu Chơn dịch như vậy… Bây giờ trên internet đầy các thứ tiếng, sao không chịu đọc mà cứ tin ngài này ngài kia.
Cho đến hôm nay, tôi gặp không ít Phật tử gặp tôi là cứ khoe là đệ tử, nghĩa nữ, nghĩa đệ gì đó của ngài này ngài kia. Sao lại quên một điều, cho dù mình có là Đề Bà Đạt Đa đi nữa, thân cận gần gũi với Đức Phật đến bao nhiêu đi nữa trong cái quan hệ dòng tộc, thì Đề Bà Đạt Đa cũng đâu được cái gì, trong khi đó ngài Xá Lợi Phất ngài Mục Kiền Liên đâu có họ hàng gì mà vị trí của các ngài trong giáo pháp này mấy ai sánh được.
Ở đây Đức Thế Tôn dạy thế này:
1. Cái gì mà bậc hiền trí ở đời này đồng thuận với nhau là chân lý thì ta cũng thấy đó là chân lý là sự thật. Cái gì mà bậc hiền trí ở đời này nói đó là sai, là đi ngược với chân lý thì ta cũng đồng thuận với họ.
Đức Phật dạy thế giới này là thế giới của nhân quả. Không phải là ngẫu nhiên, không phải là tác phẩm của ông nào tạo ra hết. Dù mình không có thần thông, không thấy được kiếp trước kiếp sau, thiên đường địa ngục, nhưng nhìn trong đời sống của mình, đố quí vị tìm thấy cái gì nằm ngoài dòng nhân quả. Ví dụ cọng cỏ mọc trên tảng đá cheo leo trên núi, đâu phải do sấm chớp đùng một cái rồi nó có mặt trên đó, phải do nước mưa đẩy cái hạt giống đó từ đâu trôi đến đó, hoặc chim ăn đi ra đó; do nắng, do hơi nước, do sương, do gió mà cọng cỏ mọc được. Một miếng rêu xanh trên tảng đá cũng không phải tự nhiên mà có. Bao nhiêu công trình nhân tạo hay thiên nhên trong vũ trụ trời đất này đều là nhân và quả chớ không phải ngẫu nhiên mà có.
2. Mọi thứ ở đời có rồi mất, ai cũng thấy điều đó. Khoa học hiện đại nhìn nhận mặt trời cũng sẽ có lúc thành tro bụi, trái đất cũng vậy. Bao nhiêu thiên thể còn có lúc thành tro bụi thì có cái gì vĩnh cửu được. Tình yêu, tài sản, quyền lực, sức khỏe, nhan sắc cũng không có gì vĩnh cửu.
3. Đau khổ hay hạnh phúc đều là phù du. Tuy nhiên, hễ anh sống bất thiện thì anh bị đau khổ; anh sống thiện lành thì anh được hạnh phúc, dù hạnh phúc đó là phù du, nhưng nó có thiệt một cách tương đối. Cái gọi là đẹp đối với thằng Tèo, không phải là đẹp đối với thằng Tý; cái ngon của ông A không phải là cái ngon đối với ông B, và cái đẹp của lúc này chưa hẳn là cái đẹp của lúc khác. Trên hết là cái ngon, dở, đẹp xấu, cao thấp… đều do so sánh mà có. Quí vị còn nhớ câu chuyện thiền sư vạch một đường trên đất rồi hỏi anh thiền sinh “đường vạch là dài hay ngắn” không. Toàn bộ Phật pháp nằm trong câu đó. Đường vạch đó không thể nói dài hay ngắn bởi nó cần phải dựa vào cái gì đó để so sánh. Toàn bộ hạnh phúc và đau khổ trong đời sống này là do so sánh mà có. So sánh là tên gọi khác của kiêu mạn. Còn kiêu mạn là còn phiền não, còn sanh tử. Chỉ có La-Hán mới hết kiêu mạn, hết sinh tử.
Một bài kinh khác, cũng Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật dạy, Này các tỳ kheo, dầu cho Như Lai có ra đời hay không thì các pháp hữu vi vẫn nằm trong vòng cương tỏa của vô thường, khổ và vô ngã.
Bài kinh Bông Hoa này Ngài dạy: Cái gì đúng với chân lý thì Như Lai chấp nhận. Cái gì nói đến lý nhân quả, nói đến Tam tướng, nói đến khía cạnh phù du của năm uẩn thì ta cũng đồng ý chớ ta không có chống lại với đời. Chư Phật ra đời không có chống lại thế gian. Dù chư Phật có ra đời hay không thì những sự thật đó vẫn muôn đời là vậy. Chư Phật ra đời chỉ nhắc lại, khơi mở những gì bị che lấp từ lâu. Và ở đâu đó dưới gầm trời này vẫn có những người hiểu Thế Tôn, hiểu chư Phật nói gì và tin, và hành trì để được giải thoát như các ngài.
Từ buổi đầu tiên Ngài lên đường đi hoằng pháp ở Isipatana – chỗ vườn nai, lần đó Ngài nghĩ đến ai? Ngài nghĩ đến hai vị đạo sĩ đã chia sẻ với Ngài những năm tháng khổ tu trong rừng khổ hạnh. Họ đã mất rồi. Tiếp theo là Ngài nghĩ đến năm anh em ngài Kiều Trần Như. Ngài thấy rằng họ là người có thể hiểu được lời Ngài dạy. Nghĩa là trên đời này những bậc hiền trí vẫn có tri kỷ tri âm chớ không phải là không có. Hãy nhớ: Cái gì là sự thật thì dầu cả thế giới chống lại nó, nó vẫn cứ là sự thật; cái gì sai sự thật thì dầu cả thế giới tung hô vẫn cứ là sai sự thật. Nói ra thì ai cũng nói rằng tôi biết điều đó, nhưng khổ một chỗ lại toàn sống ngược với câu này. Khi có một đám đông hùa theo thì mình lại tin, còn cái gì có vẻ đơn độc quạnh hiu thì mình lại không tin. Đây chính là điều nguy hiểm và đáng tiếc, nguy hiểm bởi cách nghĩ đó sẽ dẫn mình đến sa đọa và đáng tiếc là cách nghĩ đó làm cho mình mất đi ý nghĩa của một thân người, một kiếp nhân sinh.
Nội dung sâu sắc của bài kinh này: Đã sinh ra đời thì phải biết tôn trọng sự thật. Phật là người thấy sự thật. Trong Ba-la-mật có hạnh chân thật nghĩa là phải biết yêu sự thật. Yêu bằng cách nào? Biết nói sự thật, biết yêu sự thật để mai này thành Phật mình mới thấy được sự thật.
Bài kinh này kêu gọi mình tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý. Ngài nói, Như Lai và chư Phật ba đời nói chung đều tôn trọng sự thật. Sự thật đó là sự xác định lại bản chất Tam tướng của năm uẩn. Đây chính là sự thật rốt ráo của toàn bộ các sự thật. Ví dụ như kinh nghiệm chế tạo nước hoa, kinh nghiệm bào chế rượu bia, thuốc lá, kinh nghiệm làm ra tàu ngầm xe tăng, hỏa tiễn, tất cả những thứ đó cũng là chân lý nhưng chân lý này không xài được vì nó không đủ những yếu tố quan trọng, không dẫn đến giải thoát.
Chỉ có đủ hai khía cạnh này thì một sự thật mới đáng được trân quý và lưu tâm: đúng chân lý và hữu ích. Lợi ích ở đây là khả năng dẫn đến giải thoát.
______________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét