PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (e)
IV. Phẩm Trưởng Lão
VIII. Channa (Tạp 10, Ðại 2,66b) (S.iii,132)
1) Một thời, nhiều Tỷ-kheo Trưởng lão trú ở Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển.
2) Rồi Tôn giả Channa, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, cầm chìa khóa, đi từ tịnh xá này đến tịnh xá khác và nói với các Tỷ-kheo Trưởng lão:
-- Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giáo giới cho tôi! Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giảng dạy cho tôi! Chư Tôn giả, hãy thuyết pháp cho tôi để tôi có thể thấy được pháp.
3) Ðược nói vậy, các vị Tỷ-kheo Trưởng lão nói với Tôn giả Channa:
-- Sắc, này Hiền giả Channa, là vô thường; thọ là vô thường ; tưởng là vô thường; các hành là vô thường; thức là vô thường. Sắc là vô ngã; thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã.
4) Rồi Tôn giả Channa suy nghĩ như sau: "Ta cũng suy nghĩ như vầy: 'Sắc là vô thường; thọ... tưởng... các hành... thức là vô thường. Sắc là vô ngã; thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả pháp là vô ngã.’
5) Nhưng tâm của ta không hướng tiến đến sự chỉ tịnh tất cả các hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn, không có thoải mái, không có an trú, không có hướng về. Do sự tham luyến (paritassanà), chấp thủ khởi lên. Tâm ý trở lui lại tư tưởng: 'Có phải tự ngã của ta sinh hoạt?’ Như vậy thời ta không thể thấy pháp. Ai có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp?"
6) Rồi Tôn giả Channa suy nghĩ: "Ðây là Tôn giả Ananda, hiện trú ở Kosambi, tại vườn Ghosita, được bậc Ðạo Sư tán thán và các bậc đồng Phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Ananda có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp. Và cho đến như vậy, ta có lòng tin tưởng đối với Tôn giả Ananda. Vậy ta hãy đi đến Tôn giả Ananda!"
7) Rồi Tôn giả Channa, sau khi dọn dẹp chỗ nằm của mình, cầm y bát đi đến Kosambi, vườn Ghosita, chỗ Tôn giả Ananda ở, sau khi đến, nói với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
8) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Channa nói với Tôn giả Ananda:
-- Một thời, này Hiền giả Ananda, tôi ở Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển. Rồi vào buổi chiều, này Hiền giả, tôi từ chỗ tịnh cư đứng dậy, cầm chiếc chìa khóa, đi từ tịnh xá này đến tịnh xá khác, sau khi đến nói với các Tỷ-kheo Trưởng lão: "Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giáo giới cho tôi! Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giảng dạy cho tôi! Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy thuyết pháp cho tôi để tôi có thể thấy pháp".
9) Ðược nghe nói vậy, này Hiền giả, các Tỷ-kheo Trưởng lão nói với tôi: "Sắc, này Hiền giả Channa, là vô thường; thọ... tưởng... các hành... thức là vô thường. Sắc là vô ngã; thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã".
10) Về vấn đề ấy, này Hiền giả, tôi suy nghĩ như sau: "Ta cũng suy nghĩ như vầy: 'Sắc là vô thường... thức là vô thường. Sắc là vô ngã, thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã’.
11) Nhưng tâm của ta không hướng tiến đến sự chỉ tịnh tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn, không có thoải mái, không có an trú, không có hướng về. Do sự tham luyến, chấp thủ khởi lên. Tâm ý trở lui lại tư tưởng: 'Có phải tự ngã của ta sinh hoạt?’ Như vậy thời ta không thể thấy pháp. Ai có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp?"
12) Rồi về vấn đề này, này Hiền giả, tôi suy nghĩ như sau: "Ðây là Tôn giả Ananda, hiện trú ở Kosambi, tại vườn Ghosita, được bậc Ðạo Sư tán thán và các bậc đồng Phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Ananda có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp! Và cho đến như vậy, ta có lòng tin tưởng đối với Tôn giả Ananda! Vậy ta hãy đi đến Tôn giả Ananda".
13) Tôn giả Ananda hãy giáo giới cho tôi! Tôn giả Ananda hãy giảng dạy cho tôi! Tôn giả Ananda hãy thuyết pháp cho tôi để tôi có thể thấy pháp.
14) -- Cho đến như vậy, thật sự tôi rất hoan hỷ đối với Tôn giả Channa. Tôn giả Channa đã làm cho sự việc rõ ràng. Tôn giả Channa đã phá vỡ chướng ngại. Hãy lóng tai, này Hiền giả Channa! Hiền giả có thể hiểu được Chánh pháp.
15) Ngay lúc ấy, Tôn giả Channa khởi lên hoan hỷ, hân hoan thù thắng khi nghe đến: "Ta có thể hiểu được pháp".
16) -- Này Hiền giả Channa, tôi tận mặt nghe Thế Tôn, tận mặt nhận lãnh từ Thế Tôn lời giáo giới này cho Kaccànaghotta: "Thế giới này dựa trên hai (quan điểm), này Kaccàna, hiện hữu và không hiện hữu. Ai thấy như thật với chánh trí tuệ sự tập khởi của thế giới, thì không chấp nhận là thế giới không hiện hữu! Nhưng này Kaccàna, ai thấy như thật với chánh trí tuệ sự đoạn diệt của thế giới, thì cũng không chấp nhận là thế giới có hiện hữu. Thế giới này phần lớn, này Kaccàna, là chấp thủ các phương tiện và bị trói buộc bởi thành kiến. Với ai không đi đến, không chấp thủ, không an trú vào chấp thủ các phương tiện, tâm không an trú vào thiên kiến tùy miên, vị ấy không nói: 'Ðây là tự ngã của tôi". Với ai nghĩ rằng: 'Cái gì khởi lên là đau khổ, cái gì diệt là đau khổ’, vị ấy không có phân vân, nghi hoặc. Trí ở đây không mượn nhờ người khác. Cho đến như vậy, này Kaccàna, là chánh trí".
17) "'Tất cả đều có’, này Kaccàna, là một cực đoan. 'Tất cả đều không có’ là một cực đoan. Không chấp nhận hai cực đoan ấy, này Kaccàna, Như Lai thuyết pháp một cách trung đạo. Do duyên vô minh, nên hành khởi. Do duyên hành, nên thức khởi... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh không có dư tàn nên các hành diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này".
18) -- Như vậy, này Hiền giả Ananda, là điều sẽ đến với các bậc Tôn giả nào có được những đồng Phạm hạnh như vậy, những vị có lòng từ mẫn, những vị muốn sự lợi ích, những vị giáo giới, những vị giảng dạy, nghe được lời thuyết pháp này từ Tôn giả Ananda, tôi được an trú vững chắc trong Chánh pháp.
IX. Ràhula (Tạp 1, Ðại 2,5a) (S.iii, 136)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Ràhula đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràhula bạch Thế Tôn:
-- Biết như thế nào, bạch Thế Tôn, thấy như thế nào đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có (tư tưởng) ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên?
4) -- Phàm sắc gì, này Ràhula, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả pháp cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
5-8) Phàm thọ gì... tưởng gì... các hành gì... Phàm thức gì, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả pháp cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
9) Biết như vậy, này Ràhula, thấy như vậy đối với thân có thức này và đối với tất cả các tướng ở ngoài, không có (tư tưởng) ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên.
X. Ràhula
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràhula bạch Thế Tôn:
-- Biết như thế nào, bạch Thế Tôn, thấy như thế nào đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có những ý niệm về ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, vượt ngoài kiêu mạn, tịch tịnh, khéo giải thoát?
4) -- Phàm sắc gì, này Ràhula, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại... hoặc xa hay gần; tất cả pháp, sau khi thấy với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", thì sẽ được giải thoát, không có chấp thủ.
5-7) Phàm thọ gì... phàm tưởng gì... phàm các hành gì...
8) Phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả pháp, sau khi thấy với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", thì sẽ được giải thoát, không có chấp thủ.
9) Do biết như vậy, này Ràhula, do thấy như vậy, đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có những ý niệm về ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, vượt ngoài kiêu mạn, được giải thoát, không có chấp thủ.
10) Do biết như vậy, này Ràhula, do thấy như vậy đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có những ý niệm về ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, vượt ngoài kiêu mạn, tịch tịnh, khéo giải thoát.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Trưởng Lão
CHANNA (Channasutta)
Trong đời của Đức Thế Tôn có nhiều nhân vật gắn liền với ngài, đó là bà Da-Du-Đà-La (Yasodhara), con ngựa Kiền Trắc (Kanthaka), ngài Ānanda, Vua Tịnh Phạn, ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên… Đặc biệt ở đây, Channa là người đưa thái tử Tất Đạt rời khỏi hoàng cung năm Ngài 29 tuổi, sau khi ngài Rahula vừa chào đời. Đêm ấy Bồ tát Tất Đạt đã lìa bỏ hoàng cung ra đi, người duy nhất biết được điều đó là người nài Channa. Đây là một nhân vật không có gì nổi tiếng, bởi nói theo thế gian thì chỉ là một người hầu. Sau này đi vào đạo cũng không có gì xuất sắc, tuổi thì cũng trang lứa với thái tử Tất Đạt, nên đến khi Thế Tôn 80 tuổi thì vị này cũng tầm tầm cỡ đó.
Đọc bài kinh này sẽ thấy có nhiều nỗi ngậm ngùi. Channa thương Đức Phật lắm. Channa đối với Đức Phật ngoài tình chủ tớ ra còn có mối quan hệ nhiều đời nhiều kiếp. Việc bỏ nhà ra đi của một cậu ấm công tử đã khó rồi, nói chi là một hoàng tử được xem là linh hồn của kinh thành Kapilavatthu. Vậy mà người tùy tùng này vẫn một mực yêu kính chủ, giữ bí mật đến tận cùng. Channa biết rất rõ vua Tịnh Phạn vô cùng thương thái tử Tất Đạt, không muốn thái tử lìa hoàng cung một bước. Người khác trong trường hợp này chỉ cần thông báo với vua là tha hồ được vinh hoa phú quí, thế nhưng Channa thì không, ngài bỏ hết đi theo chủ.
Sau khi Bồ tát thành đạo thì ngài Channa cũng đi xuất gia. Theo chú giải, sau khi xuất gia thì ngài Channa không chịu phát triển pháp học pháp hành gì hết. Đi đâu nhìn ai cũng nghĩ rằng những người này đang đi theo Đức Phật của mình, đi theo ông chủ của mình, hoàng tử của mình. Ngài Channa nghĩ mình là công thần, suốt ngày cứ nghĩ như vậy thì đầu óc làm sao có thể tiến bộ.
Tôi rất lấy làm tâm đắc là trong những ngày tháng cuối đời của Đức Thế Tôn, Ngài đã 80 tuổi, vậy mà, trước khi Niết bàn, Ngài đã sắp xếp dặn dò biết bao nhiêu việc. Chẳng hạn như chư tăng phải có thái độ như thế nào đối với nữ giới, việc xưng hô giữa các tỳ kheo với nhau, quan tâm ngài Cunda. Lúc Ngài còn, hầu hết chư tăng gọi nhau kiểu bằng vai phải lứa (avuso), nhưng vì duyên chưa đến nên Thế Tôn chưa nói. Lúc sắp ra đi, Ngài đem những chuyện đó ra dặn. Ngài dặn lớn gọi nhỏ là hiền giả, nhỏ gọi lớn là ‘bhante’.
Ngài dặn hàng tỳ kheo phải có thái độ như thế nào đối với tín nữ, không cố ý đi tìm, tránh tiếp xúc, nếu phải gặp mặt thì tránh nói chuyện, nếu phải nói chuyện thì giữ chánh niệm. Tất cả tỳ kheo giữ luật đều biết điều này, nhưng Ngài đã đặt thành vấn đề thì ắt phải là chuyện nghiêm trọng.
Ngài dặn ngài Ānanda, sau này sẽ có người trách Cunda vì dâng bữa cơm cuối cùng mà Như Lai bị bệnh, thì Ānanda phải đến nói với Cunda: “Trong đời Thế Tôn có hai bữa ăn công đức không sao sánh được, đó là bữa ăn đầu tiên của nàng Sujata, nhờ bữa ăn đó mà Ngài viên thành Phật quả, và bữa ăn thứ hai là bữa ăn cuối đời do thợ rèn Cunda cúng dường. Đó là bữa ăn cuối cùng của vị Chánh Đẳng Chánh Giác trước khi xả bỏ báo thân viên tịch Niết bàn. Ānanda hãy nhớ nói với Cunda như vậy, dù ai nói gì thì cả đời của Thế Tôn chỉ có hai bữa cơm quan trọng, trong đó có bữa cơm của Cunda”.
Về Channa, Đức Thế Tôn dặn dò ngài Ānanda rất kỹ: “Khi ta đi rồi, Channa chắc chắn lúc đó vẫn hãy còn là phàm phu. Tất cả chư tăng nếu không dạy được Channa thì hãy xử phạt Channa bằng phương pháp Brahmadanda”. Đây là kiểu phạt tội của thánh nhân (noble punishment). Thế gian thì trừng phạt bằng cách bỏ tù, đánh đập, làm cho đau đớn, ô nhục còn trong Phật pháp thì trừng phạt là bị bỏ rơi, không ai ngó, không nhắc nhở gì đến, kể cả trò chuyện; là cách trừng phạt nặng nề nhất.
Ngay sau cuộc kiết tập Tam Tạng, chư vị thánh tăng đã cử người thông báo khắp nơi là xử phạt tỳ kheo Channa theo cách Brahmadanda. Theo chú giải, lúc bấy giờ, chư tăng toàn cõi Ấn Độ nhất trí đồng thuận xử phạt tỳ kheo Channa bằng cách không nhìn mặt, không nói chuyện nữa. Channa vừa nhận được tăng lệnh đó thì lập tức ngã xuống bất tỉnh (visaññībhūto patitvā) vì không chịu nổi cú sốc. Channa sốc là vì khi ấy Đức Thế Tôn đã Niết bàn chưa lâu, bản thân thì tuổi già sức yếu, không còn gì để tựa nương nữa.
Sau khi tỉnh dậy, ngài tìm đến một vị tỳ kheo khác, xô té, ai ngờ vị này cũng không thèm nói câu nào. Thử đi đến một vị khác, cứ như vậy, đi hết nơi này đến nơi khác, cả tịnh xá không ai thèm nói chuyện hết. (saññaṃ labhitvā vuṭṭhāya ekassa bhikkhuno santikaṃ gato, so tena saddhiṃ kiñci na kathesi. Aññassa santikaṃ agamāsi, sopi na kathesīti evaṃ sakalavihāraṃ vicaritvā nibbinno pattacīvaraṃ ādāya bārāṇasiṃ gantvā uppannasaṃvego tattha tattha gantvā evaṃ avoca)
Ngài Channa cảm thấy sốc và tuyệt vọng nên đi đến một nhóm trưởng lão, nhóm này là những vị A-la-hán: “Xin các ngài cho con một cơ hội chớ đừng bỏ mặc con cù bơ cù bất thế này, khổ con quá”. Các vị này xét thấy không thể bỏ mặc Channa hoàn toàn, nên mới cho một cơ hội duy nhất, các vị dạy thế này: “Sắc uẩn là vô thường, thọ uẩn là vô thường, tưởng uẩn vô thường, hành uẩn vô thường, thức uẩn vô thường. Đó là những gì chúng tôi có thể nói cho hiền giả chớ không còn gì để chúng ta nói với nhau nữa.”
Trong niềm cô đơn vô vọng này, ngài Channa đã nghĩ đến một người mà ngài nghĩ rằng người này dầu sao cũng ít khắt khe hơn những người khác đó chính là tôn giả Ānanda. Khi ngài Channa đến gặp ngài Ānanda, chúng ta thấy khung cảnh gặp gỡ trong chánh kinh không có “tan hoang sự nghiệp” như tôi vừa kể. Tôi kể dựa vào Tika và chú giải. Ngài Channa thưa với ngài Ānanda:
– Thưa tôn giả Ānanda, tôi đã từng tìm đến các vị trưởng lão để cầu xin sự nhắc nhở dạy dỗ, và các ngài đã nói với tôi một câu ý nghĩa mịt mù: “Sắc uẩn là vô thường, thọ uẩn là vô thường, tưởng uẩn là vô thường, hành uẩn là vô thường, thức uẩn là vô thường”. Thưa tôn giả Ānanda, tôi cũng nghĩ như vậy, tôi đã từng nghe như vậy, tôi cũng biết rõ như vậy, tôi không hề nghi ngờ gì đều đó. Tuy nhiên tôi không hiểu vì sao mà tôi biết năm uẩn là vô thường, khổ, vô ngã vậy mà lòng tôi vẫn cứ tiếp tục chấp thủ năm uẩn, là vì sao?
Trong chú giải nói thế này (chỗ này hơi mệt mỏi), không biết trong room bà con còn nhớ 16 tuệ không?
*16 tuệ minh sát:
Hành trình từ thấp lên cao của một người tu tập Tứ Niệm Xứ. Phật pháp có nhiều cách để phân tích hành trình tu tập của mình, ví dụ, tu tập theo Bát Chánh Đạo, tu tập theo Tứ Niệm Xứ, tu tập theo Giới, Định, Tuệ chẳng hạn. Tu tập Giới là biết giữ giới. Định là tu tập thiền Chỉ. Tu tập Tuệ là tu tập Tứ Niệm Xứ. Hành trình tu tập Tứ Niệm Xứ buổi đầu là tu tập chánh niệm, làm cái gì biết cái đó, lâu dần rồi hành giả đi qua một bước gọi là:
Paccayapariggahañāna: khả năng thấy được tính nhân duyên trong danh sắc, thấy rằng mọi thứ do duyên mà có. Biết rõ do có ý muốn là có sự thay đổi tư thế sinh hoạt, biết rõ do có nhân mới có quả, biết rõ việc mình đau đầu gối là nhân duyên khiến phải thay đổi kiểu ngồi, biết rõ lời nói này do sân tâm mà có v.v… Phải quan sát như vậy mới thấy được vô ngã. Vì sao? Hồi nãy tôi ngồi kiết già, giờ tôi chuyển qua bán già, không phải là do tôi muốn, mà vì cơn đau nó đẩy tôi. Hồi nãy tôi ngồi lưng thẳng, giờ cơn nhức mình khiến tôi phải nhúc nhích, ngọ nguậy, xê dịch không yên. Tôi quan sát thấy toàn bộ đời sống của tôi chỉ toàn là những tác động qua lại giữa nhân và quả mà thôi.
Bây giờ trong room này, khi chúng tôi nói, bà con chỉ biết qua chữ nghĩa thôi chớ còn xếp chân vô mà ngồi thì mới thấy thấm. Một hành giả Tứ Niệm Xứ tu tập tới nơi tới chốn – không phải đắc 100% – suốt ngày miên mật chánh niệm thì sẽ thấy được những điều bình thường không thấy được. Không phải là thấy ma quỷ thần tiên, mà càng lúc càng thấy rõ sự vô thường của thân và tâm; chớp nhoáng sanh diệt lẹ không thể tưởng tượng được. Họ thấy được rằng, cái thân và tâm, buồn vui thiện ác chỉ là những tia chớp xẹt của điện, và sự có mặt của mình chỉ là sự tác động qua lại của các nhân duyên, nhân quả mà thôi chớ không có một cái gì là ‘tôi’ và ‘của tôi’. Cái thấy này là sự trải nghiệm tự thân chớ không phải do nghe người ta nói, đọc trong sách hay là do tưởng tượng. Thấy rõ buồn vui thiện ác luôn sanh diệt, thấy rõ tấm thân của mình cũng luôn luôn thay đổi liên tục, hồi nãy không đau, giờ đau quá chừng, hồi nãy không nóng nực, bây giờ nóng nực, cái thấy này hoàn toàn do mình trải nghiệm bằng kiểu quán chiếu quan sát của bản thân. Đây là bước đầu cực kỳ quan trọng của một hành giả tu tập Tứ Niệm Xứ.
Đối với người hữu duyên, sau khi thấy như vậy họ đã hoàn toàn có thể chứng ngộ quả vị A-la-hán chứ không cần phải đi những chặng đường còn lại. Người kém duyên hơn một chút họ cần phải thấy thêm nữa từ chỗ họ thấy sự vô thường thay đổi của danh sắc. Khi muốn nhìn thấy danh sắc vô thường thì phải biết cái nào là danh cái nào là sắc. Lỗ tai của mình là sắc pháp, vật chất, âm thanh mình nghe được là vật chất, lỗ mũi của mình là vật chất, mùi mình nghe được là vật chất, cái lưỡi của mình là vật chất, cái mình nếm được là vật chất, cái xúc giác của mình là vật chất, cái cứng lạnh nóng mềm mịn nhám cũng là vật chất. Cái suy nghĩ trong đầu của mình thuộc về tinh thần và những gì được biết qua giác quan thứ sáu cái đó thuộc về cảnh pháp – cảnh trừu tượng. Hành giả biết rõ như vậy.
Khi hành giả chạm tay vô cái ly biết rõ mình đang chạm tay vô ly, cầm cái ly biết rõ mình đang cầm cái ly, đó là biết rõ về sắc pháp. Biết rõ danh pháp là lúc đó biết rõ rằng đây là sự khó chịu, đây là sự dễ chịu, khi cầm lên như vậy mà có tâm tham biết đây là tâm tham, có tâm sân biết đây là tâm sân; tâm sân, tâm tham là danh pháp; sự chạm tay là sắc pháp, cái ly này là sắc pháp; biết rất là rõ. Với người hữu duyên thì chỉ cần biết rõ danh là gì, sắc là gì, biết rõ danh sắc do duyên mà có, thế là họ đắc A-la-hán. Người kém duyên thì thời gian tu lâu hơn, chậm hơn để họ lần lượt trải qua các bước đi. Sẽ có một lúc họ thấy hơi thở của mình có đi ra mà không đi vô là mình chết; họ thấy rằng “tuổi đời trăm năm” chỉ là cách nói dối gạt lừa bịp, làm gì có trăm năm.
Một đứa bé còn đỏ hỏn trên tay mẹ, do vô thường mà dậy thì, lớn lên, trưởng thành; do vô thường mà trở thành ông, bà trung niên, rồi do vô thường mà trở thành ông cụ bà lão. Mình cứ tưởng trước sau là một, nhưng không, cái sau không phải là cái trước, cái sau kế thừa cái trước chứ không phải là cái trước. Toàn bộ những gì thuộc về đứa bé ngày xưa về tinh thần lẫn thể xác đã chết mất tiêu rồi. Trước khi nó mất, nó đã kịp thời để lại một sự kế thừa, tiếp nối; chính vì vậy ta hiểu lầm có cái gì đó đi liên tục từ bé đến già.
Khi đi tu thiền, hành giả quan sát quán chiếu thấy rằng thì ra không phải như vậy mà mình đang chết trong từng phút, từng phút. Khi hành giả thấy mình chết từng phút như vậy, hành giả có tâm sợ hãi, cảm giác sợ hãi không thể tưởng tượng được. Nửa đêm giật mình thức giấc thấy rõ ràng mình đang chết, thấy cái chết vào quan tài và cái chết lúc này y như nhau (the same). Cảm giác kinh hoàng đó được gọi là ‘Bhayañāaa”
Bhayañāna (kinh úy tuệ): thấy rõ bản chất danh sắc rồi sinh tâm kinh cảm đó gọi là một tầng (level) trí tuệ.
Tiếp tục quan sát, quán chiếu. Thấy sợ biết là sợ. Tiếp tục theo dõi hơi thở, tiếp tục theo dõi tư thế sinh hoạt, đi biết là đi, ngồi biết là ngồi, thở ra biết thở ra, thở vô biết thở vô. Một lúc nào đó, một ngày hoặc hai ngày, không còn sợ nữa mà chuyển qua giai đoạn chán. Giống như một người đang trẻ trung yêu đời bị bác sĩ phán bị cancer, cảm giác đó dễ sợ lắm, cũng giống cảm giác của hành giả có lòng sợ hãi đối với danh sắc thấy rằng mình chết trong từng phút. Vài tháng sau, một hai năm sau, thấy mình chưa chết, người bị cancer này thấy cơ thể gầy yếu, ăn không được, mổ xẻ cắt bỏ…
Từ từ người bệnh không còn thấy sợ nữa mà thấy đau đớn muốn buông, cảm giác muốn buông này giống cảm giác của hành giả sau khi sợ hết mức thì chuyển sang trạng thái chán nản. Đây gọi là giai đoạn Yếm ố Tuệ “Nibbidāñàna”. Sợ là một tâm trạng bồng bột nông nỗi, nếu mình tiếp tục làm lơ, cứ tiếp tục theo dõi, thì đến giai đoạn chán, y như người bệnh khi đau quá, hôi hám mệt mỏi, khổ cho người thân, bệnh viện dơ bẩn, tiền bạc cạn kiệt, cuối cùng người bệnh không còn sợ nữa mà chỉ muốn đi cho sớm. Tứ Niệm Xứ cũng vậy, khi đến lúc kinh hoàng sợ hãi rồi cái sợ hãi chuyển sang tâm trạng chán nản (boring).
Giai đoạn này rất dễ sợ, bởi vì, hành giả có thể sẵn sàng lìa bỏ thiền viện, lìa bỏ thầy bạn, về nhà sống như một người không biết đạo. Bởi vì quá chán nản, nhìn đâu cũng thấy không còn gì để nắm níu để đam mê; chán đến mức thấy việc thiện hay bất thiện cũng đều là chuyện vớ vẩn. Có làm phước cho lắm cũng sa đọa trầm luân, nghĩ vậy mà nản. Ví dụ như bây giờ, tôi đang bị cancer, bác sĩ đến nói với tôi: “Có ông kia vừa chết, cái phòng của ổng ngó ra biển đẹp lắm, để tôi nói y tá đổi cho ông sang phòng đó. Ông còn mấy tuần cuối đời thôi ở cái phòng ngó ra biển cho thoải mái…”. Tôi không biết quí vị nghĩ sao chớ tôi không vui mừng chút nào hết, có chăng thì cảm kích bác sĩ có lòng nghĩ đến mình. Nhưng cái cảm kích đó ngắn lắm. Quí vị nghĩ tâm trạng như vậy nản cỡ nào. Ở đây cũng vậy, hành giả hết sợ rồi chuyển qua nản. Hành giả thấy làm thiện làm ác gì cũng là cancer giai đoạn cuối.
Nếu tiếp tục giữ chánh niệm, không bỏ cuộc, thì hành giả sẽ tới giai đoạn “Hành xả tuệ”. (Tôi đã bỏ bớt những cái mà bà con nghe khó nhớ).
Sankharupekkhañāña (hành xả tuệ): là tâm trạng hững hờ bình thản trước sự sinh diệt của danh sắc. Lúc này đã trưởng thành hơn, mới đầu thì bồng bột, sợ, chán, bây giờ đã qua hững hờ. Sợ là kinh hoàng. Chán là muốn lìa bỏ. Hững hờ là sao cũng được. Đây là giai đoạn cuối cùng của một người sắp chứng đạo Dự Lưu. Nếu không đủ Ba-la-mật thì hành giả dừng lại đây cho đến suốt đời. Nếu vì lý do nào đó không tiếp tục giữ chánh niệm nữa, không tiếp tục quán chiếu danh sắc nữa, thì dần dần trở lại con người tục tử như bao thiên hạ, không có gì đặc biệt hơn.
Bà con phải lắng nghe chỗ này. Nhiều bà con đi hành thiền nghe mát lạnh, về tưởng mình đắc cái này cái kia. Chưa đâu Em! Giai đoạn biết phân biệt danh sắc đã làm được chưa? Biết cái nào là danh, cái nào là sắc? Cái nào là nhân duyên của danh sắc, do đâu mà có, từ đâu mà có và sẽ là nhân duyên cho một cái nào nữa? Phần này cũng chưa làm được! Rồi có tới được giai đoạn sợ hãi chưa? Sợ là tự cảm thấy mình chết trong từng phút chớ không phải nghe nói nghe giảng đọc sách rồi ráng sợ để cho mình có cảm giác mình đạt cái tuệ đâu. Sợ đây là một sự kinh hoàng chỉ có riêng mình mới hiểu. Qua được cái sợ rồi mới tới cái chán. Qua khỏi cái chán đó mới tới sự hững hờ. Nếu đủ duyên Ba-la-mật thì ngay chỗ này mình chỉ cần thêm bốn sát na: chuẩn-bị, cận-hành, thuận-thứ, bỏ-bực là đắc sơ đạo Tu-đà-hoàn. Hoặc thiếu Ba-la-mật hoặc do có nguyện lớn thì không thể vượt khỏi Hành xả tuệ. Nguyện lớn tức là mình đã có nguyện thành Phật Độc Giác, Chí thượng thanh văn, Đệ nhất thần thông, Pháp sư, Đầu đà v.v… Khi đã trót có tâm nguyện như vậy thì có hành bao nhiêu cũng không đắc. Bởi vì, mình phải để dành cho kiếp nào đó đủ duyên để đắc.
Ví dụ, trong kinh nói, chỉ riêng trong kiếp trái đất này, Bồ tát Tất Đạt đã có 9 lần đứng ở ngưỡng cửa Hành xả tuệ, nhưng Ngài không thể nào đắc quả vị Thanh văn vì Ngài phải thành Phật, tự mình giác ngộ, không nương vào ai hết. Ngài Xá Lợi Phất cũng vậy, ngài Ānanda trong quá khứ cũng có vô số lần, thọ giới tỳ kheo, đi tu, hành thiền… Nhưng đến hành xả tuệ thì đứng yên, chỉ vì nguyện lớn. Ngài Ānanda nguyện chỉ Niết bàn khi là thị giả của một vị Phật. Ngài Xá Lợi Phất nguyện chỉ Niết bàn khi nào ngài là một vị chí thượng thanh văn của một vị Phật, nếu chưa đạt được nguyện lớn thì không thể đắc được. Một trường hợp nữa là do thiếu Ba-la-mật, cũng không đắc được. Ngoài ra bà con nhớ giùm ba cái vụ nổi da gà, lạnh xương sống, mát lạnh, đó chỉ là đồ chơi, những gai cỏ bên đường phải vượt qua, những ong bướm mình gặp trên đường nhưng rồi phải lãng quên.
Tôi đã làm một vòng quá xa, bà con chắc chắn ngạc nhiên vì sao tôi không giảng bài kinh mà đánh một vòng xa như vậy? Bởi vì, trong chú giải nói rằng ngài Channa không đi hết những gì mà nãy giờ tôi đã nói, ngài bị kẹt ở chỗ “không thấy được các duyên của danh sắc”.
“paccaye apariggahetvā vipassanaṃ paṭṭhapesi, sāssa dubbalavipassanā attagāhaṃ pariyādātuṃ asakkuṇantī saṅkhāresu suññato upaṭṭhahantesu ‘‘ucchijjissāmi vinassissāmī’’ti ucchedadiṭṭhiyā ceva paritassanāya ca paccayo ahosi”
Do không thấy được các duyên của danh sắc nên ngài Channa đã bị rơi vào đoạn kiến tạm thời, với sự hoang mang rằng những thứ này mất đi là hết. Những buồn vui thiện ác trong danh pháp, những nóng lạnh cứng mềm, mịn nhám của sắc pháp sau khi biến mất thì là hết. Do thấy sai nên dĩ nhiên không thể tiến bộ trong Tứ Niệm Xứ. Đó là lý do vì sao ngài đã nói câu nói mà ta đọc thấy trong chánh kinh. Ngài nói, “tôi cũng thấy y như những vị đó nói nhưng sao không đắc gì hết.”
“10) Ta cũng suy nghĩ như vầy: ‘Sắc là vô thường… thức là vô thường. Sắc là vô ngã, thọ… tưởng… các hành… thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã’…. 11) Nhưng tâm của ta không hướng tiến đến sự chỉ tịnh tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt,”
Lúc này ngài Ānanda đã là một vị La-Hán lục thông, có đủ bốn trí Vô ngại giải. Sau khi quan sát nội tâm của ngài Channa, ngài Ānanda đã nhắc lại đoạn kinh mà Đức Phật dạy cho ngài Kaccāna.
Khi hiểu các pháp do duyên mà có thì ta bỏ được đoạn kiến. Khi hiểu các pháp do duyên mà có thì phải có lúc biến mất, thì dứt bỏ được thường kiến, tức quan niệm cho rằng có cái gì đó trường cửu, có một cái Tôi sâu kín bên trong mọi chúng sinh, thay vì phải hiểu rằng cái trước làm nhân tạo ra cái sau, cái sau làm nhân tạo ra cái sau nữa nhưng bản thân mỗi cái là quả của cái trước và là nhân của cái sau và mỗi thứ chỉ tồn tại trong một sát na mà thôi.
Ngài Ānanda nhắc đoạn kinh: Tôi từng nghe Thế Tôn dạy như thế này: Thế gian này quẩn quanh trong hai quan điểm Có và Không (trong chánh kinh gọi là hiện hữu và không hiện hữu). Người mắc vào đoạn kiến nhìn đâu cũng thấy Không. Người mắc thường kiến thì thấy toàn là Có, (có cái tôi, có Thượng Đế, có thiên đường). Nói rằng đoạn kiến chấp không, đừng nghĩ họ không chấp cái tôi, họ vẫn chấp, chấp cái tôi ngắn hạn, chết rồi là hết. Thường kiến thì cũng có một cái tôi, giống như con chim trong cái lồng. Khi cái lồng bị hư thì con chim bay qua cái lồng khác. Cái tôi trong thân xác này, khi thân xác này hư thì cái tôi đi qua thân xác khác. Và có một cái gì đó là Tôi đi xuyên suốt liên tục từ một đứa bé từ một tuổi, lên đến năm tuổi, mười tuổi, mười tám tuổi, ba mươi sáu tuổi, bốn mươi lăm tuổi… Chấp nhận có những điều như vậy, đó là một thứ tà kiến.
Ngài Ānanda nhắc lại cho ngài Channa một điều như thế này: Hiền giả nhớ rằng, tôi đã từng nghe Thế Tôn dạy thế này, chúng sinh trong đời vì quẩn quanh ở trong thường kiến và đoạn kiến cho nên người chấp ‘có’ người chấp ‘không’, thay vì họ không nên nghĩ ‘có’ không nên nghĩ ‘không’ mà chỉ nên nhớ rằng có là do duyên. Có sự sanh tử, có buồn vui, có khổ lạc, có thiện, có bất thiện nhưng bất cứ cái có nào cũng phải do duyên mà có và do duyên mà mất.
Tôi giảng bài này rất ngậm ngùi và lo ngại; lo ngại bà con không hiểu, ngậm ngùi là không biết có nên bỏ thời gian để làm cái chuyện không mấy hy vọng hay không. Thay vì thời gian này tôi ngồi một mình theo dõi hơi thở, hoặc bước đi theo dõi bước chân, hoặc tôi đọc kinh điển. Mà sướng nhất là nếu bây giờ làm biếng, tôi nằm trên giường tôi đi vào giấc ngủ. Trước khi đi vào giấc ngủ tôi biết rõ tư thế nằm của tôi, biết rõ cái gì xảy ra trong tâm của tôi, lợi ích biết bao nhiêu. Đàng này tôi cắm đầu giảng cho một đám đông tôi chẳng thấy mặt mũi, không biết là tôi đang phí lắm hay không.
Trong kinh ghi rằng, sau khi ngài Ānanda nhắc lại đoạn kinh Đức Phật đã giảng cho ngài Kaccāna. Do bị kẹt vào thường kiến và đoạn kiến nên các chúng sinh trong đời cứ bị vướng kẹt vào quan điểm Có và Không. Khi họ nói Có là họ gắn liền cái tôi vào trong đó, khi nói Không họ cũng gắn liền cái tôi vào trong đó thay vì phải hiểu rằng mọi thứ do duyên mà có rồi cũng do duyên mà mất. Nếu nói cái gì cũng Có, đó là một cực đoan; nói tất cả đều Không, cũng là một cực đoan.
Phải nói thế này: mọi thứ do duyên mà có. Chẳng hạn như ở đây, sự sinh tử của chúng sinh trước hết là do Vô minh trong Bốn Đế. Từ Vô minh trong Bốn Đế mới dẫn đến ba Hành. Từ ba Hành dẫn đến 32 Thức. 32 Thức dẫn đến 19 quả tái tục. 19 quả tái tục dẫn đến Danh Sắc tái tục. Danh sắc tái tục dẫn đến 6 căn, từ 6 căn dẫn đến 6 Xúc, 6 Thọ, 6 Ái. Từ đó dẫn đến bốn Thủ, hai Hữu, Sanh già đau chết sầu bi khổ ưu não. Lẽ ra phải hiểu như vậy. Có sự sanh tử — sự sanh tử đó hoàn toàn là sự liên tục tiếp nối của các duyên chớ không có một cái tôi nào đi từ điểm A qua điểm B. Có nhiều Phật tử vẫn tin làm phước được phước, làm tội sẽ bị khổ, nhưng họ tin là: nếu bây giờ Tôi làm việc ác, mai mốt Tôi sẽ bị khổ; nếu bây giờ Tôi làm việc lành thì mai mốt Tôi hưởng quả vui. Lẽ ra họ phải hiểu khác đi như thế này: Hôm nay tâm thiện, tâm bất thiện xuất hiện thì sẽ để lại một kết quả tái sanh trong kiếp sau. Khi hơi thở của tôi dứt rồi thì tâm tái tục của đời sau sẽ xuất hiện. Nó ở đâu ra? Nó chính là quả của tâm thiện ác bây giờ.
Ví dụ, lúc tôi vừa tắt thở thì tâm đầu thai xuất hiện tại điểm đó, nó đưa tôi đi, Iraq chẳng hạn, nó là passport. Khi nó đưa tôi về Iraq, đầu thai làm con của một gia đình Hồi Giáo, thì phần còn lại (tôi sướng hay khổ, giàu hay nghèo, ngu dốt khùng điên hay văn minh…) lúc bấy giờ cũng là do nghiệp quá khứ. Bởi nghiệp quá khứ cho ra hai quả: quả tái sanh, tạo ra tâm đầu thai của tôi đi đâu đó và quả bình sinh. Quả bình sinh tức là sau khi tôi đầu thai vào Iraq rồi tôi làm con của một gia đình có học, tôi là con gái của một bác sĩ nên tôi rất là sung sướng. Nhưng do đời trước tôi cũng hay hành hạ chúng sinh nên tuy là con gái của bác sĩ mà tôi có một chứng bệnh kinh niên, tôi bị chứng hoại huyết. Do ngày xưa tôi sát sanh nên giờ tôi sống trong xứ không yên bình, cái xứ hễ đông người tụ họp là có bom nổ. Tại sao tôi không sanh vào gia đình nghèo mà sanh vào gia đình giàu? Tại vì ngày xưa tôi có tạo nghiệp bố thí. Tại sao tôi không được làm nam mà tôi làm nữa? Do nhiều nhân, quả tà dâm, do ái nhiễm của tôi mạnh quá. do thích hạ chúng sinh khác nên tôi bệnh hoài. Như vậy là, tâm đầu thai khiến cho tôi sanh vào làm con gái ông bác sĩ đó là kết quả của tâm thiện ác trong quá khứ, và sau khi tôi đầu thai vào Iraq rồi thì những thiện ác quá khứ lại trổ quả thứ hai đó là Quả bình sinh.
Mỗi nghiệp thiện ác cho ra hai thứ quả báo: đó là tâm đầu thai và những buồn vui trong một kiếp sống, tức là Quả tái sinh và Quả bình sinh (quả bình nhật).
Bài kinh này, ngài Ānanda nói, do không hiểu bản chất của năm uẩn nên mới mắc vào thường kiến và đoạn kiến. Chỉ có người nào hiểu được lý Duyên khởi thì mới bỏ được thường kiến và đoạn kiến. Bài kinh Channa này vô cùng sâu, sâu đến mức tôi thấy tiếc khi đang giảng cho bà con nghe. Bởi vì, đãi nguyên mâm sơn hào hải vị cho những người còn đang bú bình sao không tiếc được. Tôi nói bà con đừng buồn, tôi nói cho bà con tức mà học bài cho kỹ. Bú bình tức là không răng, nằm ngửa ra ôm cái bình sữa đó.
RĀHULA (Rāhulasutta)
Hai bài kinh Rāhula học chung. Nghĩa là giảng xong bài kinh là ‘bụp’, tắt máy, chia tay. Có một chuyện phải thưa với bà con là ngày thứ Hai chúng tôi sẽ rời khỏi thành phố Jasonville này đi về Tampa cũng ở Florida nhưng cách một giờ bay. Không rõ xuống dưới đó có tiện để giảng hay không nhưng chúng tôi sẽ tận lực. Chúng tôi tin rằng có thể, chỉ sợ bối cảnh làm cho mình không có hứng thôi. Nhiều khi mình ở chỗ lạ, ví dụ như hôm trước tôi đi Georgia, tự nhiên nhìn cái phòng của người ta mình không nghĩ đến chuyện vô room. Lạ vậy đó. Phải có bối cảnh nào đó mới có thể làm được chuyện tương ứng. Chỗ đó dù cho là cung vàng điện ngọc đi nữa nhưng nhìn quanh không thấy hứng. Bà con không tin, bữa nào gặp mặt nhau, tôi nói làm bánh xèo đi, quí vị sẽ thấy lạ lắm. Có những lúc siêng mua bột mua rau làm bánh xèo nhưng có nhiều khi không có hứng. Có ngày nào đó mình nổi cơn dọn cây trồng hoa ngoài vườn, còn có bữa thà ở không cho người lên meo lên mốc chớ dứt khoát không đặt chân ra vườn.
Ngài Rāhula hỏi Đức Thế Tôn: Phải nhìn thân tâm (năm uẩn) này như thế nào để chấp thủ?
Nghe chữ ‘chấp thủ’ xa lạ quá, tôi sửa câu hỏi lại cho vừa với cái tầm của mình bây giờ: “Bạch Thế Tôn, con phải nhìn cái thân tâm này theo kiểu nào, nhìn nó ra làm sao để khi con gặp chuyện vui con không tham mà gặp chuyện đau khổ con không khó chịu, không có sân, khi được khen con không hí hửng mà khi bị chúng chửi con cũng không đau khổ mất ngủ?”
Đọc chánh kinh thấy ‘phê’ quá, không hiểu trong đó nói cái gì, rồi thấy bài kinh này linh. VN mình cái gì mờ ảo không hiểu thì cho là linh dữ lắm. Khoái bùa, khoái tụng kinh. Mờ ảo mới hợp với mình, cụ thể quá thì không hay. Vô chùa thì phải tụng kinh. Bữa trước tôi viết bài Cô bác sĩ của tôi, là thiệt chớ không phải tôi bịa. Trí thức bằng cấp đầy người vậy đó mà vô chùa nghe giảng mấy cái này họ nản lắm, họ nói tu cái gì mà cứ “thở ra thở vô thì biết thở ra thở vô”, có gì đâu mà hay. Còn quán chiếu danh sắc thì họ nói, tôi là bác sĩ, cái thân này thì sao tôi không biết, mình sống tới lúc nào đó thì cũng lăn ra chết chớ có ai lột da sống đời đâu, chuyện có gì đâu quan trọng mà phải bày đặt quán chiếu. Trong khi đó, họ lại nghe theo mấy thầy bày ra chuyện dâng sớ, cầu an cầu siêu, xem sao, âm binh thần tướng, làm phước sanh cõi trời, kiếp sau được sắc đẹp…. Bằng cấp hai túi đầy ắp mà lại mê mấy cái đó, bởi nó mơ hồ.
Câu hỏi trên, người trả lời là Đức Phật và người hỏi là ngài Rāhula con trai của thái tử Tất Đạt nên Đức Thế Tôn mới trả lời như là ta thấy trong hai bài kinh này. Nếu như người hỏi câu này không phải là ngài Rāhula – một nhân vật trí tuệ kiệt xuất, mà là một người khác thì chắc chắn Thế Tôn đã trả lời khác. Bằng chứng là trong kinh có rất nhiều chỗ, câu hỏi này được nhắc đi nhắc lại và mỗi nơi như vậy hầu như Đức Thế Tôn có câu trả lời khác nhau. Ở đây Ngài trả lời như thế này:
- Ngươi hãy quán chiếu tất cả những gì thuộc về thân hay về tâm, những gì thuộc về danh uẩn hay sắc uẩn, dầu ở xa hay gần, dầu tinh vi hay thô thiển, dầu đẹp hay xấu, dầu thuộc về quá khứ đã qua tương lai chưa đến hay đang sờ sờ trước mặt; tất thảy những gì thuộc về năm uẩn thì đều vô thường, khổ và vô ngã. Cứ nhớ và liên tục tâm niệm như vậy. Chỉ có cách tâm niệm như vậy về năm uẩn thì sẽ từng bước và từng bước loại bỏ được ba thứ phiền não chính là Ái, Mạn, Kiến. (Ái nghĩa là thích cái này thích cái kia. Mạn là so sánh giữa cái này với cái kia. Kiến là bị kẹt vào trong thân kiến; thân kiến là gốc của đoạn kiến và thường kiến). Vì sao cũng là phàm phu mà người này khuynh hướng là đoạn kiến, người kia là thường kiến? Nguyên nhân là do nhiều đời thân cận với người đoạn kiến, hoặc trong nhiều đời có khuynh hướng suy nghĩ kiểu đoạn kiến.
Trong đời, tôi gặp không ít người có cái tật rất nguy hiểm, đó là, cái gì của mình thì hay, của người khác thì dở ẹc. Hoặc là họ nghĩ: cái gì tôi thấy tôi biết là cái đó có, còn cái gì tôi không thấy, không biết được, không chứng minh được thì cái đó không có. Trong những người tôi gặp gỡ, có cả tỷ người như vậy.“Tôi chưa từng thấy ma quỷ, thiên đường địa ngục, chưa từng thấy Phật thánh ở đời, chưa từng hiểu sự chứng ngộ là gì, nên đối với tôi, nó là không có.” Có rất nhiều người đã suy nghĩ như vậy. Quí vị thấy tinh thần khoa học có chấp nhận được thái độ đó hay không? Họ hỏi tôi căn cứ vào đâu mà tôi tin Phật. Tôi đã trả lời: Bằng vào kiến thức đời, kiến thức đạo của tôi, tôi tin một số chuyện sau đây và từ đó tôi thấy Đức Phật nói đúng (theo nhận thức của tôi): Ngài dạy cái gì cũng do duyên mà có. Tôi thấy đúng! Bất cứ cái gì trên đời cũng do một tỷ nhân duyên chớ không phải một. Đã có rồi thì có lúc bị mất. Tôi thấy đúng! Khoa học nhìn nhận rằng tất cả những vì sao, mặt trời, trái đất, mặt trăng… chắc chắn trong vài tỷ năm, vài chục tỷ năm nữa cũng sẽ biến mất.
Nội dung hai bài kinh này: Ngài Rahula hỏi Phật phải quán chiếu 5 uẩn theo cách nào để lìa bỏ chấp thủ trong đó. Đức Phật dạy rằng phải liên tục quán chiếu rằng: 5 uẩn trong tình trạng nào, ở không gian, thời gian nào cũng là vô thường, khổ, vô ngã. Nhờ quán chiếu như vậy sẽ không còn chấp thủ trong 5 uẩn nữa. Nghĩa là không còn cái gì để thích và để ghét, để giận và để sợ nữa. Nhiều người hiểu lầm hễ nói chấp thủ là chỉ có tâm tham. Khi bất mãn trong chuyện gì đó cũng là một cách chấp thủ. Chấp thủ nghĩa là còn bận tâm; bận tâm bằng sự chi phối của Ái, Mạn, Kiến.
Điều tôi cho là quan trọng bậc nhất: Ai không đủ duyên lành với Phật Pháp sẽ không thể ngồi yên lắng nghe những vấn đề giáo lý xem chừng không liên quan đến đời sống của mình. Ví dụ như học về giáo lý Duyên khởi, giáo lý duyên hệ, Tứ Niệm Xứ, năm uẩn, Tam tướng, một lần nào đó họ nghe, họ ngáp lên ngáp xuống, thấy không mắc mớ gì với họ hết. Nhưng người có duyên lành với Phật pháp thì sẽ thấy toàn bộ Phật pháp là chỗ này. Ta sẽ có một tuổi già như thế nào, những ngày nằm bệnh ra sao, giây phút lìa đời thế nào và sẽ đi về đâu, đều tùy thuộc vào cách hiểu đạo và sống đạo của ta hôm nay.
Sẽ có một ngày bà con buông hết mọi thứ, ngồi yên để nhìn lại năm uẩn (thân tâm). Sẽ có một ngày mình nằm liệt giường, vợ chồng con cái thờ ơ ghẻ lạnh, lúc đó mới thấm thía cuộc đời và hiểu rằng, thì ra mình đến với cuộc đời này vốn dĩ bằng sự cô đơn và mai này lìa đời trong sự cô đơn. Tất cả những tài sản, vợ chồng, con cái, chỉ là ngoại thân. Phải luôn tâm niệm cái gì có được rồi sẽ mất. Những buồn vui thiện ác nào đang diễn ra trong đầu mình lúc này chắc chắn rồi cũng sẽ qua đi. Quí vị cứ thấy tôi nhắc đi nhắc lại năm uẩn, nhưng xin hỏi bỏ năm uẩn đi thì còn lại cái gì? Toàn bộ vũ trụ này được làm nên bởi năm uẩn, nên khi mình quán chiếu năm uẩn cũng là quán chiếu toàn bộ vũ trụ.
Quan sát vũ trụ cũng có nhiều cách: cách nhìn của nhà khoa học, cách nhìn của một nhà thơ, cách nhìn của một nhà khảo cổ và trên hết là cách nhìn của một hành giả Tứ Niệm Xứ. Hành giả Tứ Niệm Xứ nhìn để buông, nhìn để sợ, nhìn để chán và lìa bỏ, bằng không thì cả đời này mình cứ bị vùi đầu vào thế giới mình đang có mặt. Khổ thay thế giới mình đang vùi đầu là do nghiệp xưa tạo ra. Bây giờ mình đang có mặt trong đống phân, là con dòi trong đó mà tưởng mình hay. Do nghiệp xưa mình sanh làm đứa bé châu Phi, cái thế giới của mình khô cằn đói nghèo, chiến tranh, dịch bệnh. Rồi mình vẫn yêu đất châu Phi và coi trời đất này chỉ có châu Phi vì không biết chữ, không biết báo chí. Dân xứ nghèo phần lớn có điểm giống nhau là chỉ biết mảnh đất mà họ sanh ra. Con ruồi con muỗi con dòi con bọ cũng chỉ biết quẩn quanh trong thế giới của nó.
Nói xa hơn nữa, kể cả những bà con ở nước ngoài có nhiều điều kiện sống và sinh hoạt tốt hơn trong nước, nhưng nếu không khéo quí vị vẫn tiếp tục vùi đầu trong cái nhà tù của mình: đi làm, ăn, ngủ, kiếm tiền bỏ nhà băng, lâu lâu đi vacation, shopping… cứ vậy mà lặp đi lặp lại nhịp sống buồn tẻ nhưng do nghiệp vô minh tham ái mình không thấy đó là rất chán. Cứ đam mê rồi đến một ngày nào đó về hưu, con cái lớn bay đi các phương trời. Rồi hai vợ chồng già phải vô viện dưỡng lão. Sáng chiều như hai con khỉ đột ngồi ngó ra đường xem con có tới thăm hay không. Làm gì chúng có thời gian tới thăm, nhiều lắm một tuần một lần. Lúc đó mới hiểu, suốt một đời vùi đầu trong thế giới mà mình tưởng là hay, suốt mấy chục năm trời, cuối cùng phần thưởng cao nhất chính là hai bóng già nua lưng còng má hóp đi đứng lụm cụm liêu xiêu yếu đuối trong nhà dưỡng lão.
GS Trần Văn Khê đã lâm trọng bệnh, có thể lúc chúng tôi nói chuyện với bà con có khi giáo sư đã không còn nữa. Giáo sư là một Phật tử thuần thành, một người tài thật sự, sở hữu kiến thức trác việt cao vời về văn hóa và âm nhạc VN, là một nhân cách lớn, là người thường được mời đi nước ngoài, vậy mà hôm nay ở tuổi 94 này GS phải vào nằm trong bệnh viện Gia Định Sài Gòn, máy móc thô sơ đại khái. Còn có những người cuộc đời mịt mù, do nghiệp khiến đẩy đi đầu thai vào nơi đâu đó rồi yêu thương cắm chặt vùi sâu vào thế giới đó. Đẩy vào hầm cầu thì mình thấy hầm cầu là số một. Làm đứa bé nhà quê thì thấy sình lầy là số một. Làm dân thị thành thì thấy chuyện ăn chơi vui vẻ, phim ảnh, báo chí là số một. Nhưng có bao giờ chúng ta chịu nghĩ ra một điều dù cho chúng ta ở trong thế giới nào đi nữa, hễ có sự vùi đầu là chúng ta đang bị bỏ tù.
Ôn lại bài kinh Rāhula. Ngài Rāhula hỏi Đức Phật làm sao quan sát năm uẩn, 12 xứ, 18 giới mà không bị vướng kẹt trong phiền não. Một người không biết Phật pháp hay một vị thông suốt Tam tạng hay một người đắc chứng thần thông thiền định nói chung mà không có được sự chuyên tâm, tức là không có chánh niệm trí tuệ liên tục, rất dễ rơi vào hoàn cảnh mà ngài Rāhula gọi là “sự chấp thủ, kiêu mạn trong năm uẩn”, rất dễ rơi vào phiền não: thích và ghét, tức tham và ưu, vì vị này sẽ liên tục nhìn ngắm năm uẩn từ góc độ ngã chấp, đây là tôi, đây là của tôi, cái này của ông A, cái này của bà B. Chính từ ý niệm của tôi, của ông A, bà B… mà nảy ra biết bao nhiêu vấn đề về văn hóa, tôn giáo, chính trị v.v…. Ai có lập trường quan điểm giống tôi thì tôi vui, tôi thích, tôi thương, tôi có hảo cảm và ngược lại.
Sáu trần cũng vậy, những gì tôi thấy, tôi nghe, ngửi, nếm, đụng, suy tư cái nào giống như tôi mong mỏi thì tôi vui, tôi hạnh phúc, còn khi nào không như ý thì tôi bất mãn. Cả quãng đời, nếu không có chánh niệm và trí tuệ đi cùng một cách liên tục, thì từ là một đứa bé năm nôi đến cụ già trăm tuổi liên tục sống trong phiền não, vì họ luôn luôn đánh giá vấn đề từ góc độ tôi và của tôi. Hạnh phúc là có được cái mình thích và đau khổ là bị chịu đựng cái mình ghét. Dù là ông vua hay ăn mày thì cả đời cũng chỉ vật lộn trong hai thứ đó. Trời nắng nóng hay lạnh cũng là một thứ đau khổ, sự mát mẻ hay ấm áp là một thứ hạnh phúc, là vì điều kiện nhiệt độ đó thích hợp tấm thân này của mình. Vì vậy mình thấy vui. Từ chỗ mìnhthấy vui, mình có cảm giác mình đang thấy vui, mình có cảm giác mình đang được cái mình thích, mình thấy hạnh phúc. Khi bị cái mình không thích thì mình thấy đau khổ. Thái độ tâm lý của phàm phu đứng trước cái thích và không thích chỉ là cơ hội cho phiền não mà thôi.
Cả hai phiền não thích và không thích này có nhiều tên gọi. Ngài Rāhula gọi là kiêu mạn. Kiêu mạn là tên gọi chung cho các thứ phiền não, nói theo Vi diệu pháp thì nó là Tâm sở mạn. Trong bài kinh này, kiêu mạn ám chỉ cho sự so sánh của mỗi chúng sinh phàm phu khi các căn biết các trần. Bài kinh này tuyệt đối không phải là bài kinh nói chuyện trên mây mà bài kinh này đang nói về những gì xảy ra trong lòng của quí vị – người đang nghe tôi nói chỗ này, giây phút này – bài kinh này đang nói về quí vị đó. Nếu quán chiếu liên tục sẽ thấy thân tâm này chỉ gồm hai thứ nhân và quả. Nhân ở đây thiện ít hơn ác và quả ở đây khổ ưu nhiều hơn hỷ lạc. Có quán chiếu như vậy thì sẽ thấy năm uẩn trong thời gian và không gian nào, trong tình trạng nào cũng chỉ nằm gọn trong Tam tướng, lúc thiện lúc ác, lúc vui lúc khổ, lúc nhân lúc quả, đó là vô thường, khổ và vô ngã. Đó là nội dung 2 kinh Rāhula.
_______________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét