Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (6)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (6)

PHẦN CHÁNH KINH

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (b)

III. Phẩm Gánh Nặng

I. Gánh Nặng (Tạp, 2.3, Trọng Ðởm. Ðại 2,19a) (Tăng 25.4, Ðại 2,631c) (S.iii,25)

1-2) Ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về gánh nặng, mang gánh nặng lên, đặt gánh nặng xuống. Hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.

4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là gánh nặng? Năm thủ uẩn là câu trả lời. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là gánh nặng.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ mang gánh nặng? Người là câu trả lời. Vị Tôn giả này có tên như thế này, dòng họ như thế này. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ mang gánh nặng!

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là mang gánh nặng lên? Chính là tham ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, đi tìm hỷ lạc chỗ này, chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là mang gánh nặng lên.

7) Này các Tỷ-kheo, thế nào là đặt gánh nặng xuống? Ðây là sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn, sự từ bỏ, sự xả ly, sự giải thoát, sự không chấp thủ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đặt gánh nặng xuống.

8) Thế Tôn thuyết như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người;
Mang lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.

Còn đặt gánh nặng xuống,
Tức là lạc, không khổ,
Ðặt gánh nặng xuống xong,
Không mang thêm gánh khác.

Nếu nhổ khát ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát,
Ðược giải thoát tịnh lạc!

II. Liễu Tri (Parinna) (Tạp 3.22 Trì Pháp. Ðại 2,19a)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Và này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết những pháp cần phải liễu tri, phải được liễu tri. Hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói...

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải liễu tri? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp cần phải liễu tri, thọ là pháp cần phải liễu tri, tưởng là pháp cần phải liễu tri, các hành là pháp cần phải liễu tri, thức là pháp cần phải liễu tri. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là những pháp cần phải liễu tri.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là liễu tri? Này các Tỷ-kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si, này các Tỷ-kheo, được gọi là liễu tri.

III. Thắng Tri (Tạp 1.3, Vô Tri. Ðại 2,1a) (S.iii,27)

1-2) Nhân duyên tại Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri sắc, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ, nên không có thể đoạn tận khổ.

4) Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri thọ...

5-6) Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri tưởng... không thắng tri các hành...

7) Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri thức, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ, nên không có thể đoạn tận khổ.

8) Này các Tỷ-kheo, do thắng tri sắc, liễu tri, ly tham, từ bỏ, nên có thể đoạn tận khổ.

9-11) Này các Tỷ-kheo, do thắng tri thọ... thắng tri tưởng... thắng tri các hành...

12) Này các Tỷ-kheo, do thắng tri thức, liễu tri, ly tham, từ bỏ, nên có thể đoạn tận khổ.

IV. Dục Tham (Tạp 3.27 Tham, Ðại 2,19c) (S.iii,27)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Dục và tham (chandaràga) đối với sắc, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó. Như vậy, sắc ấy sẽ được đoạn trừ, nhổ tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.

4) Dục và tham đối với thọ, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó. Như vậy, thọ ấy sẽ được đoạn trừ, nhổ tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.

5) Dục và tham đối với tưởng...

6) Dục và tham đối với các hành...

7) Dục và tham đối với thức, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó. Như vậy, thức ấy sẽ được đoạn trừ, nhổ tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.

V. Vị Ngọt (Tạp 1.14, Vị, Ðại 2,2c) (S.iii,27)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau:

4) "Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly của sắc? Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly của thọ? Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly của tưởng? Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly của các hành? Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly của thức?"

5) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau:

6) "Do duyên sắc, lạc hỷ sanh; cái ấy gọi là vị ngọt của sắc. Sự vô thường, đau khổ, chịu sự biến hoại của sắc; cái ấy gọi là sự nguy hiểm của sắc. Sự nhiếp phục dục và tham đối với sắc, sự đoạn tận dục và tham; cái ấy là xuất ly của sắc".

7) "Do duyên thọ, lạc hỷ sanh.."..

8) "Do duyên tưởng, lạc hỷ sanh..".

9) "Do duyên các hành, lạc hỷ sanh; cái ấy gọi là vị ngọt của các hành. Sự vô thường, đau khổ, chịu sự biến hoại của các hành; cái ấy gọi là sự nguy hiểm của các hành. Sự nhiếp phục dục và tham đối với hành, sự đoạn tận dục và tham; cái ấy là sự xuất ly của các hành".

10) "Do duyên thức, lạc hỷ sanh; cái ấy gọi là vị ngọt của thức. Sự vô thường, đau khổ, chịu sự biến hoại của thức; cái ấy gọi là sự nguy hiểm của thức. Sự nhiếp phục dục và tham đối với thức, sự đoạn tận dục và tham; cái ấy là sự xuấy ly của thức".

11) Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào đối với năm thủ uẩn này, Ta chưa như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố rằng Ta đã giác ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác đối với thế giới gồm có Thiên, Ma, Phạm thiên, đối với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

12) Nhưng này các Tỷ-kheo, khi nào đối với năm thủ uẩn này, Ta như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng Ta đã giác ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác đối với thế giới gồm có Thiên, Ma, Phạm thiên, đối với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

13) Và tri kiến như sau khởi lên nơi Ta:

"Tâm Ta giải thoát, bất động. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa".

VI. Vị Ngọt (S.iii,29)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt của sắc. Vị ngọt của sắc là gì, Ta đã chứng đắc. Vị ngọt của sắc như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.

4) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu sự nguy hiểm của sắc. Sự nguy hiểm của sắc là gì, Ta đã chứng đắc. Sự nguy hiểm của sắc như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.

5) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu sự xuất ly của sắc. Sự xuất ly của sắc là gì, Ta đã chứng đắc. Sự xuất ly của sắc như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.

6-8) Này các Tỷ-kheo, Ta đi tìm cầu vị ngọt của thọ...

9-11) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt của tưởng...

12-14) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt của các hành...

15) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt của thức. Vị ngọt của thức là gì, Ta đã chứng đắc. Vị ngọt của thức như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.

16) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu sự nguy hiểm của thức. Nguy hiểm của thức là gì, Ta đã chứng đắc. Nguy hiểm của thức như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.

17) Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu sự xuất ly của thức. Xuất ly của thức là gì, Ta đã chứng đắc. Xuất ly của thức như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.

18-19) Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào đối với năm thủ uẩn này, Ta chưa như thật biết vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là sự nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố rằng... Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

20) Và tri kiến như sau khởi lên nơi Ta: "Tâm Ta giải thoát, bất động. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa".

VII. Vị Ngọt (Tạp 1.13 Vị, Ðại 2,2bb) (S.iii,29)

1-2) Nhân duyên tại Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của sắc, thời các loài hữu tình không có tham đắm đối với sắc. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có vị ngọt của sắc cho nên các loài hữu tình có tham đắm đối với sắc.

4) -- Này Tỷ-kheo, nếu không có sự nguy hiểm của sắc, thời các loài hữu tình không có yếm ly đối với sắc. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có sự nguy hiểm của sắc cho nên các loài hữu tình có yếm ly đối với sắc.

5) Này các Tỷ-kheo, nếu không có sự xuất ly đối với sắc, thời các loài hữu tình không có xuất ly đối với sắc. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có sự xuất ly của sắc cho nên các loài hữu tình có sự xuất ly đối với sắc.

6-8) Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của thọ...

9-11) Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của tưởng...

12-14) Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của các hành...

15) Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của thức, thời các loài hữu tình không có tham đắm đối với thức. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có vị ngọt của thức cho nên các loài hữu tình có tham đắm đối với thức.

16) Này các Tỷ-kheo, nếu không có sự nguy hiểm của thức, thời các loài hữu tình không có xuất ly đối với thức. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có sự nguy hiểm đối với thức cho nên các loài hữu tình có yếm ly đối với thức.

17) Này các Tỷ-kheo, nếu không có sự xuất ly đối với thức, thời các loài hữu tình không có xuất ly đối với thức. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có sự xuất ly đối với thức cho nên các loài hữu tình có xuất ly đối với thức.

18) Này các Tỷ-kheo, khi nào các loài hữu tình đối với năm thủ uẩn này không như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, không thể sống xuất ly, thoát sự liên hệ, giải thoát, với tâm tự tại.

19) Và này các Tỷ-kheo, khi nào các loài hữu tình đối với năm thủ uẩn này, như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, có thể sống xuất ly, thoát sự liên hệ, giải thoát, với tâm tự tại.

VIII. Hoan Hỷ (Tạp 1.7, Ư Sắc Hỷ Lạc, Ðại 2,1c)(Tạp 1.5, Ðại 2,1b) (S.iii,31)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ sắc, người ấy hoan hỷ khổ. Ai hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy không giải thoát khỏi khổ.

4) Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ thọ...

5) Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ tưởng...

6) Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ các hành...

7) Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ thức, người ấy hoan hỷ khổ. Ai hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy không giải thoát khỏi khổ.

8) Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ sắc, người ấy không hoan hỷ khổ. Ai không hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy giải thoát khỏi khổ.

9) Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ thọ...

10) Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ tưởng...

11) Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ các hành...

12) Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ thức, người ấy không hoan hỷ khổ. Ai không hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy giải thoát khỏi khổ.

IX. Sanh Khởi (Tạp 3.28 Sanh, Ðại 2,20a) (S.iii,31)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, cái gọi là sắc sanh, trú, khởi, hiện hữu; cái ấy là khổ sanh, bệnh tật trú, già chết hiện hữu.

4-6) Này các Tỷ-kheo, cái gọi là thọ sanh, trú, khởi, hiện hữu... tưởng sanh, trú, khởi, hiện hữu... các hành sanh, trú, khởi, hiện, hữu...

7) Này các Tỷ-kheo, cái gọi là thức sanh, trú, khởi, hiện hữu; cái ấy gọi là khổ sanh, bệnh tật trú, già chết hiện hữu.

8) Này các Tỷ-kheo, cái gọi là sắc đoạn diệt, an chỉ, biến mất; cái ấy gọi là khổ đoạn diệt, bệnh tật an chỉ, già chết biến mất.

9-11) Này các Tỷ-kheo, cái gọi là thọ đoạn diệt... tưởng đoạn diệt... các hành đoạn diệt...

12) Này các Tỷ-kheo, cái gọi là thức đoạn diệt, an chỉ, biến mất; cái ấy là khổ đoạn diệt, bệnh tật an chỉ, già chết biến mất.

X. Cội Gốc Của Ðau Khổ (S.iii,32)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về đau khổ và cội gốc của đau khổ. Hãy lắng nghe...

4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là đau khổ? Sắc, này các Tỷ-kheo, là đau khổ; thọ là đau khổ; tưởng là đau khổ; các hành là đau khổ; thức là đau khổ. Ðây, này các Tỷ-kheo, gọi là đau khổ.

5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là cội gốc của đau khổ? Chính là khát ái này hướng tới tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này, chỗ kia; tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.

XI. Hoại Pháp (Tạp 2,19, Hoại Pháp, Ðại 2,12b) (S.iii,32)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Và này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về hoại pháp và bất hoại pháp. Hãy lắng nghe...

4) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là hoại pháp? Cái gì là bất hoại pháp?

5) Sắc, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp. Sự đoạn diệt của sắc ấy, sự an chỉ, biến mất là bất hoại pháp.

6) Thọ, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp...

7) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp...

8) Hành, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp...

9) Thức, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp. Sự đoạn diệt của thức ấy, sự an chỉ, biến mất là bất hoại pháp.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Gánh Nặng

NĂM UẨN LÀ GÁNH NẶNG

‘Bhara’: ‘gánh nặng’, ‘gồng gánh’ (bear)

Gánh nặng của sắc uẩn: Vì có sắc uẩn nên ta phải chịu đựng bao nhiêu thứ hệ lụy từ nó; do có thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn cũng vậy. Chính vì còn có sắc uẩn, vì sống bằng nó, nên mới có cái thích trong đó. Xét về nhân hay quả, sắc uẩn luôn là tiền đề cho những rắc rối. Chính vì có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân nên mình phải ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, phải có nhà ở; nhà thì phải như thế nào đó, mùa đông có ấm mùa hè có mát hay không; ăn uống thì phải làm sao cho ngon, cho không bịnh, vô hại. Chỉ vì có sắc uẩn này mình mới thích những thứ thuộc về sắc pháp. Hành trình theo đuổi âm thanh, mùi vị này xét về mặt thế gian là bình thường, nhưng đối với một hành giả thì đây là hành trình tang thương, đau khổ. Khi đã theo đuổi thì không có phải kiếm cho có, có rồi tìm cách giữ vì sợ mất. 

Tôi không phải là hành giả nhưng để trị cơn buồn ngủ tôi chỉ nhớ một chuyện là bật dậy liền, đó là nghĩ đến sự chết. Cách đây không lâu, tôi nghe chuyện những người lớn tuổi không dám ngủ, bởi họ sợ ngủ rồi đi luôn. Rồi những hình ảnh người thân đẩy mình vào bịnh viện và người thân không đi theo mình được nữa, xung quanh mình chỉ còn người xa lạ là y tá bác sĩ. Tiễn nhau ra sân ga phi trường thì còn có cơ hội gặp lại, còn tiễn nhau ở phòng mổ thì khó nói lắm. Có nhiều lý do để mình đi luôn: bịnh nặng quá mình đi luôn hoặc do sự bất cẩn của y tá bác sĩ mình đi luôn. Ở xứ tiên tiến văn minh thì khả năng này hơi ít nhưng ở xứ kém văn minh thì khả năng này rất lớn, bởi vì y đức của họ không được đào tạo kỹ, chưa kể thuốc men cũng có vấn đề; thuốc men là sản phẩm của tham nhũng. Y tá bác sĩ cũng là sản phẩm của một hệ thống tham nhũng; rồi còn họ phải đối diện với người bịnh nhiều năm nhiều tháng, lòng họ chai đi. Họ khám sơ sơ và để theo dõi hoặc mổ gấp khi chưa thật sự cần. Vì vậy chỉ cần nhớ tới sự chết là bao nhiêu sự hôn trầm dã dượi mất liền, bật dậy liền. Vì cái sắc uẩn mà mình phải ăn cơm, uống nước, uống thuốc, tắm rửa, lo y phục, xe cộ…

Gánh nặng về thọ uẩn: vì mình còn sống nặng trong cảm xúc buồn vui. Từ một đứa bé bú bình cho đến một ông già hấp hối cũng chỉ để ý đến một chuyện: cảm xúc, tìm cái nào dễ chịu để thoải mái và bực dọc với cái khó chịu. Người không biết đạo thì thấy chuyện đó là bình thường, còn hành giả thì thấy đúng là gánh nặng. Nếu ngồi yên lắng tâm một tí sẽ thấy cái dễ chịu ít hơn cái khó chịu.

Gánh nặng của tưởng uẩn:

Có nhiều cái biết: cái biết của thức, cái biết của tưởng và cái biết của trí. Cái biết của trí là nhận chân bản chất của mọi sự đang diễn ra là gì, cái biết của thức là mắt chụp hình, tai ghi nhận âm thanh chớ chưa biết đó là cái gì, phần ý thức mới giải quyết phần còn lại. Cái biết của tưởng là dựa trên tất cả những gì dựa trên hồi ức cũ, kinh nghiệm cũ, đời này hay kiếp khác.

Tưởng uẩn là khía cạnh kinh nghiệm của tâm thức trong từng cái biết. Tại sao mình gặp người đó mình vui? Vì mình nhận ra là người quen, người thương; nhìn món đồ đó mình thích vì nó vừa ý mình; cái mùi này là mùi trầm, cái này là mùi rác, cái này là mùi cống…

Thọ, tưởng, hành, thức, luôn đi chung nhau thành một khối tổng hợp. Thức uẩn là tâm. Thọ, tưởng, hành là tâm sở. Tâm và tâm sở luôn đi chung nhau như các cạnh của viên kim cương. Giống như ly nước đá trước mặt: láng, tròn, cứng, lạnh là những khía cạnh có mặt cùng lúc ở một ly nước đá.

Khi mình biết mùi cống, thọ uẩn là khổ, tưởng uẩn biết là mùi cống, hành uẩn lúc đó là tâm sân, thức uẩn chỉ là sự ghi nhận đơn thuần của khứu giác. Sân là vì không chịu nổi cái mùi, chưa kể còn tưởng tượng suy diễn ra chuyện khác. Tưởng uẩn là nhân tố cho những suy diễn tiếp theo cho ta bực mình. Mình đóng thuế cầu đường rồi, năm nào cũng đóng, họ phải lo chuyện đó chớ, mà cuối cùng đường cứ hư, cống rãnh thì hễ cứ mưa ập lên, nước đen ngòm, rác lềnh bềnh. Lúc nghe mùi cống là mình nghĩ đến việc đóng thuế, là nổi bực mình lên, đó là hành uẩn làm việc. Tiến trình tâm thức lúc nghe mùi thơm ta thích cũng vậy. Khi mũi nghe mùi thơm, thức uẩn ghi nhận mùi, tưởng uẩn thì ghi nhận đây là mùi Channel, Versace… và tâm tham xuất hiện. Ghét hay thích cũng do ba nhân (1.Tiền Nghiệp; 2.Bối cảnh hiện tại; 3.Khuynh hướng tâm lý). 

Gánh nặng là như vậy đó, hành giả khi quan sát, quán chiếu rõ sẽ thấy thì ra cái mình gọi là hạnh phúc hay đau khổ thích hay là ghét, là như vậy đó. Gom chung lại được gọi là năm uẩn, mà mình thì bị nhốt trong đó, vì mình còn phiền não, mình chưa là vị A-la-hán nên cứ tiếp tục đi tới. Hành giả hiểu được điều này nên làm công đức gì cũng mong công đức đó trở thành Ba-la-mật. Ba-la-mật là những thiện pháp hỗ trợ cho sự giác ngộ; khi đang thực hiện thì mài mòn phiền não và sau đó trở thành Ba-la-mật. Lúc đang bố thí là mình đang mài mòn phiền não, mài mòn bỏn xẻn. Ngồi thiền là mài mòn phóng dật, ngã mạn, tâm tham, tâm sân, ích kỷ, nhỏ mọn, ghen tị v.v… Nếu đủ duyên thì đắc A-la-hán ngay đời này, nếu không đủ thì thành Ba-la-mật cho đời sau. Hành giả thứ thiệt là họ thấy từng giây phút có mặt của mắt, tai, mũi, lưỡi là từng giây phút hệ lụy. 

Bà con ở đây chưa thấy được đâu, cứ gieo duyên, một lúc nào đó lăn đùng ra bịnh thì mới thấy thấm. Bây giờ đang còn trẻ, còn khỏe, còn nhan sắc, tình cảm, tiền bạc, quan hệ xã hội… thì chưa thấy. Tôi mở trang báo mà thấy “Mừng Tết Nguyên Đán” là tôi thấy vô duyên rồi. Tết là chết tới nơi mà đi ăn mừng. Tám tháng Ba là tào lao. Ngày Mother’s Day hay Father’s Day chỉ có giá trị khi nào nghĩ tới chữ Hiếu. Không có cái ngày nào vui hết, ngày nào cũng gợi nhớ mình sắp đi. Noel cho mình nhớ sắp hết năm. Ngày Mẹ ngày Cha cho mình biết năm ngoái đã có ngày này, bây giờ đã qua một năm, giáp năm rồi. Ngó lên tờ lịch mà xé một tờ thì biết một phần cơ thể của mình, một phần sức khỏe, một phần nhan sắc, một phần tuổi thọ đang mòn hao. Xé tờ lịch là biết mình đang xé đi một mảng đời của mình. Gan, phổi, thận, bao tử của mình cũng từ từ có vấn đề, nó phải thay đổi mai mốt mình mới chết được.

Bài kệ ở đoạn 8 đáng được tụng đọc và suy niệm mỗi ngày:

Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người;
Mang lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn đặt gánh nặng xuống,
Tức là lạc, không khổ…

Ngày nào còn có năm uẩn thì còn vô số những hệ lụy như gánh nặng. Trong Pāḷi có chữ rất hay, ‘Ohitabharo’, có nghĩa là “gánh nặng đã được đặt xuống”. Cứ tưởng tượng mình leo núi, lên dốc, trên tay của mình là năm chục ký, một lúc nào đó mình để được xuống thì đã cỡ nào. Người đắc Tu-đà-hoàn – đã chấm dứt thân kiến – cảm giác sung sướng cỡ nào khi họ nhận ra thì ra năm uẩn là như vậy. Xưa giờ họ sống trong hiểu lầm, giờ cảm giác nhẹ kinh khủng. Quí vị hỏi tôi nhẹ cỡ nào để tôi nói cho nghe. Ví dụ, có người báo cho các vị biết vợ/chồng mình đang ngồi với một người khác phái dáng vẻ thân thiết cực kỳ; bao nhiêu đủ lửa dồn hết lên óc mình. Khi xác định được rằng người ngồi đó không phải là vợ/chồng mình thì cảm giác nhẹ cỡ nào. Hoặc mình nghe nói có cái xác chết trôi sông mà người thân mình đi hai ngày nay không liên lạc được. Khi mình chạy tất tả tới nơi thấy không phải là người thân của mình thì cảm giác nhẹ cỡ nào. Hốt hụi về sáu mươi tám triệu trong túi mất tiêu, tìm trước tìm sau tìm trên tìm dưới tìm trong tìm ngoài không thấy. Ngay lúc đó có một cú điện thoại của đứa con gọi báo là không thấy ai nên đút cục tiền dưới sàn. 

Cú phone này y hệt như câu pháp ngài Xá Lợi Phất nghe ngài Asajji nói: Vạn pháp do duyên mà có, do duyên mà mất. Thế Tôn đã nói rõ nhân duyên sanh và diệt đó. Ngài vừa nghe xong cảm giác nhẹ y hệt như người mẹ nghe phone đứa con báo đã cất cục tiền dưới sàn. Tạm ví dụ vị Tu-đà-hoàn cũng nhẹ như vậy, hồi giờ họ nghĩ “cục nợ mấy chục ký” này là của họ, đùng một phát họ phát hiện đây không phải là của mình, không phải như mình tưởng, thì nhẹ cỡ nào. Cảm giác nhẹ đi trong những ví dụ của tôi chỉ là một phần tỷ so với cảm giác của vị Tu-đà-hoàn thôi, bởi họ đã buông sạch. Vì vậy trong kinh nói khi một vị thành Phật rồi, vị đó có thể nhịn ăn suốt bảy tuần lễ, an lạc không thể tưởng nổi, Ngài có thể nhịn lâu như vậy bởi vì hạnh phúc quá lớn, buông hết và thấy hết không sót thứ gì trong cõi đời này. Ngài thấy xứng đáng với bao nhiêu công khó tu hành của mấy chục đại kiếp, cũng là lúc thấy được gánh nặng đã được đặt xuống.

LIỄU TRI, THẮNG TRI

*Chứng thánh chỉ là thay đổi nhận thức

‘Pariññā’: liễu tri

‘Abhijānana’: thắng tri

Năm uẩn cần phải được thắng tri, cần phải được liễu tri.

Thắng tri gồm có 3. Có ba cái biết đối với năm uẩn:

1. Ñāta: biết rõ đây là danh, là sắc.

2. Tīraṇa: biết rõ đây là sự vô thường, khổ, vô ngã của danh sắc.

3. Pahāna: cái biết đủ để chấm dứt phiền não (tùy tầng thánh mà chấm dứt được bao nhiêu).

Hành giả buổi đầu, Ñāta, chỉ biết phân biệt được danh là gì, sắc là gì, đất ra sao, nước ra sao…; tham ra sao, sân ra sao…; buổi đầu chỉ biết hơi thở ra, hơi thở vô; hơi thở là sắc pháp; tâm biết hơi thở là danh pháp. Qua đến giai đoạn hai Tīraṇa là sự thấm thía đến tận cùng, biết rõ đây là sự vô thường, thấy rõ đây là sự vô thường của hơi thở, sự vô thường của tâm biết hơi thở; đây là sự vô thường của tâm tham, đây là sự vô thường của tâm si, thấy rõ ràng như vậy; cái biết này kéo dài một thời gian lâu mau, dài ngắn tùy người. Giai đoạn ba Pahāna, cái biết này đủ mạnh để cắt đứt phiền não. Tùy tầng thánh mà cắt tới đâu. Ví dụ tầng thánh Tu-đà-hoàn thì cắt được thân kiến, hoài nghi. Về giới cấm thủ thì trong kinh kể thì mình nhắc vậy thôi. Trong kinh nhắc đến giới cấm thủ chớ thật ra người không còn thân kiến thì làm gì còn hoài nghi, làm gì còn giới cấm thủ. Nhắc đến giới cấm thủ là nhấn mạnh Đạo đế. Đạo đế là con đường thoát khổ y cứ theo tinh thần Bát Chánh Đạo. Giới cấm thủ là lối hành trì nằm ngoài Bát Chánh Đạo và (lý tưởng là) không hướng đến Niết bàn. Từ bỏ thân kiến là không còn thấy thân tâm, năm uẩn này là ta, của ta nữa.

Như vậy hành trình tu tập của hành giả chỉ là hành trình nhận thức qua từng giai đoạn:

1. Nhận diện danh sắc.

2. Soi rọi Tam tướng của chúng.

3. Cái thấy rốt ráo đủ để chấm dứt phiền não.

Tôi đã ví dụ nhiều lần về cái thấy rốt ráo đủ để chấm dứt phiền não. Tôi nghe quí vị nói xấu tôi, tôi nổi sùng lên, và biết bao nhiêu người giải thích, can gián, chứng minh, và lòng tôi cũng tạm yên rằng đó là chuyện hiểu lầm. Nhưng đó chỉ là ‘tạm’ thôi. Cho đến khi nào chính tôi coi lại đoạn phim liên quan đó, và thấy rõ ông đó đang nói, câu này bị người ta vô tình hay cố ý hiểu sai và kể lại cho tôi nghe. Khi tôi nghe và thấy tận mắt thì cái biết này đủ cắt đứt cơn giận của tôi. Còn những lời giải thích của quí vị cỡ nào cũng chỉ là nghe thôi, một cái biết vay mượn từ người khác, chỉ đến khi đích thân tôi coi tận mắt. Hoặc có người nói, thằng Tèo đốt nhà của anh rồi. Khi mình về tới nơi, tận mắt thấy không có, cái nhà mình còn nguyên, thì cái thấy nàymới đủ cắt tâm sân của mình, chứ còn chưa thấy cái nhà mình còn nguyên thì chưa có yên. 

Quí vị sẽ nói, đắc quả đơn giản vậy sao? Đúng! Khó thiệt, nhưng rất đơn giản. Chứng thánh chỉ là thay đổi nhận thức. Đừng có nghĩ rằng lúc đó hào quang xẹt, cơ thể nhẹ bổng nhấc lên khỏi mặt đất, lìa khỏi trọng lực sứt hút của trái đất. Không có! Vẫn là con người bình thường y hệt như trước, vẫn hôi rình y chang như vậy, chỉ có thay đổi nhận thức, không còn tiếp tục thấy vấn đề như trước đây nữa, như bao nhiêu tỷ tỷ đại kiếp mình đã thấy. Với ba cái biết ñāta, tīraṇa, pahāna này đủ để đoạn trừ phiền não, không còn tiếp tục thích và ghét nữa, nhưng ở cấp độ Hữu học, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm thì chưa rốt ráo, chưa dứt khoát, chưa toàn triệt trăm phần trăm. Lên tới quả vị A-la-hán thì mới rốt ráo. Trong kinh ví dụ như là người đi trong bóng đêm mịt mùng, đang dò dẫm mò mẫm, trời chớp lên một cái và vị ấy nhìn thấy phía trước có hồ nước, có nhà cửa… bằng ánh sáng của tia chớp. Đó là cái thấy của vị Tu-đà-hoàn, còn mình thì hoàn toàn không thấy gì hết. Nãy giờ quí vị chỉ đang nghe một anh mù nói chuyện về con đường trước mặt của quí vị, mà quí vị cũng đang đui, chúng ta lại cùng nhau đi trong bóng đêm. Mai này khi chứng Tu-đà-hoàn quí vị sẽ thấy qua ánh sáng của tia chớp, nhá lên rồi mất, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa hết.

Nội dung bài kinh Thắng Tri: Khi không có đủ ba nhận thức trên (ñāta, tīraṇa, pahāna) thì ta tiếp tục sinh tử.

DỤC THAM

Khi biết rõ năm uẩn là vậy thì cũng hiểu thêm rằng còn thích thú trong sự hiện hữu của chúng thì còn đầu tư tái sinh, tức còn khổ. Tôi nhắc lại chữ khổ lần nữa.

Ác nghiệp dẫn đến sa đọa. Thiện nghiệp đưa ta đi bao xa và bao lâu rồi cũng phải trở về đơn vị gốc. Dục giới là đơn vị gốc của Tam giới. Bốn cảnh khổ là đơn vị gốc của Dục giới, vì phiền não là chốn về căn bản của phàm phu.

“Gốc” nghĩa là không cần làm gì hết, cứ ngồi yên là rớt ngay Dục giới, giống như gốc cây, là chỗ duy nhất của một cội cây mà muốn có mặt thì cứ lê cái mông đến ngồi phịch xuống là xong. Trong khi muốn lên trên các cành nhánh thì phải nỗ lực. Không cần nỗ lực gì hết là có mặt ở cõi Dục giới rồi. Và trong cõi Dục giới nếu không có nỗ lực gì hết, muốn sao làm vậy thì rớt vô bốn cõi Khổ. Tại sao? Vì phiền não là chốn về của phàm phu. Khi trái đất quay thì những gì nặng có khuynh hướng rút vào tâm. Hoặc khi mình nấu ăn, khuấy ly nước thì cái gì nặng, cặn sẽ đi về chỗ thấp nhất. Cơm trong nồi ở dưới đáy thường có cát là vì vậy.

Hôm nay mình còn vui, còn thích thú trong năm uẩn mình chưa thấy khổ, không thấy năm uẩn là gánh nặng, không thấy rằng niềm đam mê thích thú trong năm uẩn là mầm họa. Mai này, lúc nào đó, khi có va chạm bị sốc rồi mới thấy nếu ngày xưa đừng thích nhiều quá thì bây giờ đâu có khổ dữ thần như vậy. Thích càng nhiều thì khổ càng nhiều. 

Tôi thưa thiệt với bà con, cho tới bây giờ tôi nhìn một người Phật tử ở đây mà tôi còn lạnh xương sống. Thông minh cực kỳ, học giỏi cực kỳ, nhưng khi có con rồi thì hình như …. ngu cực kỳ. Tôi nói quí vị không tin đâu nhưng ai làm mẹ thì tin. Nhân vật này khi bàn về mấy vị tiền bối mà tôi kính ngưỡng (ví dụ như ngài Ajahn Chah, ngài Mahasi, ngài Ledi) thì có những nhận xét khách quan, khách quan đến nỗi gần như phạm thượng. Nhưng đặc biệt khi nói về con của mình thì không, luôn luôn đứa con là đỉnh cao trí tuệ. Đây là một nhân vật thuộc loại điển hình của vô minh. Thông minh như vậy mà lại mê con, mê đến mức mô tả về con như Chánh Đẳng Chánh Giác. Chỉ vì dục ái mạnh quá, nên giống như mất trí vậy; như khùng có trình độ, có bằng cấp vậy. Đi đứng sinh hoạt thì bình thường nhưng nhắc đến đứa con thì quýnh quáng, nói tầm bậy liền. Tôi chưa gặp ai mê tiền, mê danh, mê lợi đến như vậy, nặng tình cảm đến như vậy. Tôi chỉ còn chờ một ngày nào đó người này nói con mình đi vệ sinh cũng thơm mà thôi. 

Tôi kể ra ở đây để nói rằng dục ái dễ sợ lắm, quá sức dễ sợ. Người Mỹ họ gặp mình ăn mắm thì họ ớn cỡ nào, trong khi mình thấy mắm thì khoái. Mình gặp phô mai nặng mùi của Pháp thì mình chịu không nổi trong khi Tây lại khoái. Đó là dục ái, nó làm cho mình u mê dữ thần như vậy. Vì vậy, một vị chứng thánh, họ nhìn lại mình họ nổi da gà, lạnh xương sống, mà mình thì không thấy.

Những bài kinh sau cũng y hệt vậy, không cần phải giải thích nữa.

VỊ NGỌT

‘Assāda’: ‘vị ngọt’. Bài kinh này rất là sâu

Vị ngọt ám chỉ khía cạnh hấp dẫn. Đức Phật xác nhận ngày xưa khi còn là cư sĩ, ngài từng đi tìm vị ngọt. ‘Tìm’ nghĩa là ngài để ý, quan sát, quán chiếu, suy tư. Khi ngài ăn giống như mình, ngài suy nghĩ, thì ra ngon là như vậy đó sao. Tây có câu: “Cơn đói là đầu bếp tốt nhất”, đói thì ăn cái gì cũng ngon. Ngài để ý thấy cái gọi là ‘mùi thơm’ là như vậy. 

Trong bài viết “Trái mít xứ người” của tôi, mùi thơm chính là mùi tử khí của trái cây. Khi trái còn xanh, còn “trẻ trung” khi bắt đầu thơm chính là mùi tử khí. Mùi thơm trái cây chính là mùi của người già sắp chết. Trái mít còn non thì không có mùi, nhưng khi có mùi thơm thì nó sắp ‘đi’ rồi. Hoa cũng vậy, khi mới còn nụ thì đâu có thơm, nhưng khi hoa đã nở mãn khai, mùi thơm bát ngát thì nó sắp tàn rồi. Con người cũng vậy, khi đạt đến viên mãn thì cũng sắp đi rồi. Thí dụ mình còn trẻ, còn nhan sắc nhưng đâu có sự nghiệp, có bằng đại học xong thì mở văn phòng, phòng mạch, có mái ấm, có con khôn, khi con cái bắt đầu vào đại học, mọi thứ trông có vẻ hoàn hảo. Nhưng khi con mình vào đại học thì có nghĩa mình cũng xấp xỉ bốn mươi. Tài sản tiền bạc đạt kha khá thì mình cũng phải năm mươi. Dưới năm mươi hiếm có ai sự nghiệp như ý. Giống như đóa hoa mà màu sắc mùi hương hoàn hảo thì sắp đi rồi. Non nớt thì không có gì để nói, hễ chín muồi thì sắp đi.

Cái thấy của Ngài có nhiều giai đoạn: Giai đoạn 1 là sau khi nhìn thấy bốn cảnh động tâm rồi xuất gia. Giai đoạn 2 là lúc chứng trở lại các tầng thiền trước đêm thành đạo. Giai đoạn 3 là lúc thành đạo. Giai đoạn 3 của Ngài có đủ 3 trí vừa kể ở trên. Mình khá lắm thì chỉ có được cái thấy như Ngài thấy lúc đi dạo ở bốn cửa thành. Nếu mai nay đi tu thiền thì thấy thêm chút đỉnh. Không học đạo thì không biết gì. Những cái biết về lý thuyết sẽ có ảnh hưởng xấu đến việc thực hành Tứ Niệm Xứ. Nhiều người sẽ thắc mắc vì sao cái biết lý thuyết sẽ ảnh hưởng xấu, rồi sẽ nghĩ rằng không cần học. 

Khi mình học mình sẽ thấy rõ ràng tuệ đó là Tuệ sợ hãi; khi quán chiếu danh sắc sẽ thấy mình chết đầu hôm sớm mai, chết trong từng hơi thở, tâm kinh hoàng giống như thấy cái chết trước mặt. Nếu có thầy bạn kèm cho mình không bỏ cuộc thì mình sẽ đi đến giai đoạn hai là Tuệ chán nản, mình sẽ muốn buông, kể cả chuyện tu thiền mình cũng thấy nó là sự lặp đi lặp lại của danh sắc rồi mình chán. Nếu có thầy bạn kèm qua được giai đoạn đó tới Hành xả tuệ thì sẽ khác đi. Khi học lý thuyết như vậy, một lúc nào đó ngồi thiền mình sẽ hoảng sợ, thấy danh sắc phù du mong manh, rồi nhớ bài đã nghe, lại nghĩ mình đắc rồi. Người không biết gì có cái lợi là không bị kẹt, nhưng khổ cái không biết gì thì có thể bỏ cuộc. Mọi sự chỉ trông đợi vào Ba-la-mật của quí vị.

VỊ NGỌT (2)

Bài kinh Vị Ngọt tiếp theo cũng ý nghĩa như vậy. Vị ngọt là khía cạnh hấp dẫn của 5 uẩn. Sự nguy hiểm (ādīnava) phải hiểu là bề trái của 5 uẩn, chính là sự vô thường của chúng. Cái bông thấy đẹp nhưng khi khô đi thì mình thấy nó vô duyên. Thức ăn cũng vậy, khi no rồi thì mình thấy mệt. Rồi lúc đó mình nhận ra cái này tanh, cái này độc, cái này nguội lạnh, cái này có mùi. Mọi thứ đều có lúc vô thường. Tâm vô thường, cảnh vô thường hoặc cả hai vô thường. Đức Phật nói, nếu không thấy bề trái đó thì làm sao ly dục, lìa bỏ rồi giải thoát.

Nếu thật sự trong room này là những người có lòng cầu đạo giải thoát thì nhớ tâm niệm một điều: Ta không thể đi xa trong Phật pháp được nếu ta không thấy được sự hiện hữu ở đời là khổ, và không phải thấy đời là khổ thì mình trở thành một người sống bi quan. Nhiều người cứ nghĩ rằng khi nhắc đến, suy tư về những cái khổ này thì đời mình sẽ u ám. Không phải vậy. Lúc đó mình sẽ ngộ ra một chuyện thú vị: Khi nhận diện bản chất mong manh của đời sống thì cũng là lúc mình sống vui vẻ, thanh thản an lạc. Cái an lạc này không hề giống với an lạc của một người mù tịt, yêu đời trong mù quáng. Người có tu tập sẽ thấy chính cái biết này cho mình trạng thái tâm trưởng thành, thanh thản. Lỡ như chuyện xấu (già, bịnh, chết) có xảy đến họ vẫn tiếp tục thanh thản vì họ đã biết trước những điều này từ lâu, đã quan sát trong từng ngày. Lúc đó mới ngộ ra sự quán chiếu vô thường hay như vậy. Người lớn đứt tay không khóc như đứa bé vì từ lâu họ biết “chơi dao có ngày đứt tay”, còn con nít khóc vì không ngờ bị chảy máu, bị đau như vậy.

Kinh Hoan Hỷ cũng y hệt như vậy.

SANH KHỞI (Uppadasutta)

Nội dung ngắn gọn: Sự xuất hiện của năm uẩn chính là sự xuất hiện của các khổ. Làm ơn ôn lại giùm năm uẩn là gì. Chính vì sự có mặt của tấm thân này mà dẫn đến biết bao nhiêu hệ lụy. Chính vì sự xuất hiện của đời sống tâm lý này mà chúng ta có nỗi khổ niềm, vui. Vui luôn ít hơn khổ vì tâm ác luôn nhiều hơn thiện. Cái gì có cũng do nhiều duyên, có rồi phải bị mất. Ác mạnh hơn thiện thì quả xấu nhiều hơn quả lành.

CỘI GỐC CỦA ĐAU KHỔ (Aghamūlasutta)

‘Aghamūla’: Nguồn gốc của khổ nạn.

Tất cả khổ nạn trên đời này giống như bầy ruồi theo đuổi xác chết trôi sông. Cái xác đó còn lềnh bềnh trên nước thì ruồi còn có chỗ bám. Phải đem chôn thì mới yên. Tất cả những cái khổ trên đời này đều phải dựa vào năm uẩn mà ra.

HOẠI PHÁP (Pabhaṅgusutta)

Pabhaṅgusutta (Kinh Hoại Diệt) giống hệt như kinh Nirodha đã học sáng nay. Năm uẩn do duyên mà có. Ngay trong nhân duyên của sự có mặt đã ngầm chứa cái nhân duyên của sự biến hoại. “Trong hạnh ngộ đã có mầm chia ly” là như vậy đó. Voltaire có câu: “Lẽ ra không nên khóc khi một ông già chết mà hãy khóc ngay khi đứa bé chào đời”. Bởi vì, ngay trong sự chào đời của đứa bé đã chứa sẵn cái chết của một ông cụ bà lão.

Nội dung bài học sáng nay: Tại sao năm uẩn là gánh nặng? Năm uẩn là chỗ gặp mặt của hạnh phúc và đau khổ. Đau khổ là gặp phải cái mình không muốn, hạnh phúc là có được cái mình thích. Bản chất của cái mình ghét và cái mình thích đơn giản là đến từ ba nhân.

Với người không học đạo, cái khổ đày đọa họ trực tiếp, cái vui gieo mầm khổ gián tiếp. Ví dụ có nhan sắc, có mái ấm như ý thế là chuyện tu tập quán chiếu thôi để kiếp sau; lâu lâu phấn son chút đỉnh rồi đi làm từ thiện, làm phước cúng dường, chụp hình quay phim, khoe trên facebook. Thật ra khi ngồi nhìn kỹ, lúc mình đi làm thiện thì có cả đống bất thiện trong đó. Có những cái biết đủ làm thay đổi cuộc đời của mình:

(1) Biết rõ về cái chết: biết mình sẽ chết lúc nào, kiểu gì, chết ở đâu (biết thêm đám tang sẽ ra sao, ai buồn thật sự)

(2) Biết rõ thiên hạ nghĩ gì về mình: biết điều này chắc sống không nổi. Mình chẳng qua sống nhờ cái tưởng tượng, hy vọng hão huyền chớ thiên hạ thật sự thương quý mình không nhiều lắm đâu. Tôi thấy Phật tử nữ vô chùa tay bắt mặt mừng đãi bôi, hỏi thăm “tôi trông bà dữ lắm, gặp bà tôi vui lắm”… Tôi biết họ ghét nhau dữ lắm. Đàn ông không thích thì thôi, chỉ chào thôi. Còn các bà thì đi kể chuyện gia đình khoe con khoe cái. Trên đời này không có chuyện gì vô duyên cho bằng đem kể chuyện của mình cho người khác nghe rồi mong rằng người ta sẽ chia vui với mình. Hổng dám đâu, sao mà u mê dữ thần vậy. Già đầu còn dại có cháu ngoại còn ngu là chỗ đó.

(3) Biết rõ ràng nếu tiếp tục như vậy ta sẽ tái sinh về đâu.

Thật ra chỉ cần một trong ba cái biết trên cũng đủ làm thay đổi cuộc đời mình.
_________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

  1. Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma-sambuddhassa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa!

      Xóa

Đăng nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t...

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại...

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,...

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta ...

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.