Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (3)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (3)

PHẦN CHÁNH KINH

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (a)

A. Năm Mươi Kinh Căn Bản
I. Phẩm Nakulapità

V. Thiền Ðịnh (Tạp 3.7-8 Thọ, Ðại 2,17a) (Tạp 3.1. Sanh Diệt, Ðại 2,15b) (Tạp 3.2 Bất Thừa, Ðại 2,15b) (S.iii,13)

1) Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi...

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Vị Tỷ-kheo có Thiền định, này các Tỷ-kheo, hiểu biết một cách như thật.

3) Hiểu biết gì một cách như thật? Sắc tập khởi và đoạn diệt; thọ tập khởi và đoạn diệt; tưởng tập khởi và đoạn diệt; các hành tập khởi và đoạn diệt; thức tập khởi và đoạn diệt.

4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc tập khởi? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là tưởng tập khởi? Thế nào là các hành tập khởi? Thế nào là thức tập khởi?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú. Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước và an trú gì?

6) Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú sắc. Do vị ấy hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú sắc, hỷ đối với sắc khởi lên. Do hỷ đối với sắc, thủ đối với sắc khởi lên. Do duyên thủ đối với sắc, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

7-10) Hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú thọ... rồi an trú tưởng... rồi an trú các hành... rồi an trú thức. Do vị ấy hoan hỷ, hoan nghênh, đắm trước rồi an trú thức, hỷ khởi lên. Do hỷ đối với thức, thủ đối với thức khởi lên. Do duyên thủ đối với thức, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

11) Này các Tỷ-kheo, đây là sắc tập khởi, đây là thọ tập khởi, đây là tưởng tập khởi, đây là hành tập khởi, đây là thức tập khởi.

12) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc đoạn diệt, thế nào là thọ đoạn diệt, thế nào là tưởng đoạn diệt, thế nào là các hành đoạn diệt, thế nào là thức đoạn diệt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú.

13) Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú gì? Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú sắc. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú sắc, hỷ đối với sắc đoạn diệt. Do hỷ đối với sắc đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

14) Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thọ. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thọ, hỷ đối với thọ đoạn diệt. Do hỷ đối với thọ đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

15-16) Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú tưởng... không đắm trước và an trú các hành. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú các hành, hỷ đối với các hành đoạn diệt. Do hỷ đối với các hành đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

17) Không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thức. Do vị ấy không hoan hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước và an trú thức, hỷ đối với thức đoạn diệt. Do hỷ đối với thức đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

18) Này các Tỷ-kheo, đây là sắc đoạn diệt, đây là thọ đoạn diệt, đây là tưởng đoạn diệt, đây là các hành đoạn diệt, đây là thức đoạn diệt.

VI. Tỉnh Mặc (Tạp, 3.7-8, Thọ, Ðại 2,17a) (S.iii,15)

1) Nhân duyên tại Sàvatthi...

2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy trú tâm, dán tâm vào tỉnh mặc. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo có tỉnh mặc hiểu biết một cách như thật.

3) Hiểu biết gì một cách như thật? Sắc tập khởi và đoạn diệt; thọ tập khởi và đoạn diệt; tưởng tập khởi và đoạn diệt; các hành tập khởi và đoạn diệt; thức tập khởi và đoạn diệt ( Như kinh trước, từ số 4 đến số 18 ).

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Nakulapità

THIỀN ĐỊNH

Sáng nay chúng ta học bài kinh Thiền Định (Samādhisutta). Trong bài kinh này, Đức Phật gọi các vị tỳ kheo, Ngài bắt đầu một câu ngắn gọn: Hãy tu tập thiền định, nhờ có thiền định mới có như thật tri kiến.

yathābhūtaṃ pajānāti: know them as they are. Biết mọi chuyện như là bản chất của nó. Nó như thế nào thì thấy nó y như vậy, không hình dung, thêm bớt, liên tưởng, tưởng tượng, thêu dệt bày vẽ. Cái biết thông thường của người không tu tập trí tuệ là cái biết có sự can thiệp, sự thêu dệt, sự vẽ vời của phiền não. Cái biết đó không đúng. Ví dụ mình ghét TQ, mình sợ đồ TQ, đi đâu thấy cái gì có chữ China là mình ớn rồi, mình sống bằng cảm giác, định kiến, thành kiến, từ đó không thể nào có cái tri kiến như thật.

Chúng ta bị ám ảnh bởi phiền não; trước hết và thường xuyên nhất là năm triền cái: tham dục, sân độc, hôn thụy, trạo hối, hoài nghi. Năm triền cái này ám ảnh tâm của mình, Đức Phật nói, tâm bị tham dục ám ảnh giống nước bị pha màu; tâm bị sân ám ảnh như giống nước bị sôi; tâm đang buồn ngủ giống như nước bị cặn cáu; tâm hoài nghi giống như rong rêu bám. Một hồ nước mà mình có thể nhìn thấy đáy được thì phải trong suốt sạch sẽ, tâm bị phóng dật chi phối thì giống như mặt nước lăn tăn. 

Xem Tăng Chi Bộ, phần 5 pháp, Kinh Sangagarasutta, có ông Bà-la-môn đến hỏi Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, vì sao thời con còn trẻ, con học rất mau, nhớ rất lâu, về già thì con học rất lâu mà nhớ rất khó, lại mau quên. Đức Thế Tôn giải thích rằng: Khả năng tinh thần của mình từ cái nhớ đến cái hiểu, một phần ảnh hưởng rất lớn từ đời sống tinh thần của mình. Ngài dạy khi nào tâm mình rảnh rang trong sáng lành mạnh thì khả năng nhớ hiểu, suy tư, thấm thía của mình tốt hơn. Khi nào tâm bị ám ảnh bởi phiền não nhiều quá thì bao nhiêu sức mạnh tinh thần bị thất thoát hết. Ngài dạy, khi tâm bị ám bởi 5 triền cái thì làm việc rất dở; để nhận thức, hiểu biết, phân tích cái gì đó thì bó tay.

Trong khi đó, Sơ thiền thì đình chỉ năm triền cái. Chỉ mới sơ thiền thôi thì đã vắng mặt năm triền cái: tham dục, sân độc, trạo hối, hoài nghi, hôn thụy. Trạo hối (Uddhacca-kukkucca) gồm: phóng dật và sự cắn rứt (katamakatam) (hối tiếc chuyện đã làm và không làm). Tham dục là thích thú năm trần cảnh. Sân độc là thù ghét căm hận, bất mãn sợ hãi, ghen tuông, tiếc của. Hoài nghi là hoang mang nghi hoặc. Phật pháp không chịu học, giáo lý không chịu tìm hiểu, viện cớ cư sĩ phải đi làm lụng nuôi gia đình, không pháp học không pháp hành, đến lúc nào đó gặp chuyện buồn hoặc xếp chân ngồi thiền thì một tỷ chuyện trào ra, hoang mang không biết pháp môn Tứ Niệm Xứ này nó ra làm sao.

Không có thiền định thì rất khó làm việc này việc khác, tuy nhiên do Ba-la-mật dày mỏng ít nhiều khác nhau nên không phải ai cũng có thể chứng thiền. Có ba loại định:

1. Khanikasamadhi: Sát na định. Sự tập trung tư tưởng trong từng khoảnh khắc

2. Appanasamadhi: Kiên cố định. Sự tập trung tư tưởng của người chứng từ Sơ thiền trở lên, có thể kéo dài trong nhiều ngày không gián đoạn

3. Upacarasamadhi: Cận định, giai đoạn cận kề lúc chứng thiền. Cận định nằm giữa hai giai đoạn Sát na định và Kiên cố định.

Muốn tu Vipassana (Tứ Niệm Xứ) thì phải có định tâm thật tốt nhưng không phải ai cũng có khả năng đắc thiền. Vì vậy trong kinh dạy có ba loại định, nếu tinh tấn thì ta có thể liên kết nhiều khoảnh khắc ngắn ngủi đó lại với nhau cũng làm được việc. Ví dụ như quí vị thấy mình không tu hành gì nhưng khi cần vặn ốc một bộ phận nhỏ xíu nào đó, quí vị phải tập trung, 30 giây, 40 giây nào đó. Hoặc như chạy xe trên xa lộ 5, 6 lanes thì phải tập trung; tập trung không nhiều, chỉ tập trung khoảng một hai phút thôi. Tôi ghét kinh khủng mấy người lên xe mà nói phone, nếu đề tài quan trọng thì không sao chớ còn nói chuyện hỏi thăm, khỏe không v.v… tôi ghét lắm. Có nhiều vị thiếu tế nhị kinh khủng, trên xe 4,5 mạng ngồi, khi mình cầm phone nói chuyện thì mọi người trên xe 95% đều im lặng cho mình nói chuyện. Nguyên không gian trong xe lúc đó là mình chiếm hết. Mình nói chuyện như thế là thiếu lịch sự, có nhiều người còn có ý nói cho người khác nghe nữa. Mấy người lái xe chở người mà nói chuyện là tôi nhớ đất nước độc tài, tánh mạng của bao nhiêu người mà nằm trong tay một người, một nhóm người không ra gì hết.

Cách đây khoảng hai tuần, tôi có đọc được bài giảng của ngài Webu Sayadaw, ngài không có viết lách gì, đệ tử nghe giảng rồi chép lại. Ngài có nói một chuyện rất quan trọng: Khi mình dễ duôi lười biếng không có ý muốn tha thiết tu học, hoặc mình có mặc cảm mình không có khả năng tinh tấn thì lúc đó hãy tự mình kéo mình đứng dậy bằng cách tự hỏi: Mình có tệ như vậy hay không, tại sao có những lúc mình làm chuyện tầm bậy, bất thiện mà mình định tâm tốt quá vậy? Hãy nhớ, thật ra khả năng định tâm mình có rất nhiều, rất mạnh, rất tốt. Bằng chứng là khi mình làm chuyện tầm bậy mình tập trung rất khá. Tôi đọc chỗ đó mà thấy khoái. Khả năng tập trung, tinh tấn, khả năng suy nghĩ của chúng ta không có tệ. Việc tu học của mình yếu, chậm, tệ là do lòng tha thiết của mình chưa đủ, không có cơ hội gặp thầy bạn đúng mức, không có trú xứ đúng mức, không được trang bị vốn liếng kiến thức Phật học đúng mức, thiếu những điều đó nên mình có cảm giác giống như trí mình kém, định mình kém. Tôi rất tâm đắc với câu nói của ngài. Đây là kinh nghiệm bằng vàng. Chứ còn lúc đó ngồi nghĩ chư Phật đã tinh tấn mà ta không tinh tấn thì ta không xứng đáng với các ngài, nghĩ như vậy thì không thấm, phải chọt ngay tử huyệt của mình mới thấm, phải nghĩ, khả năng tập trung của mình đâu có tệ như lúc chơi game mình đâu có tệ.

Tuy nói là tu thiền quán là đặt nặng về chánh niệm trí tuệ, nhưng nếu định của mình yếu quá thì niệm chắc chắn gặp khó khăn, tuệ chắc chắn gặp khó khăn, vì vậy, năm quyền (tín, tấn, niệm, định, tuệ) là điều kiện bắt buộc của người tu Tứ Niệm Xứ.

Trong chú giải cũng nói vắn tắt vì sao Đức Thế Tôn giảng kinh này

“idaṃ bhagavā te bhikkhū cittekaggatāya parihāyante disvā”: Đức Thế Tôn nhìn thấy nhóm tỳ kheo ngồi trước mặt Ngài, định của họ đang bị sa sút, bị thối thất, lùi sụt, mất mát. Ngài biết nói như vậy họ sẽ khá hơn nên Ngài mới dạy bài kinh này.

Làm gì cũng phải nhớ cái này, ta có học giỏi giáo lý bao nhiêu đi nữa, ta có làm bao nhiêu phước lành công đức đi nữa nhưng nếu không có thời gian trau dồi định tâm, hễ định yếu là niệm, tuệ không làm việc gì được. Khi mình không tinh tấn học đạo, không tinh tấn thiền định thì đức tin của mình sẽ có vấn đề, sẽ có lúc xao lãng, mà đức tin có vấn đề thì tinh tấn có vấn đề. Cái này hỗ trợ cái kia, tùy chỗ mà Đức Thế Tôn nhấn mạnh cái nào. Ví dụ có lúc mình nghe cha mẹ nói: Sống ở đời mà không có tiền bạc thì khổ lắm, không còn cơ hội nói sĩ diện, bụng đói đầu gối phải bò. Có lúc cha mẹ phải nói với con: Danh lợi là phù vân, cắm đầu lo tiền không, không biết cha mẹ gia đình tôn giáo, tới lúc nào đó lăn đùng ra… Có lúc ba má nói: Sức khỏe là tất cả, không lo giữ gìn sức khỏe thì lăn đùng ra v.v… Tùy chỗ tùy lúc, tiền bạc, sức khỏe, tinh thần, quan hệ xã hội, không thể bỏ sót cái nào hết. Có lúc Đức Phật nói nhiều về thiền định, có lúc Ngài nói nhiều về chánh niệm, có lúc Ngài nói nhiều về trí tuệ, về niềm tin, về tinh tấn… nhưng mình phải hiểu ngầm cả năm quyền đều quan trọng, không được thiếu cái nào.

Do có Định mới có Trí tuệ để nhận thức đúng và đủ về giáo lý Duyên khởi. Giáo lý Duyên khởi chính là con đường sinh tử và con đường giải thoát của ta. Xưa nay do nghiệp cũ ta có mặt ở đời này, dùng lục căn đời này để tạo lục căn đời sau, nay biết tu Tứ Niệm Xứ thì hạn chế hoặc chấm dứt hẳn việc tạo thêm cái mới.

Nếu mình chứng La-Hán thì chấm dứt hẳn việc tạo thêm cái mới, còn chưa chứng nổi thì hạn chế. Hồi đó đến giờ mình thấy cái gì thích là tham, thấy cái gì không thích là bất mãn, sân. Hiếm bao giờ có cái thứ ba là tâm thiện. Suốt cuộc đời cứ như vậy, ghét thích thích ghét và từ trẻ đến già, từ lúc mở mắt buổi sáng đến khép mắt đi ngủ, chỉ có hai thứ: tham-ưu. Vì vậy trong bài kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật có dạy: Ở đây vị tỳ kheo tinh cần tỉnh giác sống quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp, tinh tấn chánh niệm, diệt trừ tham ưu ở đời. Ngài không nói Si, vì lý do căn bản là ở đâu có Sân, thì có Si ở đó, ở đâu có Tham thì có Si ở đó.

Không Định thì không Tuệ, không Tuệ thì làm sao thấy được hệ thống Duyên khởi, không thấy được hệ thống Duyên khởi thì không thấy được ở đâu ta tới, ta sẽ về đâu và ngay bây giờ ta nên làm gì. Tiếp theo là bài kinh Tĩnh Mặc.

TĨNH MẶC (Paṭisallāṇasutta)

Paṭisallāṇa là kiểu sống viễn ly, độc cư. Paṭisallāṇa là xa lìa đám đông và xa lìa phiền não. Có bốn trường hợp:

1-Thân viễn ly mà tâm không viễn ly

2-Tâm viễn ly mà thân không viễn ly

3-Thân tâm đều viễn ly

4-Thân tâm đều không viễn ly.

Phiền não có nhiều cách kể, Tam độc tham sân si cũng được, 5 triền cái cũng không sai, 10 kiết sử cũng đúng. Mười kiết sử: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái, sân, ngã mạn, phóng dật, vô minh. Kể hai cũng được: Tham và Ưu theo kinh Tứ Niệm Xứ. Ngài kể có hai, thích và ghét. Nhưng Tham có trường hợp có ngã mạn đi cùng, có lúc có tà kiến đi cùng, còn Si thì có suốt mùa thu. Người nào còn đủ Tham, còn đủ Sân thì còn đủ tất cả các phiền não. Người nào có đủ 5 triền cái là người đó đang có đủ 100% phiền não, 10 kiết sử.

Có người, nếu thân không viễn ly thì tâm không thể viễn ly nên ở đây nói đến cả hai. Đức Phật tán thán đời sống viễn ly:

– Này các tỳ kheo, khi ta nhìn thấy một tỳ kheo ngồi ngủ gục trong rừng ta vẫn hoan hỉ, vì ta biết rằng sau khi ngủ đủ giấc rồi vị này sẽ tiếp tục tinh tấn. Trong khi đó ta nhìn thấy một tỳ kheo ở làng ở phố, dầu vị ấy có tinh tấn ta vẫn nghĩ rằng có thể rồi đây không sớm thì muộn vị này sẽ mắc vào những hệ lụy nhân gian tuế toái này (TC, 8 pháp. Nagīta).

– Này các tỳ kheo, chư Phật luôn tán thán trú xứ xa vắng, vì ngoài việc là điều kiện tốt để phát triển tinh thần thì những sinh hoạt cá nhân (đại tiện, tiểu tiện) của vị này cũng thoải mái.

– Thật hạnh phúc thay đời sống một vị tỳ kheo trong lành hồn nhiên như đời sống của nai rừng.

Khi có học giáo lý, khi có thời gian sống thấm thía Phật pháp, chúng ta sẽ thấy rằng có tới một tỷ hình ảnh hồi xưa giờ mình thích thật ra không cần thiết mà chỉ làm cho mình khổ; một tỷ âm thanh mình muốn nghe mỗi ngày thì chỉ có một phần tỷ thật sự cần thiết. Trong số những mùi, những thứ mình va chạm tiếp xúc chỉ có một phần tỷ đáng giữ lại, còn tuyệt đại đa số còn lại thì hầu như không cần thiết, chỉ có một hạng người duy nhất trên đời này thấy ra được điều đó, đó là người sợ sanh tử. 

Thử một lần ngồi trên máy bay nhìn xuống qua cửa sổ thấy tầng mây trắng dày, những ai thấy rằng sự hiện hữu này là một gánh nặng, thấy rằng mình đang bị nhốt tù trong cục thịt mấy chục ký lô này, sẽ thèm một buổi trưa nào đó ước gì mình đạt tới trọng lượng cực nhẹ để nằm trên biển bông gòn này không hề biết đói, khát, thương nhớ, tiếc nuối, trông đợi, ngóng chờ cái gì hết; mới nhận ra rằng trong bao nhiêu năm qua mình đã chất vào lòng mình biết bao nhiêu gánh nặng, biết bao nhiêu hệ lụy. Một thời gian dài trong cuộc đời tôi sợ những thời điểm vô vị, nhưng tuổi này tôi cảm kích những ngày vô vị vì vô vị đồng nghĩa với vô sự. Một ngày không có gì để lo, không có ai để thương để nhớ, không ai để mình tức giận, ghen tuông, người ta gọi là vô vị nhưng đó chính là vô sự, mà mình không biết cảm kích nó. Tiếng Mỹ có chữ mà bà con nhớ phân biệt: carefree và careless (tự tại và bạt mạng)

Đức Phật luôn khuyến khích sống vô úy, nhưng có lúc Ngài dạy ta phải biết sống trong sợ hãi.

‘Abhaya’: vô úy, không sợ những chuyện tào lao

‘Bhayadassavi’: biết thấy sợ những điều bất thiện, trong sự luân hồi

Không phải Ngài dạy mình sống chết nhát. Phải can đảm như một anh hùng và biết e sợ như một người cẩn trọng. 

Có bốn thứ phải sợ:

– Làm gì đó để người hiền trí chê trách.

– Sự cắn rứt của bản thân.

– Pháp luật.

– Sự sa đọa.

Hễ là bất thiện thì dứt khoát phải dính vào bốn thứ trên. Mình không sợ những hạng tào lao chê trách nhưng sợ trong bóng tối ở đàng xa có những người hiền trí biết suy nghĩ sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy việc của mình. Nếu lương tâm còn răng thì sẽ có lúc mình thấy khó chịu với điều bất thiện, và việc ác nào cũng dẫn đến sa đọa.

Có ba loại phiền não:

1- Phiền não biểu hiện qua thân khẩu. Chửi bới hoặc tỏ tình (flirting) với người ta v.v…

2- Phiền não trong nội tâm mình và người có tha tâm thông hay kẻ thông minh có thể nhìn thấy. Ngồi trông có vẻ tĩnh tại nhưng trong bụng toan tính chuyện gì đó. Loại phiền não nào chỉ người có thần thông, hoặc người bén nhạy có thể đoán được. Ví dụ thấy ai đó ngồi thiền mà cứ cười mỉm mỉm hoặc mí mắt động đậy là có khả năng phóng tâm kinh khủng.

3- Phiền não tiềm tàng (trong dạng potential) nay không có nhưng lúc khác sẽ có. Đang ngon lành, ngồi thiền, thuyết pháp v.v… nhưng nếu có ai làm phiền thì sẽ có phản ứng. Có người nửa đêm hai giờ sáng gọi phone cho tôi rồi hỏi sao giờ này còn thức. Loại phiền não này chỉ có bậc thánh hay người có học giáo lý mới biết.

‘Anusayakilesa’: phiền não tiềm tàng.

‘Pariyutthanakilesa’: phiền não bộc lộ.

Trong Bộ Song Đối, có những câu hỏi rất hay:

Phải chăng tâm sân đang có ở người nào thì tâm tham đang có ở người đó? Đang cùng lúc thì không nhưng khả năng thì có.

Phải chăng tâm tham đang có ở người nào thì tâm sân đang có ở người đó? Chưa chắc, đối với vị A-na-hàm thì tâm tham vẫn còn nhưng tâm sân vĩnh viễn không còn nữa. Còn phàm phu mình thì tâm tham đang có và tâm sân có thể sẽ có.

Phải chăng sắc uẩn đang có ở người nào thì thọ uẩn cũng đang có ở người đó? Chưa chắc, người vô tưởng có sắc uẩn nhưng không có thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.

Người không học giáo lý đọc thấy chán, ngủ đã luôn. Khi Đức Phật giảng trên cõi trời, những vị thiên nhân đủ duyên chỉ nghe Ngài nói ba câu là họ đắc liền. Chỉ cần Ngài nói, “Tất cả pháp thiện, tất cả pháp bất thiện, tất cả pháp vô ký” mình nghe thấy trớt quớt, có gì đâu mà đắc, nhưng họ nghe là hiểu ra liền, cái gọi là ông A, bà B chỉ gồm có 3 cái này thôi. Họ hiểu hiện hữu chỉ là sự lắp ráp, khi Đức Phật nói đến 3 cái này thì đã kín đáo xác nhận một điều, lúc như thế này, lúc như thế khác; mình hiểu danh sắc là vô thường, nếu không vô thường sao Ngài kể tới 3. Người có đủ căn đủ duyên chỉ nghe nhiêu đó là thấm ngay tại chỗ. 

Giống như người sợ chuyện nhà, chỉ cần đang vui vẻ mà mình nói một câu: Chắc bữa nay tôi về sớm, cuối tuần còn nguyên một đống trong máy giặt, hút bụi… Chỉ nói nhiêu đó, nhưng người nào trong hoàn cảnh đó là họ nổi da gà rồi. Tôi đi vô trong siêu thị mà tôi nhìn thấy mấy cái đồ lau nhà, đồ clean up là tôi nổi da gà. Cái bàn tôi đang để máy thuyết pháp cũng rộng, dài lắm, bề dài 2 mét mà bây giờ tôi chỉ còn xài được một mét, là vì cái gì mình cũng để lên. Một lát nữa giảng xong tôi không biết làm sao lau nó, khi lau phải giở từng món từng món. Oải lắm, cuối cùng khỏi giở. Khi Đức Phật chỉ nói một chút xíu, những vị hữu căn hữu duyên là lĩnh hội liền.

Có ba hoặc bốn cách tạo nghiệp:

1) Sahatthika: Tự mình làm.

2) Anattika: Xúi giục, điều khiển, ra lệnh, sai khiến người khác làm.

3) Vannabhanana: Không xúi nhưng gợi ý hoặc gây tạo cảm hứng cho người khác làm việc đó.

Ví dụ ông Omar Khayyam là một nhà thơ của Ả Rập, ở đây có ai biết Omar Khayyam không? Rồi, đờn khảy tai trâu! Trong room có ai đọc Ỷ thiên Đồ Long Ký (Cô gái Đồ Long)? Trong đó có Dương Tiêu, Trương Vô Kỵ. Quí vị có nhớ Trương Vô Kỵ chia tay Tiểu Siêu để Tiểu Siêu trở về Ba Tư làm thánh nữ Minh Giáo, Tiểu Siêu có hát một bài thơ: “Lai như lưu thủy hề thệ như phong. Bất tri hà xứ khứ hề hà sở chung.”Nghĩa là chuyện tình mình đến đi như nước chảy, như gió thổi không biết đến từ đâu và kết thúc nơi đâu, câu đó Kim Dung lấy từ bài thơ của Omar Khayyam. Tại sao tôi lại đem chuyện này ra? Kim Dung đâu biết Omar Khayyam là ai, mà độc giả VN cũng đâu biết mặt mũi Kim Dung như thế nào. Ngay cả người VN với nhau có ai thấy mặt ông Hàn Giang Nhạn. Vậy mà hôm nay coi phim, đọc sách, cứ thấy chỗ đó là thấy ‘đã’. Khi đặt bút làm một bài thơ, chạm khắc một tác phẩm, rõ ràng mình không cần biết hậu nhân là ai, kẻ thưởng thức là ai, nhưng vô tình mình gây tạo cảm hứng cho người khác. Vì vậy, Trịnh Công Sơn, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng đâu có ra lệnh cho chúng ta phải yêu thương, sống nhung nhớ, sống lãng đãng, sống lãng… xẹt, nhưng những gợi ý của họ, những cách gây tạo cảm hứng qua những tác phẩm của họ cũng là một cách tạo nghiệp.

4) Samanunna: Tùy hỉ, thuận theo, vui theo, hưởng ứng. Không tự làm, cũng không ra lệnh xúi giục ai, cũng không gợi ý hay tạo cảm hứng cho người khác, nhưng thấy người ta làm thì mình khoái.

Tôi không dâng y, tôi không trai tăng, tôi không xúi ai, nhưng trong thâm tâm thấy ai làm thì tôi vui. Tôi không đặt bom khủng bố cũng không ra lệnh điều hành tổ chức hay tài trợ ủng hộ tinh thần ai hết nhưng nghe máy bay rớt hay nghe đặt bom ở phi trường nhà ga thì tôi khoái… đó cũng là cách tạo nghiệp.

Nếu mình không kể bốn mà chỉ kể có ba thì gồm: tự tay làm, tác động người khác (trực tiếp hoặc gián tiếp), vui theo việc làm của người ta.

Không sống viễn ly thì không thể có năm quyền (tín, tấn, niệm, định, tuệ), 7 giác chi, 8 chánh đạo, và từ đó không thể nhận thức lý Duyên khởi. Ở đây là lý Duyên khởi của năm uẩn nhưng phải hiểu là của toàn bộ dòng luân hồi.

Ở đây ai có nghiên cứu triết học Ấn Độ chắc biết câu này “Tat Tvam Asi”, câu này rất nổi tiếng. Bên Ấn Giáo hiểu khác mà bên PG hiểu khác. “Ngươi chính là cái ấy”. Cái ấy chính là tiểu ngã, một phần được lấy ra từ đại ngã của Phạm Thiên. Bên PG thì không nói bản ngã mà nói là trạng thái, trạng thái vô thường sanh diệt, tùy duyên mà có, có rồi phải mất. Ấn Độ là xứ thích những câu ngắn ngắn, nói triết học Ấn Độ thì người dốt họ cũng hiểu. Sẵn đây nói luôn, trên con tem của Ấn Độ có câu này: Satyameva Jayate nghĩa là “Chân lý chiến thắng” tất cả hoặc là “Sự thật nằm trên mọi sự”. (‘sự thật’ tiếng Pāḷi là ‘Sacca’, Sanskrit là ‘Satya’).

Trong A-tỳ-đàm nói chung và trong công phu nhận thức tu tập của người tu Tứ Niệm Xứ nói riêng, đời sống vị đó luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng nhận thức giáo lý Duyên khởi. Giáo lý Duyên khởi chỉ là quá trình hiện hữu của những thứ do duyên mà có, đã có rồi phải bị mất. Mình không biết đạo lần đầu sơ cơ, học thấy sốc dữ lắm vì thấy mình chẳng còn là gì hết, nhưng về lâu về dài, khi thấy mình là bọt nước, là làn khói thì dễ sống hơn. Bọt nước, làn khói không thể bị tấn công. Tu tập để trở thành một làn khói, một cọng rơm, cỏ khô, tờ giấy để từ trên lầu cao rớt xuống ta không bị tổn thương.
_______________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t...

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại...

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,...

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta ...

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.