Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (11)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (11)

PHẦN CHÁNH KINH

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (c)

B. Năm Mươi Kinh Ở Giữa
I. Phẩm Tham Luyến

IV. Thủ Chuyển (Tạp 2, Ðại 2,9b) (S.iii,58)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

4) Này các Tỷ-kheo, khi nào Ta chưa như thật thắng tri năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, thì cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng rằng Ta đã chứng được vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

5) Nhưng này các Tỷ-kheo, khi nào Ta đã như thật thắng tri năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta xác chứng rằng Ta đã chứng được vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

6) Và thế nào là bốn chuyển? Ta đã thắng tri sắc, Ta đã thắng tri sắc tập khởi, Ta đã thắng tri sắc đoạn diệt, Ta đã thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Ta đã thắng tri thọ... tưởng... hành... Ta đã thắng tri thức, Ta đã thắng tri thức tập khởi, Ta đã thắng tri thức đoạn diệt, Ta đã thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành. Này các Tỷ-kheo, đấy được gọi là sắc. Do các thức ăn tập khởi nên sắc tập khởi. Do các thức ăn đoạn diệt nên sắc đoạn diệt. Và con đường đưa đến sắc đoạn diệt là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

8) Này các Tỷ-kheo, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào do thắng tri sắc như vậy; do thắng tri sắc tập khởi như vậy, do thắng tri sắc đoạn diệt như vậy, do thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này.

9) Và này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri sắc là như vậy... thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc, họ được giải thoát, không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai được khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ.

10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ thân này: thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định.

11) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thọ là như vậy, thắng tri thọ tập khởi là như vậy, thắng tri thọ đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt thọ. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này.

12) Và này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thọ là như vậy... thắng tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt là như vậy... thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ!

13-15) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tưởng? Này các Tỷ-kheo, có sáu tưởng thân này: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tưởng. Do xúc tập khởi nên tưởng tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên tưởng đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến tưởng đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định... thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ.

16) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành. Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên các hành đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định.

17) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri các hành là như vậy, thắng tri các hành tập khởi là như vậy, thắng tri các hành đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến các hành đoạn diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt các hành. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này.

18) Và này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri các hành là như vậy, thắng tri các hành tập khởi là như vậy, thắng tri các hành đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến các hành đoạn diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt các hành, họ giải thoát, không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai được khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ.

19) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Có sáu thức thân này, này các Tỷ -kheo, (tức là) nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức. Do danh sắc tập khởi nên thức tập khởi. Do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến thức đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định.

20) Này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thức là như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt thức. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này.

21) Và này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thức là như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt thức, họ được giải thoát, không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Tham Luyến

THỦ CHUYỂN

*Năm uẩn

Đức Phật xác nhận, khi chưa biết rõ năm uẩn thì ta vẫn chưa thành đạo. Năm uẩn ở đây là gì? Học thêm định nghĩa mới (mà không mới) về năm uẩn. Phải nhớ lại định nghĩa đã học về năm uẩn [1] rồi so sánh với bài học hôm nay.

Đoạn 7.” Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành. Này các Tỷ-kheo, đấy được gọi là sắc. Do các thức ăn tập khởi nên sắc tập khởi. Do các thức ăn đoạn diệt nên sắc đoạn diệt. Và con đường đưa đến sắc đoạn diệt là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”

Sắc uẩn là 4 đại và 24 y đại sinh (xem thêm trong sách A-tỳ-đàm[2]). “Y đại” nghĩa là nương vào bốn đại mà có. Trong bài kinh này không ghi 24 y đại sinh, mà ghi là “bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng”.

Căn bản của sắc pháp là đất, nước, lửa, gió và những cái đi ra từ đó gồm 24 thứ, ví dụ: sắc tố nam, sắc tố nữ (hormone), những gì ta thấy (ánh sáng, hình dáng, màu sắc), những gì ta nghe (âm thanh, tiếng động), mùi, vị, những gì ta biết được bằng xúc giác, những gì ta gọi là dưỡng tố, chỗ nương của tâm thức mỗi loài (ý vật), khoảng cách giữa các vật chất và từng hình thức biến đổi của vật chất

Thọ uẩn. Gồm 6 thứ cảm giác khi nhìn, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy tư. Có chỗ nói thọ uẩn là tâm sở thọ, có chỗ nói là 3 thọ (khổ, lạc, xả), có chỗ nói là 5 thọ (khổ, lạc, ưu, hỷ, xả), có chỗ nói là 2 thọ (thân thọ và tâm thọ), có chỗ nói là 6 thọ trong 6 căn. Những con số (1, 2, 3, 5, 6) này tuy khác nhau nhưng đồng nghĩa với nhau.

Tưởng uẩn. Gồm Tưởng trong 6 lúc biết cảnh. Khi nhìn cái vật nào đó, mình biết đó là cái tô mà không phải cái dĩa (biết do kinh nghiệm, kiến thức), đó là sắc tưởng; nghe âm thanh thì biết đây là giọng nam hay nữ, tiếng Pháp hay tiếng Tàu, tiếng nhạc hay tiếng kẻng đó là thinh tưởng.

Hành uẩn. Tâm sở Tư (cetanā). Có ba loại Cetanā, tức ba hành (saṇkhāra) (Phúc hành: thiện dục và thiện sắc, Phi phúc hành: 12 bất thiện, Bất động hành: thiện vô sắc) trong Duyên khởi. Ở đây Đức Phật lại nói có 6, trong 6 trường hợp làm việc của lục căn. Ba hay 6 cũng như nhau. Ví dụ: Đi chùa làm phước (phúc hành). Nếu kể theo 6 hành thì đi chùa làm phước thuộc hành nào? Ở đây Ngài gọi là Tư (cetanā). Tư: cố ý, đầu tư (intentionally, investment).

– Sắc Tư (rūpasañcetanā).
– Thinh Tư (saddasañcetanā).
– Khí Tư (gandhasañcetanā).
– Vị Tư (rasasañcetanā).
– Xúc Tư (phoṭṭhabbasañcetanā).

Đi chùa có Sắc tư hay không, có Thinh tư hay không? Phải biết chùa nằm ở đâu mới quẹo xe vô chứ, phải thấy tượng Phật nằm ở đâu. Đi chùa phải lắng nghe chứ (thinh tư), rồi phải nghe mùi nhang (khí tư), rồi phải ăn cơm chay, nếu là ở Mỹ (vị tư). Đi chùa phải đủ 6 căn. Ở nhà có bao giờ mình ngồi bệt xuống nền gạch đâu, nhưng vô chùa thì có; một số ít chùa thì có ghế như nhà thờ nhưng phần lớn các chùa Nam Tông tôi biết ở Mỹ thì vô ngồi bệt; vậy là ở đây có đầy đủ 6 tư (sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp). Khi mình đi đánh bài, đi ăn cướp, đi câu cá, săn bắn… làm chuyện tầm bậy tầm bạ cũng 6 tư này; làm thiện cũng 6 tư này. Lên núi tu thiền đắc tùm lum các thứ Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền cũng là 6 tư này.

Hành uẩn có nhiều cách giải thích, định nghĩa:

– Hành là các Tư (cetanā) thiện ác.
– Hành uẩn là 50 Tâm sở trừ thọvà tưởng.
– Hành uẩn là ba Hành trong Duyên khởi (trong trường hợp phàm phu)

Thức uẩn: Là 6 thức, 6 cái biết đơn thuần (bare knowing) của 6 căn (sense organs)

Bà con mà siêng thì trong vòng ba năm trở lại lượng từ Pāḷi Phật học quí vị biết rất nhiều, nhận thức cũng sẽ khác trước rất nhiều. Phật pháp không học thì không chết nhưng khi học xong thì nhìn cuộc đời không giống như trước đây nữa, mình trở thành con người khác. Ngày hôm qua tôi có post trên facebook một đoạn ngắn trong Tâm Thức Gió Lùa, một mẩu đối thoại rất là ngắn, tôi nói rằng Dương Tả Sứ của Minh Giáo có một người con gái là Dương Bất Hối. Lý do có cái tên đó là vì Kỷ Hiểu Phù khi thương Dương Tả Sứ, sanh ra đứa con gái lòng không hối tiếc. Mỗi người tu Phật cũng phải là một Dương Bất Hối, nghĩa là, không làm gì để mình phải hối hận nên sau này mình sẽ không phải hối hận những gì đã làm. (Người thời nay chỉ làm được một nửa câu đó, là không biết hối hận chuyện đã làm, dù bậy đến mấy).

Như vậy, sáng nay chúng ta học được định nghĩa mới về năm uẩn. Ngài dạy rằng: Sự có mặt của chúng sanh hay sự hiện hữu tồn tại của tất cả vũ trụ chỉ là sự hiện hữu của năm uẩn mà thôi. Người chứng đạo giải thoát luôn là người biết rõ như vậy. Biết rõ sự hiện hữu của năm uẩn là khổ. Biết rõ tham ái trong năm uẩn là nhân sinh khổ. Biết rõ Niết bàn là cứu cánh chấm dứt năm uẩn. Biết rõ Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến Niết bàn, sự chấm dứt vĩnh viễn năm uẩn.

THỦ CHUYỂN (tt)

Hôm nay chúng ta ôn lại bài kinh Thủ Chuyển. Ôn phần Bát Chánh Đạo trước.

*Bát Chánh Đạo

1. Chánh kiến: Nói gọn là trí tuệ về nhân quả và Tam tướng, kể rộng thêm thì còn là trí tuệ về danh sắc, biết danh sắc là gì và thấy rõ chúng luôn sanh diệt. Có chỗ kể 5, là chia nhỏ 3 loại trí vừa kể (mỗi người có nghiệp riêng và nhân nào quả nấy, biết rõ danh sắc là gì và chúng luôn nằm trong Tam tướng).

Theo A-tỳ-đàm thì bao nhiêu thứ chánh kiến cũng kể chung vào tâm sở trí tuệ, một trong 52 tâm sở.

2. Chánh tư duy: Gồm ly dục tư duy, tức tâm sở Vô tham; vô sân tư duy tức tâm sở Vô sân; bất hại tư duy tức tâm sở Bi.

3. Chánh ngữ: Gồm hai định nghĩa

3.1. Là tinh thần ngôn ngữ dựa trên 10 thánh ngữ (đề tài nào dẫn đến chánh kiến, chánh tư duy… chánh trí, chánh giải thoát).

*10 thánh ngữ: Chánh trí, chánh giải thoát, cộng với 8 thánh đạo thành 10. Đề tài nào có nội dung hướng đến 10 cái này gọi là chánh ngữ

3.1.1. Chánh trí là 4 thánh đạo.

Có chỗ nói Chánh trí là đạo quả nói chung, chánh giải thoát là các trí phản khán (nhìn lại phiền não đã diệt, chưa diệt, nhìn lại Niết bàn đã chứng, nhìn lại đạo và quả đã chứng)

3.1.2. Chánh giải thoát là 4 thánh quả.

Những đề tài phiếm luận được gọi là ‘tiracchanakatha’, tức là đề tài ‘có nội dung ngăn ngại’(obstacle) trí tuệ giải thoát.

‘Tira’: ngang; ‘chāna’: chặn. ‘Tiracchana’ (animal): bàng sanh, (‘bàng’ nghĩa là ‘ngang’) là loài có lưng và đầu ngang nhau, từ đó so với loài người chúng không có khả năng biết đủ các chiều không gian.

Chánh ngữ là không nói năng bằng các đề tài phiếm luận (tiracchanakatha) không dẫn đến Bát Chánh Đạo và giải thoát.

Trong kinh Phạm Võng, Trường Bộ, Đức Phật nói rất rõ tất cả các đề tài liên hệ văn hóa, chính trị, tôn giáo, xã hội đều là phiếm luận nếu không được nói theo chiều hướng giải thoát. Cũng đề tài đó nhưng nói thế nào và nhắm đến cái gì từ đó chúng có là phiếm luận hay không. Ví dụ nghe hai người nói chuyện về thức ăn: “Sắp hành thiền mà uống ly sữa nóng thì dễ ngủ lắm.” Nếu nghe lơ đãng thì thấy đây là đề tài không dẫn đến giải thoát, nhưng nghe kỹ thì đây là hai hành giả truyền kinh nghiệm cho nhau hỗ trợ chuyện tu học.

3.2. Ý nghĩa thứ hai của chánh ngữ là tất cả thiện pháp, những thứ đối lập với tà ngữ.

Như vậy trong lúc ta đang chánh niệm theo dõi hơi thở ta cũng có chánh ngữ. Vì nội dung tu tập giải thoát trước hết là qua tam nghiệp thân – khẩu – ý.

Sở dĩ Đức Phật kể ra Tám thánh đạo là nhằm nói đến việc tu tập Tam học thông qua Tam nghiệp, gián tiếp hay trực tiếp. Bởi vì, có lúc Ngài không nói Bát Chánh Đạo, Ngài nói Thất Giác Chi, Tứ Niệm Xứ…

4. Chánh nghiệp. Sự ngăn tránh các thân nghiệp bất thiện, nói rộng và đủ thì tất cả thiện pháp đều là chánh nghiệp vì có nội dung đi ngược lại các tà nghiệp. Như vậy lúc ta chánh niệm trong hơi thở hay trong sinh hoạt cũng là lúc chánh nghiệp có mặt vì khi ấy ta đang có một đời sống tâm lý đối lập với các thân nghiệp bất thiện.

Thân nghiệp bất thiện là sát sanh, trộm cắp tà dâm… kể rộng ra thì đánh lộn, xả rác cũng là thân nghiệp bất thiện. Một đời sống chánh niệm không cho phép mình làm những chuyện đó, vì vậy ngay trong bản thân giây phút chánh niệm thì mình đã là chánh nghiệp.

Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là Giới học. Chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định là Định học. Chánh kiến, chánh tư duy là Tuệ học. (Xem thêm trong kinh Đế Phân Biệt trong Trung Bộ Kinh).

5. Chánh mạng. Nghĩa đen là sinh kế lương thiện; nghĩa bóng là tinh thần thiện pháp đối lập với kiểu sống bất thiện (chi tiết hơn cả bất lương theo nghĩa thế gian). Theo kinh điển thì bất lương dứt khoát phải tránh, còn bất thiện thì kể thêm những gì liên hệ đến phiền não. Lương thiện chỉ là không bất lương theo nghĩa đời. Trong sạch thì mới theo nghĩa đạo. Ví dụ tôi đi mua cá sống về bán lại kiếm lời, công việc đó không bất lương, nhưng theo Phật pháp thì bất thiện.

Ngài Ca Diếp thưa với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, con thấy hình như đời sống phạm hạnh, theo tinh thần chánh pháp không dễ sống.” Đức Phật trả lời: Rất đúng, đời sống theo tinh thần chánh pháp không dễ sống. Trên cõi trời thì quá sướng, thân thể họ là một khối, họ muốn đi đến đâu thì họ hô biến một phát có mặt nơi đó, đâu có cơ hội để chánh niệm theo dõi những oai nghi, họ chỉ có thể chánh niệm trên thọ, tâm, pháp. Còn nếu nói giữ giới thì họ đâu có gì để giữ, cơ hội đâu mà sát sanh. Còn sa đọa bốn đường khổ thì biết gì mà tu. Chỉ còn cõi Người, nếu sống đúng theo tinh thần chánh pháp thì về mặt tinh thần an lạc vô cùng, nhưng trong đời sống thực tế, sống đúng một người Phật tử chơn chánh thì khó lắm.

Như vậy thì trong lúc ta chánh niệm theo dõi hơi thở hay tư thế sinh hoạt cũng là lúc ta có chánh mạng, vì tâm tư lúc đó đối lập với các kiểu sống bất thiện.

Sống bằng tâm thiện là ta đang có kiểu sống đối lập với kiểu sống bất thiện, nói năng bất thiện, hành động bất thiện.

6. Chánh niệm là mindfulness trong lúc làm, nói, hay suy nghĩ. Ở đây là chánh niệm trong lúc tu tập Tứ Niệm Xứ. Mindfulness là biết rõ mình đang làm gì, nói gì, suy nghĩ gì. Ví dụ quí vị ngồi yên một chỗ theo dõi hơi thở, bỗng có suy nghĩ, hôm nay ngày thứ bảy mình có đi shopping hay không thì ngay lúc đó biết rõ đây là tâm tham, sau khi biết rõ thì quay trở vô theo dõi hơi thở tiếp. Đó gọi là chánh niệm.

Rồi làm sao đắc? Yên tâm, đừng bao giờ ham đắc. Khi nào duyên lành đủ thì tự nhiên sẽ thấy ra chuyện khác. Sẽ thấy cái này là vô thường nè, thấy đời sống gồm toàn là vô thường, đúng là khổ. Cái vô thường và khổ này mình đâu có muốn; đời sống lúc có lúc không, mình không muốn mà nó vẫn có, đó là vô ngã, cái thấm thía này là quí vị tự nhận thức của riêng mình, không vay mượn từ bạn bè, sách vở, đó mới là chứng đắc. Đó chỉ là ví dụ thôi nghen, bữa nào bật ra tưởng đắc là tôi không chịu trách nhiệm. 

Trí tuệ giác ngộ không phải là những gì mình nghe bằng lời, đọc bằng chữ, mà nó là sự kết hợp của những thứ đó bật ra một cái biết, không giống những gì mình đọc nghe từ xưa giờ nhưng không cũng không mâu thuẫn. Quí vị cầm cái bản đồ, theo con đường trên bản đồ mà đi, đến cái ngã ba đó, quí vị thấy ngã ba đó có giống ngã ba trên bản đồ hay không? Nó giống nhau cái chạc ba quẹo phải, quẹo trái đi về đâu, nhưng ngã ba trên bản đồ làm gì có cây xanh, có giếng nước… Kinh điển cũng y như vậy, những gì chúng tôi nói và những gì quí vị đọc trong sách cũng y như trong bản đồ vậy. Nhưng con đường trong bản đồ không có cây cỏ hoa lá trăng sao như con đường thực tế. Làm ơn đừng mong mỏi đắc chứng gì hết, cứ thanh thản theo dõi những gì đang xảy ra.

Việc phải làm của anh đổ rác nhẹ nhàng hơn của anh lượm ve chai. Tu hành là để buông, như người đi đổ rác. Chứ không phải để đắc hay được cái gì, đó là tu bằng tâm niệm của người nhặt ve chai. Khi ngồi thiền, quí vị hãy nghĩ đến một chuyện là buông, khi buông được thì sẽ được tùm lum, còn mong chờ tuệ này tuệ kia đó là tu kiểu ve chai. Người tu niệm đổ rác thì sướng vô cùng, cái gì cũng buông và buông, nhẹ vô cùng.

Theo A-tỳ-đàm thì một người Hồi Giáo không biết gì về Tứ Niệm Xứ cũng có niệm (minfulness) trong lúc làm việc hay đọc kinh Qur’an nhưng đó không phải chánh niệm trong Bát Chánh Đạo. Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo là niệm trong danh sắc, Tam tướng. Bát Chánh Đạo giống như dụng cụ trong lúc làm việc. Cũng con dao đó, nhưng ta dùng trong việc gì, để làm gì.

Nếu dò theo A-tỳ-đàm thì Bát Chánh Đạo là con đường giải thoát 5 uẩn nhưng đều nằm trọn vẹn trong 5 uẩn như con đường ra khỏi rừng cũng chính là con đường vào rừng và con đường đó phải nằm trong rừng. Bát Chánh Đạo nằm trọn vẹn trong hành uẩn. Cũng những thiện pháp đó, nhưng nếu ta hành trì bằng lý tưởng Bát Chánh Đạo để buông bỏ phiền não thì đó là Bát Chánh Đạo. Cũng những thiện pháp đó nhưng thiếu lý tưởng giải thoát thì chúng chỉ là phúc hành trong duyên khởi.

Sự có mặt của 5 uẩn là Khổ, nhận thức được điều này chính là con đường giải thoát 5 uẩn.

Sự có mặt của năm uẩn là gì? Đó là: Sắc uẩn — gồm tứ đại và 24 y đại sinh; Thọ uẩn — có từ 6 căn (nhãn thọ, nhĩ thọ…); Tưởng uẩn — có trong lúc 6 căn làm việc (sắc tưởng, thinh tưởng…); Hành uẩn — 6 tư trong lúc 6 căn làm việc; Tư (cetanā) chính là Hành trong duyên khởi.

7. Chánh tinh tấn chính là Tâm sở Cần trong Hành uẩn. (Xem lại cuốn A-tỳ-đàm phần Tâm sở để hiểu Hành uẩn là gì; để thấy Bát Chánh Đạo nằm ở đâu trong đó).

Chánh tinh tấn gồm bốn trường hợp (thận, trừ, tu, bảo), gọi là chánh cần hay chánh tinh tấn: Tinh tấn ngừa ác chưa sanh; trừ ác đang sanh; tu điều thiện chưa có cho có; tinh tấn giữ cái đã có cho đừng mất.

Như vậy, lúc hành giả chánh niệm theo dõi hơi thở chẳng hạn thì cũng có chánh tinh tấn. Bởi vì, lúc đang theo dõi hơi thở là đang ngăn ngừa ác pháp chưa sanh, trau dồi chánh niệm, duy trì giữ lại chánh niệm. Vì vậy, ngay lúc đang theo dõi hơi thở chính là lúc tu đầy đủ Bát Chánh Đạo. Lúc theo dõi hơi thở, theo dõi tứ oai nghi, đi biết là đi, ngồi biết là ngồi, biết mông chạm, đầu gối chạm; ngứa biết ngứa, tâm sân, biết rõ; muốn gãi, tâm tham; gãi, biết gãi, tâm tham; để tay xuống, biết rõ đang để tay xuống; tay chạm đầu gối biết rõ. Bắt đầu quay trở lại hơi thở, vô biết là vô, ra biết là ra. Nghĩ đến chuyện bực mình, mình có cây gãi lưng quá tốt mà bà hàng xóm mượn chưa trả, ghi nhận tâm sân, phóng tâm, tâm sở lận (bỏn xẻn). Lúc đầu nhận ra nó, nó vẫn nằm lì ở đó; lâu ngày thì nhận ra nó, nó sẽ mất, ta quay lại với đề mục hiện tại. 

Vì vậy, ngay trong lúc mình tu Tứ Niệm Xứ là lúc mình đã tu Bát Chánh Đạo, ngay lúc đó đã có Tứ chánh cần. Có nhiều vị theo dõi chi tiết, tôi chỉ chú ý movement, theo dõi chứ không có can thiệp (observe only, not control or intervene). Không bao giờ can thiệp. Mình không nắm hơi thở mà kéo, không điều khiển hơi thở. Khi thở vô đầy rồi thì tự động sẽ đi ra. Ra đến mức độ nào rồi thì tự động sẽ đi vô. Có chuyện quý vị có lẽ không ngờ được, đó là phần lớn mình thở bằng tâm tham. Thở vậy rất đã. Khi cần thở vô thì thở vô rất sướng, thở ra rất đã, lúc đó phần lớn bằng tâm tham. Vì tâm quá nhanh nên mình không ngờ. Chánh niệm là biết rõ, theo dõi hơi thở tự nhiên đi ra, ra hết rồi đi vô. Đó là dịp để thấy ta sống bằng tâm gì và rõ ràng thân tâm này là vô ngã

8. Chánh định chính là tâm sở Định trong ba trường hợp: Sát na định, Kiên cố định và Cận định. Tôi có lý do để kể Cận định sau cuối.

8.1. Sát na định (Khaṇikasamādhi): là sự tập trung tư tưởng trong từng khoảnh khắc.

8.2. Kiên cố định (Appaṇāsamādhi): là khả năng tập trung tư tưởng của các tầng thiền từ Sơ thiền Sắc giới đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng của Vô sắc giới.

8.3. Cận định (Upacārasamādhi): là giai đoạn sát na đã vững mạnh, có thể kéo dài liên tục trong thời gian dài và sắp sửa chứng thiền.

Tâm sở Định có ở mọi người những khi làm việc cần sự tập trung tư tưởng, nhưng tâm sở Định chỉ được gọi là Chánh định khi được dùng để tu tập Tứ Niệm Xứ. Cũng con dao đó nhưng có lúc được gọi là đồ nghề. Lúc theo dõi hơi thở không thể thiếu Định.

Lại nữa, có hai hạng hành giả:

Samathayanika có tu thiền Chỉ trước khi tu Quán (Tứ Niệm Xứ), hạng này có đủ ba loại Định vừa nói ở trên. Hạng hành giả thứ hai là có tu thiền Chỉ trước khi tu Quán (Tứ Niệm Xứ), hạng này có đủ ba loại Định vừa nói ở trên. Hạng hành giả thứ hai là Vipassanayanikakhông tu thiền Chỉ trước khi tu Quán, nên chỉ có được sát na Định hay nhiều lắm là Cận định mà thôi. Như vậy, dù hạng nào thì cũng cần có Định, Định trong lúc tu tập Tứ Niệm Xứ gọi là Chánh định.

Trong Kinh Thủ Chuyển, Đức Phật dạy ta phải hiểu năm uẩn, tập khởi của chúng, sự chấm dứt chúng và con đường dẫn đến sự chấm dứt đó tức Bát Chánh Đạo.

Sắc uẩn là 4 đại và 24 sắc y đại sinh.

Tập khởi (duyên sinh) của Sắc uẩn là Đoàn thực, các thức ăn thức uống; nói rõ hơn, chính là Tâm sở tham trong chuyện ăn uống.

Ngày nào viên tịch Niết bàn thì không còn sắc uẩn nữa, tức không còn chuyện thích thú trong việc ăn uống. Muốn chấm dứt tuyệt đối sắc uẩn thì phải tu tập Bát Chánh Đạo.

Thọ uẩn gồm các cảm thọ trong lúc 6 căn làm việc. Sáu thọ có mặt do có 6 xúc (6 xúc có mặt do có 6 căn, 6 căn có mặt do có thức tái tục cõi tương ứng). Tôi còn thích trong năm dục nên tôi sanh ra trong cõi Dục có đủ 6 căn. Phạm thiên chỉ có nhãn nhĩ (Sắc giới) hoặc chỉ có tâm thức mà thôi (Vô sắc). Do mức độ tham ái mà ta sinh vào cảnh giới nào, có đủ 6 căn hay không. Do có 6 căn mới có 6 xúc, tức sự va chạm giữa căn, cảnh và thức. Do có 6 xúc mới có 6 thọ, chính 6 thọ này là thọ uẩn trong năm uẩn.

Tưởng uẩn là tâm sở Tưởng trong lúc ta biết 6 cảnh trần: đây là tiếng nam hay nữ, hay hay dở, màu gì, hình dáng ra sao, mùi vị thế nào… Tưởng là cái biết dựa trên cái biết cũ.

Hồi ức là một trí nhớ về một chuỗi ấn tượng qua sự cộng hưởng của cả năm uẩn. Trong vô số kiếp luân hồi ta hầu như chỉ biết mọi sự qua tưởng uẩn, hiếm khi bằng trí tuệ.

Hành uẩn là Tâm sở Tư thiện hay ác trong lúc 6 căn làm việc trong đó gồm có tất cả phiền não, trí tuệ, từ bi, hành xả v.v….

Thức uẩn chính là cái biết của 6 thức: nhãn thức chỉ là ghi nhận hình ảnh hay màu sắc, không có ý kiến hay nhận thức gì hết; nhĩ thức, tỷ thức… cũng đều như vậy.

Nói gọn lại, mỗi khoảnh khắc sống của ta là sự cộng hưởng chặt chẽ của năm uẩn.
______________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t...

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại...

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,...

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta ...

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.