PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (a)
A. Năm Mươi Kinh Căn Bản
I. Phẩm Nakulapità
I. Nakulapità (Tạp, 5.5 Trưởng Giả, Ðại 2,33a) (Tăng 13.4, Ðại 2,573a) (S.iii,1)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhayga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesaka, vườn Nai.
2) Rồi gia chủ Nakulapità đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Nakulapità bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bịnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các vị Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giảng dạy cho con! Nhờ vậy, con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
4) -- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bịnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bịnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: "Dầu cho thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh". Như vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập.
5) Rồi gia chủ Nakulapità sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Sàriputta rồi ngồi xuống một bên.
6) Tôn giả Sàriputta nói với gia chủ Nakulapità đang ngồi một bên:
-- Này Gia chủ, tịch tịnh là các căn của Gia chủ; thanh tịnh và trong sáng là sắc diện của Gia chủ. Có phải hôm nay Gia chủ đối diện với Thế Tôn, được nghe pháp thoại?
-- Làm sao không thể như vậy được, thưa Tôn giả? Hôm nay, thưa Tôn giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại!
-- Như thế nào, này Gia chủ, Gia chủ được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại?
7) -- Ở đây, thưa Tôn giả, con đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thưa Tôn giả, con bạch Thế Tôn:
"-- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bịnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn giảng dạy cho con! Nhờ vậy con được hạnh phúc, an lạc lâu dài!"
Ðược nghe nói vậy, thưa Tôn giả, Thế Tôn nói với con:
"-- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bịnh hoạn, ốm yếu, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bịnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: 'Dầu thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh!"
Như vậy, thưa Tôn giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại.
8) -- Nhưng này Gia chủ, Gia chủ có hỏi thêm Thế Tôn như sau: "Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là thân bị bịnh và tâm cũng bị bịnh? Cho đến như thế nào là thân bị bịnh, nhưng tâm không bị bịnh không?"
9) -- Thưa Tôn giả, con có thể đi đến thật xa để nghe tận mặt Tôn giả Sàriputta ý nghĩa của lời nói này. Lành thay, nếu được Tôn giả Sàriputta giải thích ý nghĩa của lời nói này!
10) -- Vậy này Gia chủ, hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Gia chủ Nakulapità vâng đáp Tôn giả Sàriputta.
11) Tôn giả Sàriputta nói như sau:
-- Thế nào, này Gia chủ, là thân bịnh và tâm bịnh?
12) Ở đây, này Gia chủ, có kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta". Do bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta." khi sắc biến hoại, đổi khác; do sắc biến hoại, đổi khác, nên vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
13) Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta". Do bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta" khi thọ biến hoại, đổi khác; nên do thọ biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
14) Vị ấy quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta". Do bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta" khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên do tưởng biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
15) Vị ấy quán các hành như là tự ngã hay tự ngã như là có các hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta". Do bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta" khi các hành biến hoại, đổi khác; do các hành biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
16) Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta" khi thức biến hoại, đổi khác; nên do thức biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
17) Như vậy, này Gia chủ, là thân có bịnh và tâm có bịnh.
18) Thế nào, này Gia chủ, là thân có bịnh nhưng tâm không có bịnh?
19) Ở đây, này Gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử hiểu rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, hiểu rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta" khi sắc biến hoại, đổi khác; nên không do sắc biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
20) Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta" khi thọ biến hoại, đổi khác; nên không do thọ biến hoại, đổi khác, mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
21) Không quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta" khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên không do tưởng biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
22) Không quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy không bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta" khi các hành biến hoại, đổi khác; nên không do các hành biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
23) Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta" khi thức biến hoại, đổi khác; nên không do thức biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
24) Như vậy, này Gia chủ, là thân có bịnh, nhưng tâm không có bịnh.
25) Tôn giả Sàriputta thuyết như vậy, gia chủ Nakulapità hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Sàriputta thuyết.
II. Devadaha (Tạp 5.6, Tây, Ðại 2,33b) (Tăng 41.4, Ðại 2,745b) (S.iii,5)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Sakka, tại một thị trấn của dân chúng Sakka tên là Devadaha.
2) Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo du hành ở phía Tây, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, các vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Chúng con muốn xin Thế Tôn cho phép chúng con đi đến quốc độ phương Tây. Chúng con muốn trú ở quốc độ phương Tây.
-- Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo đã xin phép Sàriputta chưa?
-- Bạch Thế Tôn, chúng con chưa xin phép Tôn giả Sàriputta.
-- Này các Tỷ-kheo, vậy hãy xin phép Sàriputta. Sàriputta, này các Tỷ-kheo, là bậc Hiền trí, là người đỡ đầu các vị Tỷ-kheo đồng Phạm hạnh.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
4) Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta đang ngồi dưới cây ba đậu (elagalà: cassia), không xa Thế Tôn bao nhiêu.
5) Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, các vị ấy nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
6) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Sàriputta:
-- Chúng tôi muốn, thưa Hiền giả Sàriputta, đi đến quốc độ phương Tây. Chúng tôi muốn trú ở quốc độ phương Tây. Bậc Ðạo Sư đã cho phép chúng tôi.
7) -- Này các Hiền giả, có những người đặt câu hỏi với vị Tỷ-kheo thường đi các quốc độ khác nhau: Các Sát-đế-lị hiền trí, các Bà-la-môn hiền trí, các Gia chủ hiền trí, các Sa-môn hiền trí. Này chư Hiền giả, các bậc hiền trí với óc ưa quán sát, sẽ hỏi: "Bậc Ðạo Sư của Tôn giả nói gì, tuyên bố gì? Pháp có được chư Tôn giả khéo nghe, khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thâm nhập với trí tuệ không?" Ðể khi trả lời, các Tôn giả có thể lập lại các ý kiến của Thế Tôn, không có xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, có thể trả lời tùy pháp, đúng với Chánh pháp, và không để một vị đồng phạm hạnh nào, nói lời đúng pháp, có thể có lý do để quở trách.
8) -- Chúng tôi có thể đi đến thật xa, thưa Tôn giả, để nghe tận mặt Tôn giả Sàriputta nói về ý nghĩa của lời nói này! Lành thay, nếu được Tôn giả Sàriputta giải thích ý nghĩa của lời nói này!
9) -- Vậy này các Hiền giả, hãy lắng nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói.
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:
10) -- Này các Hiền giả, có những người đặt câu hỏi với vị Tỷ-kheo thường đi các quốc độ khác nhau: Các Sát-đế-lị hiền trí... các Sa-môn hiền trí. Này các Hiền giả, các bậc hiền trí với óc ưa quán sát, có thể hỏi: "Bậc Ðạo Sư của Tôn giả nói gì, tuyên bố gì?" Ðược hỏi vậy, này các Hiền giả, các Hiền giả phải trả lời: "Này các Hiền giả, bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham".
11) Ðược trả lời như vậy, này các Hiền giả, có thể có người hỏi thêm câu hỏi như sau: Có những vị Sát-đế-lị hiền trí... có những Sa-môn hiền trí. Này chư Hiền giả, các bậc hiền trí với óc ưa quán sát, có thể hỏi: "Ðối với cái gì, bậc Ðạo Sư của các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham?" Ðược hỏi như vậy, này các Hiền giả, các Hiền giả phải trả lời như sau: "Ðối với sắc, này các Hiền giả, bậc Ðạo Sư chúng tôi nói về sự điều phục dục và tham... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức, bậc Ðạo Sư chúng tôi nói về sự điều phục dục và tham".
12) Ðược trả lời như vậy, này các Hiền giả, có thể có người hỏi thêm như sau: Các Sát-đế-lị hiền trí... các Sa-môn hiền trí. Các vị hiền trí có óc quán sát, này các Hiền giả, có thể hỏi: "Nhưng thấy sự nguy hiểm gì, bậc Ðạo Sư các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành, bậc Ðạo Sư các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với thức?" Ðược hỏi như vậy, này các Hiền giả, các Ông cần phải trả lời như sau: "Này các Hiền giả, đối với sắc, ai chưa viễn ly tham, chưa viễn ly dục, chưa viễn ly ái, chưa viễn ly khát, chưa viễn ly nhiệt tình, chưa viễn ly khát ái, khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Ðối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức, ai chưa viễn ly tham, chưa viễn ly dục, chưa viễn ly ái, chưa viễn ly khát, chưa viễn ly nhiệt tình, chưa viễn ly khát ái, khi thức ấy biến hoại, đổi khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Này chư Hiền giả, do thấy sự nguy hiểm này đối với sắc mà bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói lên sự điều phục dục và tham".
13) Ðược trả lời như vậy, này các Hiền giả, có thể có người hỏi thêm như sau: Các Sát-đế-lị hiền trí... các Sa-môn hiền trí. Các vị hiền trí có óc quán sát, này các Hiền giả, (có thể hỏi): "Nhưng thấy sự lợi ích gì, bậc Ðạo Sư các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành; bậc Ðạo Sư các Tôn giả nói đến sự điều phục dục và tham đối với thức?" Ðược hỏi vậy, này các Hiền giả, các Hiền giả phải trả lời như sau: "Ðối với sắc, này các Hiền giả, ai đã viễn ly tham, đã viễn ly dục, đã viễn ly ái, đã viễn ly khát, đã viễn ly nhiệt tình, đã viễn ly khát ái, khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Ðối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức, này các Hiền giả, ai đã viễn ly tham, đã viễn ly dục, đã viễn ly ái, đã viễn ly khát, đã viễn ly nhiệt tình, đã viễn ly khát ái, khi thức ấy biến hoại, đổi khác, sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Do thấy sự lợi ích này, này các Hiền giả, bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành; bậc Ðạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham đối với thức".
14) Và này các Hiền giả, đạt được và an trú trong các bất thiện pháp và ngay trong đời sống hiện tại, sống được an lạc, không bị chướng ngại, không bị ưu não, không bị nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh thiện thú, đây không phải là sự đoạn tận các bất thiện pháp được Thế Tôn tán thán.
15) Nhưng này các Hiền giả, vì rằng đạt được và an trú trong các bất thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống bị đau khổ, bị chướng ngại, bị ưu não, bị nhiệt não và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh ác thú. Do vậy, đây là sự đoạn tận các bất thiện pháp được Thế Tôn tán thán.
16) Và này các Hiền giả, đạt được và an trú trong các thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống đau khổ, bị chướng ngại, bị ưu não, bị nhiệt não, và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh ác thú. Ðây không phải là sự thành tựu các thiện pháp được Thế Tôn tán thán.
17) Nhưng này các Hiền giả, vì rằng đạt được và an trú trong các thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống được an lạc, không bị chướng ngại, không bị ưu não, không bị nhiệt não, và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh thiện thú. Do vậy, đây là sự thành tựu các thiện pháp, được Thế Tôn tán thán.
18) Tôn giả Sàriputta thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Sàriputta nói.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Nakulapità
Năm điềm đại mộng trước khi thành Phật
Mới vừa nhắc tới ông Nakula xong thì bây giờ qua bài kinh Nakulapitā. Mình học làm sao mà càng lúc càng thấy nó quen quen, nhìn kinh này nhớ kinh kia. Mình thấy vấn đề ở kinh này quen quen vì nó được nói ở kinh trước, nhìn thấy tên người này, địa danh này quen quen vì mình đã học qua ở kinh trước. Bước đầu là quen quen, bước hai là nhớ rõ đã học ở đâu, đã đọc rồi. Bước ba là nhìn vô bài kinh nhớ nhiều bài kinh khác, nhìn một bài nhớ tám chục bài.
Các vị coi kinh mà có chú giải là sướng như tiên. Ở đây có chuyện như thế này: Thời Đức Phật, Ấn Độ gồm vô số vương quốc lớn nhỏ, trong đó có 16 xứ lớn. Ngoài ra thì có vô số xứ nhỏ. Hiện giờ Ấn Độ cũng còn vài vương quốc (trên mặt hành chánh thôi), trong đó có xứ Bhaggarattha, thành phố Susumaragiri. Theo chú giải ngày xưa ở đây có cái đầm lớn, có con cá sấu to nằm ở dưới. Con cá sấu này kêu được. (Dĩ nhiên, hôm nay mình đọc báo thì cũng thấy có những trường hợp cá sấu kêu được, cách đây mấy năm ở Cà Mau có con cá sấu kêu như chó con). Con cá sấu này rất nổi tiếng nên người ta lấy âm thanh của nó đặt tên thành phố: Susumāra (Thành phố Sấu Kêu).
Thành phố này có cặp vợ chồng, người ta kêu theo tên đứa con Nakula. Người cha của Nakula được gọi là Nakulapitā, người mẹ được gọi là Nakulamātā. Đây là một trong số ít đại cư sĩ lừng danh của Đức Phật, trong Tam tạng rất thường nhắc những nhân vật này. Mỗi vị Chánh Đẳng Giác có vô số đệ tử cư sĩ nhưng dẫn đầu thì có một vài nhân vật được xem là kiệt xuất nhất. Cặp vợ chồng Nakulapitā này là một trong những cư sĩ đầu đàn đó, những nhân vật rất là trứ danh.
Đêm Bồ tát sắp thành Phật Ngài thấy năm điềm đại mộng, trong đó có một điềm là Ngài thấy có một bầy dòi trắng lúc nhúc dưới chân Ngài bò đến đầu gối Ngài rồi rớt trở xuống. Ngài thấy điềm thứ hai nữa là rún Ngài có cọng cỏ mọc thẳng lên trời xanh. Điềm thứ ba là Ngài thấy mình nằm kê đầu lên núi Hy Mã Lạp Sơn, hay tay hai chân thòng xuống biển. Ngài còn nhìn thấy Ngài đi kinh hành, đi tới đi lui trên núi phân ngập mà không hôi và chân Ngài không dính. Ngài thấy bốn con chim xanh, vàng, đỏ, trắng từ bốn phương bay về dưới chân Ngài thành ra một màu. Sáng hôm sau Ngài ngồi suy nghĩ: ngày xưa trong cung còn là hoàng tử thì không thiếu người chiêm mộng giùm, giờ trong rừng có một mình mà không phải ngẫu nhiên chiêm bao. Vì vậy Ngài ngồi tự giải đáp. Ngài là một tay kiệt xuất, nên Ngài đoán rằng mình chắc chắn sẽ tìm được đạo giải thoát. Về sau này khi thành Phật rồi, Ngài kể lại chuyện xưa.
‘mahāsupinā’: đại mộng, giấc mơ báo trước chuyện lớn.
Nằm mơ có nhiều lý do:
– Một sự xáo trộn của thể lý, một trục trặc của cơ thể (ví dụ nằm mơ thấy muốn đi tiểu và bị tè dầm).
– Sự tác động của phi nhơn. Có thể là thiện thần hay ác thần, khiến cho mình thấy tầm bậy để mình sợ hoặc thiện thần báo tin cho mình cái gì đó.
– Điềm báo, do sự tác động của nghiệp. Trong kinh diễn tả giống như chiếc thuyền di chuyển trên mặt nước, đi đến đâu thì tạo ra những gợn sóng trên nước. Đây là chuyện rất khoa học, có những nghiệp mạnh, hoặc sự cố mạnh lớn, khi sắp xuất hiện nó tạo ra những dư chấn chung quanh, một trong những dư chấn đó chính là giấc mơ của đương sự. Chuyện này rất khoa học.
Khi thành Phật Ngài kể lại, điềm cọng cỏ mọc trên rún là điềm báo báo cho biết Ngài chứng thành Phật quả bằng con đường Trung Đạo, không bị kẹt giữa lợi dưỡng khổ hạnh, không bị kẹt giữa chấp hữu chấp vô, chấp thường chấp đoạn. Nên nhớ là chư Phật Niết bàn, Đản sanh, Thành đạo không bao giờ ở trong nhà mà luôn luôn ngoài rừng và bao giờ cũng ở biên giới của các nước. Khi Niết bàn cũng vậy, Niết bàn là Ngài không kẹt trong Sắc giới và Vô sắc giới mà là ranh giới, xuất khỏi Tứ thiền là Ngài lập tức viên tịch. Đến cả trong tâm của Ngài cũng không kẹt ở bên giới, lúc nào cũng ở giữa hết.
Khi thấy đầu gối trên núi, hai tay chân thòng xuống biển là điềm báo sau này Ngài sẽ thành bậc Đại giác cái thế trùm thiên hạ, Thiên nhân chi đạo sư, Tứ sanh từ phụ.
Điềm thứ ba, Ngài thấy đi kinh hành trên núi phân là điềm báo sau này Ngài sẽ nhận được vô số sự cúng dường nhưng tâm không dính mắc. (Người Tàu nói: Hoàng kim như phấn thổ. Vàng ngọc giống như bụi đất, phân thôi chứ không là gì hết). Từ vua chúa tướng lãnh thương gia đại thần cũng sẵn sàng bán mạng cho Ngài. Đệ tử Đức Phật dám vì Ngài mà bán mạng. Trong kinh nói lúc mới thành đạo Ngài không cấm tỷ kheo ăn chiều, về sau chư tăng đông quá, chuyện đi bát hơi khó khăn, thì lúc đó Đức Phật cấm, nếu bớt được thì tốt, cuối cùng thì vị nào ăn là phạm.
Lúc đó có một vị tên là Bhaddāli, xem trong Trung Bộ Kinh. Ngài Bhaddāli vẫn còn ăn chiều và Đức Phật gọi vào hỏi: Nghe nói ngươi vẫn còn ăn chiều phải không.Vị này trả lời: Dạ con đói quá. Đức Phật dạy câu này: “Bhaddāli có biết rằng Như Lai đã cấm chế không ăn chiều rồi. Bhaddāli có biết đối với vị Tu-đà-hoàn mà Như Lai kêu họ nằm xuống đất để Như Lai dẫm lên người của họ, họ còn sẵn lòng, nói gì chuyện nghe lời Như Lai mà bỏ ăn chiều.” Đọc bài kinh đó tôi thấy lạnh xương sống, đã là Tu-đà-hoàn rồi có điểm giống nhau dầu là lớn bé, tăng ni, cư sĩ… chỉ có Đức Phật trong lòng họ thôi. Phật trong lòng họ là chánh pháp, là chân lý, là điều thiện, là cái gì tốt đẹp nhất chớ không phải là cá nhân.
Điềm mộng bốn con chim từ bốn phương bay về rớt dưới chân Ngài thành ra một màu, tượng trưng sau này thiên hạ bốn phương đổ về tu hành dưới ánh đạo vàng của Ngài trở thành anh em một nhà, không phân biệt màu da, chủng tộc, văn hóa, lịch sử gì hết. Điều này Phật tử Nam Tông thấy rất rõ. Về mặt này thì Bắc Tông thấy không rõ bằng Nam Tông. Tăng ni Bắc Tông Nhật bổn mà ráp lại với mấy thầy Tàu làm việc với nhau không được, tụng niệm không xong.
Nhưng tỷ kheo, sa di của Nam Tông, từ Lào, Miến Điện, Tích Lan, Cam Bốt, Thái Lan, Do Thái, Ả Rập, Iraq, Afghanistan, Nicaragua, Ethiopia, Somalia, Mỹ Anh, Tàu, Đức, Nhật, ráp lại cứ tiếng Pāḷi tụng tới là xong. Tỷ kheo không biết quốc tịch ngôn ngữ gì, nói không hiểu nhau cũng được, quỳ xuống tụng Pāḷi sám hối ngon lành, tụng kinh cầu an cầu siêu ráp vô là ngay chóc, cái đó mới dễ thương. Tháng trước chúng tôi đi London, ở một tuần bên cạnh mấy ông sư người Miến Điện, nhiều lúc trộm nhìn mấy ổng mà thấy thương. Một anh ở đàng Đông, một anh ở đàng Tây, chỉ gặp nhau một lần ở Miến Điện mà qua đây đối xử như anh em, ăn chung mâm, tụng kinh chung một thứ tiếng, đối xử thân tình cư xử theo Luật.
Điềm mộng cuối cùng về bầy dòi là điềm báo sau này Ngài có vô số đệ tử cư sĩ (bạch y cư sĩ: setavatta). Bạch y cư sĩ là những người mang tiếng là cư sĩ tục gia nhưng sống đời thánh hạnh tinh khiết, có người 8 giới, có người 10 giới. Tám giới là ngũ giới cộng thêm không ăn chiều, không thưởng thức ca vũ nhạc kịch, không sử dụng hương liệu mỹ phẩm chỗ nằm ngồi cao sang. Mười giới là cộng thêm giới không giữ hiện kim hay báu vật. Tại sao có 10 giới? Vì 8 giới người ta gom chung hai điều này: sử dụng hương liệu mỹ phẩm trang sức và thưởng thức ca vũ nhạc kịch. Còn 10 giới thì vẫn giữ là hai điều.
Ông Nakulapitā người xứ Susumaragigi, có chuyện lạ là mấy ngàn kiếp liên tục làm thân quyến của Bồ tát Tất Đạt. 500 kiếp làm cha mẹ, 500 kiếp làm cô, 500 kiếp làm dì. Vì vậy khi lần đầu tiên ông bà gặp Thế Tôn thì việc đầu tiên là quỳ sụp xuống và ôm chân của Ngài “Trời ơi, con của mình đây rồi, ông ơi, bà ơi”. Thương đến mức quýnh lên, không kể mặt mũi sĩ diện gì hết, mà thấy Ngài đẹp nữa. Sau đó Ngài đợi cho cái tâm của ông bà lắng xuống, Ngài mới thuyết pháp cho họ. Hai vợ chồng đều đắc quả Tu-đà-hoàn.
Trong hàng đệ tử của Ngài, thì Ngài dạy rằng: Này các tỷ kheo, trong đệ tử của ta, được gọi là thủy chung đệ nhất (vissasakanam etadagga) là cặp vợ chồng này, vì suốt nhiều ngàn kiếp họ đối với nhau lòng không thay đổi. Khi họ gặp Ngài rồi, họ vẫn nói: “Bạch Thế Tôn, nếu còn luân hồi chúng con vẫn mong đời sau kiếp khác tiếp tục gặp nhau nữa.” Nhiều ngàn kiếp họ không lìa nhau và nhiều ngàn kiếp họ chỉ gặp Bồ tát. Mình hãy như hạt thủy ngân, thủy ngân chỉ tìm đến thủy ngân. Nhiệt kế (thermometer) thủy ngân khi bị vỡ, những hạt thủy ngân li ti tách ra. Chúng sẽ nhập lại nếu mình lùa chúng lại với nhau. Khi họ gặp Ngài rồi, đắc quả Tu-đà-hoàn rồi, họ vẫn thương Ngài bằng sự tôn kính.
Một ngày kia khi ông Nakulapitā quá sức già, ông đến hầu Phật, Ngài dạy ông một câu rất hay: “Hãy tâm niệm rằng dầu thân ta có bịnh mong tâm ta đừng bị bịnh”. Đây là toàn bộ bài kinh. Dầu có bịnh hoạn tai nạn thì tâm cũng an lành vì hiểu rõ bản chất Tam tướng của ngũ uẩn do duyên mà có, đã có rồi thì phải mất. Điểm này quan trọng không thể không nói, tất cả những kinh này học để biết nhưng để làm được phải thực tập ngay từ bây giờ. Dầu bây giờ mình có chồng có vợ, có con có cái, có nhà có cửa, có công ăn việc làm nhưng phải nhớ rằng mình sẽ ra đi bất cứ lúc nào và trải qua giây phút sợ hãi, đau đớn tiếc nuối không yên trên giường bịnh, lúc hấp hối cuối đời. Ngay từ bây giờ phải thường xuyên quan sát ngay khi có thể thường xuyên.
Thưa với bà con, tôi là người không bao giờ dám nhận mình tinh tấn trong sạch, là hành giả hay thiền sư nhưng bây giờ là “nội bộ có rạn nứt” đang chờ đảo chánh mà không biết cuộc đảo chánh diễn ra lúc nào, có thành công hay không, nếu các thế lực thù địch thành công thì mình chết. Còn như đảng ta có khả năng đề kháng, kháng sinh tốt thì mình sống tiếp. Bây giờ tôi đã thấy chớm có dấu hiệu tham nhũng và rạn nứt nội bộ. Khoái ăn ngọt, ăn mặn, ăn béo đó là tham nhũng, tham nhũng rồi mà cứ dzọng vô họng thì gọi là hối lộ. Miệng thì khoái ăn, bao tử thì khoái chứa quá mà gan thận thì không đồng ý, “Để nó vô thì như Bô xít Tây Nguyên. Chúng tôi làm việc không nổi, ô nhiễm môi trường quá.” Phổi cũng chịu không nổi. Gan thận thì kêu trời hết nhưng bao tử nói tao còn chứa được. Cái miệng cứ tọng vô miết thì phải chứa thôi. Cho nên sắp có đảo chánh lớn, mà mình không biết là lúc nào.
Ngay từ bây giờ phải sống chánh niệm để chuẩn bị cái chết. Nếu ai hỏi tôi sống như thế nào là sống đẹp nhất và sống đúng với Đức Phật nhất, có nhiều cách trả lời, nhưng ngay lúc này, tôi nghĩ, câu này là câu hay nhất: Sống tốt nhất theo lời Phật là một cái sống có chuẩn bị cho cái chết. “Sống thế nào để có thể chết mọi lúc là cách sống tốt nhất”. Đây là câu thần chú phải viết trên tấm gương soi trong buồng tắm. Chứ còn đừng có nghĩ rằng mình sẽ tụng niệm, một ngày mình tụng bao nhiêu thời…Xin nói với bà con, không có cái nào hơn đời sống chánh niệm hết. Mình muốn hay buồn vui vẫn xảy ra, mình muốn hay không, thiện ác vẫn xảy đến, mình muốn hay không thì mọi thứ trong thân và tâm mình vẫn luôn luôn thay đổi. Để ý nó thì thấy nó là dòng chảy, mà mình không can thiệp được gì hết.
Nếu muốn can thiệp thì chỉ cái phớt phớt bên ngoài, như ngứa thì gãi vậy thôi. Trước khi cái ngứa xuất hiện mình đâu có muốn cái ngứa xảy ra, và gãi chắc gì đã hết ngứa luôn. Có những chuyện mình không muốn nghe mà nó vẫn tới tai mình, cái mình không muốn thấy mà nó vẫn diễn ra trước mắt mình. Có những emails mình không muốn đọc mà người ta vẫn cứ gởi. Có những messages hay comments trên facebook mình không muốn thấy mà nó vẫn đầy ra đó. Đó là nhẹ, còn nặng là cơ thể mình có những chuyển biến mình không muốn mà nó vẫn diễn tiến. Trong những trường hợp mình biết rõ như vậy, không phải biết bằng lý thuyết mà biết bằng thân chứng, thể nghiệm thực sự, có như vậy thì lúc chúng ta lăn đùng ra thì chúng ta mới làm đúng bài kinh này là: Dầu thân tôi có bịnh thì tâm tôi vẫn không bịnh.
Trong chú giải có nói rõ, khi mình thấy rõ năm uẩn luôn luôn trong tình trạng trôi chảy, biến diệt. Nếu mình thấy liên tục như vậy thì sẽ có một ngày mình có được sự bình tâm để xuôi tay. Không có gì kinh hoàng cho bằng nằm trên giường bịnh mà sợ hãi. Khi mình hiểu rằng mình chỉ là một làn khói, chỉ là một nắm cát thì sự ra đi nhẹ nhàng lắm. Khi mình thấy rằng chết không phải là sự kết thúc mà là sự bắt đầu cho một hành trình mới thì cảm giác sẽ khác, còn khi mình nghĩ chết là sự kết thúc thì dễ sợ lắm. Khi mình thấy thân này là gánh nặng thì thấy sự lìa bỏ nó không đáng sợ, không đáng kinh hoàng như mình tưởng tượng dù bước tiếp theo về đâu thì mình chưa biết. Tiếp theo là bài kinh Devadaha.
DEVADAHA
Devadaha là quê ngoại của Bồ tát Tất Đạt. Sẵn đây cũng lưu ý bà con một chuyện nho nhỏ: chúng ta chỉ xài chữ Đức Phật trong trường hợp nào liên hệ đến Phật pháp thôi. Nhớ tránh dùng tên gọi Ngài trong những trường hợp thiếu tôn nghiêm. Ví dụ như công chúa Da Du Đà La vốn là vợ của hoàng tử Tất Đạt, ngài Rahula ngày xưa vốn là con trai của hoàng tử Tất Đạt. Thỉnh thoảng mình lỡ miệng, nhưng né được thì tốt. VN mình thì cứ nói chung chung là “Phật thành đạo”, nhưng nói chính xác thì “Bồ tát đản sinh”, “Bồ tát thành đạo”. Phật Niết bàn, chớ không phải Phật “nhập” Niết bàn.
Có nhập thì phải có xuất, Niết bàn không phải là cái gì đó để mình chun vô chun ra như cõi Tịnh độ Tây Phương. Trước khi nói Niết bàn là gì thì mình phải hiểu rằng tại sao mình sanh tử; vì có tham, có sân, có si; khi hết rồi thì thôi, chỉ biết tới đó thôi. Chớ còn trạng thái Niết bàn là gì thì chỉ có thánh mới biết, mình bàn nhiều chỉ có hại thôi. Chỉ cần biết hết tham, hết sân, hết si thì chứng ngộ Niết bàn. Có câu chuyện thông minh tôi đọc mà tôi mê vô cùng. Có người đến hỏi một thiền sư: vị La-Hán chết rồi đi về đâu. Thiền sư hỏi khách: Ngọn nến tắt rồi đi về đâu? Muốn biết ngọn nến tắt rồi đi về đâu thì phải biết ngọn lửa từ đâu đến. Tôi thích câu chuyện này ghê lắm. Bởi vậy, làm gì có chuyện “nhập” Niết bàn.
Có một số vị tỷ kheo đến đảnh lễ Đức Phật xin đi về một nơi chốn nào đó để hành đạo, Đức Phật hỏi: “Có tới thăm và từ giã ngài Xá Lợi Phất chưa.” Nếu người ít xem kinh tạng, khi xem bài kinh này thì thấy đoạn này bình thường, còn nếu có xem kinh thường và xem chú giải thì rất thích chỗ này. Theo chú giải, khi thấy người đối diện có duyên giác ngộ thì Đức Phật luôn suy nghĩ xem họ có duyên với mình hay với ai. Có những người có duyên với Ngài thì Ngài nói. Có người thì có duyên với đệ tử của Ngài, ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, ngài Ānanda, hay ngài Ca Diếp. Cũng có thể họ có duyên với vị tỷ kheo vô danh, hay cư sĩ nào đó. Về điểm này chỉ có vị Chánh Đẳng Giác thấy, nhiều khi không phải Ngài lên tiếng là tốt nhất mà lại là người khác.
Trong kinh có nói ngài Ca-Chiên-Diên (Maha Kaccāyana) trước đây là một quan lớn ở xứ Ujjeni. Vua xứ Ujjeni nghe Phật ra đời mới gọi ngài Maha Kaccāyana và vài người nữa đến thỉnh Phật về xứ Ujjeni. Ngài Maha Kaccāyana là nhân vật nổi tiếng, Đệ nhất luận nghĩa (giải thích rộng những điều được nói vắn tắt), ngài đẹp trai nhất nhì trong hàng ngũ đệ tử Đức Phật. (Đẹp nhất là ngài Rāhula). Khi Maha Kaccāyana đến nghe pháp xong thì chứng La-Hán tại chỗ, ngài nhập hạ, qua một mùa an cư xong rồi mới thưa với Đức Phật rằng vua xứ Ujjeni thỉnh Đức Phật về xứ Ujjeni. Đức Phật xét thấy vua xứ Ujjeni có duyên với ngài Maha Kaccāyana chứ không có duyên với Ngài nên Đức Phật nói: “Kaccāyana hãy đi về đó hoằng pháp, không cần đến Như Lai.” Chư Phật thấy hết căn duyên chúng sanh nhưng không thể độ người vô duyên với mình. Trong kinh nói Bồ tát được thọ ký rồi không sanh ra ngoài vũ trụ này nữa chỉ quẩn quanh ở đây để gieo duyên.
Những vị tỷ kheo sau khi nghe Đức Phật dạy, họ đi đến gặp ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất nói: “Anh em đi thì tôi chỉ có một câu thôi, trên đường đi thì giang hồ hiểm ác, người chất vấn làm khó dễ rất nhiều, mình phải có điểm tựa về giáo lý.” Lúc nào cũng phải có một điểm tựa để sống và để hoằng pháp, đó là xác định lý tưởng Tam tướng và ly dục, tức tinh thần Tứ đế. Mọi hiện hữu chỉ là sự có mặt của năm uẩn. Do ưa thích trong năm uẩn mới có mọi sự hiện hữu. Tu hành giải thoát là lìa bỏ sự ham thích trong năm uẩn. Ngài Xá Lợi Phất dạy đi đâu thì đi nhưng nhớ tu hành, nói năng, hoằng pháp lúc nào cũng phải dựa trên lý tưởng này. Hôm khác dịp khác, số người khác đến, ngài Xá Lợi Phất sẽ nói khác, còn hôm nay quan sát những người này ngài thấy họ thích hợp với những điều này. Phải nói rằng Phật pháp mênh mông, nhưng trong trường hợp phải nói gọn lại chỉ có mấy điều: tinh thần giáo lý Duyên khởi, tinh thần Tứ đế. Gom chung lại là: mọi hiện hữu là khổ, mọi khổ đi ra từ ham thích. Tại sao mọi thứ đều là khổ, vậy hạnh phúc ở đâu?
Hạnh phúc là có được cái mình thích, cái mình thích dù với ai, lúc nào, và ở đâu cũng chỉ do ba khía cạnh này mà có:
1. Tiền nghiệp.
2. Bối cảnh sống hiện tại.
3. Khuynh hướng tâm lý.
Nội dung bài kinh Devadaha là như vậy, ngài Xá Lợi Phất nói chư hiền giả có đi đâu đi nữa nếu có ai hỏi hoặc giảng cho ai thì nhớ rằng, Thế Tôn xác nhận toàn bộ vũ trụ này chỉ nằm trong năm uẩn. Năm uẩn đều do duyên mà có, đã có thì sẽ bị vô thường. Sự có mặt của năm uẩn là khổ, sự có mặt này có từ tham ái. Và lý tưởng tu hành của chúng tôi là lìa bỏ ham thích trong năm uẩn vì có ham thích trong năm uẩn đời này thì mới tạo ra năm uẩn đời sau. Sẽ có người nghe băng giảng này mà hỏi: Nói đời là khổ vậy hạnh phúc ở đâu? Hạnh phúc là cái gì? Xin thưa, nó có từ tiền nghiệp, bối cảnh sống hiện tại và khuynh hướng tâm lý. Bao nhiêu phấn son, vàng bạc, nhà cửa, tình yêu trai gái… tất cả chỉ là ba cái này mà thôi.
_________________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammãsambuddhassa !
Trả lờiXóaNamo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa!
XóaNamo Tassa Bhagavato Arahato Samma-sambuddhassa!
Trả lờiXóa