PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 2
[21] Chương X: Tương Ưng Tỷ Kheo
XII. Thân Hữu (S.ii,285)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi hai Tỷ-kheo thân hữu, đệ tử của Tôn giả Mahà Kappina, đi đến Thế Tôn.
3) Thế Tôn thấy hai Tỷ-kheo ấy từ đàng xa đi đến.
4) Thấy vậy, Thế Tôn liền gọi các Tỷ-kheo:
-- Các Ông có thấy không, này các Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo thân hữu ấy đang đi tới, cả hai là đệ tử của Tôn giả Mahà Kappina?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
5) -- Hai Tỷ-kheo ấy có đại thần thông, có đại uy lực. Thật không dễ gì đạt được sự chứng đắc mà trước kia những Tỷ-kheo ấy chưa chứng đắc. Các vị ấy còn ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đắc và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, mà vì mục đích này, con các lương gia chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
6) Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Tỷ-kheo thân hữu này,
Lâu ngày cùng chung sống,
Chung sống trong diệu pháp,
Diệu pháp, Phật thuyết giảng.
Tôn giả Kappina
Khéo léo huấn luyện họ,
Trong Chánh pháp vi diệu,
Do bậc Thánh thuyết giảng,
Chiến thắng ma quân xong,
Thọ trì thân tối hậu.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 2
Chương 10: Tương Ưng Tỳ Kheo
KINH THÂN HỮU
Sáng nay mình học cùng một lúc một loạt kinh. Trước hết chúng ta ôn nhắc sơ lại kinh Mahā Kappina, tiếp theo là kinh Thân Hữu. Nhân Đức Phật nhìn thấy hai vị tỷ kheo đệ tử của ngài Mahā Kappina đang đi đến, hai vị đó là hai vị A-la-hán lục thông. Sớ giải nói rằng hai vị này đã từng đi cạnh nhau như vậy suốt 500 kiếp sống liên tục, trong chú giải chỉ ghi điểm đáng ghi nhớ nhất.
Trong một bài kinh, Nakulapitasutta, Tăng Chi Bộ phần 4 chi ghi rằng muốn gặp lại nhau trong kiếp sau chúng ta phải có bốn pháp tương đồng. Đức Phật giảng bài kinh Nakulapitasutta nhân lúc có hai vợ chồng người cư sĩ có người con tên là Nakula đến hầu Phật, mọi người gọi người mẹ Nakula là Nakulamata, người cha là Nakulapita. Họ thưa với Đức Phật: Chúng con từ ngày lấy nhau đến giờ, ngay trong tư tưởng cũng chưa có việc ngoại tình lìa bỏ nhau, nói gì về thân xác. Bạch Thế Tôn chúng con muốn đời sau kiếp khác gặp nhau nữa nếu còn luân hồi. Đức Phật dạy muốn gặp lại nhau trong đời sau phải có bốn pháp tương đồng:
1. Niềm tin:
-Tin nghiệp lý: tin làm lành được quả lành, làm ác gặp quả ác.
-Tin sự có mặt của hàng khuất mặt: tin trong trời đất này ngoài những gì mình thấy bằng mắt, nghe bằng tai, sờ thấy thì có sự có mặt của hàng siêu hình nữa. Dù không chứng minh được nhưng không nhắm mắt nhắm mũi phủ nhận.
-Tin vào sự chứng ngộ giải thoát của một ai đó: tuy mình như con dòi nhưng mình cũng tin trên đời này có người tu hành ngon lành chấm dứt phiền não, chấm dứt luân hồi.
-Tin vào sự tái sinh: tin chết không phải là hết, vẫn tồn tại ở hình thức khác.
Nếu gặp thời kỳ có Phật pháp thì cộng thêm niềm tin Tam bảo. Với bốn niềm tin trên thì người ta mới có thể sống thiện được chớ kiểu cho rằng chết rồi là hết thì chuyện gì cũng dám làm hết. Có người hỏi tại sao phải tin những điều này? Mình có tin vào tác dụng của rau trái, của thể dục, tin sự nguy hiểm của cholesterol, của đường, của muối thì mình mới sinh hoạt lành mạnh được. Còn nếu không tin thì làm sao có thể sống lành mạnh khỏe khoắn được. Ngay trong Bát Chánh Đạo, Chánh kiến đứng đầu. Cái nhìn mà có vấn đề là thua. Trong đời sống cũng vậy, mình có tai, mắt mũi, họng, tim, gan, nhưng nếu mất con mắt rồi là mình không còn cái thấy, sinh hoạt rất nguy hiểm, rất mạo hiểm. Vì vậy muốn gặp nhau ở đời sau kiếp khác trước hết phải có niềm tin.
2. Hạnh bố thí.
Có lẽ có người thắc mắc là có nhiều hạnh hay quá tại sao không nhắc mà lại nhắc hạnh bố thí. Nói thiệt, bản thân chúng tôi cũng có một thời gian rất dài coi thường hạnh bố thí, nghĩ rằng đó là pháp tu dành cho người sơ cơ. Nhưng thật ra, cái khó bó cái khôn; trừ Phạm Thiên trên cõi Sắc giới, chớ trong cõi người, mình sanh ra đời mà không có điều kiện vật chất, thiếu phước bố thí thì muốn tu hành gì cũng khó. Việc ác nào cũng dễ làm hơn.
Thí dụ như nếu quí vị giật gấu vá vai, làm sáng ăn trưa làm trưa ăn chiều, bệnh không có thuốc uống, con đi học không tiền đóng học phí, vợ ăn mặc tuềnh toàng, lo không nổi cho vợ con, bản thân mình cần chút xíu gì đó cũng không có tiền, sống trong điều kiện vật chất eo hẹp như vậy thì có thể ngồi đây nghe pháp hay không. Cứ lo pháp cao siêu mà căn bản thiếu phước bố thí thì bây giờ có thể bình tâm ngồi nghe pháp hay không.
Chúng tôi xin lạc đề một chút, bây giờ còn hơi hám của Tết, Sư bạn của chúng tôi là trụ trì chùa Cồ Đàm, thầy Chơn Thiện, không biết hôm nay đã ra sao rồi, mong là bà con với chút đạo tình dòm ngó giùm. Bình thường là trụ trì, nhưng khi vào bệnh viện nằm một chỗ thì không ai lui tới. Đời bạc như vậy đó. Bao nhiêu vị trụ trì tiếng tăm mà khi nằm một chỗ thì số người viếng thăm giảm dần. Đời vậy đó, phù thịnh chớ chẳng ai phù suy, chuyện đó không trách, đến phiên mình cũng vậy. Bây giờ mình còn khỏe, lên facebook bạn bè tùm lum vậy chớ khi nào gặp trục trặc gì đó thì một tuần, hai tuần không lên người ta cũng a lô hỏi thăm rồi sau đó im luôn ‘giống như mình không có mặt trong đời đất này nữa.
‘dāna’: cho ra (giving), ‘cāga’: dứt bỏ (giving up)
Có nhiều trường hợp chúng ta chỉ ‘giving’ mà lòng cũng còn vướng mắc chút ít, còn tiếc của hoặc còn mong mỏi đổi chác. Thí xả nghĩa là lìa bỏ sở hữu, lìa bỏ lòng bỏn xẻn. Khi cho ra thì nghĩ lòng bỏn xẻn của tôi đang mòn, đang hao hụt đi, cho ra là nghĩ đến người khác không nghĩ đến mình nữa. Cứ nhớ thế này: cho mà còn vướng vướng thì quả nhỏ. Một đồng mình giữ bây giờ thì chỉ là một đồng cho kiếp này mà một đồng cho ra là một tỷ cho nhiều kiếp trong đời sau. Giữ lại cho lắm thì chết cũng để cho người khác xài mà nhiều khi họ còn nói mình ngu nữa. Đừng nói là tôi để lại cho con tôi, trong dòng sinh tử luân hồi, con mình là con trong kiếp này chớ đời sau có gặp nữa hay không. Thân người còn khó được nói gì là sự trùng phùng.
Ngay cả bài kinh này, muốn gặp lại nhau là phải có bốn pháp tương đồng. Ở đây có người nói “Muốn đi luôn không trở lại”. Xin thưa câu này là câu nói dóc nghen. Mình chắc mình đi luôn thì thôi, còn lỡ đi không được thì lấy gì xài. Quí vị có chắc là ngày mai quí vị ra phi trường đi luôn, tiền Việt mình không giữ nữa? Nhưng theo lời khuyên của tôi thì tiền VN nên bỏ lại trước khi bước vào phòng cách ly, chớ còn có mặt ở phi trường thì cũng nên giữ ba mớ, lỡ có bề gì còn trở ra kêu điện thoại, đi taxi, kêu được tô mì tôm ăn. Chớ còn nếu mình đi đâu đó mà không chắc thì phải giữ. Không phải tôi đang nói lạc đề mà tôi nói là đến phút cuối rồi hãy tính, đừng có nói dóc đi là đi luôn.
Mới đêm hôm qua có cô tu nữ hỏi tôi thế này: Con nghe có một vị pháp sư trong nước nói là nhất nhân hành đạo cửu huyền thăng, một người tu thì bà con chín đời được siêu thăng. Tôi trả lời ai ăn nấy no. Đức Phật là vị Chánh Đẳng Chánh Giác, nhưng trong dòng họ của Ngài cũng có người này người khác chứ Ngài đâu tu giùm ai được. Bản thân người hành đạo còn chưa chắc chết rồi còn được về cõi trên hay không nói chi thành phần ăn ké. Đương sự là người xuất gia suốt đời, hai tuổi đã tu, sáu tuổi làm thiền sư giữ giới trong sạch, ví dụ như vậy, cũng chưa chắc người này chết đã sanh thiên, đừng ngồi làm thơ dệt mộng nghen.
3. Giới hạnh:
Hai người giới hạnh không tương đồng thì đời sau kiếp khác rất khó gặp lại nhau vì mỗi người một đẳng cấp khác nhau. Ví dụ người thì sát sanh trộm cắp, uống rượu gặp dịp thì làm, còn người kia cỡ nào cũng không làm, sở hành như vậy thì làm sao gặp nhau.
Quí vị vào google đánh “Đế Thích và nàng Sujata”. Đế Thích kiếp xưa ở cõi Người có nhiều vợ lắm, bà nào cũng tu hành bố thí nhưng trong đó có một bà không tu gì hết mà Đế thích lại thương bà này. Khi về trời làm Thiên vương thấy sót bà vợ mình thương, nhìn xuống thấy bà ấy bây giờ làm con cò. Ngài tìm cách giúp bà, giúp như thế nào thì làm ơn tự coi. Ngài giúp cho bà tu, nên khi bà về trời thì Đế Thích còn có một tên gọi nữa là Sujampati (chồng của Sujata). Đế Thích có nhiều tên: Sakka (nghĩa là người bố thí một cách trịnh trọng) lúc ở cõi Người ngài làm gì cho người khác cũng trân trọng; Devananinda: thiên chủ; Sahassakkhi Ngàn mắt (cùng lúc giải quyết nhiều chuyện); Vajrapāṇi Kim Cang Thủ (vì có cái chùy trên tay).
4. Trí tuệ:
Gồm trí tuệ về nghiệp lý và trí tuệ về Tam tướng.
– Nghiệp lý là thấy biết làm lành quả vui làm ác quả khổ, sống gieo khổ cho người ta cầu vui cho mình là vô lý, nếu có được thì cũng chỉ trong kiếp này và việc đó thành công cũng do quả lành nào đó trong quá khứ.
Có người hỏi bốn pháp này nhiều người ngược nhau làm sao gặp. Gặp nhau có hai trường hợp: gặp nhau vì thuận duyên, vì chướng duyên; gặp nhau để làm nhau vui và làm buồn nhau. Gặp trong bài kinh đây là gặp đàng hoàng, không phải gặp nhau để chém nhau, gặp kiểu đó thì gọi là đụng độ, không phải tao phùng. Tôi với ông hàng xóm bên cạnh ngày nào cũng gặp nhau đâu phải là kỳ duyên, kỳ ngộ, tương phùng, vì ổng với tôi có mắc mớ gì nhau đâu. Nếu vì nhẫn cưới, hôn ước, giá thú mà gặp nhau thì tôi không ham đâu. Đừng tưởng giống nhau mà hợp nhau, bản lề phải bên trái bên phải mới ráp được.
– Trí Tam tướng: thấy gì cũng do duyên mà có, đã có rồi phải có lúc mất. Cái nào hội đủ hai cái này thì dứt khoát cái đó là vô ngã. Trí thấy được như vậy là trí Tam tướng.
Một cặp nào đó, không hẳn là nam nữ, nếu tương đồng với nhau bốn pháp: niềm tin, giới hạnh, thí xả, trí tuệ thì mới có cơ hội gặp nhau.
Xong bài kinh Thân Hữu, nếu tôi ngưng chỗ này thì quí vị cũng có cái bỏ túi sáng nay rồi.
________________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét