PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 2
[21] Chương X: Tương Ưng Tỷ Kheo
VII. Visàkha (Tạp, 38.8, Ban Xà Văn, Ðại 2, 277b,377c) (S.ii,280)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Vesàli (Tỳ-xá-ly), tại Mahàvana (Ðại Lâm) chỗ Trùng Các giảng đường.
2) Lúc bấy giờ Tôn giả Visàkha, thuộc dòng họ Pancàla, trong giảng đường đang thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo, khích lệ làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, với những lời lễ độ, thân hữu, không phun nước miếng, giải thích nghĩa lý, thích hợp, không chấp trước.
3) Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến giảng đường; sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
4) Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, trong hội trường, ai đã thuyết giảng pháp thoại cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, với những lời lễ độ, thân hữu, không phun nước miếng, giải thích nghĩa lý, thích hợp, không chấp trước?
5) -- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Visàkha thuộc dòng họ Pancàla, trong hội trường thuyết giảng pháp thoại cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, với những lời lễ độ, thân hữu, không phun nước miếng, giải thích nghĩa lý, thích hợp, không chấp trước.
6) Rồi Thế Tôn cho gọi Tôn giả Visàkha, thuộc dòng họ Pancàla và nói:
-- Lành thay, lành thay, Visàkha! Lành thay, này Visàkha! Ông thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo, khích lệ làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ... không chấp trước.
7) Thế Tôn thuyết như vậy, bậc Thiện Thệ thuyết như vậy, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Họ biết bậc Hiền triết,
Khi vị này lẫn lộn,
Với các kẻ ngu si,
Dầu vị này không nói.
Và họ biết vị ấy,
Khi vị này nói lên,
Nói lên lời thuyết giảng,
Liên hệ đến bất tử;
Hãy để vị ấy nói,
Làm sáng chói Chánh pháp;
Hãy để vị nêu cao
Lá cờ các bậc Thánh.
Lá cờ bậc Hiền Thánh,
Là những lời khéo nói,
Lá cờ bậc Hiền Thánh,
VIII. Nanda (Ðại, 2, 277a, 375a) (S.ii,281)
1) Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Nanda, con di mẫu của Phật, đắp những y khéo ủi, khéo là, bôi vẽ mắt, cầm bát sáng chói, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với Tôn giả Nanda đang ngồi xuống một bên:
3) -- Như vậy không xứng đáng cho Ông, này Nanda, là con một lương gia, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại mang những y khéo ủi, khéo là, bôi vẽ con mắt và mang bát sáng chói. Như vậy là xứng đáng cho Ông, này Nanda, là con một lương gia, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, tức là sống trong rừng, sống đi khất thực, sống mặc áo phấn tảo, và sống không mong đợi các dục vọng.
4) Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Ta mong được nhìn thấy,
Nanda sống trong rừng,
Mặc áo phấn tảo y,
Sống với những đồ ăn,
Biết là đã vứt bỏ,
Không mong chờ dục vọng.
5) Rồi Tôn giả Nanda, sau một thời gian, trở thành một vị sống trong rừng, ăn đồ ăn khất thực, mang y phấn tảo, không mong đợi các dục vọng.
IX. Tissa (Tạp 38.7, Oa? Sư, Ðại 2,277b, 375b. (S.ii,281)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Tissa, cháu của phụ vương Thế Tôn đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên, khổ đau, sầu muộn, nước mắt tuôn chảy.
3) Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Tissa:
-- Này Tissa, vì sao Ông ngồi khổ đau, sầu muộn, nước mắt tuôn chảy?
4) -- Vì rằng, bạch Thế Tôn, các vị Tỷ-kheo nhất loạt mắng nhiếc và nhạo báng con.
5) -- Vì rằng, này Tissa, Ông nói tất cả và không kham nhẫn người khác nói.
6) Như vậy không xứng đáng cho Ông, này Tissa, là con một lương gia, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại nói tất cả và không kham nhẫn người khác nói. Như vậy là xứng đáng cho Ông, này Tissa, là con một lương gia, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, tức là đã nói lời kham nhẫn người khác nói.
7) Thế Tôn nói như vậy. Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Sao Ông lại phẫn nộ?
Chớ có nên phẫn nộ,
Không phẫn nộ, Tissa,
Thật tốt đẹp cho Ông.
Hãy nhiếp phục phẫn nộ,
Kiêu mạn và xan tham,
Hỡi Tissa, hãy sống,
Sống đời sống Phạm hạnh.
X. Tên Trưởng Lão (Tạp 38.19, Trưởng Lão, Ðại 2, 278a, 376b) (S.ii,282)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ một Tỷ-kheo tên là Theranàmaka sống độc trú và tán thán hạnh sống độc trú. Vị ấy đi vào làng khất thực một mình, đi về một mình, ngồi vắng lặng một mình, đi kinh hành một mình.
3) Rồi các Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
4) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, có Tỷ-kheo tên là Theranàmaka sống độc trú và tán thán hạnh sống độc trú... đi kinh hành một mình.
5) Rồi Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo:
-- Này Tỷ-kheo, hãy đến, hãy nhân danh Ta gọi Tỷ-kheo Thera: "Này Hiền giả Thera, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả".
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn rồi đi đến Tỷ-kheo Thera.
6) Sau khi đến, Tỷ-kheo ấy nói với Tỷ-kheo Thera:
-- Này Hiền giả Thera, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả.
-- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Thera vâng đáp Tỷ-kheo ấy và đi đến Thế Tôn.
7) Sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
8) Thế Tôn nói với Tôn giả Thera đang ngồi một bên:
-- Có thật chăng, này Thera, Ông sống độc trú và tán thán hạnh độc trú?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
9) -- Như thế nào, này Thera, Ông sống độc trú và tán thán hạnh sống độc trú?
10) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi vào làng khất thực một mình, con đi về một mình, con ngồi vắng lặng một mình, con đi kinh hành một mình. Như vậy, bạch Thế Tôn, con sống độc trú và tán thán hạnh sống độc trú.
11) -- Ðấy là sống độc trú, này Thera, Ta không nói đấy không phải vậy. Này Thera, có một cách làm viên mãn độc trú với các chi tiết. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
12) -- Này Thera, thế nào là độc trú được làm viên mãn với các chi tiết? Ở đây, này Thera, cái gì đã qua được đoạn tận; cái gì sắp đến được từ bỏ; đối với những tự ngã, lợi đắc hiện tại, dục tham được khéo nhiếp phục. Như vậy, này Thera, là độc trú được làm viên mãn với các chi tiết.
13) Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Ai chiến thắng tất cả,
Ai hiểu biết tất cả,
Ai là bậc Thiện trí,
Mọi pháp không ô nhiễm.
Ai từ bỏ tất cả,
Ái tận được giải thoát,
Ta nói chính người ấy,
Thật là vị độc trú.
XI. Kappina (S.ii,284)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Mahà Kappina đi đến Thế Tôn.
3) Thế Tôn thấy Tôn giả Mahà Kappina từ đường xa đi đến.
4) Sau khi thấy, Thế Tôn liền gọi các Tỷ-kheo:
-- Các Ông có thấy không, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo kia đi đến, da bạc trắng, ốm yếu, với cái mũi cao?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
5) -- Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, có đại thần thông, có đại uy lực. Thật không dễ gì đạt được sự chứng đắc mà trước kia vị Tỷ-kheo ấy chưa chứng đắc. Vị ấy còn ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này, con các lương gia chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
6) Thế Tôn thuyết như vậy, Thiện Thệ thuyết như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Sát-lỵ là tối thượng,
Giữa mọi loài chúng sanh,
Với những ai nương tựa,
Vào vấn đề giai cấp.
Bậc Minh Hạnh cụ túc,
Tối thượng giữa Trời, Người,
Ngày, mặt trời chói sáng,
Ðêm, mặt trăng chói sáng,
Trong tấm áo chiến bào,
Sát-lỵ được chói sáng.
Trong Thiền định, Thiền tri,
Bà-là-môn chói sáng,
Nhưng suốt cả đêm ngày,
Phật chói sáng hào quang.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 2
Chương 10: Tương Ưng Tỳ Kheo
VISĀKHA
Pháp thoại hoàn hảo, người thuyết pháp hoàn hảo.
Sáng nay mình học kinh Visākha.
“Lúc bấy giờ Tôn giả Visàkha, thuộc dòng họ Pancàla, trong giảng đường đang thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo, khích lệ làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, với những lời lễ độ, thân hữu, không phun nước miếng, giải thích nghĩa lý, thích hợp, không chấp trước”.
Nếu không đọc kỹ thì không hiểu đoạn kinh trên nói gì. Theo chú giải, chữ ‘lễ độ’ trong chú giải là ‘poriyā vācāyā’ có nghĩa là ‘nagaramanussānaṃ’ ngôn ngữ của người dân thành phố chứ không phải là ngôn ngữ bình dân quá mức của vùng nông thôn. ‘aparihīnakkharapadāya’, chữ nghĩa câu cú đàng hoàng rõ ràng, ‘madhuravācāya’ngọt ngào văn chương.
‘Anelagalāyāti’, trong bản dịch của ngài Minh Châu dịch là ‘không phun nước miếng’, theo chú giải đây là diễn tả cách nói không lầm lỗi. Thông thường những người khác vừa nói chuyện vừa có nước bọt tùm lum, nói vội vã, nói không ý tứ, còn ở đây là nói gọn ghẽ không nước bọt.
“Anelagalāyāti yathā dandhamanussā mukhena kheḷaṃ gaḷantena vācaṃ bhāsanti, na evarūpāya, atha kho niddosāya visadavācāya”.
‘niddosāya’: cách nói không lầm lỗi,
‘Visadavācāya’: nói một cách rõ ràng.
‘Pariyāpannāyāti’ HT Minh Châu dịch là ‘thích hợp’, nhưng chú giải nói rõ ràng hơn:
Pariyāpannāyāti catusaccapariyāpannāya cattāri saccāni amuñcitvā pavattāya: có nội dung tương ứng với lý Tứ Đế. Nghĩa là dầu nói chuyện gì đi nữa, nội dung đúc kết vẫn gom gọn trong Bốn Đế. Tức là, vẫn xác nhận một điều mọi hiện hữu là khổ, có kể chuyện gì đi nữa thì cách kể phải làm cho người ta nghe mà thấy nản. Xác định cho người nghe một điều là hễ còn thích là còn khổ. Xác định cho mọi người thấy rằng sự vắng mặt hoàn toàn của Khổ đế và Tập đế chính là giải thoát. Xác định cho người ta thấy rõ rằng Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến cứu cánh đó. Nói dài nói ngắn thế nào thì nội dung vẫn đọng lại trong đầu người ta là nội dung Bốn Đế.
“không chấp trước” ở đây theo chú giải là “Anissitāyāti vaṭṭanissitaṃ katvā akathitāya”, có nội dung hướng đến giải thoát.
‘vaṭṭa’: luân hồi
‘nissitaṃ’: y cứ, tựa vào
‘akathitāya’: không nói
‘vaṭṭanissitaṃ katvā akathitāya’: không nói nội dung dựa vào sinh tử (nghĩa là nói dựa vào nội dung giải thoát sinh tử).
‘Không chấp trước ‘nghĩa là cách nói pháp làm cho người ta muốn buông, muốn đi ra, chớ không phải đi lên cõi nhân thiên hoặc đi xuống cõi đọa.
Một bài pháp hoàn chỉnh là bài pháp được trình bày bằng ngôn ngữ rõ ràng trong sáng. Nội dung phải tương ứng lý Tứ Đế và hướng tới giải thoát. Chớ còn hứa hẹn cho người ta đủ điều, xúi làm phước để sanh về trời, làm người giàu sang xinh đẹp thì cũng hay nhưng người nghe không tìm thấy qua đó lý tưởng giải thoát. Dù cho ông sư nói cho cư sĩ hay là cư sĩ nói cho nhau nghe thì nội dung của một pháp thoại phải là như vậy mới được xem là pháp thoại hoàn hảo.
Trong bài kệ, một vị như vậy sẽ giương cao ngọn cờ chánh pháp. Ngọn cờ ở đây tượng trưng bốn Đạo, bốn Quả và Niết bàn (navavidhalokuttaradhamma), người thuyết pháp lúc nào cũng hướng người ta nghĩ đến giải thoát, giải thoát ở đây ám chỉ bốn Đạo, bốn Quả và Niết bàn.
Bài kinh này kể lại chuyện một tỳ kheo Visākha thuyết pháp và được Đức Phật tán thán đó là một thời pháp hoàn hảo, được trình bày bằng ngôn ngữ trong sáng không lầm lỗi, và pháp thoại tương ứng với lý Tứ Đế, hướng đến rốt ráo là giải thoát, người thuyết pháp như vậy là người giương cao ngọn cờ thánh nhân. Ngọn cờ thánh nhân ám chỉ cho Niết bàn, đạo quả. Bài kinh này nghe khô nhưng là chuyện mình phải nhớ
KINH NANDA
Nếu ở đây bà con học có ghi thì sau mỗi buổi giảng bà con có một lô bài để bỏ túi, mai này có thể cầm lấy cuốn sổ tay đó mà hướng dẫn kinh tạng cho người khác được. Tôi mong mỏi mai này chư tăng dạy Phật tử hoặc Phật tử hướng dẫn lẫn nhau, thay vì đề tài tự nghĩ ra thì làm việc với nhau trên kinh tạng là tốt nhất.
Ngài Nanda (Hoan Hỷ) là con trai của bà Gotami, em cùng cha khác mẹ với thái tử Tất Đạt. Bà Gotami là em gái ruột của bà Maya. Ngài Nanda gọi bà Maya là dì ruột. Ngài Nanda cũng trang lứa với thái tử Tất Đạt. Vua Tịnh Phạn cưới cùng lúc hai chị em ruột là bà Maya và bà Gotami. Khi bà Maya sinh thái tử Tất Đạt thì bà Gotami cũng sanh hoàng tử Nanda. Khi sanh thái tử Tất Đạt bảy ngày thì bà Maya mất, bà Gotami rất là thương con, nhưng thái tử Tất Đạt là người kế thừa ngai vua nên bà Gotami giao con mình cho các cung phi chăm sóc còn bà thì trực tiếp chăm sóc thái tử Tất Đạt. Về sau khi thái tử Tất Đạt xuất gia thành Phật trở về thì hoàng tử Nanda cũng lớn tuổi lắm rồi, lấy vợ trễ. Thái tử Tất Đạt lấy vợ năm 16 tuổi, còn hoàng tử Nanda ngoài ba mươi mới lấy vợ, vợ của hoàng tử Nanda là hoa hậu (janapadakalyāṇi).
Khi đó Đức Phật về hoàng cung Kapilavattu để độ quyến thuộc. Có một lần nhằm ngay ngày hôn lễ của hoàng tử Nanda. Ngày cưới thì trong lòng chú rể chỉ nghĩ đến cô dâu, nhưng hoàng tử Nanda dành cho Đức Phật một sự tôn kính đặc biệt. Khi lễ trai tăng cúng dường xong, Đức Phật thuyết pháp xong, Ngài đi về khu vườn ở gần hoàng cung để ngự ở đó. Khi Đức Phật đi ra, Ngài thấy hoàng tử đứng kế bên, liền đưa bình bát cho hoàng tử Nanda ôm. Hoàng tử Nanda nghĩ ra đến sân thì Thế Tôn sẽ lấy bát lại. Không ngờ ra tới sân, Ngài đi thẳng luôn, Nanda nghĩ chắc đi một đoạn Ngài sẽ lấy bát lại, nhưng Ngài cũng không lấy. Cuối cùng vì một lòng thương kính Phật, Nanda không dám trả bát. Một nhân cách vĩ đại như Đức Phật, ánh mắt của Ngài, oai lực của Ngài, tạo ra một không gian, từ trường độc đáo khiến người đối diện phải thay đổi kế hoạch.
Trước khi ra khỏi hoàng cung hoàng tử Nanda quay đầu lại nhìn lại cô dâu, một công nương tuyệt sắc, nàng ra dấu “có đi theo Đức Phật thì đi nhưng chàng nhớ về sớm”. Lòng như lửa đốt, Nanda ôm bát theo chân Đức Phật. Về đến chùa, Thế Tôn không nói gì ngoài một câu hỏi: Nanda có muốn xuất gia hay không. Vì lòng tôn kính tuyệt đối bậc đạo sư, Nanda như cái xác không hồn, trả lời: Dạ. Thế là nghi thức xuất gia được cử hành ngay lập tức. Cạo đầu liền, đắp y liền, xuất gia mà lòng chẳng yên.
Trong kinh có kể Đức Phật đưa Nanda lên cõi Đao Lợi, trên đường đi Đức Thế Tôn cố ý cho tôn giả Nanda nhìn thấy một đám cháy rừng và một con khỉ cái chạy không kịp nên bị phỏng lở đầy mình. Khỉ vốn đã không đẹp rồi còn bị phỏng thì còn xấu xí thảm hại cỡ nào. Lát sau nhìn thấy năm cô tiên nữ hầu Đế Thích rất đẹp, Đức Thế Tôn hỏi ngài Nanda: Năm trăm cô này có đẹp không? Ngài Nanda trả lời: Bạch Thế Tôn, vợ con mà so với năm trăm cô này thì cỡ như con khỉ khi nãy. Nghe phũ phàng hén. Đức Phật hỏi: Ngươi có muốn được năm trăm cô này không. Ngài Nanda thưa muốn. Đức Phật nói: Về tinh tấn tu hành thì Như Lai hứa là sẽ có.
“idaṃ suttaṃ devaloke accharāyo dassetvā āgatena aparabhāge kathitaṃ”.
‘Devaloke’: cõi trời.
‘Accharāyo’: tiên nữ.
‘Dassetvā’: được cho thấy.
‘āgatena aparabhāge’: ngay sau khi trở về.
‘kathitaṃ’: được thuyết giảng.
Kinh này được thuyết giảng ngay sau khi tôn giả Nanda đã được thấy tiên nữ và trở về từ cõi trời.
“2) Rồi Tôn giả Nanda, con di mẫu của Phật, đắp những y khéo ủi, khéo là, bôi vẽ mắt, cầm bát sáng chói, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.”
Sau chuyến đi, ngài Nanda trở về trong trang phục y áo ủi phẳng phiu, bình bát bóng lưỡng. Lúc đó chưa có luật cấm ông sư trang điểm; đàn ông Ấn Độ cũng có dặm phấn tô son chút đỉnh. Theo chú giải, ngài Nanda suy nghĩ, Thế Tôn là bậc đạo sư của biết bao nhiêu người, Ngài đẹp và chói sáng như vậy thì mình cũng phải như thế nào coi cho tương xứng, thế nên Nanda mới mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao như vậy. Chư tăng thấy vậy có lời dị nghị. Lời dị nghị đó đến tai Đức Phật và Ngài gọi Nanda vào trách rằng chuyện đó không đáng. Sau khi Đức Phật trách, ngài Nanda quyết định từ nay về sau không như vậy nữa.
“Imassa kathitadivasato paṭṭhāya thero ghaṭento vāyamanto katipāheneva arahatte patiṭṭhāya sadevake loke aggadakkhiṇeyyo jāto”:Kể từ sau buổi Đức Phật trách, tôn giả Nanda trở về tinh tấn tu hành và không bao lâu sau thì chứng quả La-Hán và trở thành bậc Ứng cúng cho chư thiên và loài người.
Lá y Nam Tông
Trong bản kinh tiếng Việt thì nói “Tôn giả Nanda, sau một thời gian, trở thành một vị sống trong rừng, ăn đồ ăn khất thực, mang y phấn tảo”
‘paṃsukūlika’: y phấn tảo, y được may từ vải lượm
‘paṃsu’: bụi bặm
Hôm nay PG Miên còn cái lệ rất hay, khi nhà Phật tử có người thân qua đời, họ mua tấm vải phủ lên xác hoặc quan tài, chư tăng tới tụng kinh, vừa tụng vừa rút miếng vải đó sao cho hết câu kinh thì rút xong miếng vải đó. Sau đó chư tăng đem miếng vải đó về chùa, giặt, nhuộm xong rồi may y để mặc. Tục lệ đó giờ vẫn còn, tấm vải đó là vải mới và sạch, chỉ phủ tượng trưng thôi. Thời Đức Phật thì phấn tảo y là tấm vải bó xác, miễn là màu trắng và có thể nhuộm màu đúng luật, và miếng vải không quá nhỏ. Theo luật của Nam Tông thì một lá y có 10 hoặc 14 điều (ô). Lá y của một vị sư Nam Tông nhìn sơ qua là một hình chữ nhật lớn, trong hình chữ nhật lớn này là gồm những hình chữ nhật nhỏ và hình vuông nhỏ tiếp nối xen kẽ nhau.
Một lá y gồm 10 ô như vậy: 5 ô chữ nhật và 5 ô hình vuông. Kích thước của lá y: chiều dài 6 hắc tay và chiều rộng 4 hắc tay của người mặc. Hattha (hắc tay) là đơn vị đo chiều dài từ cùi chỏ đến đầu ngón giữa. Tấm vải lượm phải tính toán như thế nào để không được quá nhỏ. PG Khất Sĩ (local buddhism) mặc y bá nạp, ráp tùm lum vô. Cách đây khoảng mười mấy hai chục năm thì chỉ có một màu, còn thời nguyên thủy thì tùm lum màu giống như mấy cái mền chắp ghép từ vải vụn của VN sau 1975. Dù cho một màu hay nhiều màu cũng không đúng luật bởi vì lá y của ông sư phải nghiêm túc là hình chữ nhật gồm 10 ô. Dù y của Phật tử may cho mình hay mình lượm vải về may cũng theo luật này.
Khi trải lá y ra thì mỗi chỗ có tên riêng. Chỗ chạm cổ vị sư gọi là giveyyaka. (givey: cổ). Chỗ chạm ống quyển gọi là jangheyyaka. Theo quy định trong Luật thì một ông sư phải biết những điều này, khi nói chuyện với nhau mới hiểu, ví dụ khi nói y bị rách, nhuộm bị hư thì có thể xác định được vị trí chỗ nào trên lá y. Đây là những thuật ngữ chỉ các sư mới biết. Thời vua Asoka có quá nhiều sư giả, một trong những cách phổ biến để biết sư giả hay thật là hỏi Luật, ví dụ: Ông có biết bao nhiêu thuật ngữ (term) được dùng trong lá y hay không? Vua Asoka có lòng ủng hộ Phật pháp rất thiết tha và dành cho Phật pháp nhiều đặc quyền đặc lợi, từ đó có nhiều người giả sư, có những hành động bất xứng gây tai tiếng cho đạo. Vì vậy vua Asoka mới ra lệnh sư giả là bị lột y và giết. Lần đó bị trục xuất và bị giết trong phong trào thanh lọc của vua Asoka là sáu mươi ngàn vị.
Ngài Nanda sau khi nghe xong trở về tinh tấn tu hành và không còn nhận cơm của cư sĩ tại nhà, ngài sống bằng hạnh khất thực có gì ăn đó, ngài sống ẩn lâm dưới gốc cây hoặc hang động, và chỉ mặc y phấn tảo.
Bốn điều nên và bốn điều tuyệt đối tránh của tỳ kheo.
Trong lễ thọ giới tỳ kheo, vị tân tỳ kheo (new monk) luôn luôn được sư phụ dạy bốn điều nên và bốn điều tuyệt đối phải tránh. Trong lễ thọ giới tỳ kheo, vị tân tỳ kheo (new monk) luôn luôn được sư phụ dạy bốn điều nên và bốn điều tuyệt đối phải tránh.
Bốn điều tuyệt đối phải tránh: Suốt đời không được: 1/ Giết người. 2. Giao hoan. 3. Trộm cướp. 4. Khoe pháp cao nhân mà mình chưa chứng.
Bốn điều phải chuẩn bị tinh thần nếu không ai cúng dường: 1. Phải biết xài y may từ vải lượm. 2. Phải biết sống bằng thức ăn khất thực. 3. Phải có khả năng sống ngoài rừng núi, hang động, gốc cây. 4. Khi bệnh hoạn kể cả nước tiểu trâu bò (gomutta: urine of cows) cũng phải dùng, không khen chê.
Ngay lễ thọ giới tỳ kheo là vị hòa thượng phải nhắc học trò 8 điều trên, bất cứ vị tỳ kheo Nam Tông nào cũng phải biết trong lễ thọ giới.
Người không học Phật pháp, không sống trong Phật pháp thì mới bận tâm vấn đề chay mặn, nếu thật lòng chuyên tâm tu hành thì phải hiểu ngầm thức ăn của ông sư nguyên thủy hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Ngài Mahākassapa một lần đi bát gặp lóng tay người cùi rớt vào bát, ngài về bỏ lóng tay ra ngoài và ăn phần còn lại. Một vị nữa là ngài Ratthapala (Bảo Quốc), một công tử nhà giàu đi xuất gia, đắc A-la-hán, trở về làng xưa, gặp cô tớ gái bưng thau cháo thiu đem đi đổ. Đầy tớ ở Ấn Độ là thuộc loại giai cấp thấp nhất, ra đường không dám nhìn ai, ngay cả cái bóng của mình cũng không được chạm vào người khác.
Ấn Độ ngày nay còn có tầng lớp Dalidda (tiện dân) có thể bị đánh bất cứ lúc nào như con chó con heo mà cảnh sát không hề can thiệp. Thấy cô đầy tớ lầm lũi bưng thau cháo, ngài Ratthapala nói: Nếu cháo đó đổ thì đổ vào bát của tôi đi. Khi cổ đổ xong thì nhớ ra đây là giọng nói của công tử nhà mình. Ngài Ratthapala trở về kiếm gốc cây ngồi ăn cho hết bát cháo thiu. Cô tớ gái về kể lại với bà chủ – mẹ ngài. Ngày xưa ngài nói là không cho đi tu ngài sẽ chết nên bà đành lòng cho ngài đi, buồn thương nhớ con bao nhiêu, giờ nghe ngài về nên mừng quá, cho người đi tìm ngài về, mời ngài dùng cơm. Chuyện dài lắm, xem tiếp kinh Ratthapala, Trung Bộ Kinh.
TÊN TRƯỞNG LÃO (Theranāmakasutta)
Đời sống độc cư.
Một vị tỳ kheo tên là Theranāmaka sống một mình, làm gì cũng một mình, vị này cứ tưởng như vậy là hay. Đức Phật nhân chuyện này giải thích thêm. Sống một mình thì hay nhưng chưa đúng với ý của chư Phật. Người độc cư không chỉ đơn giản sống một mình, sinh hoạt một mình.
Đức Phật giải thích: (chánh kinh) “Này Thera, thế nào là độc trú được làm viên mãn với các chi tiết? Ở đây, này Thera, cái gì đã qua được đoạn tận; cái gì sắp đến được từ bỏ; đối với những tự ngã, lợi đắc hiện tại, dục tham được khéo nhiếp phục. Như vậy, này Thera, là độc trú được làm viên mãn với các chi tiết”. Lời dịch như vậy quá sức dài. Chỉ cần dịch lại thế này:
– Thế nào là sống một mình với đầy đủ ý nghĩa nhất (vitthārena paripuṇṇo)? Ở đây Ngài giải thích: yaṃ atītaṃ taṃ pahīnaṃ, yaṃ anāgataṃ taṃ paṭinissaṭṭhaṃ, paccuppannesu ca attabhāvapaṭilābhesu chandarāgo suppaṭivinīto. Vào Trung Bộ Kinh xem kinh Nhất Dạ Hiền Giả (Ānandabhaddekaratta) sẽ hiểu ngay, trong đó có câu thế này:
“Quá khứ không truy tìm.
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại.
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển.
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Ðêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng”.
Bài kinh này được PG Thái Lan bỏ vô quyển kinh tụng. Nghĩa là vị tỳ kheo sống theo tinh thần Tứ Niệm Xứ chỉ biết tại đây và bây giờ. Chuyện gì cũ không đáng nhớ thì bỏ qua. Những chuyện dĩ vãng có khả năng làm mình phát khởi phiền não thì phải bỏ. Theo chú giải: “atīte khandhapañcake chandarāgappahānena taṃ pahīnaṃ” nghĩa là dứt bỏ lòng lưu luyến đối với năm uẩn quá khứ.
Thế nào là năm uẩn quá khứ? Tất cả những vui buồn, kỷ niệm đẹp, “đón xuân này ta nhớ xuân xưa, hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa”, tiếc nuối một món ăn ngon, một ân tình cũ, để rồi lòng không yên, đó là sự tưởng tiếc quá khứ, tưởng tiếc năm uẩn đã qua. Sự hoài vọng về tương lai, những trù hoạch dự tưởng, đối với một hành giả Tứ Niệm Xứ nếu không thật sự cần thiết thì cũng phải tránh; chỉ nên sống trong hiện tại, mà hiện tại chìm đắm trong năm dục cũng không nên.
Sống trong hiện tại là biết cái gì đang xảy ra cho thân tâm của mình; sống với tiêu chí now and here; người như vậy mới gọi là người sống một mình. ‘Một mình’ ở đây nghĩa là không bị kẹt trong quá khứ, không bị kẹt trong tương lai. ‘Một mình’ ở đây là chỉ tập trung trong cảnh danh sắc hiện tại. Còn kiểu ở một mình, ăn một mình đi đứng một mình, người ở rừng mà lòng ở phố thì không kể là ‘một mình’, một mình mà cứ alô, facebook, email, hồi tưởng quá khứ để tưởng tiếc, nghĩ về tương lai để hoài vọng thì không phải sống một mình, mà gọi là chung chạ với người khác, tiếng Pāḷi gọi là ‘tanhadutiyaka’: làm bạn với tham ái.
TISSA
‘Matuccha’: dì ruột, (em hoặc chị gái của mẹ). ‘Matucchaputta’: con của dì. ‘Pituccha’: cô ruột (em hay chị gái của cha). Pitucchaputta: con của cô. Ngài Nanda gọi bà Maya là dì ruột.
Bản kinh Pāḷi: “Atha kho āyasmā tisso bhagavato pitucchāputto” lúc bấy giờ tôn giả Tissa là bhagavato pitucchāputto, nghĩa là con của cô. Ngài Nanda là matucchaputta, nghĩa là con của dì. Mẹ ngài Nanda là bà Gotami, bà Gotami là em ruột của bà Maya. Mẹ ngài Tissa là em gái của vua Tịnh Phạn.
‘Mātu’: mẹ; ‘pitu’: cha ‘Mātuccha’: dì ruột;
Ngài Nanda là con của dì ruột thái tử Tất Đạt, ngài Tissa là con của cô ruột thái tử Tất Đạt. Ngài Tissa đi xuất gia và ỷ gốc lớn có ô dù. Thấy Đức Thế Tôn là bậc đạo sư, vua chúa quì lạy nên Tissa dựa hơi ngông nghênh ngang tàng. Xưa nay, chỉ có người có suy nghĩ tầm thường mới dựa thế. Giá trị của mỗi người nằm ở bản thân, người thân có là gì cũng là chuyện của họ. Ỷ vào người thân mà chảnh thì tệ lắm. Người phàm còn có bịnh đầy tớ nhà giàu. Dù chủ mình giàu cỡ nào thì mình cũng là đầy tớ thôi. Khinh thường người khác là chủng tử nô lệ trong kiếp sau. Kiêu ngạo là gieo chủng tử thấp kém trong kiếp sau. Biết tôn kính, khiêm tốn thì kiếp sau sanh ra mình ngoi được lên đầu thiên hạ.
Đức Phật thấy ngài Tissa kiêu ngạo nên Ngài nhắc nhở. Quí vị xem thêm chú giải kinh Pháp Cú về tích ngài Tissa. Quí vị làm sao mà nhìn kinh này nhớ kinh khác. Tôi chưa bao giờ dám nhận mình giỏi nhưng được cái phước nhìn kinh này nhớ kinh kia sướng vô cùng. Mong quí vị cũng được như vậy. Có nhiều chuyện trong chú giải có mà tôi không kể, bởi chuyện cũng hơi kỳ kỳ, hơi huyền thoại.
Đức Phật nói, chẳng những nay Tissa kiêu ngạo như vậy mà kiếp xưa đã có tánh như vậy rồi. Ngài kể ngày xưa có hai vị đạo sĩ, vào buổi chiều tối tá túc qua đêm ở nhà một cư sĩ ngủ nhờ. Một vị là Bồ tát đắc thiền có thần thông, còn vị đạo sĩ kia thì cũng tu hành nhưng không đắc gì hết, tính tình lại nhỏ mọn sân si. Hai vị ngủ chung một phòng. Buổi tối, Bồ tát sơ ý đi ra dẫm trúng phần thân trên vị kia. Vị đạo sĩ kia bị đạp nên bực mình, nghĩ bụng chắc lát nữa ông này trở vào thế nào cũng đạp trúng mình, nên trở đầu lại. Không ngờ Bồ tát lúc đi ra đạp nhầm nên khi trở vô thì cố ý đi tránh xuống phía ngược lại, không ngờ thì đạo sĩ kia đã thay đổi tư thế rồi. Thế là đạp trúng đầu lần hai.
Đạo sĩ kia giận quá nghĩ là Bồ tát cố ý: Tôi đã tránh rồi mà sao cứ kiếm đầu tôi đạp. Đạo sĩ thề độc: Sáng mai mặt trời mọc là ông cũng bể đầu luôn. Bồ tát nghĩ đức độ ông này kém quá mà rủa mình như vậy thì ngày mai mặt trời mọc người bể đầu không phải là mình mà là ổng, vì vậy Bồ tát dùng thần thông làm cho trời tối hoài. Người dân thấy mặt trời không mọc, họ vô hỏi vua. Vua nghi ngờ là có người tu hành đang ở trong xứ. Vua cho người tìm và thấy hai đạo sĩ, vua hỏi rõ nguồn cơn và hỏi có cách nào hóa giải lời nguyền. Bồ tát nói chỉ cần xin lỗi là được. Vị đạo sĩ kia không chịu: Đạp đầu tôi mấy lần mà còn kêu tôi xin lỗi. Vua nói nếu không xin lỗi thì trời tối hoài sao. Thế là mọi người dùng vũ lực ép vị đạo sĩ này cúi đầu xin lỗi Bồ tát. Đúng ra là tôi làm lơ luôn không kể tích này, thấy quí vị post lên mà không kể thì kỳ chớ tôi không khoái mấy chuyện huyền thoại này.
MĀHAKAPPINA
Xuất gia theo cách Ehibhikkhu.
Bài kinh này cũng có chi tiết huyền thoại. Kinh Kappina kể về ngài Māhakappina, đệ nhất huấn tăng (dạy dỗ chư tăng). Chánh kinh có chút xíu, nhưng ai đang học bằng bút mực thì nên chuẩn bị bút mực ghi một số chuyện mà tôi cho là quan trọng.
Ngài Māhakappina là một ông vua ở xứ Kukkuṭavatī (Xứ Goloise – gà trống Gaulois). ‘Kukku’: gà trống.
Bữa nọ có đoàn thương buôn đến xin gặp, vua Māhakappina hỏi họ ở đâu đến, họ nói từ thành Sāvatthi (Xá Vệ). Vua hỏi họ về đời sống ở Sāvatthi đặc biệt là đời sống tinh thần. “Atthi pana tumhākaṃ dese kiñci sāsana’’nti?”: đời sống tâm linh, tín ngưỡng ở đó ra làm sao?
Họ trả lời là ở đó có Phật ra đời. Vua Māhakappina vừa nghe tới chữ “Phật” đã rúng động tâm thần, nổi da gà, hỏi lại lần nữa: Các ông vừa nói gì? Họ trả lời lần nữa là có Phật ra đời. Vua Māhakappina cho họ một số tiền lớn, rồi quyết định đi xuất gia. Một ngàn quan triều thần xin đi theo. Lúc đó hoàng hậu Anoja nghe nói vua đi tu mà không rủ mình, cũng đi theo. Hoàng hậu nói: “Ahaṃ pabbajissāmi, na tehi vantavamanaṃ jivhagge ṭhapeyya’’nti.: Nếu ngài bỏ ngai vàng giao triều đình lại cho tôi thì tôi cũng đi xuất gia vì tôi không ăn món đồ mà người ta đã mửa ra.
‘vantavamanaṃ’: mửa; ‘vamati’: ói mửa (vomit);
‘vamana’: sự ói mửa, đồ nôn mửa
Vua đi trước với một ngàn quan, hoàng hậu đi sau với ngàn tùy tùng và trong số đó có vợ của các quan đi trước.
Ở đây có tình tiết hơi lạ. Mỗi sáng Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn nhìn khắp thế giới xem hôm nay Ngài sẽ độ ai, bữa đó Ngài thấy vua Māhakappina đang trên đường đi kiếm Như Lai để xuất gia nên sau giờ khất thực Ngài cho chư tăng về chùa. Còn lại một mình Ngài đến bên bờ sông mà biết sẽ gặp vua Māhakappina, Ngài phóng quang sáu màu sáng lòa cả một bến sông. Vua Māhakappina cùng một ngàn quan đi tới thấy dòng sông chảy xiết lại không có cầu đò. Vua Māhakappina nhìn thấy ánh sáng đó và nghĩ rằng, những thương nhân nói có Phật ra đời, hôm nay mình đi đến đây gặp Phật và xuất gia thì đúng là người này là người mà những thương nhân ấy nói, và cũng đúng người này mình sẽ đi tu dưới chân Ngài.
Ngài phát nguyện: Nếu quả thật trước mặt con là Thế Tôn, là La-Hán, là Chánh Đẳng Giác, là tứ sanh từ phụ, thiên nhân chi đạo sư thì xin cho một đoàn người này qua sông. Ngài vừa chú nguyện xong là người ngựa qua sông không dính nước. Tôi kể hào hứng vậy mà trong bụng không vui. Những người không tin thần thoại sẽ nói đạo Phật nghe sao giống trong Thánh Kinh chuyện di cư qua Hắc Hải. Khi một ngàn người ngựa qua bên kia bờ sông thì vua quỳ xuống, lấy hai bàn tay xoa mắt cá của Thế Tôn.
‘Gopphaka’: mắt cá (ankle). ‘Gopphaka’ và ‘mắt cá’ đọc lên nghe âm thanh na ná như nhau, giống như chữ ‘ahiphena’ là ‘á phiện’ cũng nghe âm thanh giống nhau. ‘Ahi’: con rắn, ‘phena’: bọt trong miệng con rắn.
Vua Māhakappina nói: Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là đạo sư của con. Thế Tôn thuyết một thời pháp ngắn xong thì vua và một ngàn vị chứng La-Hán tại chỗ. Thế Tôn xét thấy ngàn vị A-la-hán này không thể nào tiếp tục làm cư sĩ được nữa vì họ sẽ chết nếu không xuất gia, họ có duyên xuất gia nhưng xuất gia kiểu nào đây. Ngay lúc đó Ngài thấy rằng các vị này đều có tạo phước dâng y Kathina kiếp xưa nên nay đủ duyên xuất gia theo cách Ehibhikkhu. (Một vị thì gọi là Ehibhikkhu, hai vị trở lên là Ethabhikkhu).
Thế nào là xuất gia theo cách Ehibhikkhu? Nghĩa là “hattham pasareti”, Ngài chỉ duỗi cánh tay ra và nói: Ehibhikkhu! (hoặc Ethabhikkhu!). Hãy đến đây này các tỳ kheo! Nếu nói đủ là nói thế này: Ethabhikkhave! Hãy đến đây này các tỳ kheo, chánh pháp, phạm hạnh đã được Như Lai khéo thuyết giảng, hãy tu tập để chấm dứt sinh tử. Mặc dù vị đó đã đắc rồi, nhưng câu này thì như câu mẫu. Khi Ngài dứt lời thì các tỳ kheo trước mặt lập tức râu tóc biến mất, lập tức thế phục biến mất, và trên mình có đầy đủ y bát như là đã xuất gia mấy chục năm rồi. Chỉnh tề chớ không xập xệ lình xình như mấy vị tân thọ tỳ kheo.
Nhìn da đầu còn xanh với cách đắp y là biết mấy vị mới thọ liền, sút xổ tuột lên tuột xuống thấy thương lắm. Tôi nhớ hồi xưa tôi xuất gia năm mười một tuổi, cũng quấn cũng cột tùm lum. Nói ra xấu hổ, mình mặc quần áo quen rồi, tối ngủ cột y sáng ngày thức dậy không còn gì trên người hết. Mấy vị sư lớn chọc một thời gian dài. Sáng ngủ dậy mấy ổng hỏi, “Cái này kêu là cái gì đây…?” Ngày mới xuất gia vui lắm, ăn cơm không được, cứ ngồi vuốt vuốt lá y miết. Tu lâu thì lờn, giờ thì dễ duôi, lem luốc. Tôi nhớ bảy năm đầu sạch sẽ lắm. Nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi.
Xuất gia xong rồi có nhiều vị tỳ kheo gặp ngài Māhakappina, họ thấy mến lắm. Thay vì đi theo Đức Phật, ngài Mục Kiền Liên hay ngài Ca Diếp thì họ xin đi theo ngài Māhakappina. Ngài có phước làm vua nên có thần khí của người vốn là chân mạng đế vương. Một ngàn vị cũng đi theo, gọi là ‘antevasika’: đệ tử cộng trú – sống trong cùng một trú xứ. (‘ante’: trong; ‘vasika’: sống)
Ở chung như vậy, hễ có ai thuyết pháp thì ngài Māhakappina bảo đi nghe thuyết pháp, đi bát thì ngài gọi đi bát chung. Ai nghe thuyết pháp được cái gì thì cứ tu, thích đi theo thì ngài cho đi theo chớ không nói một tiếng nào hết. Một ngày kia, Đức Phật gặp nhóm này, Ngài hỏi: Thầy của các ông có dạy giáo lý không? Họ trả lời: Thấy sư phụ đáng kính, uyên bác lắm, ai hỏi cũng trả lời lưu loát nhưng chớ hề nói tiếng nào. Đức Phật gọi ngài Māhakappina hỏi có đúng như vậy không, vì sao người ta đi theo mà không giảng gì cho họ. Ngài Māhakappina trả lời vì đông quá mà lại có Thế Tôn nên không thuyết pháp cho họ. Đức Phật bảo: Người ta có lòng đi theo, kính tin nơi mình thì hãy thuyết pháp cho họ. Nghe Đức Phật nói vậy, ngài Māhakappina thuyết thời pháp rất ngắn, chỉ trong vòng ba nốt nhạc thì một ngàn vị tỳ kheo này đều lập tức chứng quả La-Hán.
Nói về hoàng hậu của vua Māhakappina, vẫn lặp lại cảnh y hệt như vậy, cũng tới dòng sông, gặp Đức Thế Tôn và một ngàn vị tân thọ tỳ kheo đang ngồi ở đó, bà cũng phát nguyện: Nếu quả thật trước mặt con là Thế Tôn, là La-Hán, là Chánh Đẳng Giác, là tứ sanh từ phụ, thiên nhân chi đạo sư thì xin cho một đoàn người này qua sông. Sau lời nguyện này thì một ngàn người ngựa đều qua sông. Thế Tôn cũng thuyết pháp cho họ và một ngàn vị nữ nhân này chứng quả Dự Lưu, Tu-đà-hoàn. Đức Phật xét thấy một ngàn vị này phải xuất gia vì không còn đường rút lui, họ đủ duyên để chứng La-Hán và xuất gia. Ngài dùng thần giao cách cảm và suy nghĩ thế này: “Uppalavaṇṇā (tỳ kheo Liên Hoa Sắc) Hãy đến đây!”
Uppalavaṇṇā là đệ nhị Thượng thủ Thinh Văn bên ni, tương đương ngài Mục Kiền Liên bên tăng. Đệ nhất trí tuệ bên tăng là ngài Xá Lợi Phất, bên ni là bà Khema. Đệ nhất thần thông bên tăng là ngài Mục Kiền Liên, và bên ni là bà Uppalavaṇṇā. Bà rất đẹp, màu da của bà đẹp như hoa sen. Có điều, do nghiệp cũ, dù có thần thông mà bà cũng bị cưỡng hiếp, lúc đó thần thông không phát huy được. Ngài Mục Kiền Liên giỏi như vậy mà cũng bị cướp giết, lúc đó ngài không có ý tránh, và cũng là lúc trả nghiệp. Dù có muốn cũng không phát huy thần thông lúc đó được. Chỉ có Phật Toàn Giác mới không bị tấn công bạo liệt, Phật Độc Giác và Thinh văn hoàn toàn có thể bị giết.
Tôi là tu sĩ mà nói tới cầu an cầu siêu tôi cũng ít tin. Nếu có làm lành, nhờ phước, nhờ chư thiên hộ trì, nhờ oai lực Tam Bảo, và nghiệp nhẹ thì mình tránh được một chút. Còn nếu là trọng nghiệp thì Phật Độc Giác, ngài Mục Kiền Liên còn tránh không nổi, sá gì mình. Chuyện cầu siêu, người ta tụng kinh mà mình được chút ít gì đó thì khả năng chỉ có một phần triệu, bởi theo kinh Nam tông, vừa tắt thở họ đã đi đầu thai tái sanh về cảnh giới nào đó rồi. Chỉ có một phần triệu họ là loại phi nhơn nào đó nhận được phước báu họ hoan hỉ đổi kiếp. Mình thương thì mình làm vậy chớ hy vọng thì không có hy vọng lắm. Một điều quan trọng nữa là mỗi người hãy tự cầu an cầu siêu cho mình bằng cách tự vun bồi công đức. Tụng kinh lúc cận tử nghiệp có tác dụng không? Có chứ. Nhưng đương sự lúc sinh thời cũng phải là người có tu tập ít nhiều. Kinh Mi Tiên nói rằng tụng kinh cầu an chỉ có tác dụng với ba điều kiện: 1.Người tụng chuyên tâm. 2.Người nghe hoan hỷ đón nhận với sự hiểu biết, 3.Không có trọng nghiệp can thiệp.
Có chữ này hay lắm: ‘sāsana’ nghĩa là ‘giáo pháp’, ‘lời dạy’ (teaching), mà chữ ‘nāsana’ nghĩa là ‘phá hoại’. Cộng hai chữ lại thành ‘sāsananāsana’nghĩa là ‘phá đạo’. Nhiều khi lòng mình muốn là hỗ trợ mà thành ra là phá đạo. Động từ ‘naseti’ nghĩa là ‘phá hoại’ ‘làm cho hư’ (destroy, collapse).
Khi nghe Đức Phật chú nguyện, bà Uppalavaṇṇā lập tức biết liền và đến. Bà truyền giới tỳ kheo và đem họ về ni viện, còn Đức Thế Tôn thì đem ngàn vị tỳ kheo về tăng viện. Một ngàn vị này không phải 1.000 vị đi cùng vua ngày đầu.
Khi ngài Māhakappina mới nói chỉ có ba giây là ngàn vị đắc La-Hán hết, Đức Phật lúc đó nói rằng: Trong đệ tử của Như Lai chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có một vị thuyết pháp độ cho người ta đắc thánh nhanh và nhiều với số lượng lớn như vậy. Vì vậy xác nhận ngài Māhakappina đệ nhất huấn tăng.
Đệ nhất biệt hạnh
Thế nào là đệ nhất? ‘Etadagga’: đệ nhất biệt hạnh. Nghĩa là hạnh đó không ai bằng. Vị nào hội đủ bốn điều kiện sau đây mới được Đức Phật tuyên dương đệ nhất biệt hạnh (như đệ nhất thần thông, đệ nhất trí tuệ, đệ nhất đầu đà…)
1. Atthuppattito: phải có bằng chứng điển hình, cụ thể.
2. Agamanato: túc duyên sâu dày, nhiều kiếp vun bồi biệt hạnh đó.
3. Cinnavasito: bình sinh sống chuyên sâu về biệt hạnh đó. ‘Cinna’: huân tập (accumulated)
4. Gunātirekato: trong thực tế không ai sánh bằng đương sự về biệt hạnh này.
_____________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma-sambuddhassa.
Trả lờiXóa