145. Về cái nhà không mái của người thợ gốm?
- Thưa đại đức! Chuyện của người thợ gốm, Thánh đệ tử cư sĩ của Đức Phật Kassapa vẫn chưa xong ạ!
- Đại vương cứ hỏi! Chẳng lẽ đại vương có những hoài nghi nào đó liên quan đến vị Thánh cư sĩ này chăng?
- Thưa, vâng!
- Chuyện ấy ra sao, đại vương cứ kể ra và cứ đặt câu hỏi, hy vọng rằng bần tăng sẽ góp được một vài ý kiến chăng!
Đức vua Mi-lan-đà bắt đầu kể:
- Trẫm có nhớ rằng, người thợ gốm có tên là Ghàtikàra, sống đời cư sĩ nhưng giữ giới luật của bậc Thánh. Vị ấy tuy làm thợ gốm nhưng không dám tự tay đào đất lấy sét vàng, sét trắng. Vị ấy đã phải bỏ nhiều thời gian đi từ cánh đồng này sang cánh đồng khác tìm những hang, những lỗ do chuột, chồn, cáo đào, bới vương vãi ra. Vị ấy chỉ dùng loại đất sét ấy về lọc mịn, nhồi, nắn thành thau, chậu, nồi, chén, bát... rồi đặt vào lò nung, sau đó đem bán cho mọi người. Vì giữ giới luật của bậc thánh, vị ấy không nhận tiền, vàng, bạc hoặc cất giữ tiền, vàng và bạc; chỉ nhận và trao đổi theo giá trị của mặt hàng để lấy ngũ cốc, rau cải, muối, vải vóc v.v... Bằng cách sống và làm việc như vậy, vị ấy nuôi mình, nuôi cha mẹ mù lòa cùng hộ độ Đức Phật Kasspa và Tăng chúng. Đặc biệt, vị Thánh cư sĩ luôn đặt bát cho Đức Phật Kassapa vào mỗi buổi sáng.
Hôm kia, vì công việc đi tìm đất sét khó khăn, xa xôi, vị Thánh cư sĩ phải đi rất sớm. Từ khi sao mai còn tinh rạng trên bầu trời, vị Thánh cư sĩ đã lo cơm canh và nước uống cho cha mẹ, lại còn chuẩn bị chu đáo phần để bát cho Đức Phật theo lệ thường.
Vị Thánh Ghàtikàra dặn lại với cha mẹ mù lòa:
- Thưa cha mẹ! Sáng nay con không thể tự tay đặt bát cho Đức Thế Tôn, thật là có lỗi, nhưng con tin là Đức Thế Tôn hiểu lòng dạ của con. Vậy thì khi cha mẹ nghe tiếng "đằng hắng" ở nơi cửa - nhất định đấy là Đức Phật - thì cha mẹ sẽ thưa lại với ngài như sau: "Bạch Đức Thế Tôn! Con trai của con đã đi vắng, nhưng đứa con trai của con vẫn mong muốn cúng dường vật thực vào mỗi buổi sáng. Vậy xin Đức Thế Tôn hoan hỷ, hãy tự ý đi vào bếp; thức ăn khô, thức ăn nước, con của con đã đậy đằng sẵn ở trong cũi, cơm trộn sữa, con của con đang để sẵn ở trong chảo."
Và quả đúng, sau đó, chuyện xảy ra y như vậy. Đức Thế Tôn Kassapa chẳng chấp nhất gì, đi vào bếp và tự tay đổ cơm và canh vào bát cho mình. Người cư sĩ thánh thiện cùng cha mẹ mù lòa của vị ấy sung sướng, hỷ lạc vô cùng.
Lại hôm khác, mưa xuống, tịnh thất của Đức Phật bị dột rất nặng, chẳng có chỗ nào khô ráo để Đức Thế Tôn an ngự. Ngài nói: "Này chư tỳ kheo! Hãy đi tìm tranh hoặc cỏ để lợp lại cốc cho Như Lai. Hãy đến nhà cư sĩ Ghàtikàra xem sao!" Khi các vị tì kheo đi về, Đức Phật hỏi: "Thế nào, ở đấy có tranh hoặc cỏ không?" Chư tỳ kheo thưa: "Dạ có, nhưng nó ở trên mái!" Đức Thế Tôn phán: "Cứ có tranh là được, bất kỳ ở đâu, hãy lấy tranh ấy về!"
Vâng lời Đức Phật, chư tỳ kheo đến nhà cư sĩ Ghàtikàra, leo lên mái và gỡ tranh ra. Hôm ấy, cư sĩ đi vắng. Cha mẹ mù lòa của ngài cư sĩ, nghe tiếng người xôn xao, với tiếng tranh bị gỡ ở trên mái, bèn ngạc nhiên hỏi: "Các người là ai?" "Thưa, chúng tôi là tỳ kheo!" "Các vị làm gì vậy?!" "Thưa, cái cốc của Đức Thế Tôn bị mưa dột, chúng tôi gỡ tranh này về lợp lại cái cốc cho Đức Thế Tôn!"
Cha mẹ mù lòa của cư sĩ Ghàtikàra nghe vậy, hỷ lạc dâng khắp đầy người, rối rít nói: "Vậy là tốt, vậy là có phước báu lắm, vậy các ngài hãy gỡ đi, cứ gỡ hết đi, về lợp lại tịnh thất cho Đức Thế Tôn".
Người cư sĩ thánh thiện đi công việc về, thấy nhà trống không, chẳng có mái che, bèn hỏi: "Tại sao cái nhà toang hoác, thấy trời vậy, thưa cha mẹ?" Cha mẹ cư sĩ kể lại. Thế là hỷ lạc dâng khắp đầy trong tâm vị cư sĩ suốt một tuần mới chịu tan đi.
Câu chuyện kể đến ngang đây, Đức vua Mi lan đà ngưng hơi nghỉ một lát. Đại đức Na tiên tiếp lời:
- Thế là bắt đầu hôm ấy, cái mái nhà trống không ấy của ngài cư sĩ, mưa nắng gì cũng không lọt vào được, suốt ba tháng như thế?
Đức vua gật:
- Đúng vậy. Và các vấn đề, những mối nghi cũng bắt đầu từ đấy.
- Đại vương cứ nói!
- Nước mưa hoặc nắng không thể lọt vào nhà suốt trong ba tháng hẳn là điều phi thường, nhiệm mầu, lạ lùng! Ôi! oai lực của vị cư sĩ kia quả là to lớn! Cũng phải thôi! Người cư sĩ kia có ngũ giới trọn vẹn, có bát quan trai giới tuyệt hảo, lại còn có thêm giới luật của bậc thánh. Ngoài ra, ông ta có thiện căn sâu dày, hiếu thảo phụng sự nuôi dưỡng cha mẹ mù lòa, hộ độ Đức Phật và Tăng chúng, có đức tin trong sạch, bất thối với Tam Bảo, với thiện pháp... Người như thế thì phước báu như thế. Nhân như vậy thì quả phải thù thắng. Nhà không phải lợp bằng cỏ tranh bình thường mà rõ ràng là được lợp bởi giới, bởi đức tin thuần khuyết, bởi công đức cao vợi, bởi tâm hiếu thảo, bởi sự cúng dường không mệt mỏi! Trên thế gian này chẳng ai có oai lực để so sánh bằng...
- Đại vương cứ nói tiếp.
- Vâng, cho chí Đức Thế Tôn Kassapa cũng chẳng có oai lực được như thế, mưa dột mái phải kiếm tranh lợp lại như mọi người trong thế gian này? Thưa đại đức! Đấy là những câu hỏi của trẫm, những mối nghi của trẫm vậy!
- Nói tóm lại, đại vương muốn hỏi: "Tại sao oai lực của Đức Thế Tôn không bằng oai lực của vị Thánh đệ tử?"
- Vâng, vâng!
- Và, tại sao, Đức Phật Kassapa lại vô ngại đến độ, đi vào bếp nhà người ta, tự ý lấy cơm canh đổ vào bát của mình?
- Vâng, vâng!
Đại đức Na-tiên im lặng giây lát:
- Tâu đại vương! Về oai lực chư Phật thì quả là vô biên giới, vô hạn lượng, vô hạn định, không có mé bờ. Đức Phật là tối thượng trong tam giới, là thầy của chư thiên và nhân loại, không có oai lực nào trên thế gian khả dĩ so sánh với oai lực của ngài được. Cốc của Đức Phật bị dột, thế ra ngài sợ bị dột ư? Ngài sợ nước ư? Không phải thế đâu! Hằng trăm, hằng ngàn, hằng vạn nước ấy; hằng ngàn hằng triệu mưa, nắng, gió ấy... cũng chẳng thể làm gì ngài được đâu! Núi Tu di vẫn bất động trước cơn gió hung bạo, cuồng nộ thổi trăm chiều và cho dù sức mạnh của trăm ngàn cơn gió ấy cọng lại, núi Tu di vẫn không lay chuyển.
Ví như biển cả sâu thẳm và mênh mông, hằng trăm hằng ngàn con sông Hằng tuôn đổ vào, không vì thế mà biển cả đầy hơn. Trái lại, hằng trăm, hằng ngàn con sông Hằng, hằng ngày rò rỉ nước, không vì vậy mà biển cả vơi đi chút nào. Núi Tu di và biển cả được ví như đức lớn của Đức Phật vậy, nó ở ngoài và ở trên mọi oai lực, không có oai lực phi thường nào đụng đến ngài được. Huống hồ là oai lực của vị cư sĩ! Huống hồ là các oai lực của tự nhiên như nắng, mưa, gió, bão... tâu đại vương! Có lẽ là đại vương chỉ giả vờ hỏi khó bần tăng đấy thôi!
- Không dám! Cách giải thích của đại đức như thế đã tạm ổn, tuy chưa có minh chứng cụ thể. Đức Phật nhập diệt lâu rồi, chúng ta chỉ còn thấy oai lực ấy hiện hữu trên ngôn ngữ và lý luận. Ở đấy cần phải có đức tin mới giải tan vấn đề được, phải vậy không, đại đức?
- Đúng thế. Và bần tăng biết, bần tăng có đức tin ấy.
Đức vua Mi lan đà cười xòa:
- Trẫm cũng có, đại đức chớ có lo! Vậy còn mối nghi thứ hai và thứ ba?
- Tâu, việc dâng cúng vật thực thành tựu là do ở tâm, ở tác ý quyết định. Chính Đức Phật Kassapa biết tác ý kính thành, trong sạch của người cư sĩ, nên đã vô ngại đi vào bếp. Nhờ vậy, người cư sĩ và cha mẹ của người cư sĩ sẽ hoan hỷ hơn. Vì hoan hỷ nên phước báu sẽ lớn hơn. Giúp cho chúng sanh nhiều phước báu, tạo thêm duyên cho chúng sanh biểu hiện tấm lòng, tăng trưởng đức tin, không là việc đáng làm sao, hả đại vương!
- Trẫm đồng ý với kiến giải này.
- Việc gỡ mái nhà cũng y như thế. Đức Thế Tôn biết gia đình ấy sẽ sung sướng, hỷ lạc; và niềm hỷ lạc sẽ đến cho họ cả tuần lễ, nên ngài mới làm. Chuyện ấy là thường tình thôi. Ví như đại vương là bậc cao quý, tự đến nhà một bề tôi trung thành, thân tín, là niềm hãnh diện cho người bề tôi ấy. Giả dụ đại vương lấy ở nhà ấy một vật gì, người bề tôi ấy hẳn là sung sướng lắm. Có phải thế không ạ?
- Vâng.
- Có người còn hỏi: "Tại sao Đức Phật không sử dụng oai lực thần thông để che kín mái nhà của mình? Thảng hoặc, sai Đế thích hoặc Tứ đại thiên vương bảo thần mưa, thần nắng đừng có phạm đến mái nhà?" Đại vương có muốn trả lời điều này chăng?
- Thưa, không cần thiết. Thần thông là thế gian pháp, bất đắc dĩ chư Phật mới sử dụng. Khi các câu hỏi ở trên đã thông rồi thì các điều còn lại, trẫm sẽ tự giải nghi cho mình. Làm phiền đại đức vậy là đã quá nhiều. Chư Phật độ người là quan trọng, biểu diễn thần thông phép lạ là việc làm không thích dáng vậy.
- Cảm ơn đại vương đã thông hội vấn đề nhặm lẹ.
- Thưa, cũng thường thôi!
* * *
Bài viết được chúng tôi trích từ cuốn sách "MI TIÊN VẤN ĐÁP"
do Hòa thượng Giới Nghiêm dịch sang tiếng Việt, Tỳ kheo Giới Đức hiệu đính
Nhận xét
Đăng nhận xét