112. Cái cây có tâm ý không?
- Thưa đại đức! Trẫm không nhớ là ở đoạn kinh nào, Đức Thế Tôn có thuyết cho một người bà-la-môn như sau: "Này ông bà-la-môn, ông là người có học thức, siêng năng học hỏi; ông biết rõ cái gì tốt, cái gì xấu... thì tại sao ông tìm kiếm sự an lạc bằng cách nói chuyện với cái cây, là vật không có tâm ý? Việc làm ấy của ông có thích đáng không, có xứng đáng là kẻ có trí thức không?" Thế rõ là cái cây không có tâm ý, phải vậy không đại đức?
- Thưa vâng!
- Thế nhưng tại sao ở một chỗ khác, khi nói chuyện với bà-la-môn Bhàradvàja, Đức Thế Tôn lại bảo: "Này ông bà-la-môn, hãy đi hỏi cái cây Phandano ấy đi, cái cây ấy đáp như thế nào thì lời của Như lai cũng như thế ấy?"
Thưa đại đức, vậy là sao ạ? Ở trên thì Đức Thế Tôn bảo cái cây không có tâm ý, dưới thì Đức Thế Tôn bảo là cái cây trả lời, tức là cái cây có tâm ý? Chẳng lẽ nào Đấng Đại Giác lại nói hai lời, trước sau bất nhất như vậy?
- Tâu đại vương! Đức Thế Tôn chẳng bao giờ nói hai lời, trước sau không nhất quán đâu! Cái cây vốn không có tâm ý là sự thật. Trường hợp sau, Đức Thế Tôn bảo cái cây biết nói chuyện cũng là sự thật, chẳng có gì sai ngoa cả!
- Trẫm không hiểu.
- Rất dễ hiểu đấy, đại vương! Trên cái cây ấy Đức Thế Tôn biết có vị thọ thần ở. Khi bà-la-môn Bhàradvàja hỏi, vị thọ thần ấy sẽ trả lời. Người đời thường không thấy, không biết nên truyền với nhau rằng: cái cây biết nói chuyện, cái cây biết trả lời!
- À ra thế!
- Đấy cũng là cách nói bình thường trên thế gian. Ví như cái xe chở lúa làm bằng gỗ, thế nhưng vì chở lúa nên người ta không gọi là xe gỗ mà gọi là xe lúa, tâu đại vương!
- Đúng thế.
- Ví như bao vải người ta làm bằng bông vải, nhưng khi đựng sắn, khoai người ta không còn gọi là bao vải nữa mà người ta gọi là bao sắn, bao khoai - tâu đại vương!
- Trẫm đã hiểu.
- Vì người đời thường nói theo với thấy biết của họ, có tính cách ước lệ, cốt trao đổi thông tin với nhau - nên trong khi thuyết giảng, Đức Thế Tôn cũng nói theo cách nói của đại chúng - để mọi người dễ lãnh hội. Điều ấy đại vương đã lãm tường rồi chứ?
- Thưa vâng, trẫm nhờ đại đức mà thấy thêm được một mặt nữa về trí tuệ vô lượng của Đức Tôn Sư!
* * *
Bài viết được chúng tôi trích từ cuốn sách "MI TIÊN VẤN ĐÁP"
do Hòa thượng Giới Nghiêm dịch sang tiếng Việt, Tỳ kheo Giới Đức hiệu đính
Nhận xét
Đăng nhận xét