Bác sĩ Elisabeth Kubbler-Ross, một chuyên gia nổi tiếng chuyên nghiên cứu về trường hợp của những người chết trong một thời gian ngắn rồi sống lại (Near Death Experience), đã đưa ra năm giai đoạn tâm lý mà đa số người sắp chết thường trải qua, đó là: phủ nhận, tức giận, mặc cả, chán nản, chấp nhận .
Thí dụ một người đi khám bệnh, được bác sĩ cho hay là mắc bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, và chỉ còn sống khoảng sáu tháng nữa. Khi ấy người bệnh thường không tin và phủ nhận, họ nói: "không thể nào như vậy được!", "tôi còn quá trẻ làm sao mắc bệnh ung thư được?", "chắc bác sĩ lầm rồi!", v.v... và họ từ chối không chấp nhận sự thật. Nhiều khi họ còn tin là bác sĩ đã chẩn bệnh sai.
Sau đó họ đi khám bác sĩ khác để kiểm chứng với hy vọng là họ không có bệnh. Nhưng khi bác sĩ khác cũng xác định là họ bị ung thư, thì họ quay sang tức giận, "tôi đã làm gì mà bị bệnh ung thư?", "tại sao lại ung thư mà không bị bệnh khác?", "trời cao không có mắt hay sao mà để cho tôi bị bệnh này?", "tại sao lại tôi mà không phải là người khác?", v.v... cứ thế trong tâm họ vùng vẫy, tức tối với trời đất, với cuộc đời, với xã hội, với loài người, với chính mình hoặc bất cứ ai mà họ có thể kết tội được.
Trải qua một thời gian tức giận, vùng vẫy kết tội kẻ khác, họ ý thức được dù có tức giận cách mấy chăng nữa, bệnh ung thư vẫn không hết và họ đang tiến dần tới cái chết. Lúc đó họ quay sang mặc cả. Mặc cả với ơn trên, với tất cả các đấng thần linh mà họ biết, với Chúa, với Phật, với Thượng đế, "xin cho con khỏi bệnh thì con sẽ ăn chay một năm", "nếu hết bệnh thì con sẽ bố thí vài chục ngàn cho các cơ quan thiện nguyện, cứu giúp kẻ nghèo", "con xin phát tâm phóng sinh mỗi tháng năm ngàn con cá", "con sẽ bỏ ác làm lành, không cờ bạc rược chè nữa", hoặc "con sẽ xuất gia gieo duyên", v.v...
Mặc cả một thời gian mà không thấy ơn trên đáp ứng, không thấy bệnh thuyên giảm thì họ bắt đầu chán nản, buồn rầu, sợ hãi, tuyệt vọng, vì biết mình không thể thoát chết. Ở giai đoạn này người bệnh thường tủi thân, gặp một chút gì trái ý là mủi lòng, than khóc.
Khi biết mình chắc chắn sẽ chết thì từ từ họ bước sang giai đoạn chấp nhận. Chấp nhận mình thực sự sắp chết và sửa soạn đón nhận cái chết.
Năm giai đoạn trên không phải ai cũng phải trải qua, đó chỉ là một quan niệm đúc kết từ sự nghiên cứu của Bác sĩ Kubbler-Ross. Có những người chỉ trải qua một hay hai giai đoạn, hoặc ba, bốn giai đoạn, hoặc cả năm giai đoạn. Tuy nhiên điều quan trọng là nếu chết vào giai đoạn cuối, tức là chết với tâm chấp nhận thì xem như chết bình an, không mắc kẹt trong Trung giới. Còn chết với tâm trạng phủ nhận, hay tức giận thì có thể bị mắc kẹt trong cõi Trung giới, chết mà không ý thức được mình đã chết nên cứ lảng vảng, quanh quẩn ở thế giới loài người.
Vì thế nên đạo Phật thường dạy chúng ta luôn suy tư, quán chiếu về vô thường, vô ngã để có thể ra đi, từ bỏ thế gian một cách bình an, không luyến tiếc. Nhờ quán chiếu vô thường mà chúng ta làm quen dần với cái chết, biết cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, có thể đến ngày mai, hoặc chiều nay. Quán chiếu vô thường và chết sẽ giúp chúng ta sống trọn vẹn từng ngày và cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Bởi vì nếu ngày mai mình chết thì hôm nay đâu cần phải ăn thua đủ với ai? Nếu tháng tới mình chết thì đâu cần phải cong lưng chạy đông chạy tây kiếm thật nhiều tiền? Thường quán chiếu vô ngã, biết tất cả sự vật trên đời này không có cái gì là của mình, và nhất là không thể mang theo được qua cõi chết, vậy thì tội gì tham đắm, tích trữ tiền bạc mà không đem ra tiêu xài, giúp đỡ kẻ khác?
Bài viết được Đạo Phật Nguyên Thủy trích từ cuốn sách
Dòng Đời Vô Tận của Hòa thượng Thích Trí Siêu
Nhận xét
Đăng nhận xét