Đức Phật xưa kia thuyết pháp tùy theo căn cơ người nghe, Ngài không có dạy độc nhất một pháp môn.
Sau thời Phật nhập Niết bàn, các đệ tử của Ngài, dù đã chứng thánh quả nhưng không đủ trí tuệ như Ngài, nên không thể nói pháp tùy theo căn cơ người nghe. Ai tu tập pháp môn nào thì chỉ biết giảng dạy pháp môn đó, đây là lý do phát sinh ra nhiều tông phái và phái nào cũng cho là mình thực hành đúng nhất với lời dạy của Phật. Đến thời nay cũng thế, vẫn có những người tuyên dương pháp môn của mình là đúng, là hay nhất.
Thí dụ người vợ thích ăn cá kho và muốn chồng con cũng phải ăn cá kho giống mình thì mới hài lòng. Người nào không thích cá kho thì mình ghét. Người tu Thiền mà muốn ép người khác tu Thiền giống mình thì cũng giống như bà vợ kia. Người tu Tịnh độ mà muốn người khác phải theo Tịnh độ và nghĩ Tịnh độ là hay nhất, hợp thời nhất thì cũng giống như bà vợ thích cá kho.
Học rộng hiểu nhiều pháp môn để giảng dạy là trí tuệ. Giảng tùy căn cơ thích hợp người nghe để họ tu tập bớt khổ là từ bi.
Khi tu theo một pháp môn tức là thấy pháp môn đó hay và hợp với mình, nên muốn chia xẻ với người khác, nhưng nếu họ đang tu theo một pháp môn khác của Phật thì không nên cải tạo và chiêu hồi họ về với pháp môn của mình. Vì làm như vậy là vô tình chấp pháp và biến nó thành ngã sở. Pháp môn nào cũng đều là của Phật. Nếu chỉ trích pháp môn khác tức là vô tình chỉ trích Phật.
Thuở xưa, không có phương tiện truyền thông tối tân hiện đại như băng cassette, CD, DVD, và internet. Nhưng ngày nay băng giảng Phật Pháp của chư tôn đức được lưu chuyển khắp nơi, và Phật tử có thể tìm nghe dễ dàng. Tìm nghe pháp như vậy là điều tốt, nhưng đâu phải ai cũng có trí tuệ và chánh kiến, biết phân biệt thầy nào chuyên giảng về Thiền hay Tịnh, nghiêng về Tánh hay Tướng, Đại thừa hay Nguyên thủy, v.v... Pháp nào cũng là thuốc hay, nhưng nếu uống loạn xà ngầu thì có thể công phạt lẫn nhau.
Phật tử đi nghe pháp cần phải biết vận dụng trí tuệ chọn thầy, lựa pháp. Khi nghe pháp mà tâm hoan hỷ, niềm tin đối với Phật Pháp tăng trưởng thì nên tiếp tục. Còn nếu nghe pháp mà hoang mang, mất niềm tin với pháp môn mình đang tu thì nên ngừng. Nếu thích tu Thiền thì nên tìm các băng giảng của quý thầy chuyên tu Thiền. Nếu thích Tịnh độ thì nên vào các trang nhà (website) Tịnh độ mà nghe và đọc để tăng trưởng niềm tin, không nên chạy lộn qua bên Thiền, vì Thiền chuyên về lý tánh, không chấp nhận những gì thuộc về sự tướng mà tông Tịnh độ xiển dương.
Khi đi nghe pháp, chúng ta không nên chú ý vào hình thức như thầy nói nhanh hay chậm, giọng tốt hay dở, vui tính hay khó tính, uống nước nhiều hay ít, mà nên chú ý vào nội dung bài pháp, những lời thầy nói có giúp ích gì cho mình trong việc tu tâm sửa tánh, chuyển hóa lo âu, buồn giận hay không? Đi nghe pháp như vậy mới thực sự lợi ích.
Bài viết được Đạo Phật Nguyên Thủy trích từ cuốn sách
Dòng Đời Vô Tận của Hòa thượng Thích Trí Siêu
Nhận xét
Đăng nhận xét