Đây là chuyện có thật, xảy ra tại tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. Tại một nhà thương nọ, các bác sĩ đã giải phẫu một người đàn ông bị bệnh mập phì, gắn vào một cái vòng thắt bao tử để giúp ông bớt ăn nhiều.
Sau cuộc giải phẫu vài ngày và bắt đầu lại sức, ông đứng dậy đi lang thang trong hành lang của nhà thương để tìm nhà bếp. Khi thấy được nhà bếp thì ông đi thẳng tới cái tủ lạnh to tướng, mở ra và ăn ngấu nghiến tất cả đồ ăn để trong đó. Vì ăn quá mức nên cái vòng thắt bao tử của ông tét ra, làm chảy máu nội thương. Thế là bác sĩ phải mổ lại lần thứ nhì cứu ông thoát chết. Nhưng ai ngờ sau đó ông quay ngược lại kiện nhà thương và bác sĩ. Ông nói: "Tôi bị mổ lần thứ nhì không phải lỗi tại tôi mà là lỗi của nhà thương và bác sĩ đã không biết khóa cái tủ lạnh lại".
Khi nghe câu chuyện trên chắc bạn sẽ tức cười vì quá vô lý. Người đàn ông mập phì kia đã không biết lỗi mình tham ăn thì chớ, nay lại quay sang đổ lỗi cho người khác. Nhưng nếu nhìn kỹ một chút thì đa số chúng ta cũng thường mắc phải lỗi tương tự. Mỗi khi gặp đau khổ, phải chăng chúng ta hay nói: " Tôi buồn là vì ông A mắng chửi tôi; hoặc tôi khổ là tại bà B giựt tài sản của tôi, v.v..."?
Ông A có mắng chửi tôi hay không, đó là vấn đề của ông A, vì tôi không thể làm chủ ý nghĩ và lời nói của ông ấy. Nhưng tôi có buồn giận hay không, đó là vấn để của tôi, vì tôi có thể làm chủ tâm ý và tình cảm của mình. Nếu tôi buồn vì bị ông A mắng chửi, đó tức là tôi đã vô tình cho phép ông ấy điều khiển tình cảm của tôi. Nói cách khác, tôi là một người nộm để cho người khác giựt giây. Khi bị người mắng thì tôi buồn, được người khen thì tôi vui. Như vậy sự vui, buồn của tôi hoàn toàn tùy thuộc vào kẻ khác.
Nếu bà B giựt tài sản của tôi một cách bất lương thì điều mà tôi có thể làm là nhờ luật pháp can thiệp, và không cần phải "buồn khổ". "Buồn khổ" là một cảm xúc thừa và vô ích (hay vô minh). Nếu tôi buồn khổ, tức là tôi đã dại dột cho phép bà B hại tôi tới hai lần, một lần về tài sản, và một lần về tinh thần.
Tóm lại, người khác có thể làm bất cứ chuyện gì đối với ta, đó là việc của họ, vì họ đang tạo nghiệp. Chuyện quan trọng là phản ứng của ta đối với hành động của họ. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào ta, và ta là người chịu trách nhiệm về ý nghĩ, tình cảm của mình. Đừng đổ lỗi cho kẻ khác.
Bài viết được Đạo Phật Nguyên Thủy trích từ cuốn sách
Dòng Đời Vô Tận của Hòa thượng Thích Trí Siêu
Nhận xét
Đăng nhận xét