TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 47
Kinh tư sát
I. TOÁT YẾU
Vìmamsaka Sutta - the inquirer.
The Buddha invites the bhikkhus to maek a thorough investigation of himself in order to find out whether or not he can be accepted as fully enlightened.
Người tìm hiểu.
Phật khuyên các tỳ kheo nên làm một cuộc tra tầm toàn diện về bản thân Ngài để tìm hiểu xem Ngài có đáng được chấp nhận là hoàn toàn giác ngộ hay không.
II. TÓM TẮT
Phật dạy các tỳ kheo cần phải tìm hiểu về Như Lai xem Ngài có thực là Chính đẳng giác hay không. Có bảy việc đáng tìm hiểu.
1. Những pháp ô nhiễm do mắt tai nhận thức có còn hiện khởi nơi Ngài không.
2. Những tạp pháp khi nhiễm khi tịnh do mắt tai nhận thức, có hiện khởi không.
3. Những pháp hoàn toàn thanh tịnh do mắt tai nhận thức, có hiện khởi không.
4. Thiện pháp này thành tựu nơi Ngài trong một thời gian dài hay ngắn.
5. Khi nổi danh, một số nguy hiểm có xảy ra cho Ngài không.
6. Xét Ngài do sợ hãi tiếng xấu mà từ bỏ hay vì đã đoạn diệt tham ái mà từ bỏ; để nhận rằng Ngài do vô úy mà từ bỏ, vì dù ở giữa chúng hay ở một mình Ngài vẫn vậy; và Ngài không chỉ trích những người theo ác giới, chuyên trọng tài vật.
7. Sau khi tìm hiểu, phải hỏi lại Phật chính những điều ấy. Một đệ tử cần phải đến gần một bậc đạo sư như vậy để nghe pháp, chứng tri pháp ấy, đạt đến cứu cánh, và khi ấy sẽ khởi lòng tịnh tín: "Thế tôn là bậc Chính đẳng giác, Pháp được Ngài khéo giảng, chư tăng khéo hành trì." Lòng tin như thế được gọi là căn cứ trên chính kiến, không thể bị phá hoại bởi bất cứ ai trên thế giới với chư thiên, ma, Phạm, sa môn, bà la môn…
III. CHÚ GIẢI
Do mắt tai nhận thức: Thân hành và ngữ hành là những pháp do mắt tai nhận thức. Cũng như thấy sóng gợn, bọt nổi mà biết trong nước có cá, do hành vi hay lời nói nhiễm ô, người ta có thể biết cái tâm phát sinh ra những hành vi và lời nói ấy cũng nhiễm ô.
Tạp pháp, vìtimissà dhammà, ám chỉ hành vi của người đang thanh lọc hành vi mình, nhưng không thể kiên trì giới hạnh, khi Phật khi ma.
Nguy hiểm là kiêu căng ngã mạn, vv. Một vài người, khi chưa nổi danh thì những nguy hiểm này không rõ rệt, họ có vẻ an tịnh; nhưng khi nổi tiếng, có đồ chúng, họ lại cư xử bất đáng, đả kích người khác như một con báo vồ đàn nai.
IV. PHÁP SỐ
Ba loại pháp: nhiễm, tịnh, và hỗn tạp.
V. KỆ TỤNG
Phật dạy các tỳ kheo
Cần tìm hiểu Như Lai
Ðúng bậc Chính đẳng giác
Theo bảy cách tư sát.
1. Một là những ô nhiễm
Do mắt tai nhận thức
Còn khởi lên nơi Ngài
Hay là không hiện khởi.
2. Ðược biết không hiện khởi
Lại xét những tạp pháp
Có khi nhiễm khi tịnh -
Cũng không còn hiện khởi
3. Rồi xét những tịnh pháp
- Pháp hoàn toàn thanh tịnh -
Do mắt tai nhận thức
Có khởi nơi Như Lai.
4. Kế đến, hãy tìm hiểu
Phật thành tựu việc này
Trong thời gian ngắn, dài
Ngài thành tựu từ lâu.
5. Lại xét khi nổi danh
Có nguy nào xảy đến
Phật không gặp nguy nào
Như là tham, mạn, kiến…
6. Lại xét do nhân gì
Ngài tu hạnh viễn ly
Thấy Ngài do diệt ái
Mà tu hạnh viễn ly.
Giữa chúng hay một mình
Ngài vẫn không đổi khác
Không khinh kẻ ác giới
Chuyên chú trọng tài vật.
7. Sau khi tìm hiểu qua
Lại xin Phật xác minh
Về những điều tìm thấy
Ðể biết thực không ngoa.
Ðệ tử phải đến gần
Một đạo sư như vậy
Ðể nghe pháp, suy tư
Và chứng tri pháp ấy
Ðạt đến chỗ cứu cánh
Và khởi lên tịnh tín
Ðối với đức Thế tôn
"Là bậc Chính đẳng giác
Pháp được Ngài khéo giảng
Chư tăng khéo hành trì."
Lòng tin ấy đáng gọi
Căn cứ trên chính kiến
Không thể bị phá hoại
Bởi một ai trên đời".
-ooOoo-
Trích nguồn: Giáo trình do Ni sư Thích Nữ Trí Hải biên soạn,
y cứ theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu,
với phần Anh ngữ của Hòa thượng Nanamoli
Xem đầy đủ bài kinh: Kinh Tư Sát
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammàsambuddhassa!
Trả lờiXóaNamo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa!
Xóa