TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 39
Đại kinh xóm ngựa
I. TOÁT YẾU
Mahà-assapura Sutta - The greater discourse at assapura.
The Buddha elucidates "the things that make one a recluse" with a discourse covering many aspects of the bhikkhús training.
Bản kinh dài giảng ở xóm ngựa.
Phật kể ra những "pháp làm nên một sa môn ẩn sĩ" với một bài giảng bao quát nhiều phương diện tu tập của một tỳ kheo.
II. TÓM TẮT
Tại ấp có tên "Xóm ngựa" của dân Anga [Ương già], Phật dạy chúng tỳ kheo về các pháp làm nên Sa môn, Bà la môn. Ở đây hai danh từ này phải hiểu như định nghĩa của Phật ở cuối kinh: Sa môn là người đã "dừng lại các ô nhiễm đáng sợ, đem lại khổ quả tái sinh, già chết trong tương lai"; còn Bà la môn là người "đã tắm rửa sạch sẽ tất cả các ác bất thiện pháp, những ô nhiễm đưa đến tái sinh, già chết."
Khi đã tự xưng và được người ta gọi là sa môn, tỳ kheo phải tu tập và thành tựu các sa môn hạnh như sau:
1. Tàm và quý nhưng không khen mình chê người;
2. Thân hành thanh tịnh nhưng không khen mình chê người;
3. Khẩu hành thanh tịnh nhưng không khen mình chê người;
4. Ý hành thanh tịnh nhưng không khen mình chê người;
5. Mạng sống thanh tịnh nhưng không khen mình chê người;
6. Hộ trì các căn nhưng không lấy làm tự mãn;
7. Tiết độ trong ăn uống nhưng không tự mãn;
8. Chú tâm cảnh giác vào mọi lúc, tẩy sạch tâm tư khỏi các chướng ngại nhưng không tự mãn;
9. Chính niệm tỉnh giác trong bốn uy nghi nhưng không tự mãn;
10. Thiền định, gột sạch 5 triền cái tham, sân, hôm trầm, trạo hối, nghi; nhờ vậy tuần tự chứng đắc bốn thiền, ba minh, liễu tri bốn chân lý, thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Vị ấy đã xa lìa các bất thiện đưa đến sinh, già, chết trong tương lai, tuệ tri "Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không còn đời nào khác."
III. CHÚ GIẢI
Tàm [hiri] và quý [otappa]: hai đức tính bổ túc cho nhau, trong kinh Tăng chi, được Phật gọi là những vị "hộ trì thế gian" vì đấy là nền tảng của Giới. Tàm có đặc tính là ghê tởm trướcđiều ác, do một ý thức về tính tự trọng. Tàm được thể hiện là sự tự trách mình. Quý có đặc tính là sợ hãi điều quấy, quan tâm đến dư luận.
Sa môn hạnh là con đường bát chính. Cứu cánh của sa môn hạnh là diệt tận tham sân si.
Tắm rửa ở đây ám chỉ lễ tắm rửa của một người bà la môn khi thời gian làm đệ tử một vị thầy đã hoàn tất.
IV. PHÁP SỐ
Bốn vật dụng, bốn thiền, năm triền cái, năm thiền chi.
V. KỆ TỤNG
Phật dạy các tỳ kheo
Hãy tu tập các pháp
Làm nên bậc sa môn
Xứng với danh xưng ấy.
Pháp tác thành sa môn
Gồm có tàm và quý;
Thân hành phải thanh tịnh;
Khẩu, ý hành cũng vậy.
Cách sinh hoạt thanh tịnh;
Hộ trì các căn môn;
Tiết độ trong ăn uống;
Cảnh giác các chướng ngại
Vào tất cả các thời
Giữ chính niệm tỉnh giác
Trong tất cả uy nghi
Gột trừ 5 triền cái.
Như hết nợ, khỏi bệnh
Ra tù, hết nô lệ
Đến đất lành an ổn
Hết triền cái cũng vậy:
Chứng bốn thiền ba minh;
Biết như thật bốn đế;
Tự thân được giải thoát
Sinh tận, phạm hạnh thành.
-ooOoo-
Trích nguồn: Giáo trình do Ni sư Thích Nữ Trí Hải biên soạn,
y cứ theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu,
với phần Anh ngữ của Hòa thượng Nanamoli
Xem đầy đủ bài kinh: Đại Kinh Xóm Ngựa
Nhận xét
Đăng nhận xét