TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 13
Đại kinh Khổ uẩn
I. TOÁT YẾU
Mahàdukkhakkhanda Sutta - The greater discourse on the mass of suffering.
The Buddha explains the full understanding of sensual pleasures, material form, and feelings; there is a long section on the dangers in sensual pleasures.
Bản kinh dài nói về đống khổ.
Phật giải thích sự liễu tri các khoái lạc giác quan, liễu tri sắc và thọ; có một đoạn rất dài nói về những nguy hiểm của dục lạc.
II. TÓM TẮT
Các tỳ kheo đến thăm các du sĩ ngoại đạo và bị chất vấn có gì khác nhau giữa thuyết của Phật với ngoại đạo về ba vấn đề dục, sắc pháp và cảm thọ, vì họ cũng như Phật, hiểu biết hoàn toàn về ba pháp ấy. Tỳ kheo trở về bạch Phật, Phật giảng về sự liễu tri ba pháp ấy trong giáo lý Ngài, ấy là cần phải liễu tri ba điều: vị ngọt, nguy hiểm và sự xuất ly khỏi chúng.
A. Trước hết về dục
Vị ngọt là năm pháp tăng trưởng dục: các sắc, thanh, hương, vị, xúc khả ái do năm giác quan tiếp nhận. Nguy hiểm là:
1. Vì theo đuổi năm thứ ấy mà phải vất vả làm lụng đủ thứ nghề nghiệp.
2. Sự đau khổ thất vọng ê chề nếu sau bao nhiêu nỗ lực theo đuổi mà vẫn không có được điều mình muốn.
3. Sự mất công gìn giữ, lo sợ mất mát khi đã có được.
4. Nỗi đau khổ ghê gớm khi tài sản đã có bị mất trộm, bị tịch thu, bị trôi, bị cháy, bị con hư phá tán.
5. Vì các dục, mà chiến tranh xảy ra khắp nơi giữa người với người; ngay cả trong gia đình, vợ chồng con cái cũng tranh chấp nhau, đưa đến tử vong hoặc đau khổ gần chết.
6. Do dục mà con người trở nên hung bạo tán tận lương tâm, đánh nhau chết bỏ.
7. Do dục mà có cướp bóc giết hại, và có những hình phạt ghê gớm dành cho tội nhân.
8. Do dục mà con người làm các ác hành về thân, ngữ, ý, chết đọa vào các cõi dữ. Đấy là những nguy hiểm của dục. Sự xuất ly là điều phục lòng tham đối với sắc thanh hương vị xúc, cho đến đoạn tận tham dục.
B. Về sắc, ở đây là nữ sắc.
Vị ngọt là vẻ đẹp nơi thiếu nữ, gợi lên cảm giác hỷ lạc nơi người nhìn. Nguy hiểm là vẻ già xấu, bệnh hoạn nằm một chỗ, đắm mình trong phân tiểu của chính mình khi cô ấy đến tuổi thành bà ngoại. Nguy hiểm nữa là vẻ ghê tởm của xác chết khi bị quăng bỏ nơi nghĩa địa, cho đến khi chỉ còn là những đốt xương rời rạc, tan thành tro bụi. Đó là nguy hiểm của sắc. Sự xuất ly khỏi sắc là điều phục dục tham đối với sắc, cho đến đoạn trừ tham dục.
C. Về cảm thọ.
Phật đưa ra hỷ lạc thiền định, để hiển thị ngay cả lạc thọ vô hại ấy cũng còn có nguy hiểm, huống hồ các lạc thọ khác. Vị ngọt là hỷ lạc do ly dục ở sơ thiền, hỷ lạc do định ở nhị thiền, lạc ở tam thiền, xả niệm thanh tịnh ở tứ thiền. Đấy là vị ngọt tối thượng của cảm thọ, vì nó vô hại. Nguy hiểm của cảm thọ này là nó cũng vô thường, biến hoại, nên là khổ. Sự xuất ly các cảm thọ là điều phục dục tham đối với các cảm thọ, đoạn trừ dục tham.
Người nào như thật tuệ tri được vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của các dục, sắc, và thọ, thì mới có khả năng giúp người khác như thật tuệ tri các pháp ấy.
III. CHÚ GIẢI
Liễu tri - parinnà đây có nghĩa là vượt qua, samatikkhama hay từ bỏ, pahàna. Du sĩ ngoại đạo cho chứng sơ thiền là liễu tri dục, chứng các vô sắc là liễu tri sắc, chứng thiền vô tưởng là liễu tri thọ. Trái lại, Phật dạy ở Bất hoàn đạo mới liễu tri các dục, ở A la hán đạo mới liễu tri sắc và thọ.
IV. PHÁP SỐ
Ba pháp: vị ngọt, nguy hiểm, sự xuất ly.
Năm dục trưởng dưỡng: sắc, thanh, hương, vị, xúc.
V. KỆ TỤNG
A. Liễu tri dục
Trong giáo pháp Như lai
Liên hệ dục, sắc, thọ
Liễu tri cũng đồng nghĩa
"Đoạn tận" và "từ bỏ"
Trước hết, liễu tri "dục"
Cần biết rõ ba điều
Vị ngọt và nguy hiểm
Cùng xuất ly khỏi dục.
Đây vị ngọt của dục:
Các sắc đẹp, tiếng hay,
Mùi thơm và vị ngon
Cùng xúc giác êm dịu.
Tất cả những thứ gì
Năm giác quan nhận thức
Đem lại sự mê ly
Là vị ngọt của dục.
Nguy hiểm của năm dục
Thực khó nói cho cùng
Đây chỉ kể sơ lược
Những nguy khổ nói chung
Nào mất công theo đuổi
Chịu bao nỗi nhọc nhằn
Làm đủ thứ nghề nghiệp
Vừa lao lực, lao tâm.
Nếu nỗ lực tinh cần
Mà vẫn không có được
Tài sản mình mong ước
Họ đấm ngực khóc than.
Khi được của vào tay
Họ lo lắng đêm ngày
Lo tịch thu, trộm cướp,
Trôi, cháy, con ăn xài.
Của chưa mất đã khổ
Sợ vạ gió tai bay
Khi mất thực càng khổ
Kêu "Trời, tôi trắng tay."
Lại dục là nguyên do
Có xung đột, đôi co
Đánh nhau đến trí mạng
Người thân hóa kẻ thù.
Dục thú đẩy sát sinh
Tà dâm và trộm cắp
Cùng mọi việc gian ác
Đến tán tận nhân tình.
Do dục, bị tra khảo
Bằng đủ thứ nhục hình
Hiện tại phải tù tội
Còn khổ kiếp lai sinh.
Dục vui ít khổ nhiều
Nguy hiểm lại nhiều hơn
Điều phục, đoạn tận tham
Ấy là xuất ly dục.
B. Liễu tri Sắc
Vị ngọt của sắc pháp
Là sắc đẹp gái trai
Tuổi chưa quá hai mươi
Mùa xuân của đời người.
Nguy hiểm của sắc pháp
Là lúc đã đến thời
Em gái thành bà ngoại
Còn đâu nhan sắc tươi.
Lưng còng, tóc bạc trắng
Làn da khô nhăn nheo
Già bệnh nằm một chỗ
Còn đâu vẻ mỹ miều.
Vị ngọt đã biến mất
Chỉ còn lại đắng cay
Của mối nguy già, chết
Chờ đợi tấm thân này.
Nguy hiểm của sắc pháp
Là thi thể cô gái
Khi bỏ ngoài nghĩa địa
Loài chim thú rỉa thây.
Nguy hiểm của sắc pháp
Là thi thể cô gái
Khi chỉ còn bộ xương
Và xương thành bột trắng.
Xuất ly khỏi sắc pháp
Là điều phục dục tham
Và đoạn trừ tham dục
Đối với sắc, không ham.
C. Liễu tri thọ
Vị ngọt của cảm thọ
Là hỷ lạc sơ thiền
Do ly dục sinh ra:
Vắng bóng niềm đau khổ.
Và hỷ lạc nhị thiền
Do tập trung sinh ra
Không còn tầm với tứ:
Một cảm thọ ngọt ngào.
Tam thiền thuần lạc thọ
Và xả thọ thanh tịnh
Ở định chứng tứ thiền
Là vị ngọt cảm thọ.
Nguy hiểm của cảm thọ:
Tối thượng vô hại này
Bị vô thường biến hoại
Nên vẫn nằm trong khổ.
Xuất ly các cảm thọ
Là điều phục dục tham
Đoạn trừ hết dục tham
Với tất cả cảm thọ.
Ai như thật tuệ tri
Vị ngọt là vị ngọt
Nguy hiểm là nguy hiểm
Xuất ly là xuất ly
Thì tự mình giải thoát
Khỏi đau khổ sầu bi
Và có thể đưa người
Tuệ tri các cảm thọ.
-ooOoo-
Trích nguồn: Giáo trình do Ni sư Thích Nữ Trí Hải biên soạn,
y cứ theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu,
với phần Anh ngữ của Hòa thượng Nanamoli
Xem đầy đủ bài kinh: Đại Kinh Khổ Uẩn
Nhận xét
Đăng nhận xét