(L) Năm Trăm Patàcàrà (Therì. 136)
Trong thời đức Phật hiện tại, chúng sanh trong những gia đình khá giả, tại nhiều chỗ khác nhau, lấy chồng, có con, sống lo việc bếp nước trong gia đình. Họ đều chịu sự đau khổ khi con của họ bị chết. Rồi họ đi tìm đến Patàcàrà, đảnh lễ nàng, ngồi xuống một bên nàng và nói cho nàng biết nỗi đau khổ của họ.
Patàcàrà, làm cho họ vơi bớt sự đau khổ, nói lên những bài kệ như sau:
137. Ông không biết con đường
Nó đến hay nó đi,
Từ đâu con trai đến,
Ông lại khóc: 'Con tôi'.
138. Ông đâu biết con đường,
Nó đến hay nó đi,
Ông khóc nó làm gì?
Pháp hữu tình là vậy.
129. Không có ai yêu cầu,
Từ chỗ kia, nó đến,
Không có ai cho phép,
Từ chỗ này, nó đi,
Từ đâu, nó đến đây!
Ðược sống bấy nhiêu ngày.
130. Từ chỗ này nó đến,
Từ chỗ kia, nó đi,
Nó đến một con đường!
Nó đi một con đường,
Mệnh chung, hình sắc người,
Luân hồi, nó sẽ đi!
Ðến vậy, đi như kia,
Ở đây, khóc than gì?
Sau khi nghe nàng giảng, họ đều cảm thấy dao động và xin xuất gia, dưới sự hướng dẫn của Patàcàrà. Sau khi tinh cần triển khai thiền quán, chứng đạt được quả A-la-hán, với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư trên quả chứng của mình, các vị ấy lập lại bài kệ giáo hóa của Patàcàrà và cộng thêm những bài kệ của chính mình như sau:
131. Cây tên, khó thấy được,
Từ tim ta, nhổ lên:
Nàng diệt sầu vì con,
Sầu ấy ám ảnh ta.
132. Nay cây tên được nhổ
Không dục cầu, tịch tịnh
Ta quy y ẩn sĩ,
Phật, Pháp và chúng Tăng.
Về sau Tỷ-kheo-ni này rất giỏi về lời dạy của Patàcàrà, nên chúng được gọi là: tùy thuộc của Patàcàrà.
Bài viết được Đạo Phật Nguyên Thủy trích từ Kinh Tiểu Bộ
Do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali
Nhận xét
Đăng nhận xét