Chuyển đến nội dung chính

Kinh Tăng Chi Bộ - Giới thiệu Chương Năm và Sáu Pháp

Giới thiệu Chương Năm và Sáu Pháp
Hòa thượng Thích Minh Châu
Đây là bài pháp thoại của Hòa thượng Minh Châu nhân ngày lễ Vu Lan 2525 (1981) tại Thiền viện Vạn Hạnh, Phú Nhuận, Sài Gòn, giới thiệu Tăng Chi Bộ Kinh, Tập II-B (bộ cũ), gồm các bài kinh trong Chương Năm Pháp và Sáu Pháp.
-ooOoo-
Hôm nay là LỄ VU LAN (Rằm tháng bảy) Phật lịch 2525 (14-8-1981), Viện Phật Học Vạn Hạnh chúng tôi cùng với Phật tử trong cả nước đón mừng LỄ VU LAN, hân hoan chào mừng Lễ Tự Tứ của Chư Tăng Kiết Hạ An Cư, vừa làm lễ cúng dường báo hiếu cho song thân quá cố cũng như hiện tại. Trung thành với truyền thống của Viện Phật Học Vạn Hạnh, xem cúng dường Pháp là cúng dường tối thắng trong tất cả các loại cúng dường, chúng tôi xin giới thiệu TĂNG CHI BỘ KINH Tập II quyển B tức là Bộ Anguttara Nikàya, và xem đây là cử chỉ cúng dường Pháp của chúng tôi nhân dịp LỄ VU LAN năm nay.

* * *
Tăng Chi Bộ Kinh thuộc năm bộ kinh Pàli, sưu tập của các kinh tùy theo số lượng, từ 1 pháp đến 11 pháp, và Tập II quyển B này đề cập đến 5 pháp và 6 pháp. Tập này gồm có hai chương, chương 5 pháp và chương 6 pháp. Chương 5 pháp có đến 26 phẩm, 260 kinh; chương 6 pháp có 12 phẩm, 124 kinh, đánh số từ VI. 1 đến VI. 124 cho tiện tham khảo.

Đề tài đề cập trong Tập II quyển B, Tăng Chi Bộ Kinh (Chương 5 pháp và 6 pháp) rất là phong phú và rộng rãi, rất khó phân loại các đề tài và hôm nay để giới thiệu Tập II quyển B Tăng Chi Bộ Kinh này, chúng tôi chỉ có thể lựa chọn một số kinh chúng tôi xem là quan trọng và đặc biệt để giới thiệu với quý vị. Các kinh còn lại, mong rằng các Phật tử, các vị độc giả tự mình tìm hiểu và nghiên cứu thêm.
*
Trước hết, chúng tôi xin giới thiệu các kinh đề cập đến Đức Phật, bậc Đạo Sư khả kính của chúng ta, sự tìm hiểu này giúp chúng ta hiểu rỏ hơn sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của bậc Đạo Sư, đặc biệt là phương pháp giáo hóa của Ngài, so sánh với ngoại đạo trong thời Đức Phật tại thế và những gì bậc Đạo Sư đã làm đối với các đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài.
*
Trước hết trong kinh số V. 100, Đức Phật đề cập đến 5 hạng Đạo Sư. Hạng thứ nhất, giới không thanh tịnh, tự cho rằng giới mình thanh tịnh. Các đệ tử biết bậc Đạo Sư của mình giới không thanh tịnh, nhưng không muốn nói cho hàng cư sĩ biết vì sợ bậc Đạo Sư của mình không bằng lòng. Do vậy các đệ tử che chở giới cho bậc Đạo Sư và bậc Đạo Sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở giới cho mình. Hạng Đạo Sư thứ nhì mạng sống không thanh tịnh, hạng Đạo Sư thứ ba, thuyết pháp không thanh tịnh, hạng Đạo Sư thứ tư, trả lời pháp không thanh tịnh, hạng Đạo Sư thứ năm tri kiến không thanh tịnh. Năm hạng Đạo Sư này lại tự cho mạng sống, thuyết pháp, trả lời pháp và tri kiến của mình là thanh tịnh, trong khi ấy các đệ tử của các hạng Đạo Sư này đều biết mạng sống, thuyết pháp, trả lời pháp và tri kiến của các bậc Đạo Sư này là không thanh tịnh. Như vậy, đệ tử của năm hạng Đạo Sư này che chở cho bậc Đạo Sư của mình và bậc Đạo Sư chờ đợi các đệ tử của mình che chở mạng sống, thuyết pháp, trả lời pháp và tri kiến của mình.

Tiếp đến Đức Phật nói rõ cho Moggallàna biết Đức Phật khác xa năm bậc Đạo Sư kia, vì giới, mạng sống, thuyết pháp, trả lời pháp và tri kiến của Ngài hoàn toàn thanh tịnh và Ngài không chờ đợi các đệ tử của mình phải che chở cho mình. Đức Phật tuyên bố: "Này Moggallàna, Ta có giới thanh tịnh, và Ta tự rõ biết: "Giới của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm." Các đệ tử không có che chở cho Ta về giới và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở cho Ta về giới. Mạng sống của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: "Mạng sống của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm." Các đệ tử không có che chở cho Ta về mạng sống. Thuyết pháp của Ta thanh tịnh , Ta tự rõ biết: "Thuyết pháp của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm." Các đệ tử không có che chở cho Ta về thuyết pháp, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở cho Ta về thuyết pháp. Các câu trả lời của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết." Các câu trả lời của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm." Các đệ tử không có che chở cho Ta về các câu trả lời, và Ta không chờ đợi các đệ tử che chở cho Ta về câu trả lời. Tri kiến của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: "Tri kiến của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm." Các đệ tử không có che chở cho Ta về tri kiến, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở cho Ta về tri kiến."
*
Kinh "Các Chi Phần" số 53, giúp cho các đệ tử của Đức Phật có được những sức mạnh đặc biệt để thẳng tiến trên con đường Phật dạy, khi chúng ta tìm thấy trong Đức Phật năm đức tính để xây dựng lòng tin. "Ở đây vị Tỷ kheo có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Đây là Thế Tôn…, bậc A La Hán, Chánh đẳng giác, trí đức, hạnh đức đầy đủ, bậc Thiện Thệ, hiểu biết thế gian, bậc vô thượng, bậc đánh xe điều ngự những ai đáng được điều ngự, bậc Đạo Sư chư Thiên và loài Người, Phật, Thế Tôn. Ngài ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình hợp với tinh tấn. Ngài không lường đảo, dối gạt, nên rõ mình như chân đối với bậc Đạo Sư, đối với các vị sáng suốt hay đối với các vị đồng Phạm hạnh. Ngài sống tinh cần, tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, kiên trì, nỗ lực, không tránh né đối với các thiện pháp. Ngài có trí tuệ, thành tựu trí tuệ hướng đến sanh diệt (của các pháp), thành tựu thánh thể nhập, đưa đến chân chánh, đoạn diệt khổ đau.
*
Trong kinh tiếp số V. 104 nói đến "An lạc", chúng ta được nghe Đức Phật tự giới thiệu mình là một vị đã đem lại an lạc của Sa môn cho các Sa môn … "Này các Tỷ kheo, nếu có ai nói một cách chân chánh về vị đem lại an lạc của Sa môn cho các Sa môn… thời này các Tỷ kheo, vị ấy sẽ nói một cách chân chánh về Ta là người đã đem lại an lạc của Sa môn cho các Sa môn." Này các Tỷ kheo, Ta là người được yêu cầu hưởng thọ nhiều y áo, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thọ nhiều đồ ăn, khất thực, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thọ nhiều sàng tọa, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thọ nhiều dược phẩm trị bệnh, không phải ít yêu cầu. Ta sống với các đồng Phạm hạnh và các vị này xử sự đối với Ta thân hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý; xử sự với khẩu hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý; xử sự với ý hành nhiều khả ý không phải ít khả ý; những vị này giúp đỡ Ta với sự giúp đỡ khả ý, không phải ít khả ý. Và những cảm thọ do mật khởi lên, do đàm khởi lên, do gió khởi lên, hay do sự phối hợp của ba sự kiện trên, hay do sự thay đổi thời tiết, hay do sự săn sóc bất cẩn, hay do sự xâm nhập của một vài sự kiện, hay do kết quả của nghiệp, những sự kiện ấy khởi lên nơi Ta không có nhiều, Ta có ít bệnh hoạn, và đối với bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, Ta chứng được không có khó khăn, chứng được không có mệt nhọc, chứng được không có phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, Ta tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

"Này các Tỷ kheo, nếu có ai nói một cách chân chánh về vị đem lại an lạc của Sa môn cho các Sa môn, thời này các Tỷ kheo, vị ấy sẽ nói một các chân chánh về Ta là người đã đem lại an lạc của Sa môn cho các Sa môn."
*
Kinh Tôn giả Nagita (V. 30) giới thiệu thái độ dứt khoát của Đức Phật đối với danh lợi và sự lựa chọn dứt khoát của Đức Phật giữa các lạc hạ liệt và lạc tối thắng. Một số Bà La Môn gia chủ ở Icchànangala nghe danh Đức Phật liền đem nhiều vật cúng dường cho Đức Phật và chúng Tăng, đến tại tịnh xá Phật ở, đứng ở ngoài cổng, lớn tiếng làm huyên náo. Đức Phật nghe tiếng ồn ào liền hỏi tôn giả Nagita ai đã làm ồn như vậy? Khi được tôn giả Nagita thưa rõ nguyên nhân, Đức Phật liền tuyên bố: "Này Nagita, Ta không có liên hệ với danh vọng và danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nagita, những ai không tìm được an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, như Ta đã tìm được một cách không khó khăn, một cách không mệt nhọc, một cách không phí sức hãy để chúng thọ hưởng lạc như phân ấy, thụy miên lạc, lợi dưỡng lạc, cung kính lạc, danh văn lạc…

Rồi Đức Phật giải thích thêm: "Này Nagita, với ai ăn uống nhai, nếm thời đại tiện, tiểu tiện là kết quả tất nhiên của người ấy. Với những ai nặng nề về ái lạc, này Nagita, sự biến hoại đổi khác, sầu bi khổ ưu não khởi lên, đấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Những ai chuyên chú tâm về tướng bất tịnh, này Nagita, thời sự nhàm chán đối với tịnh tướng được an trú. Đây là kết quả tất nhiên cho người ấy. Ai sống tùy quán vô thường trong sáu xúc xứ, này Nagita, thời sự nhàm chán đối với xúc được an trú. Đây là kết quả tất nhiên cho người ấy. Ai sống tùy quán sanh diệt đối với năm thủ uẩn, này Nagita, thời sự nhàm chán đối với chấp thủ được an trú. Đấy là kết quả tất nhiên cho người ấy.
*
Ở đây, chúng ta nhận thấy một thái độ rất đặc biệt của Đức Phật, tức là sự cẩn thận của Ngài khi Ngài thuyết pháp. Và vì sao Ngài cẩn thận thuyết pháp như vậy, chỉ là vì Ngài tôn trọng chánh pháp, Ngài cung kính Pháp như kinh Con Sư Tử số 99 đã nêu rõ.

"Con sư tử, này các Tỷ kheo, vào buổi chiều từ hang đi ra; sau khi từ hang đi ra, nó duỗi chân; sau khi nó duỗi chân, nó ngó xung quanh cả bốn phương; sau khi nó ngó xung quanh cả bốn phương, ba lần nó rống tiếng rống con sư tử; sau khi ba lần rống tiếng rống con sư tử, nó đi tìm mồi. Nếu nó vồ bắt con voi, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo (sakkaccam), không phải không cẩn thận chu đáo. Nếu nó vồ bắt con thủy ngư (mahìsa), nó vồ bắt rất cẩn thận chu đáo, không phải không cẩn thận chu đáo; nếu vồ bắt con báo, nó vồ bắt rất cẩn thận chu đáo, không phải không cẩn thận chu đáo; nếu nó vồ bắt các con vật nhỏ con khác như con thỏ, hay con mèo, nó vồ bắt rất cẩn thận chu đáo, không phải không cẩn thận chu đáo. Vì cớ sao? Mong rằng uy lực của Ta (yoggapatha) không có thất bại."

"Con sư tử này, này các Tỷ kheo, là đồng nghĩa với bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác. Khi Như Lai thuyết pháp cho hội chúng, tức là rống tiếng rống con sư tử; này các Tỷ kheo, nếu Như Lai thuyết pháp cho các vị Tỷ kheo, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận chu đáo, không phải không cẩn thận chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các vị Tỷ kheo ni, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận chu đáo, không phải không cẩn thận chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các hàng cư sĩ, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận chu đáo, không phải không cẩn thận chu đáo. Như Lai thuyết pháp cho các hạng nữ cư sĩ, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận chu đáo, không phải không cẩn thận chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các hàng phàm phu, cho đến các người bắt chim hay xin ăn (annabhàranesàdànam), Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận chu đáo, không phải không cẩn thận chu đáo. Vì cớ sao? Vì Như Lai là bậc tôn trọng Pháp, này các Tỷ kheo, là bậc tôn kính Pháp (Dhammagàravo)."
*
Vì Pháp chiếm một địa vị quan trọng trong ba ngôi báu, vì Pháp được Đức Phật thuyết pháp hết sức cẩn thận và hết sức cung kính, vì Pháp đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nghe, nên Bà La Môn Pingiyàni đã dùng những lời hết sức là tốt đẹp để tán dương lợi ích được nghe Pháp như kinh Bà La Môn Kàranapàlin V, số 194, đã ghi rõ:

"Thưa tôn giả, ví như người đã thỏa mãn với vị ngọt tối thượng sẽ không còn thèm muốn các vị ngọt hạ liệt nào khác. Cũng vậy, thưa tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama… thời không còn thèm muốn lý thuyết của những người khác, của các Sa môn, của Bà La Môn thấp kém. Ví như, thưa tôn giả, một người bị đói lả và mệt mỏi, tìm được một bánh mật, cứ mỗi miếng vị ấy được nếm, cứ mỗi miếng vị ấy được thưởng thức vị ngọt thuần nhất. Cũng vậy thưa tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama…vị ấy được hoan hỷ, tâm được tinh tấn. Ví như, thưa tôn giả, một người tìm được một cành cây chiên đàn, chiên đàn vàng hay chiên đàn đỏ, chỗ nào nó ngữi, hoặc từ nơi rễ, hoặc từ nơi chặng giữa, hoặc từ nơi ngọn, nó được hương thơm thuần diệu. Cũng vậy, thưa tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama… thời vị ấy được thưởng thức hân hoan, được thưởng thức hoan hỷ. Ví như, thưa tôn giả, một người bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi có vị lương y lập tức chữa cho khỏi bệnh. Cũng vậy, thưa tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama… khi ấy sầu bi khổ ưu não đi đến tiêu diệt. Ví như, thưa tôn giả, một hồ sen có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước trong sáng, có bờ hồ khéo sắp đặt, đẹp đẽ. Rồi một người đi đến, bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy sau khi lặn xuống trong hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước, tất cả khổ cực mệt nhọc, nhiệt não đều được lắng dịu. Cũng vậy, thưa tôn giả, trong khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama… khi ấy tất cả khổ cực, mệt mỏi, nhiệt não đều được chỉ tức."
*
Trong kinh sau đây, Phagguna số VI. 56, Đức Phật nói lên những lợi ích thiết thực đã đem lại cho người nghe Pháp. Tỷ kheo Phagguna bị trọng bệnh, được Thế Tôn đến thuyết pháp, khích lệ làm cho hoan hỷ, làm cho phấn khởi. Sau khi Thế Tôn đi về, tôn giả Phagguna mệnh chung với các căn đã được sáng chói. Rồi Thế Tôn xác nhận nếu nghe pháp đúng thời và thẩm sát ý nghĩa, có sáu lợi ích này đem lại cho người nghe pháp:

"Ở đây, này Anada, tỷ kheo tâm chưa được giải thoát năm hạ phần kiết sử…Đối với vị chưa đoạn trừ năm hạ phần kiết sử sau khi yết kiến Thế Tôn được nghe Pháp và nhờ vậy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, đó là lợi ích nhất. Trường hợp thứ hai, không được gặp Thế tôn, chỉ được gặp vị đệ tử của Thế Tôn được vị này thuyết pháp và nhờ vậy, năm hạ phần kiết sử được đoạn trừ. Đó là lợi ích thứ hai. Lợi ích thứ ba, không được gặp Thế Tôn, nhưng được gặp đệ tử Thế Tôn, nhưng tự mình thẩm sát đúng thời ý nghĩa lời Phật dạy, nhờ vậy, đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử. Đối với các vị đã đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, nhưng chưa đoạn trừ vô thượng đoạn diệt sanh y, chưa được giải thoát. Vị này cũng nhận được ba lợi ích, khi nghe pháp và thẩm sát ý nghĩa. Vị này được gặp Thế Tôn và được Thế Tôn thuyết pháp hay được gặp đệ tử Thế Tôn và được đệ tử Thế Tôn thuyết pháp, như vậy đoạn được vô thượng đoạn diệt sanh y, nhờ vậy được giải thoát và giác ngộ. Đây là lợi ích thứ tư và thứ năm. Trong trường hợp không gặp được Thế Tôn và đệ tử của Thế Tôn, nhưng tự mình với tầm, với tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thông suốt, và nhờ vậy đoạn được vô thượng đoạn diệt sanh y. Như vậy là lợi ích thứ sáu, nhờ thẩm sát ý nghĩa đúng thời, được lợi ích thứ sáu này.
*
Nhưng giữa thuyết pháp, tụng đọc pháp, hành trì pháp, và sống đúng theo pháp đều có sự khác biệt, như Đức Phật đã chỉ rõ sự sai khác giữa sống đúng pháp và sống không đúng pháp như kinh Sống Theo Pháp số V. 74 đã nêu rõ: "Một Tỷ kheo đến hỏi Đức Phật sống theo pháp như thế nào", Thế Tôn giảng như sau:

"Ở đây, này Tỷ kheo, vị Tỷ kheo học thuộc lòng pháp…nhưng không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này Tỷ kheo, đây là vị Tỷ kheo học thuộc lòng nhiều, nhưng không sống theo pháp…

"Lại nữa, này Tỷ kheo, vị Tỷ kheo thuyết pháp cho các người khác, một cách rộng rãi, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, nhưng không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này Tỷ kheo, đây gọi là vị Tỷ kheo thuyết trình nhiều nhưng không sống theo pháp."

"Lại nữa, này Tỷ kheo, vị Tỷ kheo đọc tụng một cách rộng rãi pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, nhưng không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Tỷ kheo đọc tụng nhiều, nhưng không sống theo pháp."

"Lại nữa, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo, với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Nhưng vị ấy không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Tỷ kheo suy tầm nhiều, nhưng không sống theo pháp."

"Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo học thuộc lòng pháp, tức là khế kinh ứng tụng, ký thuyết, phúng tụng, không hỏi tự nói, như thị thuyết, bản sanh, vị tằng hữu pháp, phương quảng, và rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Tỷ kheo sống theo pháp."
*
Kinh tiếp theo, số VI. 46, giới thiệu cho chúng ta một hiện tượng mà chúng ta có thể thấy là một số Tỷ kheo chuyên tâm tu pháp, lại chỉ trích các Tỷ kheo chuyên tâm tu thiền, và các Tỷ kheo chuyên tâm tu thiền lại chỉ trích các Tỷ kheo chuyêm tâm tu pháp, đến nổi tôn giả Mahacunda phải phân tích và khuyên bảo như sau:

"Ở đây, này chư hiền, một số Tỷ kheo chuyên tâm về pháp, không ưa thích Tỷ kheo tu thiền, nói như sau: "Các người này nói: "Chúng tôi tu thiền, chúng tôi tu thiền. Chúng tu thiền, chúng hành thiền (Jhàyantipajjhàyanti). Những người này thiền cái gì, những người này thiền có lợi ích gì (kint’im Jhàyanti)? Những người này thiền như thế nào? "Ở đây, các Tỷ kheo chuyên tâm về pháp không có hoan hỷ, và các Tỷ kheo tu thiền không hoan hỷ; hành động như vậy không đưa lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, không đưa lại lợi ích, hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài Người."

"Ở đây, này chư hiền, một số Tỷ kheo tu thiền, không ưa thích các Tỷ kheo chuyên tâm về pháp, nói như sau: "Các người này nói: "Chúng tôi chuyên tâm về pháp, chúng tôi chuyên tâm về pháp", chúng tháo động kiêu căng, giao động, lắm mồm lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác không định tỉnh, tâm toán loạn, các căn thả lỏng. Những người này chuyên tâm về pháp cái gì, những người này chuyên tâm về pháp có ích lợi gì, những người này chuyên tâm về pháp như thế nào? Ở đây, các Tỷ kheo tu thiền không có hoan hỷ, các Tỷ kheo chuyên tu về pháp cũng không hoan hỷ; hành động như vậy không đưa lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, không đưa lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người."

"Nhưng ở đây, này chư hiền, có những Tỷ kheo chuyên tâm về pháp, chỉ tán thành các Tỷ kheo chuyên tâm về pháp, không tán thành các Tỷ kheo tu thiền. Và ở đây, các Tỷ kheo chuyên tâm về pháp không được hoan hỷ; các Tỷ kheo tu thiền không được hoan hỷ; hành động như vậy không đưa lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, không đưa lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người."

"Nhưng ở đây, này chư hiền, có nhưng Tỷ kheo tu thiền chỉ tán thán các Tỷ kheo tu thiền, không tán thán các Tỷ kheo tu chuyên tâm về pháp. Và ở đây các Tỷ kheo tu thiền không được hoan hỷ; và các Tỷ kheo chuyên tâm về pháp không được hoan hỷ. Sở hành như vậy không đưa lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, không đưa lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Như vậy này chư hiền, cần phải học tập như sau:

"Chúng ta là những người chuyên tâm về pháp, chúng ta sẽ tán thán các Tỷ kheo tu thiền."

"Như vậy, này chư hiền, chư hiền cần phải học tập. Vì cớ sao? Thật vây, này chư hiền, các người vi diệu ấy khó tìm được ở đời, những người cảm giác bất tử với thân, và an trú. Do vậy, này các chư hiền, cần phải học tập như sau:

"Chúng ta là những người tu thiền, chúng ta sẽ tán thán các Tỷ kheo chuyên tâm về pháp."

"Như vậy, này chư hiền, chư hiền cần phải học tập. Vì cớ sao? Thật vậy, này chư hiền, các người vi diệu ấy khó tìm được ở đời, những người có trí tuệ, thể nhập và thấy con đường thâm sâu hướng dẫn đến đích!"
*
Đức Phật vì lòng thương xót chúng sanh, nên những lời dạy của Ngài thường giúp cho chúng sanh nhìn rõ những hiện tượng của đời và tìm cách ứng phó, chớ không nên nhìn một cách sai lạc để rồi chạy theo những mơ mộng giả tạo, không đưa đến lợi ích gì cho bản thân. Đối với Đức Phật, con người cần phải nhìn ngay vào thực trạng của đời và đối xử với các thực trạng ấy với trí tuệ.

Trong kinh "Sự Kiện Không Thể Có Được" (số 48), Đức Phật chỉ cho chúng ta rõ năm sự kiện này không thể có được với một ai sống ở đời. "Phải bị già muốn không già; phải bị bệnh muốn không bệnh; phải bị chết muốn không chết; phải bị hoại diệt muốn không hoại diệt; phải bị tiêu diệt muốn không tiêu diệt, là những sự kiện không thể có được bởi một ai ở đời." Với kẻ phàm phu không học, khi bị già đến, khi bị bệnh đến, khi bị chết đến, khi bị hoại diệt, khi bị tiêu diệt đến, không có nghĩ rằng tất cả loài hữu tình có đến có đi đều phải bị già khi già đến, đều phải bị bệnh, bị chết khi bệnh và chết đến, đều phải bị hoại diệt và tiêu diệt khi hoại diệt và tiêu diệt đến. Vì không nghĩ như vậy, nên khi già, bệnh, chết, hoại diệt đến, nó sầu bi than khóc, đập ngực đi đến bất tỉnh, ăn uống không ưa thích, thân mình trở thành xấu xí, các công việc không được xúc tiến, kẻ thú được hoan hỷ, và bạn bè phải lo buồn.

Như vậy kẻ phàm phu không học bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng nó tự làm mình ưu não.

Trái lại, vị Thánh đệ tử, khi già yếu, bệnh, chết đến, tiêu diệt hoại diệt đến, nghĩ rằng không phải chỉ mình Ta bị già, bị bệnh, bị chết, bị tiêu diệt, bị hoại diệt, mà tất cả các loài hữu tình đều bị già, bị bệnh, bị chết khi già bệnh chết. Nghĩ vậy, nếu vị Thánh đệ tử không có sầu khổ, không có than khóc, không có hại đến sức khỏe, không có bỏ dở các công việc, nhờ vậy các bạn bè hoan hỷ và các kẻ thù không có vui vẻ.
Như vậy, vị Thánh đệ tử có học đã nhổ lên mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự mình làm ưu não, không sầu muộn, không bị bắn tên, vị Thánh đệ tử làm tự mình được hoàn toàn tịch tịnh.
*
Trong kinh ‘Sự Kiện Cần Phải Quan Sát" (số 57), Đức Phật khuyên các bạn xuất gia và tại gia, các nam nhân và nữ nhân nên quán sát năm sự kiện chi phối ở đời. Tức là Ta phải bị già, không thoát khỏi già, Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh, ta phải bị chết, không thoát khỏi chết, các pháp khả ái đối với Ta sẽ bị biến diệt vô thường, Ta là chủ của nghiệp, Ta là thừa tự của nghiệp Ta làm. Chúng ta cần quán sát như vậy để đối trị kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ, kiêu mạn không bệnh trong không bệnh, kiêu mạn sự sống trong sự sống, vì sự kiêu mạn này, chúng ta làm các điều ác về thân, về lời, về ý. Có quan sát sự kiện các pháp khả ái đối với ta sẽ bị biến diệt vô thường, chúng ta đối trị được lòng tham dục đối với các vật khả ái. Có quán sát Ta là chủ các nghiệp, Ta thừa tự các nghiệp, nên mới chận đứng không dám làm các điều ác về thân, về lời, về ý.

Khi thường xuyên quán sát năm sự kiện trên, vị Thánh đệ tử nhận thức rằng tất cả loài hữu tình đều phải bị già bị bệnh, bị chết, tất cả các pháp khả ái đều biến diệt vô thường, tất cả mọi người là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nên vị ấy suy nghĩ tìm con đường giúp mọi loài thoát ly được năm điều kiện trên, nhờ vậy, vị ấy tìm được con đường, và nhờ con đường ấy, vị ấy được giải thoát giác ngộ.
*
Nhưng Đức Phật rất thấu hiểu tâm lý của chúng sanh. Ngài biết rằng, đã là con người, bao giờ cũng có một số ham thích muốn có được ở đời như kinh Khả Lạc, V. 43, nêu rõ. Đó là muốn được tuổi thọ sống lâu, muốn được dung sắc, muốn được an lạc, muốn được tiếng tốt và muốn được sau khi mạng chung sanh lên cỏi trời. Nhưng Đức Phật dạy: "Này gia chủ, năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý này khó tìm được ở đời. Ta tuyên bố không phải do cầu xin, không phải do nhân ước vọng mà được." Vì nếu thọ mạng, dung sắc, an lạc, tiếng tốt, sanh thiên do cầu xin mà được, thời ở đời ai ai cũng cầu xin cả, thời đâu còn sự thọ yểu, đâu còn dung sắc xấu, đâu còn đau khổ, đâu còn tiếng xấu, đâu còn sanh vào cỏi dữ. Vì rằng không thể do cầu xin mà được thọ mạng, được dung sắc, được an lạc, được tiếng tốt, được sanh thiên, nên ở đời luôn luôn có sự héo mòn tàn tạ. Do vậy, Đức Phật khuyên dạy: "Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng, không có thể do cầu xin thọ mạng hay hân hoan để làm nhân đem lại thọ mạng. Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường đưa đến thọ mạng. Do vị ấy thực hành đưa vị ấy nhận lãnh được thọ mạng." Cũng vậy, đối với dung sắc, an lạc, tiếng đồn tốt về sanh thiên, vị Thánh đệ tử không thể cầu xin mà được, cần phải thực hành những con đường, những hành động đưa đến dung sắc, đưa đến an lạc, đưa đến tiếng đồn tốt đẹp, đưa đến sau khi chết, được sanh cỏi Trời.

Chính bài kinh này nêu rõ tầm quan trọng của các hành động, của các nghiệp và kinh Tự Làm số VI. 38, một bài kinh rất ngắn và rất giản dị, nhưng nhấn mạnh khả năng của con người , có thể tự mình làm, có thể người khác làm để nói lên khả năng của con người có thể xây dựng đời sống của mình như ý mình muốn. Có ngoại đạo, đây chỉ cho Makkali Gosala có tri kiến rằng "không có tự mình làm, không có người khác làm", ý nói con người hoàn toàn bất lực, không thể làm thiện, không thể làm ác, vì đời người hoàn toàn bị định mệnh chi phối. Làm gì cũng vô ích, khi định mệnh đã an bài. Đức Phật trả lời ngay rằng: "Này Bà La Môn, Ta không bao giờ thấy, không bao giờ nghe lời nói như vậy."

Đức Phật nói rằng, khi con người có khả năng tự mình bước tới, có khả năng tự mình bước lui, như vậy chứng tỏ rằng: có mình làm có người khác làm. Khi sự việc có sự bắt đầu (àrabbhadhàtu) có sự khởi sự và các loài hữu tình được nêu rõ là có khởi sự, thời đây là tự mình làm, đây là người khác làm của các loài hữu tình. Khi nào có sự khởi xuất, có sự khởi nhập, có sự nỗ lực, có sự kiên trì, có sự dõng tiến, và các loài hữu tình được nêu rõ là có sự khởi xuất, có sự khởi nhập, có sự nỗ lực, có sự kiên trì, có sự dõng tiến, thời đây là tự mình làm, đây là người khác làm của các loài hữu tình. Rồi Đức Phật kết luận: "Này Bà La Môn, Ta không bao giờ thấy, không bao giờ nghe lời nói như vậy, tri kiến như vậy. Sao người ta có thể tự mình bước tới, tự minh bước lui lại có thể nói rằng: "Không có tự mình làm, không có người khác làm!" Đức Phật với câu nói này, với bài kinh này đã nói lên khả năng của con người có thể làm thiện, hay có thể làm ác, và như vậy là chủ nhân ông của nghiệp và cũng là thừa tự của nghiệp làm của mình. Một đời sống hạnh phúc hay đau khổ, tẻ nhạt hay có ý nghĩa hoàn toàn nằm trong tầm tay của con người.
*
Bài kinh Nhân Duyên VI.39 kế tiếp nói rõ hơn những sức mạnh gì tác thành ra nghiệp, và chính những sức mạnh này hiện thành cảnh giới địa ngục hay cảnh giới chư Thiên.

"Có ba nhân duyên này, này các Tỷ kheo, khiến các nghiệp khởi lên. Thế nào là ba?"

"Tham là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên. Sân là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên. Si là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên. Này các Tỷ kheo, chính từ tham, chỉ có tham khởi lên. Này các Tỷ kheo, không phải từ sân, không sân khởi lên. Này các Tỷ kheo, chính từ sân, chỉ có sân khởi lên. Này các Tỷ kheo, không phải từ si, không si khởi lên. Này các Tỷ kheo, chính từ si, chỉ có si khởi lên. Này các Tỷ kheo, không phải do nghiệp tử tham sanh, không phải do nghiệp từ sân sanh, chính do nghiệp từ si sanh, chư Thiên được nêu rõ, loài người được nêu rõ, hay những loài khác đang ở trong thiên thú được nêu rõ. Này các Tỷ kheo, chính do nghiệp từ tham sanh, chính do nghiệp từ sân sanh, chính do nghiệp từ si sanh, địa ngục được nêu rõ, các loài bàn sanh được nêu rõ, các loại ngạ quỹ được nêu rõ, và các loài khác, đang ở trong ác thú được nêu rõ.

"Đây là ba nhân duyên, này các Tỷ kheo, khiến các nghiệp khởi lên."

"Có ba nhân duyên này, này các Tỷ kheo, khiến các nghiệp khởi lên. Thế nào là ba?"

"Không tham là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên, không sân là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên, không si là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên. Không phải từ không tham, tham khởi lên. Này các Tỷ kheo, chính từ không tham, chỉ có không tham khởi lên. Này các Tỷ kheo, không phải từ không sân, không sân khởi lên. Này các Tỷ kheo, chính từ không sân, chỉ có không sân khởi lên. Này các Tỷ kheo, không phải từ không si, si khởi lên. Này các Tỷ kheo, chính từ không si, chỉ có không si khởi lên. Này các Tỷ kheo, không phải do nghiệp từ không tham sanh, không phải do nghiệp từ không sân sanh, không phải do nghiệp từ không si sanh, địa ngục được nêu rõ, loài bàng sanh được nêu rõ, cỏi ngạ quỷ được nêu rõ, và các loài khác đang ở trong ác thụ được nêu rõ. Nhưng này các Tỷ kheo, chính do nghiệp từ không tham sanh, chính do nghiệp từ không sân sanh, chính do nghiệp từ không si sanh, chư Thiên được nêu rõ, các loài Người được nêu rõ, và các loài khác đang ở trong thiện thú được nêu rõ.

"Đây là ba nhân duyên, này các Tỷ kheo, khiến các nghiệp khởi lên."
*
Từ nơi ý thức tầm quan trọng của hành động, của nghiệp, Đức Phật giới thiệu một số nghiệp thiện cần nên hành trì và tinh tấn là một hạnh nghiệp chiếm địa vị quan trọng trong lời dạy của Đức Phật. Nhưng phải tinh tấn như thế nào mới có hiệu quả, phải tinh tấn mức độ như thế nào mới đem lại kết quả cho sự hành trì của mình. Kinh Sona VI. 55, một kinh có danh tiếng nói đến tôn giả Sona, một Tỷ kheo sống tinh cần tinh tấn, nhưng vẫn còn chấp thủ, chưa được giải thoát, nên tôn giả có ý định hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức. Đức Phật biết được ý định của tôn giả Sona liền đến nói chuyện với tôn giả Sona, và trong câu chuyện dần dần chỉ cho Sona rõ cần phải tu hành tinh tấn như thế nào để đạt được kết quả: "Này Sona, có phải thuở trước, khi còn gia chủ, Sona đánh đàn tỳ bà (vinà)?"- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn," – "Sona nghĩ thế nào, khi những sợi dây đàn tỳ bà của Sona quá căng thẳng, trong khi ấy, đàn tỳ bà của Sona có phát âm, có sử dụng được không?" – "Thưa không, bạch Thế tôn," - "Sona nghĩ thế nào, khi những sợi dây đàn tỳ bà của Sona quá trùng (atisithila), trong khi ấy, đàn tỳ bà của Sona có phát âm, có sử dụng được không?" –"Thưa không, bạch Thế Tôn." –"Nhưng này Sona, khi những sợi dây đàn tỳ bà của Sona, không quá căng thẳng, cũng không quá trùng xuống, nhưng vặn đúng mức trung bình, trong khi ấy, đàn tỳ bà của Sona có phát âm, có sử dụng được không?" –"Thưa được, bạch Thế tôn." –"Cũng vậy, này Sona, khi tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến giao động. Khi tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biến nhác. Do vậy, này Sona, Sona phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng, thể nhập các căn một cách bình đẳng. Rồi tại đấy, nắm giữ các tướng."

Rồi tôn giả Sona vâng theo lời giáo giới này, tinh cần tinh tấn một cách bình đẳng, thể nhập các căn một cách bình đẳng và tại đấy nắm giữ các tướng. Không bao lâu, Sona đạt được vô thượng cứu cánh Phạm hạnh và trở thành bậc A La Hán. "Rồi tôn giả Sona sống độc cư an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu do mục đích gì các thiện nam tử chân chánh xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng tri chứng ngộ và chứng đạt vô thượng cứu cánh, Phạm hạnh. Vị ấy rõ biết" "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành. Việc gì nên làm đã làm. Không còn trở lui trạng thái này nữa."
* * *
Kính thưa quý vị,

Năm nay nhân LỄ VU LAN, Phật tử thường thường phát tâm bố thí cúng dường, chúng tôi xin trình bày một số kinh về bố thí cúng dường, cũng trích từ Tăng Chi Bộ Kinh Tập II quyển B để chúng ta được nghe bố thí phải như thế nào mới được kết quả tốt đẹp.

Trước hết, kinh số V.35, Lợi Ích Bố Thí, đề cập đến năm lợi ích của bố thí: "Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này của bố thí. Thế nào là năm? Được nhiều người ái mộ, ưa thích; được bậc thiện nhân chân nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi, không có sai lệch pháp của người gia chủ; khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cỏi lành thiên giới.

"Người cho được ái kính,
Sở hành là hiền thiện,
Bậc hiền, thường thân cận,
Sống Phạm hạnh chế ngự,
Thuyết pháp người bố thí,
Đưa đến chỗ đoạn diệt,
Vị ấy biết được pháp, 
Lậu hoặc được tịch tịnh"


Kinh tiếp Cho Đúng Thời, số V. 36, nêu rõ năm loại bố thí đúng thời. "Thế nào là năm? Bố thí cho người đến. Bố thí cho người đi. Bố thí cho người đau bệnh. Bố thí trong thời đói. Phàm những hoa quả gì mới gặt hái được dành chúng đầu tiên để cúng dường các bậc giữ giới. Này các Tỷ kheo, năm pháp này là bố thí đúng thời.

"Có trí, thí đúng thời,
Lời từ ái không tham,
Đúng thời, thí bậc Thánh,
Bậc Chánh trực Thế Tôn,
Cúng dường vậy to lớn,
Đưa đến lòng tịnh tín,
Ở đây, người tùy hỷ
Cùng người làm nghiệp vụ.
Không ai thiếu cúng dường,
Chúng san sẻ công đức.
Do vậy hãy bố thí
Với tâm không hạn chế
Chỗ nào với bố thí,
Đưa đến kết quả lớn.
Đối với các hữu tình,
Công đức được an lập.
Cho đến trong đời sau."


Từ nơi bố thí đúng thời là bố thí bữa ăn, và sự bố thí này đem lại cho người thọ lãnh bố thí và người bố thí những công đức gì, như kinh Bố Thí Bữa Ăn số V. 37 chỉ rõ:

"Người bố thí bữa ăn, này các Tỷ kheo, người thí chủ cho người thọ lãnh năm điều. Thế nào là năm? Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc, cho sức mạnh, cho biện tài. Cho thọ mạng, người cho được chia thọ mạng chư Thiên và loài Người. Cho dung sắc, người cho được chia dung sắc, chư Thiên và loài Người. Cho an lạc, người cho được chia an lạc, chư Thiên và loài Người. Cho sức mạnh, người cho được chia sức mạnh, chư Thiên và loài Người. Cho biện tại, người cho được chia biện tài, chư Thiên và loài người. Người bố thí bữa ăn, này các Tỷ kheo, người thí chủ đem cho người thọ lại lãnh năm điều này.

"Bậc hiền cho thọ mạng,
Sức mạnh, sắc biện tài,
Bậc trí cho an lạc,
Được chia phần an lạc.
Cho thọ mạng, sức mạnh,
Sắc, an lạc, biện tài,
Được sống lâu, danh xưng,
Tại chỗ được tái sanh."


Tiếp đến kinh Bố Thí không xứng bậc chân nhân và bố thí xứng bậc chân nhân V. 147, 148, giới thiệu cho chúng ta rõ phải bố thí như thế nào là đúng pháp đối với các bậc thiên nhân, các bậc có giới đức và trí đức, và bố thí như thế nào là không xứng đáng.

Kinh số 147 kể đến năm loại bố thí không xứng bậc chân nhân: Bố thí không cung kính; bố thí không suy nghĩ; bố thí không tự tay mình; bố thí đồ quăng bỏ; bố thí không nghĩ đến tương lai. "Còn năm loại bố thí xứng bậc chân nhân là bố thí có lòng cung kính; bố thí có suy nghĩ; bố thí tự tay mình; bố thí đồ không quăng bỏ; bố thí có suy nghĩ đến tương lai."

Kinh số 148 nói thêm cho rõ hơn. Có năm loại bố thí xứng đáng bậc chân nhân. Bố thí có lòng tin; bố thí có kính trọng; bố thí đúng thời, bố thí với tâm không gượng ép; bố thí không làm thương tổn mình và người.

Kinh này lại nói thêm. Khi nào bố thí có lòng tin, và tại chỗ nào bố thí này đưa đến kết quả dị thục, thời người ấy được giàu sang, được đẹp trai, có thành tín, có dung sắc thù thắng như hoa sen.

Khi nào bố thí có cung kính, và tại chỗ nào bố thí này đưa đến kết quả dị thục, thời người bố thí có tài sản sung mãn và được vợ con, người làm công sẵn sàng lắng tai, tuân theo và phục vụ với tâm hiểu biết.

Khi nào bố thí đúng thời, và chỗ nào bố thí này đưa đến kết quả dị thục, thời người bố thí có tài sản sung mãn. Và các vật dụng đến với người ấy đúng thời và sung túc.

Khi nào bố thí với tâm không gượng ép, và tại chỗ nào bố thí này đưa đến kết quả dị thục, thời người bố thí có tài sản sung mãn và hướng tâm thụ hưởng đầy đủ năm dục công đức.

Khi nào bố thí không làm thương tổn mình và người, và chỗ nào bố thí này đưa đến kết quả dị thục, thì người bố thí có tài sản sung mãn và không một tai nạn nào từ đâu đến với tài sản của người bố thí hoặc từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ người thừa tự thù nghịch.

Như vậy, tùy theo vật bố thí, tùy theo cung cách bố thí, kết quả sẽ đưa đến cho người bố thí với tài sản sung mãn, với dung sắc thù thắng như hoa sen, với vợ con, các người làm công tận tụy phục vụ tuân hành, với các vật dụng đến đúng thời, đúng lúc, với năm dục công đức được thọ hưởng đầy đủ, và với các tai nạn không hề xãy đến.

Tuy vậy, kết quả của bố thí nhiều khi không được biểu lộ rõ ràng và làm cho một số Phật tử phân vân. Công chúa Sumànà, con vua Pasemadi đến hỏi Thế Tôn về vấn đề này, hỏi rằng, giữa hai đệ tử đồng đẳng về tín, đồng đẳng về giới, đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí. Sau khi mệnh chung, cả hai được sanh làm thiên giới. Giữa hai vị thiên ấy, có sự đặc thù, có sự sai khác gì? Thế Tôn đáp: "Có sự sai biệt, này Sumànà. Người có bố thí, khi được làm vị thiên, vượt qua vị thiên không bố thí trên năm phương diện; về thiên thọ mạng, về thiên dung sắc, về thiên lạc, về thiên danh xưng, về thiên tăng thượng.

Công chúa Sumànà hỏi tiếp: "Bạch Thế Tôn, nếu sau khi từ đây mạng chung, chúng trở lại làm người, bạch Thế Tôn, có sự đặc thù gì, sự sai khác gì?" Thế Tôn đáp: "Có sự sai biệt, này Sumànà. Người có bố thí, khi được làm người vượt qua vị làm người không bố thí trên năm phương diện. Về nhân thọ mạng, về nhân dung sắc, về nhân an lạc, về nhân danh xưng, về nhân tăng thượng." Công chúa Sumànà, hỏi tiếp: "Bạch Thế Tôn, rồi cả hai xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, giữa hai người xuất gia ấy, bạch Thế Tôn có thể có những đặc thù gì, những sai khác gì? Thế tôn đáp: "Có sự sai biệt, này Sumànà. Người có bố thí khi được xuất gia vượt qua vị không bố thí trên năm phương diện thường hay được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu. Thường hay được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu… Các vị đồng Phạm hạnh đối với vị này với nhiều chân thành, nhiều khẩu hành, nhiều ý hành khả ái, nhiều giúp đỡ khả ái. Rồi công chúa Sumànà hỏi câu hỏi cuối cùng: "Nhưng bạch Thế Tôn, nếu cả hai đều chứng quả A La Hán, với hai chứng đạt quả vị A La Hán ấy, có sự sai khác gì? Và Thế Tôn trả lời dứt khoát: "Ở đây, này Sumànà, Ta nói không có sự sai khác nào, tức là so sánh giải thoát với giải thoát." Và Đức Phật cuối cùng xác chứng các công đức của bố thí là vừa đủ để làm công đức. Vì rằng các bố thí là những giúp đỡ, những công đức cho chư Thiên, là những giúp đỡ, là những công đức cho loài Người, là những giúp đỡ, là những công đức cho người xuất gia.
Rồi Đức Phật kết thúc với một bài kệ:

"Như mặt trăng không nhiễm
Đi giữa hư không giới,
Với ánh sáng bừng chói
Giữa quần sao ở đời.
Cũng vậy, người đủ giới
Hạng người có lòng tin
Với bố thí bừng chói,
Giữa xam tham ở đời
Như mây mưa sấm sét,
Vòng hoa chớp trăm đầu,
Tràn đầy cả thung lũng
Lan tràn cả đất bằng
Cũng vậy đầy tri kiến
Đệ tử bậc Chánh giác.
Bậc trí vượt xan tham, 
Trên cả năm phương diện
Tho mạng và danh xưng,
Dung sắc và an lạc,
Với tài sản sung mãn, 
Chết hưởng hỷ lạc thiên."


Kinhh VI, số 37 nói đến một thí vật gồm có sáu phần cho chúng Tỷ kheo tăng, do nữ gia chủ, mẹ của Nanda, sửa soạn, thí vật ấy được Đức Phật diễn tả như sau: "Ở đây này các Tỷ kheo, có ba phần thuộc người bố thí và có ba phần thuộc người nhận bố thí. Thế nào là ba phần thuộc về người bố thí? Ở đây, này các Tỷ kheo, người bố thí trước khi bố thí, ý được vui lòng. Trong khi bố thí, tâm được tịnh tín. Sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Đây là ba phần của người bố thí. Thế nào là ba phần của người nhận vật bố thí. Ở đây, này các Tỷ kheo, những người nhận vật bố thí đã được ly tham hay đang thực hành hạnh ly tham, đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân, đã được ly sân, đã được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Đây là ba phần của người nhận vật bố thí. Rồi Đức Phật tán thán công đức của một thí vật gồm sáu phần như sau: "Ví như, này các Tỷ kheo, trong biển lớn thật không dễ gì để nắm lấy một số lượng nước" và nói rằng: "Có chừng ấy thùng nước, có chừng ấy trăm thùng nước, hay có chừng ấy ngàn thùng nước, hay có chừng ấy trăm ngàn thùng nước. Vì rằng cả khối lượng nước được xem là vô số, vô lượng. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, thí vật thành tựu có sáu phần như vậy, thật không dễ gì nắm được một số lượng về công đức của một thí vật gồm có sáu thành phần như vậy. Có chừng ấy nguồn sanh phước, có chừng ấy nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc thiên giới là quả lạc dị thục, dẫn đến cỏi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc an lạc. Vì rằng cả khối công đức lớn được xem là vô lượng."

"Trước bố thí ý vui,
Khi bố thí, tâm tín,
Sau bố thí hoan hỷ
Đây lễ thí, đầy đủ,
Ly tham và ly sân,
Ly si, không lậu hoặc,
Vị Phạm hạnh chế ngự,
Là ruộng phước lễ thí.
Nếu tự thanh tịnh mình,
Tự tay mình bố thí,
Tự mình đến đời sau
Lễ thí vật quả lớn
Lễ thí vậy, bậc trí
Với tín tâm giải thoát
Không hận thù, an lạc
Bậc hiền, sanh ở đời!"

* * *
Kính thưa quý vị,

Đến đây chúng tôi xin chấm dứt, không giới thiệu thêm các kinh nữa, vì các kinh còn lại rất nhiều, rất đáng được đề cập vì thì giờ lại rất hạn chế. Điều nổi bật trong các kinh này là nói lên được trí tuệ vô thượng của Đức Phật, những điều Ngài dạy liên hệ đến con người chúng ta, đến đời sống hàng ngày của con người. Ngài khuyên chúng ta nên nhìn thẳng vào thực trạng cuộc đời, nhìn vấn đề sanh lão bệnh tử đang chi phối con người của chúng ta, nhìn mà không hốt hoảng, lo sợ than khóc như kẻ phàm phu, nhìn mà không kêu mạn trong tuổi trẻ, trong sức khỏe, trong sự sống và làm các hành động bất thiện thuộc tham sân si như một số người đã làm. Đức Phật khuyên các Thánh đệ tử, có học có trí, nhìn thẳng vào thực trạng sanh lão bệnh tử của con người, và khi sanh đến, già đến, bệnh đến, chết đến, không có hốt hoảng, không có lo sợ, không có than khóc, nhìn thẳng vào đời để tìm thấy con đường đưa đến diệt tận khổ đau. Các kinh như kinh Năm Bậc Đạo Sư (V. 100) hay kinh An lạc (V. 104) giới thiệu chúng ta rõ Đức Phật là bậc Đạo Sư có giới thanh tịnh, có sanh mạng thanh tịnh, có thuyết pháp thanh tịnh, có trả lời pháp thanh tịnh, có tri kiến thanh tịnh và Đức Phật đích thực là một Đạo Sư đem lại an lạc của Sa môn cho các bậc Sa môn Bà La Môn.

Một số kinh cũng giới thiệu chúng ta rõ vai trò quan hệ của Chánh Pháp (Dhamma) và Đức Phật đã cung kính pháp như thế nào, đã thuyết pháp cẩn thận như thế nào cho các loài chúng sanh và các loài hữu tình. Chính nghe Pháp, thẩm sát ý nghĩa của Pháp được tuyên dạy đã giúp cho các Thánh đệ tử đoạn được năm hạ phần kiết sử, đoạn được vô thượng đoạn diệt sanh y, đưa đến chấm dứt sanh lão bệnh tử, chấm dứt trọn vẹn khổ đau.

Một số thiện pháp như tinh cần tinh tấn, như bố thí, giữ giới, v.v… cũng được đề cập đến, và chính nhờ các bài thuyết pháp, Đức Phật đã hướng đến loài người làm các hạnh lành về thân, về lời, về ý, đoạn được tham ái, trừ được kiêu mạn, tẩy sạch các lậu hoặc và cuối cùng chấm dứt khổ đau.
* * *
Để đón mừng VU LAN, mùa bố thí cúng dường, chúng tôi giới thiệu một số kinh nói đến bố thí. Chúng ta được biết những lợi ích thiết thực của bố thí, bố thí như thế nào không xứng đáng bậc chân nhân, bố thí như thế nào xứng đáng bậc chân nhân và nhấn mạnh đến thí vật gồm có sáu phần, một thí vật tối thượng, đem lại nhiều công đức cho thí chủ.

Kính thưa quý vị,

Nhân mùa VU LAN năm nay, chúng tôi xin kính chúc quý vị Tăng Ni Phật Tử một mùa VU LAN báo hiếu tốt đẹp, một mùa Tự Tứ thanh tịnh trang nghiêm để chúng ta thể hiện những lời dạy của bậc Giác Ngộ giải thoát, và đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho xã hội tổ quốc của chúng ta.

Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t...

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại...

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,...

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta ...

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.