1.I. Một Pháp (S.v,311)
1) Tại Sàvatthi...
2) Ở đây... nói như sau:
3) -- Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn. Thế nào là một pháp? Niệm hơi thở vô, hơi thở ra. Và này các Tỷ-kheo, niệm hơi thở vô, hơi thở ra, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào thời có quả lớn, có lợi ích lớn?
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến chỗ nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt; vị ấy chánh niệm thở vô, chánh niệm thở ra.
5) Thở vô dài, vị ấy rõ biết: "Tôi thở vô dài". Thở ra dài, vị ấy rõ biết: "Tôi thở ra dài". Thở vô ngắn, vị ấy rõ biết : "Tôi thở vô ngắn". Thở ra ngắn, vị ấy rõ biết: "Tôi thở ra ngắn".
6) "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
7) "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
8) "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
9) "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
10) "Quán vô thường, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
11) Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô, hơi thở ra thời có quả lớn, có lợi ích lớn.
...
6. VI. Arittha (S.v,314)
1-2) Tại Sàvatthi. Tại đấy, Thế Tôn... nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông hãy tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra.
3) Khi được nói vậy, Tôn giả Arittha bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con có tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra.
-- Này Arittha, Ông tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra như thế nào?
4) -- Bạch Thế Tôn, đối với các dục (kàma) quá khứ, con đoạn trừ dục tham (kàmacchanda). Ðối với dục tương lai, con từ bỏ dục tham. Ðối ngại tưởng (pàtighasanna), đối với nội ngoại pháp, được khéo nhiếp phục nơi con. Chánh niệm, con thở vô. Chánh niệm, con thở ra. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra.
5) -- Ðây cũng là niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này Arittha, nhưng Ta tuyên bố là không phải. Này Arittha, Ta sẽ nói cho Ông như thế nào là niệm hơi thở vô, hơi thở ra, được phát triển, được làm cho viên mãn. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Arittha vâng đáp Thế Tôn.
6) Thế Tôn nói như sau:
-- Này Arittha, niệm hơi thở vô, hơi thở ra được phát triển, làm cho viên mãn như thế nào?
7-13) Ở đây, này Arittha, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi kiết-già:... "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
14) Như vậy, này Arittha, niệm hơi thở vô, hơi thở ra được phát triển, được làm cho sung mãn.
7. VII. Kappina (S.v,315)
1-2) Tại Sàvatthi...
3) Lúc bấy giờ Tôn giả Mahà Kappina đang ngồi kiết-già, không xa bao nhiêu, thân thẳng, để niệm trước mặt.
4) Thế Tôn thấy Tôn giả Mahà Kappina ngồi kiết-già, không xa bao nhiêu, thân thẳng, để niệm trước mặt. Thấy vậy, Ngài liền gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy Tỷ-kheo ấy, thân có rung động hay có dao động không?
5) -- Bạch Thế Tôn, chúng con thấy vị Tôn giả ấy ngồi giữa Tăng chúng hay ngồi một mình, độc cư; chúng con không thấy vị Tôn giả ấy thân bị rung động hay dao động.
6) -- Ðối với một vị có Thiền định như vậy, này các Tỷ-kheo, nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn, nên thân vị ấy không rung động hay dao động, nên tâm vị ấy không rung động hay dao động. Ðối với vị Tỷ-kheo ấy, được định như vậy, không có khó khăn, không có gian nan, không có mệt nhọc.
7) Và này các Tỷ-kheo, vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định nào mà thân không rung động, không dao động, hay tâm không rung động, không dao động? Này các Tỷ-kheo, do vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, nên thân không rung động, không dao động, hoặc tâm không rung động hay không dao động.
8) Và này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào mà thân không rung động hay không dao động, hoặc tâm không rung động hay không dao động?
9-15) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị ấy đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi-kiết già... "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập, "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
16) Nhờ tu tập như vậy, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này các Tỷ-kheo, nhờ làm cho sung mãn như vậy nên thân không bị rung động hay không dao động, hoặc tâm không rung động hay không dao động.
Bài viết được Đạo Phật Nguyên Thủy trích từ Kinh Tương Ưng Bộ
Do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali