Chuyển đến nội dung chính

Đường Xưa Mây Trắng - Chương 42: Không hiểu biết thì không thể thương yêu

Vua Pasenadi đến thăm Bụt một mình, không có hoàng hậu và công chúa đi theo. Vua cũng không đem theo vị văn quan hay võ quan nào. Ngài để xe và thị vệ ngoài cổng tu viện Jetavan và đi bộ vào một mình. 
Đạo Phật Nguyên Thủy - Đường Xưa Mây Trắng - Chương 42: Không hiểu biết thì không thể thương yêu
Vua được Bụt tiếp trước chiếc am lá của người. Sau khi an vị và trao đổi những lời thăm hỏi, vua hỏi Bụt một cách trực tiếp:

- Sa môn Gotama, người ta thường ca ngợi ngài là Bụt, là đã đạt tới quả vị giác ngộ cao nhất. Trẫm băn khoăn tự hỏi: tuổi của ngài còn nhỏ, năm tu của ngài cũng còn ít, thế mà tại sao ngài lại đạt tới thành quả đó được? Trẫm đã nghe nói đến những vị đạo cao đức trọng như Puruna Kassapa, như Makkhali Gosala, như Nigantha Nathaputta, như Sanjaya Belatthiputta... những vị này là người tu lâu năm, tuổi tác đều lớn, tại sao họ không tự nhận họ là bậc giác ngộ hoàn toàn? Lại còn những vị như Pakudha Kaccayana và Ajita Kesakambali nữa. Ngài có nghe nói đến những vị ấy không?

Bụt ôn tồn:

- Đại vương, tôi có nghe nói tới các vị ấy và có vị tôi cũng đã từng được gặp. Đại vương, sự tỉnh thức không tùy thuộc vào tuổi tác, và năm tháng không quyết định được sự có mặt của giác ngộ. Đại vương, có những cái bé nhỏ mà ta không nên khinh thường: một vị vương tử bé, một con rắn con, một đốm lửa nhỏ và một nhà tu trẻ. Vị vương tử tuy bé nhưng cũng có vương tính của một đức vua như bệ hạ bậy giờ, một con rắn nhỏ có thể làm ta mất mạng trong chốc lát. Một đốm lửa hồng có thể làm thiêu rụi một khu rừng hay một thành phố lớn và một nhà tu trẻ có thể đạt tới quả vị giác ngộ hoàn toàn. Đại vương! Người khôn ngoan không bao giờ khinh thường một vương tử bé, một con rắn nhỏ, một đốm lửa hồng và một nhà tu trẻ.

Vua Pasenadi nhìn Bụt kinh ngạc. Người ngồi trước mặt vua đã nói với vua những điều trên một cách điềm đạm. Những điều Bụt nói không hàm chứa một hào ly mặc cảm nào. Vua bắt đầu có đức tin nơi Bụt. Vua hỏi Bụt về điều mà vua còn thắc mắc và chưa giải quyết được xong xuôi:

- Sa môn Gotama, có người nói rằng ngài chủ trương không nên thương yêu, bởi vì càng thương nhiều thì càng lo lắng nhiều, càng thương nhiều thì càng sầu khổ nhiều, càng thương nhiều thì càng thất vọng nhiều. Trẫm nghĩ rằng điều đó có thể đúng, nhưng lòng trẫm vẫn không yên. Trẫm nghĩ nếu không có thương yêu thì cuộc đời sẽ khô khan và vô vị lắm. Xin ngài giải giùm những nghi nan ấy cho trẫm.

Bụt nhìn vua:

- Đại vương, câu hỏi của ngài rất hay, và nhiều người sẽ được khai sáng nhờ câu hỏi này. Tiếng thương yêu có nhiều nghĩa, ta phải xét cho kỹ về bản chất của từng loại thương yêu. Cuộc đời cần đến sự thương yêu, nhưng không phải là thứ thương yêu dựa trên căn bản của dục vọng, của đam mê và vướng mắc, của phân biệt và kỳ thị. Đại vương, có một thứ tình thương mà cuộc đời rất cần đến, đó là lòng từ bi. Từ là maitri, còn bi là karuna.

Đại vương, tình thương mà người đời thường nói tới là tình thương giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa những người cùng trong họ hàng, cùng thân tộc, cùng giai cấp hoặc cùng quốc gia. Vì tình thương ấy còn dựa vào ý niệm "tôi" và "của tôi" cho nên bản chất của nó còn là sự vướng mắc và phân biệt.

Người ta chỉ muốn thương cha của mình, thương mẹ của mình, thương chồng của mình, thương vợ của mình, thương con của mình, thương cháu của mình, thương họ hàng của mình, thương đất nước của mình, cho nên người ta còn vướng mắc và phân biệt. Vướng mắc cho nên lo lắng về những bất trắc có thể xảy đến dù chúng chưa xảy đến, vướng mắc cho nên phải gánh chịu sầu đau và thất vọng mỗi khi có những bất trắc xảy đến.

Phân biệt cho nên có thái độ nghi kỵ, hờ hững và ghét bỏ đối với những người mình không thương. Vướng mắc và phân biệt đều là những nguyên nhân của khổ đau, khổ đau cho mình và cho người.

Đại vương, thứ tình thương mà muôn loài đang khao khát là lòng từ bi. Từ là thứ tình thương có thể đem đến an vui cho kẻ khác, bi là thứ tình thương có thể làm vơi đi những khổ đau của kẻ khác. Từ và bi là thứ tình thương không có điều kiện, không bắt buộc và không đòi hỏi bất cứ một sự đền đáp nào. Trong từ bi, người được thương không phải chỉ là cha ta, mẹ ta, vợ ta, chồng ta, con ta, huyết thống ta, giai cấp ta... Kẻ được thương là tất cả mọi người và mọi loài.

Trong từ và bi không có sự phân biệt ta và không ta, của ta và của không của ta. Vì không phân biệt nên không có vướng mắc. Từ và Bi chỉ đem lại niềm vui và làm giảm đi nỗi khổ; Từ và Bi không gây lo lắng sầu khổ và thất vọng. Thiếu từ bi, cuộc đời sẽ khô khan, khổ đau và buồn chán như đại vương nói. Có từ bi, cuộc đời sẽ có an lạc, hạnh phúc và tươi vui. Đại vương, ngài là bậc nhân chủ cầm đầu của cả một nước, dân chúng vương quốc ngài sẽ được thấm nhuần ân đức ngài nếu ngài tu tập được tâm Từ và tâm Bi.

Vua cúi đầu suy nghĩ một lúc. Sau đó vua ngửng lên hỏi Bụt:

- Trẫm có một gia đình để coi sóc, có một vương quốc phải chăm lo. Nếu trẫm không thương yêu gia đình của trẫm và dân chúng trong vương quốc của trẫm thì làm sao trẫm có thể coi sóc và chăm lo cho họ được? Xin Bụt soi sáng điểm này cho trẫm.

- Cố nhiên là đại vương phải thương yêu gia đình hoàng gia và phải thương yêu dân chúng của vương quốc. Nhưng tình thương yêu của đại vương có thể vượt khỏi phạm vi gia đình và vương quốc. Đại vương thương yêu và chăm sóc cho các hoàng tử và công chúa. Điều đó không ngăn cản việc đại vương có thể thương yêu và chăm sóc cho tất cả những người trẻ khác trong vương quốc như là thương yêu và chăm sóc chính con trai và con gái của đại vương. Nếu đại vương làm được như vậy thì tình thương hạn hẹp trở thành tình thương rộng lớn, và đột nhiên tất cả những người trẻ tuổi trong vương quốc đều trở nên con trai và con gái của đại vương. Đó đích thực là tâm từ bi. Đây không phải là một điều quá lý tưởng. Đây là một điều con người có thể thực hiện được nhất là khi con người ấy có trong tay những phương tiện như đại vương. Nếu đại vương phát được nguyện lớn thì đại vương chắc chắn có thể làm được điều này.

- Nhưng còn những người trẻ tuổi trong các vương quốc khác?

- Không có gì ngăn cản đại vương thương yêu những người trẻ tuổi trong các vương quốc khác như con trai và con gái của ngài, dù những người này không nằm trong vùng cai trị của đại vương. Không phải vì thương yêu dân chúng của quốc gia mình mà mình không thể thương yêu dân chúng của các quốc gia khác.

- Thương yêu như thế nào? Họ có nằm dưới quyền cai trị của mình đâu?

Bụt nhìn vua:

- Sự giàu mạnh và an ổn của một quốc gia không phải được tạo nên bởi sự nghèo hèn và loạn lạc của những quốc gia khác. Đại vương, nền hòa bình và thịnh vượng lâu dài của một quốc gia chỉ có thể được xây dựng trên sự hòa hiếu giữa các quốc gia và ý hướng về một nền thịnh vượng chung. Nếu đại vương thực sự muốn cho vương quốc Kosala có hòa bình và những người trai trẻ trong vương quốc không phải xông pha nơi lửa đạn thì đại vương cũng phải giữ gìn làm sao cho các vương quốc kế cận cũng có hòa bình và để những trai trẻ các xứ đó cũng khỏi phải xông pha trong vòng lửa đạn. Chính sách ngoại giao và kinh tế của đại vương phải thực sự đi theo con đường của tâm từ bi thì đại vương mới có thể làm được chuyện này. Như vậy trong khi đại vương thương yêu và chăm sóc cho quốc gia Kosala, đại vương cũng chăm sóc cho các vương quốc khác như Magadha, Sasi, Videha, Sakya và Koliya.

Đại vương, mới năm ngoái đây, sau khi về thăm gia đình và vương quốc Sakya, tôi và nhiều vị khất sĩ có tới du hóa ở Arannakutila, thuộc lãnh thổ của quý quốc, sát chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Ở đó tôi đã suy nghiệm về một chính sách trị nước căn cứ trên nguyên tắc bất bạo động. Tôi thấy các vị quốc vương rất có thể cai trị nghiêm minh, đem lại an hòa và hạnh phúc của muôn dân mà không cần sử dụng đến những biện pháp bạo động như chinh phạt, xử tử, giam hãm, tù đày v.v... Tôi đã nói những điều này với phụ vương tôi, vua Suddhodana. Nhân tiện đây tôi cũng muốn xác định điều đó với đại vương. Làm nhà chính trị giỏi, đại vương có thể trị nước mà không cần đến những phương thức bạo động, nếu ngài biết un đúc và nuôi dưỡng Từ Bi.

Vua thốt lên:

- Thật là kỳ diệu! Thật là kỳ diệu! Chưa bao giờ trẫm được nghe những lời giáo huấn mới lạ và sâu sắc như thế! Ngài thật là một bậc tôn quý trên đời! Những điều Bụt dạy, trẫm xin lĩnh giáo để về chiêm nghiệm, bởi vì trẫm biết những lời dạy ấy có những chiều sâu cần phải khám phá. Bây giờ trẫm xin hỏi ngài một câu hỏi thật đơn giản. Thói thường, thì tình thương của người đời bao giờ cũng ẩn chứa ý niệm phân biệt, và ít nhiều cũng mang tính chất đam mê và vướng mắc. Theo Bụt thì thứ tình thương có thể gây nên lo lắng, sầu khổ, và thất vọng. Vậy nếu không thương như thế thì ta phải thương làm sao? Ví dụ như trẫm đây, trẫm phải thương con cái của trẫm như thế nào để tránh được những lo lắng, sầu khổ và thất vọng?

- Không ai cấm cản chúng ta thương yêu, nhưng ta phải biết quán sát để thấy được bản chất của tình thương chúng ta. Tình thương theo lẽ thì phải làm cho người được thương yêu có an lạc và hạnh phúc, nhưng nếu chỉ là đam mê, là ích kỷ, là ý chí chiếm hữu thì tình thương này không thực sự là tình thương, tình thương này không làm cho người được thương có an lạc và hạnh phúc. Trái lại nó làm cho kẻ kia cảm thấy tù túng, lệ thuộc, mất hết tự do, mất hết phẩm cách của một con người có tự do. Tình thương trong trường hợp này chỉ là một tù ngục. Nếu người được thương không có hạnh phúc, nếu người ấy không chấp nhận cái nhà tù của sự chiếm hữu thì tình thương kia sẽ dần dần biến thành sự ghét bỏ và hận thù.

Đại vương biết không, tại kinh đô Savatthi này cách đây chỉ có mười hôm, một chuyện thương tâm đã xảy ra chỉ vì tình thương không được thỏa mãn đã biến thành hận thù. Có một bà mẹ cảm thấy mất mát khi đứa con trai duy nhất của bà đem lòng thương yêu một cô thiếu nữ và sau đó cưới cô ấy về làm vợ. Bà mẹ kia thay vì thấy rằng mình có thêm một đứa con, lại cảm thấy rằng mình đã mất một đứa con, và cho rằng con trai mình đã phản bội tình thương của mình. Nghĩ như thế, hận thù nảy sinh trong tâm bà. Một hôm bà đã bỏ thuốc độc vào thức ăn, và cả con trai lẫn con dâu đều chết vì ngộ độc. Đại vương! Trong đạo lý giác ngộ, thương yêu phải đi đôi với hiểu biết, thương yêu chính là hiểu biết. Nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu, vợ chồng không hiểu nhau thì không thể thương nhau, anh em không hiểu nhau thì không thể thương nhau. Muốn cho một người nào có hạnh phúc, mình phải tìm hiểu cho được những ước vọng và những khổ đau của chính người ấy. Hiểu được rồi mình mới có thể làm mọi cách để cho người ấy bớt khổ đau và có hạnh phúc. Như vậy mới gọi là tình thương chân thật, còn nếu mình chỉ muốn kẻ kia làm theo ý mình, và không biết gì đến những khổ đau và những nhu cầu chân thực của người ấy thì đó không phải là thương. Đó chỉ là ước muốn chiếm hữu hoặc ước muốn thỏa mãn ý nguyện của mình, cho dù đó là ý nguyện muốn cho người kia sung sướng.

Đại vương! Dân chúng trong vương quốc Kosala có những đau khổ và những ước vọng của họ. Nếu đại vương thực sự hiểu thấu những đau khổ và những ước vọng ấy thì đại vương sẽ thực sự thương yêu được họ. Các quan chức trong triều cũng có những đau khổ và những ước vọng của họ. Nếu đại vương thực sự thấu hiểu những đau khổ và ước vọng ấy, đại vương có thể làm cho họ sung sướng và họ sẽ suốt đời trung thành với đại vương. Hoàng hậu, các thái tử và công chúa, mỗi người đều cũng có những đau khổ và những ước vọng của mình; nếu đại vương thực sự thấu hiểu được những đau khổ và những ước vọng ấy, đại vương cũng sẽ làm cho họ sung sướng, và khi mọi người được sung sướng và an lạc thì chính đại vương cũng sẽ được sung sướng và an lạc. Đó là nghĩa thương yêu trong đạo lý tỉnh thức.

Vua Pasenadi cảm thấy xúc động. Chưa có một vị đạo sĩ hay một vị Bà la môn nào đã chiếu rọi ánh sáng vào các ngõ ngách tâm tư của vua và làm cho vua thấy hiểu được tâm mình một cách rõ ràng như thế. Vị sa môn, vua nghĩ là một bảo vật quý giá không lường của vương quốc, xứng đáng làm thầy của ta.

Vua cúi đầu suy nghĩ. Một lát sau, vua ngửng mặt nhìn Bụt:

- Trẫm cảm ơn ngài đã soi sáng nhiều cho trẫm, nhưng còn một điều này nữa, trẫm còn thắc mắc. Ngài đã nói rằng tình thương có đam mê và vướng mắc thường có tác dụng gây khổ đau và thất vọng, trong khi thương theo đạo lý từ bi tuy không ích kỷ và không vụ lợi nhưng cũng vẫn đem lại khổ đau và thất vọng như thường. Trẫm cũng thương dân, nhưng mỗi khi thấy dân chịu khổ đau vì những thiên tai như bão tố lụt lội, dịch lệ... thì trẫm vẫn cảm thấy khổ đau và thất vọng, mà trẫm nghĩ ngài cũng thế, mỗi khi thấy người khác khổ đau vì bệnh hoạn, chết chóc, ngài cũng không thể không khổ đau.

- Câu hỏi của đại vương rất hay; nhờ câu hỏi này mà ngài có thể hiểu sâu thêm về bản chất của từ bi. Trước hết, đại vương nên biết rằng những khổ đau do thứ tình thương có bản chất đam mê và vướng mắc đem lại thì nặng nề và to lớn gấp muôn vạn lần những khổ đau mà lòng từ bi đã làm phát khởi trong lòng ta. Kế đó, đại vương phải phân biệt hai loại khổ đau: một loại khổ đau hoàn toàn vô ích và chỉ có công dụng tàn phá cơ thể và tâm hồn người, một loại khổ đau nuôi dưỡng được lòng từ bi, ý thức trách nhiệm và đưa tới ý chí hành động diệt khổ. Thứ tình thương có bản chất đam mê và vướng mắc vì được nuôi dưỡng trong tham đắm và si mê nên chỉ có thể đem lại những phiền não khổ đau làm tàn phá con người, trong khi từ bi chỉ nuôi dưỡng xót thương cho hành động cứu khổ. Đại vương! sự xót thương rất cần cho con người. Đó là một niềm đau có ích. Không biết xót thương thì con người không thể là con người, vì vậy những khổ đau do lòng xót thương đem lại là những khổ đau cần thiết và có lợi lớn.

Sau nữa, đại vương nên biết là từ bi là hoa trái của sự hiểu biết. Tu tập theo đạo lý tỉnh thức là để chứng ngộ được thực tướng của sự sống. Thực tướng ấy là vô thường. Một vật đều vô thường, vô ngã vì vậy không vật nào là không có ngày phải tàn hoại. Thấy được tự tính vô thường của vạn vật, người tu có một cái nhìn điềm đạm và trầm tĩnh, vì vậy những vô thường xảy đến không làm xáo động được tâm mình. Cũng vì vậy niềm xót thương do lòng từ bi nuôi dưỡng không bao giờ có tính cách nặng nề và chua cay của những đau khổ thế tục. Trái lại, niềm xót thương này còn đem đến sức mạnh cho người tu đạo. Đại vương! Hôm nay đại vương đã nghe khái quát về đạo lý giải thoát. Một hôm khác, tôi sẽ giảng giải thêm cho đại vương về đạo lý này.

Với tâm hồn tràn đầy sự biết ơn, quốc vương Pasenadi đứng dậy từ tạ Bụt. Vua tự nhủ là một ngày nào đó vua sẽ xin Bụt nhận vua làm đệ tử. Vua biết hoàng hậu Mallika, thái tử Jeta và công chúa Vajiri đều đã có cảm tình sâu đậm với Bụt, và vua nghĩ hôm nào cả gia đình hoàng gia sẽ đến xin quy y làm đệ tử cùng một lần. Vua cũng biết là gái mình, công chúa Kosaladevi, chánh hậu của quốc vương Bimbisala, cũng như chính quốc vương Bimbisara, em rể của mình, cũng đã từ lâu quy y Tam Bảo.

Chiều hôm ấy, hoàng hậu Mallika và công chúa Vajiri đột nhiên thấy vua trở nên rất ngọt nào và thầm lặng. Hoàng hậu và công chúa biết đó là hiệu quả của cuộc gặp gỡ giữa vua và Bụt. Tuy nhiên cả hai đều không đả động tới việc này. Họ rất muốn vua kể lại cho họ nghe về cuộc gặp gỡ mà họ biết là rất kỳ thú ấy, nhưng cả hai người đều mặc nhiên đồng ý rằng họ phải đợi tới một dịp khác.

Bài viết được Đạo Phật Nguyên Thủy (Đạo Bụt Nguyên Thủy) trích từ 
cuốn sách Đường Xưa Mây Trắng của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh










Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t...

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại...

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,...

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta ...

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.