Chuyển đến nội dung chính

Đường Xưa Mây Trắng - Chương 12: Con Ngựa Kanthaka

Sức khỏe của Yasodhara trở lại bình thường, và nàng đã có thể bắt đầu lại công việc, tuy rằng nàng để khá nhiều thì giờ lo cho bé Rahula. Một sáng mùa Xuân nọ, Channa đánh xe song mã đưa Siddhatta và Yasodhara đi ra ngoài thành du ngoạn, theo lời khuyên nhủ của bà Gotami. Rahula cũng được ẵm theo và một cô thị nữ tên Ratna cũng được đi theo để săn sóc bé.
Đạo Phật Nguyên Thủy - Đường Xưa Mây Trắng - Chương 12: Con Ngựa Kanthaka
Nắng ấm đã lên. Lá cây xanh mơn mởn. Hoa nở khắp nơi, những cây vô ưu và những cây hồng táo nở hoa đầy mình. Chim chóc ca hát bốn phía. Channa cho xe đi chậm. Có những người dân quê nhận ra được Siddhatta và Yasodhara. Họ đứng dậy đưa cả hai tay lên vẫy. Xe đã ra tới bờ sông Banganga. Bỗng nhiên, Channa ghim cương ngựa lại. Mọi người nhìn về phía trước mặt. Một người đang nằm chặn giữa đường, tay chân người đó co quắp lại. Toàn thân người đó run rẩy. Miệng người đó không ngớt kêu rên. Siddhatta nhảy xuống, lại gần. Channa cũng buộc cương ngựa vào thành xe, nhảy xuống. Người nằm bên đường là một người đàn ông, tuổi chưa tới ba mươi. Siddhatta cầm lấy tay người ấy và ngước mắt hỏi Channa:

- Người nầy trúng gió phải không, Channa? Anh hãy giúp ta xoa bóp và đánh gió cho ông ta.

Channa lắc đầu:

- Thưa điện hạ, đây không phải là triệu chứng của người trúng gió. Người này mắc phải chứng dịch hạch. Chứng này hiện chưa có thầy thuốc nào biết cách chữa.

- Khổ chưa, thái tử Siddhatta nhìn kỹ lại người bệnh. Ta có nên chở ông ta về cho ngự y xem xét không?

- Thưa điện hạ, bệnh này ngự y cũng không trị nỗi, mà bệnh này lại hay lây. Nếu ta chở người này lên xe thì bệnh có thể lây tới lệnh bà, tới cậu Rahula, và tới cả điện hạ nữa. Xin điện hạ buông tay người ấy ra đi, kẻo nguy hiểm lắm.

Siddhatta vẫn không buông tay người bệnh. Chàng nhìn tay người bệnh rồi nhìn lại tay chàng. Chàng biết chàng là một người mạnh khẻo, nhưng nhìn thấy người bệnh trạc tuổi mình đang nằm trước ngưỡng cửa của cái chết, bao nhiêu sự tự hào về sức khẻo và sự may mắn của riêng mình đột nhiên tan biến hết nơi chàng.

Từ bờ sông, bỗng có tiếng khóc than vọng lại. Chàng đưa mắt nhìn lên. Lại một đám ma. Lại một giàn hỏa. Tiếng đọc kinh đã vọng lên chen lẫn với tiếng khóc than và tiếp đến là tiếng phần phật của giàn lửa bốc cháy.

Siddhatta nhìn xuống thì người bệnh dưới chân mình đã tắt thở. Hai con mắt ông ta còn trợn trừng. Chàng đặt bàn tay người ấy xuống, đưa tay vuốt mắt người chết. Khi đứng dậy thì chàng thấy Yasodhara đã đứng sau lưng chàng không biết từ lúc nào.

Nàng nói giọng nhỏ nhẹ:

- Xin điện hạ xuống rửa tay dưới bến sông. Channa, anh cũng nên xuống sông rửa tay đi. Rồi chúng ta đánh xe vào xóm báo cho nhà chức trách địa phương biết để họ lo liệu.

Cuộc du hành mùa Xuân tới dây là chấm dứt. Siddhatta báo Channa đánh xe trở về cung điện.

Trên đường về không ai nói với ai một lời nào.

Tối hôm ấy, Yasodhara nằm mơ thấy toàn là những ác mộng. Trong giấc mơ đầu, nàng thấy một con bò mộng trắng, trên đầu có gắn một viên ngọc lớn lấp lánh như sao Bắc đẩu. Con bò đi từng bước thong thả qua đường phố thành Kapilavatthu và hướng về cổng thành. Từ đền thờ Indra, có tiếng thiên thần la lớn: "Nếu không giữ được con bò này lại thì kinh đô này còn đâu là ánh sáng". Mọi người trong thành đều chạy đến cố sức giữ bò lại, nhưng rốt cuộc, không ai giữ được nó. Con bò thoát ra khỏi thành và đi mất.

Trong giấc mộng thứ hai, nàng thấy bốn vị vua trời từ trên đỉnh núi Tu Di phóng hào quang ngay thành Kapilavatthu. Ngọn cờ đang bay phấp phới trên đền thờ Indra bỗng dưng đập mạnh và rơi xuống đất. Hoa ở trên trời rơi xuống như mưa, hoa đủ năm màu, chói lọi. Khắp nơi như mở đại hội, và tiếng nhạc từ trên không vang dội khắp kinh kỳ.

Trong giấc mộng thứ ba, nàng nghe tiếng hô to trong không gian: "Giờ đã đến! Giờ đã đến!". Nàng hoảng hốt nhìn sang chỗ Siddhatta ngồi thì không còn thấy Siddhatta ở đấy. Những chiếc hoa lài cài trên tóc nàng bỗng rơi xuống sàn nhà và biến thành tro bụi. Tất cả những áo mão và đồ trang sức mà Siddhatta để lại trên ghế chàng bây giờ bỗng biến thành một con rắn đang trườn ra phía cửa. Trong hoảng hốt, nàng nghe tiếng rống của con bò trắng từ phía ngoài thành. Nàng nghe tiếng phần phật của ngọn cờ trên đền thờ Indra, và nàng nghe tiếng hô lớn trong không gian: "Giờ đã đến! Giờ đã đến!".

Yasodhara thức giấc. Trán nàng toát mồ hôi. Quay sang phía Siddhatta, nàng lay chàng dậy:

- Anh, anh ơi, anh thức dậy đi anh.

Siddhatta vẫn còn thức. Chàng đưa tay vỗ về Yasodhara. Chàng nói:

- Em vừa mới mơ thấy gì đó? Hãy kể cho anh nghe đi.

Yasodhara kể lại những giấc mộng của nàng, và nàng hỏi chàng:

- Có phải những giấc mộng ấy báo trước rằng anh sẽ ra đi tìm đạo và bỏ em ở nhà một mình phải không anh?

Siddhatta im lặng nghe. Chàng an ủi nàng:

- Này Gopa, em đừng buồn. Anh biết em là một người có chí khí. Anh biết em là người cộng sự của anh, và em có thể giúp anh hoàn thành được chí nguyện. Em hiểu anh hơn ai hết trong những người thân thuộc của chúng ta. Vậy nếu mai này mà anh phải đi và phải xa em, xa em trong một thời gian, anh mong rằng em sẽ có đủ can đảm để tiếp tục công việc của em. Em sẽ chăm sóc con và nuôi con lớn lên, dù anh có đi, dù anh có ở xa em thì tình thương của anh đối với em bao giờ cũng thế. Anh sẽ chẳng bao giờ không yêu em. Nếu em biết như thế thì em có thể chịu đựng được sự xa cách. Khi anh tìm được đạo, anh sẽ trở về với em, với con. Thôi em ngủ lại đi.

Tiếng Siddhatta ôn tồn, ngọt ngào và vỗ về đi thẳng vào lòng Yasodhara. Nàng có đủ đức tin nơi chàng. Nàng ngoan ngoãn nhắm mắt lại.

Sáng hôm sau, Siddhatta vào gặp vua cha. Chàng tâu:

- Thưa phụ vương, con xin phép phụ vương xuất gia để tìm đạo.

Vua Suddhodana giật mình, tuy đã từng nghĩ đến biến cố có thể xảy ra này, nhưng vua chưa bao giờ nghĩ nó xảy ra một cách đột ngột như vậy. Trầm ngâm hồi lâu, ngài nhìn con rồi nói:

- Ngày xưa trong dòng họ ta thỉnh thoảng cũng có người đi xuất gia làm sa môn, nhưng không ai bỏ nhà ra đi vào tuổi của con cả. Ai cũng đợi đến sau tuổi năm mươi. Sao con không làm như thế? Con của con còn nhỏ, và nước nhà đang trông cậy vào con...

- Thưa phụ vương, một ngày con ngồi trong cung cũng như một ngày con ngồi trên đống lửa. Tâm con không an thì làm sao con có thể đáp lại sự trông cậy của phụ vương, của nước nhà, cũng như của bất cứ ai? Con thấy ngày tháng qua rất mau, tuổi trẻ của con cũng vậy. Xin phụ vương cho phép con...

Vua ôn tồn:

- Con nên nghĩ đến sơn hà, xã tắc, đến ta, đến Yasodhara và đến đứa con còn trứng nước của con.

- Thưa phụ vương, chính vì con nghĩ đến cho nên con mới xin phép phụ vương cho con ra đi. Con đi đây không phải là để cho một mình con. Con không ích kỷ đi trốn tránh nhiệm vụ của con. Chính phụ vương cũng biết rằng phụ vương không giúp được cho con giải tỏa những khổ đau dằn vặt trong con. Ngay cả những khổ đau dằn vặt trong lòng phụ vương, phụ vương cũng chưa giải tỏa được.

Vua đứng dậy nắm lấy tay chàng:

- Con biết rằng ra rất cần con. Con là người mà ta đặt hết kỳ vọng của ta. Con đừng bỏ ta.

- Con không bao giờ bỏ phụ vương. Con chỉ xin phụ vương đi xa. Chừng nào đạt đạo con sẽ trở về.

Nét mặt Suddhodana dàu dàu. Ngài không nói gì nữa. Ngài bỏ vào biệt điện.

Chiều hôm đó, hoàng hậu Gotami qua ở lại suốt buổi với Yasodhara.

Cũng chiều hôm đó, Udayin bạn của Siddhatta đến chơi. Chàng rủ theo Devadatta, Ananda, Anuruddha, Kimbila và Bhadrika, những người trai trẻ đòi tổ chức cuộc vui. Udayin đã mời được đoàn vũ công tài ba nhất trong kinh thành đến. Đèn đuốc thắp lên sáng rực cả cung điện.

Bà Gotami cho Yasodhara biết là Udayin đã được vua cho triệu tới và giao trách nhiệm làm đủ mọi cách để ngăn Siddhatta bỏ nhà ra đi. Cuộc vui tối nay nằm trong chương trình hành động của chàng.

Yasodhara ra lệnh cho các thị nữ đi lo thức ăn và thức uống cùng các nhu cầu khác cho cuộc vui và nàng ở lại bên trong đàm đạo với phu nhân Gotami trong khi bên ngoài công viên Siddhatta tiếp đãi các bè bạn. Hôm đó là ngày trăng tròn tháng Uttarasalha.

Khi tiếng nhạc của cuộc vui bắt đầu trổi đậy thì trăng cũng bắt đầu nhô lên trên rặng cây phía trời Đông Nam.

Bà Gotami tâm sự với Yasodhara cho tới khuya mới về cung an nghỉ. Khi đưa bà ra sân. Yasodhara thấy trăng đã lên tới đỉnh đầu. Cuộc vui còn tiếp diễn với tiếng trống tiếng nhạc và tiếng nói cười. Đưa hoàng hậu Gotami khỏi ngõ, nàng trở vào đi tìm Channa. Người hầu cận này đang ngủ. Nàng đánh thức Channa dậy, thầm thì:

- Có thể đem nay thái tử cần đến ngươi. Hãy chuẩn bị cho con Kanthaka, yên cương đầy đủ, và cũng nên chuẩn bị một con ngựa khác cho chính ngươi.

- Thưa lệnh bà, thái tử đi dâu vào giờ này?

- Ngươi đừng hỏi, cứ việc chuẩn bị như lời ta dặn vì thái tử có thể cần đến ngươi trong đêm nay.

Channa vâng dạ đi vào tàu ngựa. Yasodhara đi trở vào trong cung. Nàng sắp đặt sẵn giầy nón và áo dạ hành cho thái tử. Nàng lại đi lấy thêm một chiếc chăn mỏng để đắp thêm cho Rahula, rồi nàng thay áo và lên giường. Nằm trên giường, nằng lắng nghe tiếng nhạc, tiếng ca, tiếng nói và tiếng cười. Cuối cùng, cuộc vui tan. Có lẽ mọi người đều đã tìm nơi an nghỉ. Yasodhara nằm yên lắng nghe sự im lặng trở về trong cung cấm. Nằm yên chờ đợi, nhưng lâu lắm nàng vẫn không thấy Siddhatta đi vào.

Trong khi đó, Siddhatta ngồi một mình thật lâu ngoài vườn ngự. Chàng nhìn lên trời. Trăng sáng vằng vặc, ngàn sao nhấp nháy. Chàng quyết định đêm nay phải rời bỏ hoàng cung. Chàng đi vào, mang giầy và mặc áo. Chàng vén rèm nhìn vào phòng ngủ , Rahula nằm ngay bên cạnh. Chàng muốn vào nói lời từ biệt nàng, nhưng chàng lưỡng lự, những lời dặn dò cần thiết nhất, chàng đã nói với nàng rồi. Thức nàng dậy chàng biết chàng sẽ làm cho phút biệt ly khó khăn hơn, và não lòng hơn, Chàng buông rèm xuống, định bước chân ra, nhưng chàng đứng lại vén rèm lần nữa, để nhìn hai mẹ con một lần cuối. Chàng nhìn thật kỹ như để thu lấy thêm một lần nữa cái hình ảnh quen thuộc và thân yêu ấy. Cuối cùng chàng buông rèm, bước ra.

Khi đi ngang qua phòng khánh tiết. Siddhatta thấy bọn vũ nữ nằm ngủ la liệt và ngã nghiêng trên nệm thảm. Đầu tóc họ xổ tung, có người mở rộng miệng ra như những con cá chết, những cánh tay mềm mại của họ bây giờ cứng đơ như những thanh củi, và chân họ gác ngang gác ngửa như trên một bãi chiến trường. Họ trông giống như những cái xác chết không hồn. Siddhatta có cảm tưởng mình đang bước ngang qua một cái nghĩa địa.

Chàng mở cửa ra đi ra phía chuồng ngựa. Channa đang thức. Chàng bảo:

- Channa, đem con Kanthaka ra đây.

Channa vâng dạ. Channa đã chuẩn bị mọi sự chu đáo rồi. Con Kanthaka đã có đủ yên cương. Channa thưa lại:

- Con có đi với điện hạ không?

Siddhatta gật đầu. Channa đi vào tàu, dắt ra một con ngựa khác. Con ngựa này cũng đã có đủ yên cương.

Hai thầy trò dắt ngựa ra khỏi cung. Siddhatta dừng lại, vuốt ve con Kanthaka. Chàng nói với ngựa:

- Này Kanthaka, chuyến đi này là một chuyến đi quan trọng. Con hãy hết lòng đưa ta đi.

Chàng nhảy lên mình ngựa. Channa cũng nhảy lên ngựa của mình.

Hai thầy trò cho ngựa đi thong tha để đừng gây nên nhiều tiếng động.

Những người lính gác cửa thành đang ngủ say. Hai thầy trò vượt qua cổng thành một cách dễ dàng. Ra khỏi cổng thành, được chừng một dặm, Siddhatta dừng ngựa. Chàng quay nhìn lại kinh đô đang nằm im lìm dưới ánh trăng. Chính nơi kinh đô này mà Siddhatta đã sinh ra và lớn lên. Chính nơi kinh đô này mà chàng đã trải qua bao nhiêu buồn vui và thao thức. Chính trong kinh đô ấy, phụ hoàng, bà Gotami, Yasodhara, Rahula và tất cả những người thân yêu khác hiện đang ngủ say. Chàng thầm bảo:

- Nếu không tìm ra được con đường, ta sẽ không trở về Kapilavatthu nữa.

- Chàng quay ngựa về phương Nam. Con Kanthaka bắt đầu phi nước đại.


Bài viết được Đạo Phật Nguyên Thủy (Đạo Bụt Nguyên Thủy) trích từ 
cuốn sách Đường Xưa Mây Trắng của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh












Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.