Chuyển đến nội dung chính

Trường Bộ Kinh - Tóm tắt

Vài lời xin thưa trước

1) Kinh Phật vừa cao-siêu vừa phong-phú, có lẽ để cả đời cũng chưa đọc hết, hiểu thấu, vàthực-hành theo cho thật đầy-đủ. Muốn có được một cách nhìn tổng-quát, chính-xác và rõ-ràng, cần phải có một bản tóm-lược vừa gọn, vừa trung-thực. Những trang sau đây là một cố-gắng nhỏ trong việc đi tìm một lối đi nhẹ-nhàng mà chắc-chắn theo con đường giác-ngộ và giải-thoát mà đấng Từ-phụ đã khai-quang.
Tóm tắt Kinh Trường Bộ - Kinh Trường Bộ - Đạo Phật Nguyên Thủy

2) Kinh Phật ghi lời vàng của Thế-Tôn, chẳng nên vì bất cứ lý-do gì sửa-đổi lời văn, thêm-bớt ý-tưởng khác vào, cho ngắn-gọn hơn; làm như thế là tỏ ra sự bất-kính đối với bậc Đại-Giác. Vì thế, đừng bao giờ tạm vừa-ý với các trang sau đây mà chẳng tìm dịp thuận-tiện đọc kỹ lạicác bản Kinh trong Đại-Tạng.

3) Nếu các trang sau đây được xem như những bản nháp tạm dùng trong việc tìm hiểu và học tập Kinh Phật, thì đó thật là một hân-hạnh rất lớn-lao cho người viết.

Thiện Nhựt xin lưu-ý qúi vị vài điểm sau đây:

- Tiểu-mục ''Trong trường-hợp nào, bản Kinh được thuyết-giảng?'' là phần tóm-tắt đại-ý của bản Kinh;


- Tiểu-mục ''Nội-dung của bản Kinh'' là một cố-gắng tìm dàn-bài, với các ý quan-trọng, của bản Kinh;

- Tiểu-mục ''Trích đoạn'' chép nguyên-văn lời Phật, đồng thời ghi rõ thêm các ý quan-trọng trong Kinh;

- Tiểu-mục ''Học Kinh nầy, chú-ý điểm nào?'' là ý-kiến thô-thiển của Thiện-Nhựt mong-muốn người học Kinh chẳng bỏ qua phần lợi-lạc do bản Kinh đưa tới.

4) Muốn dùng tập sách HỌC KINH PHẬT nầy cho có hiệu-quả, xin, theo thứ-tự, làm các việc sau đây:

- Tìm đọc trước Nguyên-tác bản Kinh ghi trong Đại-Tạng;

- Đọc lướt qua phần Tóm-lược về bản Kinh trong tập sách nầy, để nắm vững ý-chánh các lời giảng-dạy của đức Phật trong Kinh;

- Gặp các danh-từ chuyên-môn về Phật-học chưa hiểu rõ, nên tra các Từ-điển. Thiện Nhựt có soạn một cuốn Tiểu Từ-điển Phật-học thông-dụng (ấn-bản 2005, Montreal) ngắn gọn, đủ để tạm hiểu các chữ khó;

- Đọc lại, lần thứ hai, phần Tóm-lược về bản Kinh trong tập sách nầy, để đi sâu vào các điểm quan-trọng về lời dạy của Thế-Tôn. Phần Tóm lược nầy đã được soạn theo cách tiệm-tiến, đi từ ý-chánh quan-trọng rồi mới đến các chi-tiết phụ khác, nhằm khai-triển ý-chánh của bản Kinh. Tiểu-mục Trích-đoạn ghi lại đoạn văn nào trong nguyên-tác cần phải đọc kỹ, để nếmhương-vị của bản Kinh.


Thiện Nhựt kính-cẩn cầu mong các bực cao-minh chỉ-dạy thêm. 

Montreal, 2006-03-27
Thiện Nhựt kính trình.

-ooOoo-


TRƯỜNG BỘ KINH


001. TAM TẠNG KINH-ĐIỂN.

Giáo-Pháp của đức Phật được kết-tập lại thành Tam Tạng Kinh-Điển (Tipitaka) (tam tạng = ba cái giỏ đựng Kinh-sách), gồm có: (1) Luật-tạng, (2) Kinh-tạng, (3) Luận-tạng.

Luật-tạng ghi lại các giới-cấm của đức Phật dạy các Tỳ-kheo phải tuân theo. Kinh-tạng gồm rất nhiều bản Kinh do Phật thuyết-giảng về đường lối tu-hành. Luận-tạng bàn rộng thêm các vấn-đề được nói đến trong Kinh-tạng.

002. TRƯỜNG-BỘ KINH.

Đại-Tạng Việt-Nam, hệ Pali, riêng phần Kinh-kệ, gồm có năm Bộ-kinh lớn:

1. Trường-Bộ Kinh (Digha Nikaya),

2. Trung-Bộ Kinh (Majjhima Nikaya),

3. Tương-Ưng-Bộ Kinh (Samyutta Nikaya)

4. Tăng-Chi-Bộ Kinh (Anguttara Nikaya),

5. Tiểu-Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya).

Trường-Bộ Kinh là bộ Kinh thứ nhứt trong Hệ Pali, Phật-Giáo Nguyên-Thủy, được Viện Nghiên-Cứu Phật-Học Việt-Nam ấn hành năm 1991, do Hoà-thượng Thích Minh-Châu soạn bản Việt-văn.

Trường-Bộ Kinh phân ra làm 3 Phẩm (Vagga), gồm có 34 bản Kinh; vì nội-dung mỗi bản Kinh khá dài so với các bản Kinh Phật khác, nên được kết-tập lại dưới nhan-đề Trường-Bộ Kinh.

1. Phẩm Giới-Uẩn (Silakkhandha Vagga Pali): 13 bản Kinh giảng về các cấp giới-luật: tiểu-giới dành cho mọi người; trung-giới và đại-giới dành cho bực tu-hành cao.

2. Đại-Phẩm (Mahà Vagga Pali): 10 bản Kinh quan-trọng nhứt về lịch-sử (như Kinh Bát-Đại Niết-bàn, Kinh Đại Bổn) và về giáo-lý (như Kinh Đại Duyên, Kinh Tứ niệm xứ).

3. Phẩm Ba-lê-tử (Pathika Vagga Pali) (Patikaputta, Ba-lê-tử là tên một tu-sĩ ngoại-đạo): 11 bản Kinh bàn về các vấn-đề khác nhau như vấn-đề vũ-trụ thành-hoại, vấn-đề bổn-phận công-dân trong xã-hội, vấn-đề tu khổ-hạnh của ngoại-đạo.

Sau đây, xin tóm-tắt nội-dung các bản Kinh, thuộc Trường-Bộ Kinh, theo thứ-tự được ghi trong ba Phẩm kể trên.

-ooOoo-


I. PHẨM GIỚI-UẨN

1. KINH PHẠM-VÕNG

003. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT THUYẾT KINH PHẠM-VÕNG?

Vào một thời kia, đức Phật và các Tỳ-kheo đang đi trên đường từ thành Vương-Xá đến làng Nalanda, có hai du-sĩ ngoại-đạo theo sau, thầy là Suppiya và trò là Brahmadatta, đang cãi nhau: thầy thì hủy-báng Phật, Pháp, Tăng; còn trò thì hết lòng tán-thán ngôi Tam Bảo.

Nhơn thấy các Tỳ-kheo bàn-luận về việc nầy, đức Phật khuyên các Tỳ-kheo khi nghe ai hủy-báng Phật, Pháp, Tăng, chớ nên tức-tối, phiền-muộn, mà có hại cho tâm mình. Còn khi nghe lời tán-thán ngôi Tam Bảo, cũng chớ có quá hoan-hỉ, thích-thú, vì sẽ gây trở ngại cho đường tu. Thái-độ đứng-đắn là phải nói lên sự-thật cho họ biết: trong lời hủy-báng, vạch ra chỗ nào là chẳng chính-xác; trong lời tán-thán, chỉ rõ điểm nào đã thật-sự xảy ra.

Đức Phật lại bảo, phàm-phu khi tán-thán Phật, thường nói đến các ''vấn-đề không quan-trọng, nhỏ-nhặt, chỉ thuộc về giới-luật''. Còn các bực biết tán-thán Như-Lai một cách chân-chánh thì mới nói đến ''các pháp khác, sâu-kín, khó chứng, tịch-tĩnh, mỹ-diệu, vượt ngoài tầm lý-luận suông, chỉ những người trí mới nhận hiểu, chỉ có bực Như-Lai mới tự chứng-tri, giác-ngộ và truyền-thuyết''.

Do đó, Phật thuyết-giảng Kinh Phạm-Võng để dạy về giới-luật, và các pháp cao-siêu vượt thoát được sáu mươi hai kiến-chấp vốn là các tà-kiến đã lôi kéo con người vào vòng sanh-tử khổ-đau của Luân-hồi.

004. NỘI-DUNG KINH PHẠM-VÕNG.

A. Ý chánh: PHẠM-VÕNG nghiã là: Phạm là cõi trời Phạm (Brahma); Võng là lưới; phạm-võng là màn lưới ở cõi Trời Phạm bao trùm cả vũ-trụ. Tựa như một mẻ lưới lớn quăng xuống hồ bắt trọn hết các loài cá tôm, Kinh Phạm-Võng nầy bao trùm được hết tất cả 62 kiến-chấp; chỉ có các bực ''Như-Lai đã giác-ngộ chẳng còn chấp-thủ, (mới) được hoàn-toàn giải-thoát''(khỏi các tà-kiến đó).

B. Phân đoạn: Nội dung bản Kinh rất dài, có thể chia ra ba phần: (1) các giới-luật; (2) các kiến-chấp; (3) nguyên-nhân vướng vào các kiến-chấp đó và cách vượt thoát.

1. Các giới-luật là các điều răn-cấm, gồm có ba cấp: Tiểu-giới dành cho kẻ tu-hành thấp;Trung-giới và Đại-giới dành cho bực tu-hành cao.

2.- Các kiến-chấp là các tà-kiến khiến nghiệp-lực lôi-kéo kẻ dính mắc phải trôi-lăn mãi trong cõi Luân-hồi. Có tất cả 62 kiến-chấp: 18 kiến-chấp liên-quan về quá-khứ và 44 kiến-chấp liên-quan về tương-lai.

3.- Nguyên-nhân vướng vào các kiến-chấp là sự chấp-thủ vào các kinh-nghiệm do sự xúc-cảm của các căn gây nên các cảm-thọ, rồi từ thọ đến ái, từ ái đến thủ (tức là sự chấp-thủ). Nếu biết như-thật các cảm-thọ: sự tập-khởi, sự diệt-trừ, vị ngọt, sự nguy-hiểm và sự xuất-ly khỏi chúng, sẽ vượt ra ngoài các kiến-chấp đó.

005. BA CẤP GIỚI-LUẬT.

- Tiểu giới: chẳng sát-sanh, chẳng trộm-cắp, chẳng tà-hạnh, chẳng nói dối, chẳng nói hai lưỡi, chẳng nói độc-ác, chẳng nói điều vô-nghiã, chẳng ăn phi-thời, chẳng xem múa hát, chẳng nằm giường cao, chẳng nhận vàng bạc, chẳng nhận nô-tỳ, chẳng nhận gia-súc, ruộng vườn, chẳng làm môi-giới, chẳng hối-lộ, chẳng lừa đảo.

- Trung giới: chẳng làm hại các hột giống, chẳng cất chứa thức ăn và đồ dùng, chẳng dự các trò du-hí, các trò giải-trí, chẳng dùng chăn len, nệm bông,

chẳng dùng đồ trang-sức, chẳng bàn phiếm về thời-sự, chẳng biện-luận, tranh-chấp, chẳng đưa tin-tức hoặc nói lời siểm-nịnh để cầu lợi.

- Đại giới: tránh xa các tà-hạnh như xem tướng, đoán mộng, dùng bùa-chú, tránh xa các tà-mạng như tiên-đoán thời-sự, chiêm-tinh, thời-tiết, coi ngày giờ tốt xấu, dùng các ảo-thuật, chữa trị bịnh, để nuôi mạng sống, mặc dầu đã nhận của tín-thí.

Kinh nói: ''... đấy là những vấn-đề không quan-trọng, nhỏ-nhặt, chỉ thuộc giới-luật mà kẻ phàm-phu dùng để tán-thán Như-Lai.''

006. SÁU MƯƠI HAI KIẾN-CHẤP.

Sáu mươi hai loại kiến-chấp bị bao-trùm cả trong màn lưới Phạm-Võng, gồm có:

- 18 kiến-chấp về quá-khứ,

- 44 kiến-chấp về tương-lai.

Mười tám kiến-chấp về quá-khứ có:

- 4 luận-chấp về Thường-trú-luận;

- 4 luận-chấp về Thường, Vô-thường-luận;

- 4 luận-chấp về Hữu-biên, Vô-biên-luận

- 4 luận-chấp về Ngụy-biện-luận;

- 2 luận-chấp về Vô-nhân-luận.

Bốn mươi bốn kiến-chấp về tương-lai có:

- 16 luận-chấp về Hữu-tưởng-luận;

- 8 luận-chấp về Vô-tưởng-luận;

- 8 luận-chấp về Phi-hữu tưởng phi-vô tưởng;

- 7 luận-chấp về Đoạn-diệt-luận;

- 5 luận-chấp về Hiện-tại Niết-bàn-luận.

007. MƯỜI TÁM KIẾN-CHẤP VỀ QUÁ-KHỨ.

Các kiến-chấp liên-quan đến quá-khứ: gồm có 18 luận-chấp về quá-khứ do chủ-trương của các Sa-môn, Bà-la-môn, nhờ nhập định mà nhớ lại được đời, kiếp trước (một kiếp có nhiềuđời):

* 4 luận-chấp về Thường-trú-luận: cho rằng thế-giới và bản-ngã chúng-sanh đều thường-còn mãi mãi:

- trường-hợp 1: vì nhớ được nhiều đời trước;

- trường-hợp 2: vì nhớ được nhiều kiếp trước;

- trường-hợp 3: vì nhớ được nhiều thành-kiếp, và hoại-kiếp trước (thành, hoại-kiếp có nhiềukiếp);

- trường-hợp 4: vì dựa theo óc suy-luận.

* 4 luận-chấp về Thường-trú-luận và Vô-thường-luận: cho rằng thế-giới và bản-ngã vừathường-trú với một hạng chúng-sanh, vừa vô-thường với các hạng chúng-sanh khác:

- trường-hợp 1: từ cõi Quang-âm thiên có vị hữu-tình sanh sang cung Phạm-thiên trước nhứt, tự cho mình là chúa-tể, coi các chúng-sanh khác, sanh sau, là con cháu của mình. Vị Đại-Phạm-Thiên đó có mạng sống lâu dài, sắc-tướng đẹp-đẽ, uy-quyền rộng lớn, nên được xem là thường-hằng; còn các chúng-sanh khác thì vô-thường, phải chịu sự biến-dịch.

- trường-hợp 2: từ cõi Trời Phạm, có hạng chư Thiên vì mê-say dục-lạc, nên bị ô-nhiễm, thác-sanh xuống cõi nhơn-gian. Nhờ biết tu-hành, nhập-định, nhớ lại đời trước, nên chủ trương rằng, chư Thiên nào không say-mê dục-lạc, không bị thác-sanh thì thường-hằng; còn kẻ bị ô-nhiễm thì vô-thường.

- trường-hợp 3: cũng từ cõi Trời Phạm, có hạng chư Thiên tâm-trí bị ô-nhiễm vì đố-kỵ, nên thác-sanh xuống cõi nhơn-gian. Nhờ biết tu-hành, nhập-định, nhớ lại đời trước, nên chủ trương rằng, chư Thiên nào tâm-trí chẳng bị đố-kỵ ô-nhiễm, chẳng thác-sanh, nên thường-hằng; còn ai bị ô-nhiễm tâm-trí thì vô-thường.

- trường-hợp 4: các nhà suy-luận nhờ sự thẩm-sát, cho rằng cái gì thuộc về sắc-thân thì chẳng kiên-cố, nên vô-thường; còn những gì thuộc về tâm-thức , về bản-ngã thì thường-hằng.

* 4 luận-chấp về Thế-giới hữu-biên, hay vô-biên: (hữu-biên = có giới-hạn; vô-biên = chẳng có giới-hạn)

- trường-hợp 1: cho rằng khi nhập-định thì thấy thế-giới nầy có con đường chạy vòng quanh, cho nên đó là hữu-biên;

- trường-hợp 2: cho rằng khi nhập-định lại thấy thế-giới nầy chẳng có giới-hạn, cho nên vô-biên;

- trường-hợp 3: cho rằng khi nhập-định thì thấy thế-giới nầy vô-biên theo chiều ngang, và có giới-hạn ở bên trên và bên dưới, vì vậy cho nên vừa hữu-biên, vừa vô-biên.

- trường-hợp 4: dùng lý-luận, có vị cho rằng thế-giới nầy chẳng phải hữu-biên, chẳng phải vô-biên,

chẳng phải vừa hữu-biên, vừa vô-biên. Thế-giới nầy, thật ra, chẳng phải hữu-biên, cũng chẳng phải vô-biên.

* 4 luận-chấp về Ngụy-biện (''trườn uốn như con lươn''): do chẳng biết như-thật, nên dùng lờingụy-biện lẫn tránh câu trả lời dứt-khoát, như:''Tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế.'' Bốn trường-hợp ngụy-biện là:

- trường-hợp 1: vì sợ sai-lầm;

- trường-hợp 2: vì sợ bị chấp-thủ;

- trường-hợp 3: vì sợ bị thử-thách;

- trường-hợp 4: vì ngu-si

* 2 luận-chấp về Vô-nhân-luận: cho rằng thế-giới nầy và bản-ngã chẳng phải do nhân-duyênmà sanh ra (vô-nhân = chẳng vì nhân-duyên gì, tự-nhiên sanh ra):

- trường-hợp 1: có vị lấy lý-do là vì trước kia tôi chẳng có; nay tôi lại đang có; từ trạng-thái không có, nay tôi trở thành một loài hữu-tình, nên vô-nhân.

- trường-hợp 2: các nhà biện-luận do sự biện-bác, tuyên-bố, Bản ngã và Thế-giới do vô-nhân sanh.

008. BỐN MƯƠI BỐN KIẾN-CHẤP VỀ TƯƠNG-LAI.

Các kiến-chấp liên quan đến tương-lai gồm có 44 luận-chấp sai-lầm về tương-lai, được phân ra:

- 16 luận-chấp Hữu-tưởng-luận;

- 8 luận-chấp về Vô-tưởng-luận;

- 8 luận-chấp về Phi-hữu-tưởng, phi-vô-tưởng luận

- 7 luận-chấp về Đoạn-diệt-luận;

- 5 luận-chấp về Hiện-tại Niết-bàn-luận;

Các kiến-chấp nầy là chủ-trương sai-lạc về tương-lai do các Sa-môn, Bà-la-môn dựa vào các cảm-thọ được kinh-nghiệm qua sáu căn khi tiếp-xúc với sáu trần, rồi vì tham-ái mà sanh ra chấp-thủ.

009. MƯỜI SÁU LUẬN-CHẤP VỀ HỮU-TƯỞNG.

16 luận-chấp về Hữu-tưởng-luận chủ-trương, sau khi chết, bản-ngã con người còn có tưởng:

- bản-ngã có sắc, chẳng bịnh, sau khi chết còn có tưởng;

- bản-ngã chẳng có sắc, ...;

- bản-ngã có sắc, cũng chẳng có sắc, ...;

- bản-ngã cũng chẳng có sắc, cũng chẳng chẳng có sắc, ...;

- bản-ngã là hữu-biên, ...;

- bản-ngã là vô-biên, ...;

- bản-ngã là hữu-biên và vô-biên, ...;

- bản-ngã cũng chẳng hữu-biên, cũng chẳng vô-biên, ...;

- bản-ngã là nhứt-tưởng, ...;

- bản-ngã là dị-tưởng, ...;

- bản-ngã là thiểu-tưởng, ...;

- bản-ngã là vô-lượng-tưởng, ...;

- bản-ngã là thuần-lạc, ...;

- bản-ngã là thuần-khổ, ...;

- bản-ngã là khổ-lạc, ...;

- bản-ngã chẳng khổ, chẳng lạc, chẳng bịnh, sau khi chết có tưởng.

010. TÁM LUẬN-CHẤP VỀ VÔ-TƯỞNG.

8 luận-chấp về Vô-tưởng-luận chủ-trương bản-ngã chẳng có tưởng sau khi chết:

- bản-ngã có sắc, chẳng bịnh, sau khi chết chẳng có tưởng;

- bản-ngã chẳng có sắc, ...;

- bản-ngã có sắc, cũng chẳng có sắc, ...;

- bản-ngã chẳng có sắc, cũng chẳng chẳng có sắc, ...;

- bản-ngã là hữu-biên, ....;

- bản-ngã là vô-biên, ...;

- bản-ngã là hữu-biên và vô-biên, ....;

- bản-ngã là phi-hữu-biên và phi-vô-biên, chẳng bịnh, sau khi chết chẳng có tưởng.

011. TÁM LUẬN-CHẤP VỀ PHI-HỮU, PHI-VÔ TƯỞNG.

8 luận-chấp về Phi-hữu-tưởng, phi-vô-tưởng luận chủ-trương sau khi chết, bản-ngã chẳng phải có tưởng, cũng chẳng phải chẳng có tưởng:

- bản-ngã có sắc, chẳng bịnh, sau khi chết thì phi-hữu tưởng, phi-vô tưởng;

- bản-ngã chẳng có sắc, ...;

- bản-ngã có sắc và cũng chẳng có sắc, ...;

- bản-ngã phi-hữu sắc và cũng phi-vô sắc, ...;

- bản-ngã là hữu-biên, ...;

- bản-ngã là vô-biên, ...;

- bản-ngã là hữu-biên và vô-biên, ...;

- bản là phi-hữu biên và phi-vô biên, chẳng bịnh, sau khi chết thì phi-hữu tưởng, phi-vô tưởng.

012. BẢY LUẬN-CHẤP VỀ ĐOẠN-DIỆT.

7 luận-chấp về Đoạn-diệt-luận do các Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương rằng, bản-ngã của loài hữu-tình bị tiêu-hủy hoàn-toàn, chẳng còn gì, sau khi chết.

- vì bản-ngã có sắc, do bốn đại hợp thành, nên sau khi chết, thân hoại, chẳng còn gì nữa;

- vì còn có một bản-ngã khác, có sắc, có thiên-tánh, thuộc Dục-giới, nhưng sau khi chết, thân hoại, bản-ngã nầy cũng bị tiêu-diệt hết.

- vì còn có bản ngã khác nữa, có sắc, có thiên-tánh, thuộc Sắc-giới, nhưng sau khi chết, ...;

- vì còn có bản-ngã khác nữa, chẳng có sắc, thuộc Không vô-biên-xứ, nhưng sau khi chết, ...;

- vì còn có bản-ngã khác nữa, ... , thuộc Thức vô-biên-xứ, nhưng sau khi chết, ...;

- vì còn có bản-ngã khác nữa, ... . thuộc Vô-sở-hữu-xứ, nhưng sau khi chết, ...;

- vì còn có bản-ngã khác nữa, ..., thuộc Phi-tưởng, phi phi-tưởng-xứ, nhưng sau khi chết, thân hoại, bản-ngã cũng bị tiêu-diệt hết.

013. NĂM LUẬN-CHẤP VỀ HIỆN-TẠI NIẾT-BÀN.

5 luận-chấp về Hiện-tại Niết-bàn-luận do các Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương rằng, trong hiện-tại bản-ngã của chúng-sanh có thể đạt tới cõi Niết-bàn tối-thượng:

- khi bản-ngã tận hưởng năm món dục-lạc (thú vui vật-chất) do các giác-quan mang đến;

- khi bản-ngã ấy biết lià xa các dục-lạc, đạt đến cõi Sơ-thiền;

- khi bản-ngã ấy ... đạt đến cõi Nhị-thiền;

- khi bản-ngã ấy ... đạt đến cõi Tam-thiền;

- khi bản-ngã ấy ... đạt đến cõi Tứ-thiền.

014. CÁC PHÁP SÂU-KÍN GIÚP VƯỢT THOÁT KHỎI SÁU MƯƠI HAI KIẾN-CHẤP.

62 luận-chấp ( 18 kiến-chấp về quá-khứ và 44 kiến-chấp về tương-lai, vừa được liệt-kệ trênđây) do các Sa-môn, Bà-la-môn dựa theo kinh-nghiệm từ nơi các cảm-thọ gây nên bởi sự tiếp-xúc giữa sáu căn và sáu trần, đưa đến sự tham-ái, rồi từ tham-ái sanh ra chấp-thủ, khiến cho bị nghiệp-lực lôi-kéo vào các nẻo tái-sanh của Luân-hồi. Họ''bị bao trùm bởi màn lưới Phạm-Võng của sáu mươi hai luận-chấp nầy, dầu có nhảy vọt lên, cũng bị hạn-cuộc bao phủ ở đấy''.

Như-Lai nhờ chẳng chấp-trước vào các kiến-chấp đó, nội-tâm tịch-tĩnh, biết rõ như-thật sự tập-khởi, sự diệt-trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy-hiểm và sự xuất-ly của chúng, nên được hoàn-toàn giải-thoát. Đó là những ''pháp sâu-kín, khó thấy, khó chứng, tịch-tĩnh, mỹ-diệu, vượt ngoài tầm của lý-luận suông, tế-nhị, chỉ những người có trí mới có thể phận-biệt. Những pháp ấy, Như-Lai đã tự chứng tri, giác-ngộ và truyền-thuyết. Và chính những pháp ấy, những ai như-thật chân-chánh tán-thán Như-Lai mới nói đến''.

015. HỌC-TẬP KINH PHẠM-VÕNG NHƯ THẾ NÀO?

1. HỌC KINH PHẬT chẳng phải là đọc sơ qua để biết Kinh nói về việc gì như đọc tiểu-thuyết, mà phải đọc-tụng thật nhiều lần, tìm hiểu rõ nghiã cạn, nghiã sâu và nghiã ẩn của bản Kinh.Đọc và hiểu Kinh còn chưa đủ, cần phải biết cách áp-dụng vào đời sống hằng ngày để thực-tập. Kinh Phật chẳng những dạy ta các kiến-thức, Kinh còn dạy ta lối sống giải-thoát nữa, dođó học Kinh mà chẳng thực-hành thì thiếu-sót rất lớn, còn chưa biết hưởng lợi-lạc do Kinh mang đến.

2. Kinh Phạm-Võng nêu hai điểm quan-trọng:

a.- Các giới-luật trong Phật-học: tuy chia ra tiểu, trung và đại-giới, nhưng người học Kinh Phật phải nhớ đó là các điều răn-cấm để tránh phạm các tội-ác, nên ráng giữ cho trọn, được giới nào cũng đều tốt cả.

b.- Các kiến-chấp, tuy gồm 62 luận-chấp sai-lầm, nhưng đều qui vào quá-khứ và tương-lai.Chẳng cần học thuộc để nhớ hết cả, chỉ cần biết chúng đều do sự chấp-thủ mà ra; hễ chẳng bám-níu vào và đeo-đuổi theo các cảm-thọ nơi giác-quan, thì có hi-vọng tránh được hết.

3. Tuy Kinh Phạm-Võng chẳng nói đầy-đủ về nghiệp-lực đã dẫn-dắt chúng-sanh vào các nẻo Luân-hồi, người học Kinh Phật nên biết thêm rằng, gây ra nghiệp-lực là do lời nói (khẩu-nghiệp), hành-động (thân-nghiệp) và ý-nghĩ (ý-nghiệp). Sáu mươi hai kiến-chấp nói trong Kinh Phạm-Võng là những tà-kiến tạo thành ý-nghiệp -- quan-trọng nhứt trong ba loại nghiệp -- có lẽ vì thế mà trong Kinh-Tạng, Kinh Phạm-Võng đã được chọn làm bản Kinh đầu-tiên củaTrường-Bộ Kinh.

(TN - Mtl, 2006-02-11).
-ooOoo-

2. KINH SA-MÔN QUẢ

016. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT THUYẾT KINH SA-MÔN QUẢ?

Vào một đêm rằm sáng trăng, vua A-xà-thế (Ajàtasattu) nước Ma-kiệt-đà (Magadha) đến chiêm-bái đức Phật, bấy giờ đang ngụ tại vườn xoài của ông Kỳ-bà (Jivaka) gần thành Vương-Xá. Sau khi thuật lại những lời của sáu vị sư-trưởng ngoại-đạo đã chẳng làm thoả-mãn câu hỏi của mình về lợi-ích của việc tu-hành, nhà Vua thỉnh đức Phật chỉ rõ các kết-quả thiết-thực trước mắt mà người tu-sĩ Phật-giáo có thể gặt hái được.

Nhơn đó, đức Phật đã giảng Kinh Sa-môn quả trình-bày đường-lối tu-hành của các Sa-môn cùng những thành-quả thâu-lượm được ngay trong hiện-đời.

017. NỘI-DUNG KINH SA-MÔN QUẢ.

A. Ý chánh: Sa-môn Quả nghiã là: Sa-môn, phiên-âm chữ Pali Sàmana, tu-sĩ Phật-giáo sống bằng cách khất-thực; Quả, thành-quả, kết-quả tốt thu-lượm được sau khi tu-tập đúng đường lối.

Trong Kinh Sa-môn quả, đức Phật sau khi nghe vua A-xà-thế thuật lại sự chẳng vừa-ý trước các lời phô-trương về đường-lối tu-tập chẳng có kết-quả rõ-ràng nào của sáu vị sư-trưởng ngoại-đạo, Ngài liền trình-bày đầy-đủ chi-tiết về các giai-đoạn tu-luyện của một vị Sa-môn, cùng các lợi-ích thiết-thực, hiện có trước mắt, ở mỗi giai-đoạn tu-chứng.

B. Phân-đoạn: Kinh Sa-Môn Quả rất dài, có thể chia ra làm ba phần:

1.- Sáu lý-thuyết của các giáo-phái ngoại-đạo chẳng làm thoả-mãn được vua A-xà-thế: (1) thuyết chẳng có nghiệp-báo, (2) thuyết luân-hồi tịnh-hoá; (3) thuyết đoạn-diệt; (4) thuyết bảy thân bất-hoại; (5) thuyết loã-thể với bốn cấm-giới; (6) thuyết ngụy-biện.

2.- Các lợi-ích của quả Sa-môn được đức Phật kể ra theo thứ-tự từ thấp đến cao: (1) được sự kính-nễ, (2) giữ được giới-đức đầy-đủ, (3) chế-ngự được các căn, (4) luôn luôn chánh-niệm tỉnh-giác, (4) sống biết đủ; (5) dẹp bỏ năm triền-cái, (6) lần-lượt chứng các cấp Thiền-định (7) đắc các thần-thông, (8) đạt được lậu-tận-trí; (9) thân-tâm và trí-tuệ hoàn-toàn giải-thoát.

3.- Nghe xong, vua A-xà-thế tán-thán công-đức của bản Kinh nầy, xin quy-y với Phật, Pháp, Tăng và xin sám-hối tội đã giết vua-cha. Đức Phật cũng vui lòng chứng-minh sự thú-tội ấy làđúng với Chánh-pháp.

018. LỢI-ÍCH TRƯỚC MẮT CỦA HẠNH SA-MÔN: ĐƯỢC MỌI NGƯỜI KÍNH-NỄ.

Đức Phật đưa ra thí-dụ, như có người nô-bộc của Vua, với lòng mến Đạo, xuất-gia đi tu làm Sa-môn, người ấy ''sống chế-ngự thân, lời nói, ý-nghĩ, bằng lòng với nhu-cầu tối-thiểu về ăn mặc, hoan-hỉ sống an-tịnh''. Đức Phật hỏi, nhà Vua có còn kêu vị Sa-môn đó trở lại làm nô-bộc như trước nữa chăng? Vua liền đáp: ''Không ! Chẳng những thế, ''con còn kính-lễ, bảo-vệ che-chở người ấy đúng theo luật-pháp.''

Đức Phật nói: ''Đó phải chăng là kết-quả thiết-thực hiện-tại của hạnh Sa-môn?''

019. LỢI-ÍCH THIẾT-THỰC VỀ GIỚI-ĐỨC CỦA HẠNH SA-MÔN.

Được Vua hỏi tiếp về các kết-quả thiết-thực khác, vi-diệu hơn nữa, của hạnh Sa-môn, đức Phật lần-lượt kể ra, theo thứ-tự từ thấp đến cao.

Trước hết, Ngài giảng thật tỉ-mỉ về Giới-Bổn Pàtimokkha (phiên-âm theo tiếng Hán-Việt làBa-la-đề-mộc-xoa), gồm có: (1) tiểu-giới, (2) trung-giới và (3) đại-giới. (Các giới nầy đã được giảng rõ trong Kinh Phạm-Võng ở trước). Sa-môn giữ đúng theo ba cấp giới-luật đó, thì giới-hạnh được đầy-đủ và thanh-tịnh, nên ''hưởng lạc-thọ, nội-tâm chẳng vẩn-đục.''

(Giới được giữ-gìn đầy-đủ gọi là Cụ-túc-giới, giới-luật mà các Tỳ-kheo [có 250 giới], Tỳ-kheo-ni [có 348 giới] phải thọ-trì suốt đời).

020. LỢI-ÍCH THIẾT-THỰC CỦA HẠNH SA-MÔN: CHẾ-NGỰ CÁC CĂN.

Thế nào là chế-ngự (hay hộ-trì) các căn? Đức Phật dạy: ''Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung và tướng riêng. Những nguyên-nhân nào ... khiến tham-ái, ưu-bi, các bất-thiện-pháp khởi lên, Tỳ-kheo tự chế-ngự nguyên-nhân ấy, thực-hành sự hộ-trì nhãn-căn.''

Khi tai nghe tiếng, ...; mũi ngửi hương, ...; lưỡi nếm vị, ...; thân cảm xúc, ...; ý nhận-thức pháp, ...; vị ấy cũng chẳng nắm giữ tướng chung và tướng riêng ...

''Nhờ sự hộ-trì cao qúi các căn, vị ấy hưởng lạc-thọ, nội-tâm chẳng vẩn-đục.''

021. LỢI-ÍCH THIẾT-THỰC CỦA HẠNH SA-MÔN: CHÁNH-NIỆM TỈNH-GIÁC VÀ SỐNG BIẾT ĐỦ.

Thế nào là chánh-niệm tỉnh-giác? Đức Phật dạy: ''Tỳ-kheo khi đi tới , đi lui, đều tỉnh-giác; ... khi ăn, uống, nhai, nuốt, đều tỉnh-giác; ... khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im-lặng, đều tỉnh-giác ...''

Thế nào là sống biết đủ? Đức Phật dạy: ''Tỳ-kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất-thực để nuôi bụng, đi đến chỗ nào cũng mang theo ...''

Vị ấy với giới-uẩn cao qúi, với sự hộ-trì các căn, với chánh-niệm tỉnh-giác, với hạnh biết đủ ... nên hưởng được lạc-thọ, nội-tâm chẳng vẩn-đục.

022. LỢI-ÍCH THIẾT-THỰC CỦA HẠNH SA-MÔN: XẢ-LY NĂM TRIỀN-CÁI.

Thế nào là năm triền-cái? Năm triền-cái là năm sự ngăn-che trí-huệ, gồm có: (1) tham, (2) sân, (3) thụy-miên (=mê ngủ), hôn-trầm (=dã-dượi), (4) trạo-cử, (=vụt-chạc), hối-tiếc, (5) nghi.

Về cách dẹp bỏ năm triền-cái, đức Phật dạy: vị Tỳ-kheo sau khi khất-thực và ăn xong, chọn nơi vắng-vẻ, ngồi kiết-già, lưng thẳng, và an-trú chánh-niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham-ái ởđời, sống với tâm ly-tham; từ bỏ sân-hận, sống với tâm vô-sân, từ-mẫn; từ bỏ hôn-trầm và thụy-miên, sống với tâm hướng về ánh-sáng, chánh-niệm, tỉnh-giác; từ bỏ trạo-cử và hối-tiếc, gột rửa tâm hết trạo-cử và hối-tiếc; từ bỏ nghi-ngờ, lưỡng-lự, phân-vân, gột rửa tâm hết nghi-ngờ đối với các thiện-pháp.

Vị ấy lại quán-tưởng năm triền-cái kể trên như là món nợ, như là bịnh-hoạn, như là tù-ngục, như là thân-phận nô-lệ, như là bãi sa-mạc nguy-hiểm; nên nay cố gắng diệt-trừ chúng, xả-ly chúng và nhờ đó mà sanh tâm hân-hoan.

023. LỢI-ÍCH THIẾT-THỰC CỦA HẠNH SA-MÔN: CHỨNG-ĐẮC BỐN CẤP THIỀN-ĐỊNH.

Bốn cấp thiền-định là: Sơ-thiền, Nhị-thiền, Tam-thiền và Tứ-thiền. Đức Phật dạy: Khi quán tự-thân đã xả-ly năm triền-cái, tâm vị Tỳ-kheo sanh hoan-hỷ, thân được khinh-an; vì lạc-thọ sanh, tâm trở nên định-tĩnh, lần-lượt đạt đến các cấp Thiền-định.

- Tỳ-kheo ly dục, ly ác-pháp, chứng và trú SƠ-THIỀN, ''một trạng-thái hỷ-lạc DO LY DỤC SANH, với tầm, với tứ.''

- Tỳ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú NHỊ-THIỀN, ''một trạng-thái hỷ-lạc DO ĐỊNH SANH, nội tĩnh nhứt- tâm''.

- Tỳ-kheo ly hỷ, trú xả, chánh-niệm tỉnh-giác, thân-tâm cảm đuợc ''xả-niệm lạc-trú'', chứng và trú TAM-THIỀN, ''một trạng-thái LẠC-THỌ KHÔNG CÓ HỶ.''

- Tỳ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm-thọ trước, chứng và trú TỨ-THIỀN, ''một trạng-thái chẳng khổ, chẳng lạc, XẢ NIỆM THANH-TỊNH.''

Đó là ''quả thiết-thực hiện-tại của hạnh Sa-môn, còn vi-diệu, thù-thắng hơn những quả trước''.

024. LỢI-ÍCH THIẾT-THỰC CỦA HẠNH SA-MÔN: HƯỚNG TÂM ĐẾN CHÁNH-TRÍ.

Đức Phật dạy: ''Với tâm định-tĩnh, thuần-tịnh, dễ sử-dụng, vững-chắc, bình-thản, Tỳ-kheo hướng-dẫn tâm đến CHÁNH-TRÍ, CHÁNH-KIẾN. Vị ấy biết: thân nầy là sắc-pháp, do bốnđại (mà) thành, biến-hoại vô-thường, trong thân ấy THỨC ta lại nương-tựa vào và bị trói buộc.''

Đó là ''quả thiết-thực, hiện-tại của hạnh Sa-môn, còn vi-diệu và thù-thắng hơn các quả trước.''

025. LỢI-ÍCH THIẾT-THỰC CỦA HẠNH SA-MÔN: CHỨNG CÁC THẦN-THÔNG VÀ ĐƯỢC GIẢI-THOÁT.

Với tâm định-tĩnh, thuần-tịnh, dễ sử-dụng, vững chắc, Tỳ-kheo hướng-dẫn tâm đến các thần-thông:

- hoá-thân hiện hình qua vách, núi; lặn sâu dưới đất liền, đi trên mặt nước, bay trên hư-không ...

- thiên-nhĩ-thông có thể nghe được tiếng chư Thiên và Người, xa và gần ...

- tha-tâm-thông biết được tâm-trạng của kẻ khác ..

- túc-mạng-minh biết được nhiều đời kiếp trước ...

- thiên-nhãn-thông thấy sự sống-chết của chúng-sanh và hành-nghiệp của chúng ...

- lậu-tận-trí biết được như-thật thế nào là Khổ, Tập, Diệt, Đạo? thế nào là thoát khỏi các dục-lậu, hữu-lậu và vô-minh-lậu? ...

Nhờ nhận-thức được như vậy, vị ấy biết: ''Ta đã giải-thoát. Sanh đã tận, phạm-hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện-tại, Ta chẳng còn đời sống nào khác nữa.''

Không có một quả thiết-thực hiện-tại nào vi-diệu và thù-thắng hơn quả-vị giải-thoát nầy của hạnh Sa-môn.

026. HỌC KINH SA-MÔN QUẢ NHƯ THẾ NÀO?

1.- Chữ Sa-môn có ba nghiã chánh: (1) cần-giả nghiã là người siêng làm việc lành; (2) tức-giả, nghiã là người ngưng làm tất cả việc ác; (3) bần-giả, nghiã là người cam chịu nghèo-khóđể tu-tập đến ngày được hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát.

2.- Trọng-điểm của Kinh Sa-môn quả là: đức Phật giảng tỉ-mỉ về (a) các giới-luật mà vị Sa-môn phải tuân theo suốt đời; (b) đường-lối tu-hành theo Chánh-pháp mà vị Sa-môn tập-luyệnđể lần-lượt thâu-lượm được các lợi-ích thiết-thực ngay trong hiện-đời.

3.- Lời Phật giảng trong Kinh nầy tóm lại chỉ có ba điều: Giới, Định, Huệ. Nhờ giữ giới đầy-đủ, thân-tâm an-lạc nên sớm đắc định-lực. Nhờ có định-lực, vị Sa-môn lần-lượt chứng cácthần-thông, đồng thời Trí-huệ chiếu sáng lên, cắt đứt các phiền-não, dẹp xong các lậu-hoặc màđược hoàn-toàn giải-thoát.

4.- Có hai điểm phụ nhưng cũng nên lưu-ý khi đọc Kinh Sa-môn quả:

a.- Vua A-xà-thế ''sợ-hãi, kinh-hoàng, tóc dựng lên'' khi đi đến gần vườn xoài, nơi đức Phật và các vị Tỳ-kheo ngụ: một sự im-lặng tuyệt-đối ''giữa một đại-chúng gần một ngàn hai trăm năm mươi vị, mà không có một tiếng đằng-hắng, không có một tiếng ho, không có một tiếng ồn''. Một cảnh-tượng tu-hành thật trang-nghiêm và vi-diệu !

b.- Trước mặt đức Phật, Vua A-xà-thế thú-tội đã giết vua-cha để giành ngôi. Theo Kinh-sách,đây là tội ngũ-nghịch, phải sa vào điạ-ngục, sau khi chết. Nhưng đức Phật đã từ-bi mà''chứng-minh sự thú-tội đúng với Chánh-pháp''. Sau khi vua A-xà-thế vừa ra về, đức Phật bảo các Tỳ-kheo: ''Tâm vua ấy rất ăn-năn... nếu vua ấy chẳng hại mạng cha, thì tại ngay chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được pháp-nhãn thanh-tịnh, không cấu-uế.''

(TN, Mtl, 2006-02-14).

-ooOoo-

3. KINH AMBATTHA.

027. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH AMBATTHA?

Vào một thời kia, đức Phật và các Tỳ-kheo du-hành sang nước Câu-tát-la (Kosala) và ngụ tại khu rừng làng Icchànankala. Nghe tiếng đồn tốt-đẹp về Tôn-giả Gotama là bực A-la-hán, Chánh-đẳng-giác, có vị Bà-la-môn giàu-sang, thông-thái, tên là Pokkharasàdi sai người đệ-tử giỏi, thanh-niên Ambattha, đến yết-kiến đức Phật để xem coi Ngài có đủ ba mươi hai tướng của bực đại-nhân chăng. Ambattha quá ngạo-mạn về giai-cấp Bà-la-môn và dòng-dõi danh-tiếng của mình, đã tỏ ra xấc-xược với đức Phật. Trong một cuộc tranh-luận rất hào-hứng, đức Phật đã chứng-minh nguồn-gốc hạ-tiện của dòng-họ của Ambattha mặc dầu thuộc giai-cấp Bà-la-môn; và ''những vị nào giới-hạnh và trí-tuệ đầy-đủ mới chiếm điạ-vị tối-thắng giữa Trời và Người.''

Sau khi dùng thần-thông khiến cho Ambattha thấy rõ nơi Ngài có đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc đại-nhân, đức Phật giảng cho Ambattha hiểu thế-nào là các cấp giới-luật, thế nào làvô-thượng trí-huệ. Khi trở về gặp lại sư-phụ, Ambattha bị thầy quở trách nặng-nề. Bà-la-môn Pokkharasàdi liền đến chiêm-bái đức Phật, tạ lỗi và được nghe đức Phật giảng Chánh-Pháp, rồi sau đó xin quy-y ngôi Tam-Bảo.

028. NỘI-DUNG KINH AMBATTHA.

A.- Ý chánh: Kinh Ambattha dạy ta chớ nên quá hãnh-diện về dòng họ, giai-cấp của mình.

B.- Phân-đoạn: Kinh Ambattha khá dài mà phần quan-trọng nói về các giới-luật và đường-lối tu-hành thì lại được người kết-tập Kinh qui-chiếu về Kinh Sa-Môn Quả. Kinh Ambattha có thể phân làm ba phần:

1.- Cuộc tranh-luận giữa đức Phật và Ambattha về dòng-họ Thích-ca và dòng-họ Kanhàyanà của Ambattha

2.- Đức Phật giảng về việc thành-tựu giới-đức và trí-huệ cho Ambattha nghe.

3.- Bà-la-môn Pokkharasàdi đến nghe Phật thuyết-giảng về Chánh-Pháp và xin quy-y ngôi Tam-Bảo.

029. CUỘC TRANH-LUẬN VỀ NGUỒN-GỐC CỦA HAI DÒNG-HỌ THÍCH-CA VÀ KANHÀYANÀ.

Để bác-bỏ việc Ambattha miệt-thị dòng-họ Thích-ca và việc anh ta quá tự-cao về dòng-họ Kanhàyanà của mình, đức Phật nêu rõ:

(1) ông Tổ dòng Thích-ca là vua Okkàka, vì muốn truyền ngôi cho người con yêu, nên đuổi các vị hoàng-tử khác ra khỏi nước. Họ đến sống tại một khu rừng lớn, bên hồ nước tại sườn núi Hy-mã-lạp-sơn, thành-lập một quốc-gia hùng-mạnh. Vua Okkàka khi nghe biết việc đó, mới khen các vị hoàng-tử đó là những Sakya (= cứng như lõi cây sồi).

(2) Vua Okkàka có một nữ-tì tên Disà sanh ra một người con da đen, gọi là Kanha; đó là vị tổ-phụ của dòng họ Kanhàyanà sau nầy. Như thế, Ambattha là con cháu của người nữ-tì hầu-hạ dòng Thích-ca.

Bị đức Phật gạn hỏi ba lần, có phải đúng như vậy chăng, Ambattha đành thú-nhận đã có nghe các vị trưởng-lão tôn-túc nói ''nguồn-gốc của dòng họ Kanhàyanà đúng như lời Tôn-giả Gotama đã nói.''

030. HỌC KINH AMBATTHA NÊN LƯU-Ý NHỮNG GÌ?

1.- Kinh Ambattha đặc-biệt nhấn mạnh đến sự dẹp bỏ tánh kiêu-mạn về dòng-dõi và giai-cấp. Bực đáng tôn-trọng chính là những vị đã thành-tựu giới-đức và vô-thượng trí-huệ.

2.- Đừng tưởng hễ ''học thuộc lòng những chú-thuật của các ẩn-sĩ ngày xưa... mà có thể được xem là một ẩn-sĩ hay đã chứng điạ-vị của ẩn-sĩ...''. Còn phải thực-hành đúng nếp sống theo giới-luật và thành-tựu được Trí-huệ vô-thượng nữa !

Như vậy, ngày nay khi học Kinh Phật, cố công học cách đọc-tụng lên trầm xuống bổng nghe cho êm tai, hấp-dẫn, và việc nỗ-lực tìm hiểu ý-nghiã lời đức Phật dạy để áp-dụng vào đời sống hằng ngày; hai điều ấy, điều nào quan-trọng và cấp-thiết hơn?

(TN, Mtl 2006-02-15)

-ooOoo-

4. KINH SONADANDA

031. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH SONADANDA?

Vào một thời kia, đức Phật du-hành tại xứ Ương-già (Anga), cùng với các Tỳ-kheo đến ngụ bên bờ hồ Gia-già liên-trì (Gaggara). Lúc bấy giờ, có một vị Bà-la-môn tên là Sonadanda, giàu-sang, danh-vọng, nghe tiếng đồn tốt-đẹp về Sa-môn Gotama, mới cùng với các đệ-tử và Bà-la-môn khác đến yết-kiến đức Phật.

Đoán biết tâm-trạng lo-ngại của Sonadanda sợ bị hỏi về các điều ông ta chẳng am-tường, đức Phật mới hỏi ông về các đức-tánh cần có của một vị Bà-la-môn xứng-đáng với danh-hiệu đó. Sonadanda kể ra năm đức-tánh: (1) huyết-thống bảy đời thanh-tịnh, (2) thông-thuộc các chú-thuật (3) thấu-suốt văn-nghiã của ba tập Kinh Vệ-đà, (4) đầy-đủ giới-hạnh, (5) học rộng sáng-suốt, và là người đệ nhứt trong các người cầm muỗng tại buổi lễ tế-thần. Được đức Phật gạn hỏi kỹ thêm, trong năm đức-tánh đó, có thể bỏ qua đức-tánh nào, và còn lại đức tánh nào quan-trọng nhứt mới xứng-đáng danh-nghiã Bà-la-môn, Sonadanda đáp: giới-hạnh cao-dày và trí-huệ sâu-rộng.

Thể theo lời yêu-cầu của Sonadanda, đức Phật giảng rõ thêm thế nào là giới-hạnh đầy-đủ vàtrí-huệ tối-thắng.

032. NỘI-DUNG KINH SONADANDA .

A. Ý chánh: Kinh Sonadanda nhấn mạnh việc xứng-đáng danh-nghiã Bà-la-môn, chẳng phải chỉ ở sự thông-thuộc ba tập Kinh Vệ-đà, mà còn phải có giới-hạnh đầy-đủ và trí-huệ sáng-suốt.

B. Phân-đoạn: Kinh nầy chia ra ba phần:

1. Các Bà-la-môn bàn-cãi: nên yết-kiến Phật không.

2. Sonadanda kể năm đức-tánh căn-bản xứng-danh làm Bà-la-môn; nhưng khi được Phật gạn hỏi lại, ông chỉ giữ lại hai đức-tánh: giới-đức và trí-huệ.

3. Đức Phật giảng rõ thế nào là giới-đức đầy-đủ (xem tiểu, trung, đại-giới, Kinh Phạm-Võng), và trí-huệ tối-thắng (xem các cấp Thiền, Kinh Sa-Môn Quả).

033. SỰ LIÊN-HỆ VỀ TẦM QUAN-TRỌNG GIỮA GIỚI-ĐỨC VÀ TRÍ-HUỆ.

Đây, đoạn Kinh quan-trọng về Giới và Huệ:

... Trí-huệ được giới-hạnh làm cho thanh-tịnh, giới-hạnh được trí-huệ làm cho thanh-tịnh. Chỗ nào có giới-hạnh, chỗ ấy có trí-huệ; chỗ nào có trí-huệ, chỗ ấy có giới-hạnh; người có giới-hạnh nhứt định có trí-huệ; người có trí-huệ nhứt định có giới-hạnh. Giới-hạnh và trí-huệđược xem là tối-thắng ở trên đời.... Cũng như lấy bàn tay rửa bàn tay, lấy bàn chơn để rửa bàn chơn, ... trí-tuệ được giới-hạnh làm cho thanh-tịnh; giới-hạnh được trí-huệ làm cho thanh-tịnh...

(TN. Mtl, 2006-02-16)

-ooOoo-

5 . KINH KÙTADANTA

034. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH KÙTADANTA?

Vào một thời kia, đức Phật du-hành tại nước Ma-kiệt-đà (Magadha), đến ngụ tại vườn Ambalatthika ở làng Khànumata. Tại đây có một vị Bà-la-môn tên là Kùtadanta muốn thiết-lập một tế-đàn với nhiều thú-vật sẽ bị giết, để cúng-tế cầu phước. Kùtadanta nghe nói đức Phật biết rõ ''ba tế-pháp và mười sáu tế-vật'', nên muốn đến thưa hỏi.

Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh nầy, chỉ rõ các nguyên-tắc hướng-dẫn sự cúng-tế, chẳng cần giết chóc thú-vật, mà cũng có thể đem lại nhiều phước-báo. Rồi đức Phật giảng thêm về sự bố-thí thường-xuyên, tứ-sự cúng-dường, sự dâng-cúng một tu-viện cho Tăng-già, sự quy-y ngôi Tam-Bảo, sự thọ-trì các giới-luật, sự tu-tập các cấp thiền-định... ''là những tế-đàn ít phiền-tạp, ít nhiễu-hại mà mang lại nhiều kết-quả lợi-ích hơn.''

035. NỘI-DUNG KINH KÙTADANTA.

A. Ý chánh: Kinh Kùtadanta chỉ dạy cách cúng-tế, chẳng cần giết thú-vật để tế, mà lại đưa đến nhiều phước-báo.

B. Phân đoạn: Kinh rất dài thuật cách tế-lễ thời xưa, có thể chia ra làm bốn phần:

1.- Kùtadanda bàn-luận với các Bà-la-môn về đại-danh và đức-độ của đức Phật, trước khi đến yết-kiến;

2.- Đức Phật giảng 3 tế-pháp và 16 tế-vật .

3.- Các tế-đàn ít phiền-tạp mà nhiều quả-báo hơn.

4.- Kùtadanda xin quy-y Tam-Bảo và được đức Phật giảng cho nghe Chánh-pháp.

036. THẾ NÀO LÀ 3 TẾ-PHÁP VÀ 16 TẾ-VẬT?

Trong Kinh nầy, đức Phật thuật lại lễ tế-đàn của Vua Mahàvijita, ở kiếp quá-khứ, theo đúng 3 tế-pháp và 16 tế-vật.

Vị Bà-la-môn chủ-tế khuyên nhà Vua trước khi thiết-lễ, nên mở kho cung-cấp vật-liệu, tiền-của, cho các tầng-lớp dân chúng để họ làm ăn yên-ổn, khiến cho nước hết tai-ương và trở nên hùng-cường. Sau đó, thông-báo việc tế-lễ đến bốn đại-chúng (đại-thần, Sát-đế-lợi, hoàng-tộc, gia-chủ) để họ biết mà tán-thành.

Vị chủ-lễ giảng: Trước khi, trong khi và sau khi lễ tế-đàn, nhà Vua chớ để tâm hối-tiếc của-cải bị tiêu-hao. Đó là ba tế-pháp được làm tại buổi lễ tế.

Trong khi làm lễ tế, vị chủ-lễ bằng mười sáu cách đã khuyến-giáo, khích-lệ, khiến tâm nhà Vua được hoan-hỷ: từ việc làm cho dân-chúng được an-vui và quốc-gia hùng-mạnh, sự tán-thành của bốn tầng-lớp xã-hội, cho đến mười đức-tánh cao-qúi của nhà Vua và bốn đức-độ cao-dày của vị chủ-lễ. Đó là các điểm được xem như mười sáu món tế-vật đem ra hiến-cúng.

037. THẾ NÀO LÀ CÁC TẾ-ĐÀN KHÁC, ÍT PHIỀN-TẠP MÀ ĐEM LẠI NHIỀU PHƯỚC-BÁO?

Dụng-ý của Kinh Kùtadanta là, nhơn việc giết thú-vật để cúng-tế, giảng rõ các pháp-tu trongđạo Phật được xem như những phẩm-vật qúi-báu đem dâng-hiến, để được nhiều phước-báo, vừa ít phiền-tạp, tránh được sát-sanh, mà đem lại nhìều lợi-ích thiết-thực cho đường tu.

Theo thứ-tự từ thấp đến cao, kể ra trong Kinh:

- hạnh bố-thí: thường-xuyên hiến-tặng của-cải, công-sức, lời an-ủi đến kẻ nghèo-khó cần sự giúp-đỡ;

- tứ-sự cúng-dường: hiến-cúng cho các tu-sĩ: (1) thực-phẩm; (2) quần-áo; (3) thuốc-men; (4) chỗ ở;

- dâng-hiến tịnh-xá, tu-viện cho Tăng-Ni-đoàn;

- quy-y ngôi Tam-Bảo;

- thành-tựu giới-hạnh thanh-tịnh;

- chứng và an-trú trong các cấp thiền-định.

038. ĐIỂM CẦN CHÚ-Ý KHI HỌC KINH KÙTADANTA.

Kinh Kùtadanta nhằm phá bỏ cổ-tục cúng-kiến để cầu phước. Sự giết hại sanh-vật để cúng-tế thần-linh cầu xin ban phước là một hình-thức hối-lộ thần-thánh, gây thêm tội sát-sanh. Nếu biết thực-hành đúng theo Chánh-Pháp, thành-tâm giữ GIỚI-đức đầy-đủ, siêng tu thiền-ĐỊNH, phát-triển trí-HUỆ, thì việc được giác-ngộ và giải-thoát và chứng-đắc Niết-bàn an-tịnh mới thật là các ''phẩm-vật'' qúi-báu đem dâng-hiến ngôi Tam-Bảo.

(TN. Mtl, 2006-02-17).

-ooOoo-

6. KINH MAHÀLI
7. KINH JÀLIYA

039. TRONG TRƯỜNH-HỢP NÀO PHẬT GIẢNG KINH MAHÀLI?

Vào một thời kia, đức Phật và các Tỳ-kheo ngụ tại nước Tỳ-xá-ly (Vesali), nơi giảng-đường Trùng-Các, rừng Đại-Lâm. Trong số những người đến yết-kiến đức Phật lúc bấy giờ, có Mahàli, người xứ Licchavi, trình-bày sự thắc-mắc của người bạn tu-tập thiền-định, thấy được các thiên-sắc, nhưng chẳng nghe được các thiên-âm. Mahàli hỏi đức Phật, các thiên-âm có thật không?

Đức Phật bảo, các thiên-âm có thật và nhơn đó, Ngài giảng về sự đắc thiên-nhãn khi tu thiền nhứt-hướng, còn người tu thiền nhị-hướng mới đắc được cả hai thiên-nhãn-thông và thiên-nhĩ thông. Sau đó, Ngài còn giảng thêm về Bát-Chánh-Đạo, con đường tám ngành, đưa đến sự chứng-ngộ các pháp còn cao-thượng và thù-thắng hơn.

040. NỘI-DUNG KINH MAHÀLI ( VÀ KINH JÀLIYA).

Kinh Mahàli tương-đối ngắn hơn các bản Kinh khác trong Trường-Bộ Kinh, nhưng nội-dung lại chứa đến hai bản Kinh: kinh Mahàli và kinh Jàliya (Trường-Bộ Kinh chỉ ghi tên của Kinh Jaliya, mà chẳng ghi nội-dung đầy-đủ). Có thể chia ra làm ba phần:

1.- Các vị Bà-la-môn và Mahàli ngồi đợi đức Phật ra tiếp-kiến.

2.- Đức Phật giải-đáp thắc-mắc của Mahàli về các thiên-âm. Ngoài việc chứng-đắc các thần-thông: thiên-nhãn và thiên-nhĩ, đức Phật còn giảng thêm về ba quả-vị đầu-tiên của hàng Thanh-văn nữa, bằng cách diệt-trừ năm hạ-phần kết-sử.

3.- Nhắc đến Bát-Chánh-Đạo, đức Phật thuật lại bài pháp đã giảng cho du-sĩ ngoại-đạo Jàlikavề vấn-đề mạng-căn và thân-thể là một hay khác. (đây là nội-dung của Kinh Jàlika).

041. CÁC THẦN-THÔNG THIÊN-NHÃN, THIÊN-NHĨ.

Giải-đáp thắc-mắc của Mahàli về thiên-âm, đức Phật xác-nhận các thiên-âm có thật, chỉ những người tu-tập thiền-định nhị-hướng mới vừa thấy các thiên-sắc (=hình-sắc ở cõi Trời) và các thiên-âm (= âm-thanh ở cõi Trời). Tu định nhứt-hướng là khi nhập-định, hành-giả chỉ hướng-dẫn tâm, hoặc đến các thiên-sắc, hoặc đến các thiên-âm; còn người tu định nhị-hướngmới đắc cả hai thần-thông: thiên-nhãn và thiên-nhĩ.

042. BỐN QUẢ-VỊ Ở CẤP THANH-VĂN.

Thanh-văn, tiếng Pali là Sàvaka, là các đệ-tử Phật, sống gần đức Phật, tu-tập theo pháp Tứ-diệu-đế, dẹp bỏ hết các phiền-não và lần-lượt chứng-đắc bốn quả-vị:

- Quả-vị thứ nhứt là Tu-đà-huờn (Pali: Sotàpanna), còn gọi là Dự-lưu (được dự vào giòng Thánh) hay là Thất-lai (chỉ còn phải tái-sanh lại bảy lần ở cõi người);

- Quả-vị thứ hai là Tư-đà-hàm (Pali: Sakadàgàmi), còn gọi là Nhứt-lai (chỉ còn phải tái-sanh lại cõi người một lần nữa thôi);

- Quả-vị thứ ba là A-na-hàm (Pali: Anagàmi), còn gọi là Bất-lai (chẳng phải sanh lại cõi người, chỉ tái-sanh ở cõi Trời, tiếp-tục tu để đạt quả-vị cuối-cùng).

- Quả-vị cao nhứt là A-la-hán (Pali: Arahant), có ba nghiã: (1) sát tặc (diệt xong các phiền-não, được xem như ''giặc''), (2) ứng-cúng (xứng-đáng nhận sự cúng-dường của người và Trời), (3) vô-sanh (chẳng còn phải tái-sanh nữa, thoát khỏi Luân-hồi, chứng Niết-bàn).

043. NĂM HẠ-PHẦN KẾT-SỬ LÀ GÌ?

Kết-sử (Pali: Sanyojana): kết là ràng-buộc, sử là sai-khiến; đó là các phiền-não ràng-buộc và sai-khiến phải hành-động theo nẻo dữ. Có mười kết-sử, chia ra:

- năm hạ-phần kết-sử, còn gọi là năm độn-sử: (1) tham, (2) sân, (3) thân-kiến, (4) giới-cấm-thủ, (5) nghi.

- năm thượng-phần kết-sử, còn gọi là năm lợi-sử: (6) sắc-ái, (7) vô-sắc-ái, (8) trạo, (9) mạn, (10) vô-minh.

Năm hạ-phần kết-sử thường gặp nơi các người có căn-cơ thấp-kém, nên gọi là độn-sử. Ba kết-sử tham-lam, sân-hận (giận hờn) và nghi-ngờ thì dễ hiểu. Thân-kiến là một tà-kiến cố-chấp lấy thân và tâm nầy, cho đó chính là bản-ngã, là Ta. Giới-cấm-thủ là sự nắm giữ các điều răn-cấm theo mê-tín dị-đoan. Dẹp xong năm độn-sử thì chứng đến quả-vị thứ ba A-na-hàm.

Bực A-la-hán đã tiêu-trừ hết cả mười kết-sử.

044. THÂN-THỂ VÀ MẠNG-CĂN LÀ MỘT HAY KHÁC?

Phàm-phu (người thường) hay thắc-mắc về việc sau khi chết, thân-thể nầy còn sống lại nữa không, đó là vấn-đề: thân-thể và mạng-căn (= sự sống). Trong Kinh Jàliya (tức phần III của Kinh Mahàli), sau khi tu chứng bốn cấp thiền-định và hướng tâm đến Trí-huệ tối-thượng, hành-giả sẵn-sàng đề-cập đến vấn-đề nầy. Nhưng đối với Phật, Ngài chẳng quan-tâm đến và''chẳng nói mạng-căn và thân-thể là một hay là khác.''

Theo Kinh-sách Phật-học, thân-tâm con người sau khi chết, năm uẩn đều tan-rả, nhưng còn cónghiệp-lực (ảnh-hưởng của hành-động gây nghiệp lúc còn sống), sẽ lôi-kéo sự tái-sanh trong vòng Luân-hồi.

045. HỌC KINH MAHÀLI, NÊN LƯU-Ý ĐIỂM NÀO?

So với các bản Kinh khác trong Trường-Bộ Kinh, Kinh Mahàli ngắn hơn, có vẻ ít quan-trọng. Nhưng nếu suy-gẫm kỹ, có thể nêu lên hai điểm đáng lưu-tâm:

1.- Tại sao, sau khi giải-đáp thắc-mắc của Mahàli về thiên-nhĩ-thông, đức Phật còn giảng thêm về các pháp cao thượng hơn, thù-thắng hơn? Đó là vì Ngài muốn chỉ rõ điều quan-trọng hơn: ngoài thần-thông ra, còn có Giới, Định, Huệ mới đưa đến giải-thoát cho thân-phận con người ra khỏi cảnh khổ của Luân-hồi.

2.- Tại sao đức Phật chẳng nói thân-thể và mạng-căn là một hay khác? Vì sống hay chết ít quan-trọng hơn là biết cách thoát cảnh khổ của tái-sanh Luân-hồi.

(TN. Mtl, 2006-02-17).

-ooOoo-

8. KINH KASSAPA

046. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH KASSAPA?

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại vườn nai Kannakatthala, xứ Uy-nhã-quốc (Ujunnà). Có tu-sĩ loã-thể Kassapa (Ca-diếp) đến gặp đức Phật và hỏi, có phải đúng như lời ông nghe nói, Sa-môn Gotama đã mạt-sát tất cả mọi khổ-hạnh và chỉ-trích đường-lối tu-hành khổ-hạnh chăng?Đức Phật đáp, đó là sự xuyên-tạc, vì với thiên-nhãn, Ngài đã nhìn thấy trong số tu-sĩ khổ-hạnh, có người tái-sanh vào đường lành, có kẻ phải sa vào nẻo ác, thì sao Ngài lại chỉ-trích tất cả lối tu khổ-hạnh.

Kassapa liền trình-bày các lối tu khổ-hạnh, thu-thúc thân-xác trong việc ăn, mặc, đi, đứng, ngồi, nằm, v.v... sẽ đưa đến quả-vị Sa-môn, Bà-la-môn. Đức Phật chỉ rõ chỗ thiếu-sót trong việc tu ép-xác, vì ngoài việc tiết-chế cách sống, còn có các sự giữ giới đầy-đủ, tu-tập thiền-định, phát-triển trí-huệ tối-thượng, mới đưa tới quả-vị Sa-môn chơn-chánh.

047. NỘI-DUNG KINH KASSAPA.

A. Ý chánh: Kinh Kassapa chỉ rõ sự thiếu-sót trong việc tu-hành ép-xác và nêu lên đường-lối tập-luyện theo Giới-Định-Huệ trong Chánh-Pháp, mới đạt được quả-vị chơn-chánh của Sa-môn.

B. Phân đoạn: Kinh Kassapa có thể chia làm ba phần:

1.- Phần I: Lối tu khổ-hạnh:

- Đức Phật đính-chánh việc cho rằng Ngài đã mạt-sát tất cả các lối tu khổ-hạnh;

- Tu-sĩ loã-thể Kassapa trình-bày các lối tu-hạnh sẽ đưa đến quả-vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn-chánh;

- Đức Phật nêu các thiếu-sót của lối tu khổ-hạnh.

2.- Phần 2: Hạnh Sa-môn chơn chánh:

- Đức Phật bác-bỏ, khi Kassapa nói hạnh Sa-môn khó hành, khó biết;

- Đức Phật lần-lượt giảng: giới cụ-túc, hộ-trì các căn, tu-tập bốn cấp thiền-định, hướng tâmđến trí-huệ vô-thượng. (giống hai Kinh Phạm-Võng, Sa-Môn Quả).

3.- Phần 3: Tu-sĩ ngoại-đạo Kassapa xin quy-y ngôi Tam-Bảo và tu chẳng bao lâu đắc được quả A-la-hán.

048. KASSAPA TRÌNH-BÀY CÁC LỐI TU KHỔ-HẠNH.

Kassapa kể các lối tu khổ-hạnh ''được công-nhận là đưa đến Sa-môn và Bà-la-môn quả'':

- sống loã-thể (thân-thể trần-trụi, chỉ có khố che bộ-phận sinh-dục), đứng khi đại-tiện, liếm tay cho sạch,

- chẳng nhận đồ ăn của đàn-bà có thai (sợ đứa con trong bụng bị thiệt-thòi), chỉ ăn một bữa trong một ngày, hay hai, ba, bảy ngày; ăn gạo lức, trái cây rụng ...

- mặc vải gai thô, áo vỏ cây ... ,

- theo hạnh thường đứng chẳng ngồi, nằm trên đất cát, một đêm tắm ba lần (để gột sạch tội-lỗi) ...

Các lối tu khổ-hạnh nầy bị đức Phật bác-bỏ vì thiếu-sót, ''chẳng chứng được giới cụ-túc, tâm cụ-túc và huệ cụ-túc, vì thế còn cách rất xa Sa-môn-vị.''

049. HỌC KINH KASSAPA NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

1. Trong Kinh Chuyển Pháp-luân, bản Kinh đầu-tiên đức Phật giảng tại vườn Lộc-uyển cho năm anh em ông Kiều-trần-như nghe, đức Phật có đề-cập đến hai cực-đoan (= điều quá mức):''Một là đắm-say trong các dục hạ-liệt, đê-tiện...không liên-hệ đến mục-đích Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không liên-hệ đến mục-đích ...'' Lối tu khổ-hạnh chính là cực-đoan thứ hai, cần tránh. Con đường ở giữa hai cực-đoan đó, chính là Bát-Chánh-Đạo, có tám ngành, từchánh-kiến đến chánh-định. Vì thế, người học Kinh nầy nên biết tránh các lốì tự hành-xác, chẳng có ích-lợi thiết-thực nào đến đường tu cả.

2. Cũng như khi học các Kinh Phạm-Võng, Sa-Môn Quả, học Kinh Kassapa nầy nên đặc-biệt lưu-tâm đến các đoạn văn đức Phật trình-bày tỉ-mỉ về giới, về định và về huệ. Đó là đường-lối tu-hành căn-bản trong Chánh-Pháp của Phật-giáo.

(TN. Mtl, 2006-02-18).

-ooOoo-

9. KINH POTTHAPÀDA

050. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH POTTHAPÀDA?

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên (Jetavana), vườn ông Cấp-cô-độc (Anàthapindika), nước Xá-vệ (Sàvatthi). Sáng sớm hôm đó, khi đi khất-thực, thấy còn sớm, Ngài ghé qua vườn hoa của hoàng-hậu Mallika, và gặp du-sĩ Potthapàda đang bàn phiếm với các tu-sĩ ngoại-đạo khác. Potthapàda thỉnh đức Phật giải-đáp về vấn-đề tận-diệt của các tư-tưởng.

Nhơn đó, đức Phật giảng rõ tư-tưởng sanh-khởi và diệt-tận đều có nhân-duyên; đó là ''do sự học-tập mà một loại tưởng sanh, cũng do học-tập mà một loại tưởng diệt.'' Ngài chỉ dạy, qua sự học-tập về Giới-Định-Huệ, hành-giả khi đắc các cấp thiền-định, làm khởi sanh và rồi diệt tận được các tưởng về dục, hỉ, lạc, xả-niệm thanh-tịnh, v.v... cho đến mức diệt-tận-định thì mọi tư-tưởng được chấm dứt hẳn.

Sau đó, Potthapàda hỏi các vấn-đề về tự-ngã, sinh-mạng và thân-thể là một hay khác, thế-giới thường-hằng hay vô-thường, vô-biên hay hữu-biên, Như-Lai có tồn-tại sau khi chết hay không, v.v... đức Phật bảo Ngài không trả lời dứt-khoát các vấn-đề đó vì chúng chẳng liên-quan đến mục-đích chánh là sự giải-thoát, và chỉ trả lời về ''các pháp căn-bản của phạm-hạnh, ... đưa đến giác-ngộ, Niết-bàn''. Rồi Ngài ra về.

Vài hôm sau, Potthapàda cùng với Citta Hatthi-sàriputta lại đến yết-kiến đức Phật và hỏi thêm tại sao có vấn-đề chẳng được Phật trả lời dứt-khoát, như vấn-đề T_-NGÃ chẳng hạn, ''sau khi chết, tự-ngã hoàn-toàn hạnh-phúc, vô bệnh?'' Đức Phật đáp, tự-ngã có ba hình-thức: (1) thô-phù, (2) do ý sở-thành, và (3) do tưởng sở-thành, đều chỉ là ''danh-tự thế-gian'', nên Ngài dùng chúng nhưng chẳng chấp-trước chúng. Và những pháp mà Ngài tuyên-thuyết, trình-bày một cách dứt-khoát chính là để diệt-trừ các hình-thức ngã-chấp đó, hầu đưa đến sự giải-thoát.

Sau khi nghe đức Phật giảng Kinh nầy, Potthapàda và Citta xin được xuất-gia, và chẳng bao lâu, tu-chứng được quả-vị A-la-hán.

051. NỘI-DUNG KINH POTTHAPÀDA.

A.- Ý chánh: Trong phần đầu của Kinh Potthapàda, đức Phật dạy: mọi tư-tưởng khởi lên và tiêu-diệt đi đều có nhân-duyên, đó là do sự học-tập. Tu-tập các cấp thiền-định cho đến mứcdiệt-tận-định, hành-giả chấm-dứt hẳn được các tưởng. Trong phần sau của Kinh, đức Phật dạy cách phá-trừ ngã-chấp.

B.- Phân đoạn: Kinh Potthapàda có thể phân ra làm hai phần:

1.- Phần đầu: Đức Phật giảng sự khởi-sanh của các tư-tưởng và sự diệt-tận của chúng.

- các tu-sĩ ngoại-đạo bàn phiếm;

- tu-sĩ Potthapàda thỉnh Phật giảng về tưởng;

- do sự học-tập mà tưởng sanh ra rồi diệt đi;

- sự tu-tập thiền-định đến mức diệt-tận-định mới chấm dứt hẳn mọi tư-tưởng.

- Potthapàda hỏi về các vấn-đề tự-ngã, thế-giới, sanh-mạng và thân-thể, Như-lai có tồn-tại không, v.v...

- Đức Phật bảo, Ngài chẳng trả lời dứt-khoát các câu hỏi đó, vì chúng chẳng liên-quan đến mục-đích chánh của việc tu-hành là sự giải-thoát.

2.- Phần sau: Các pháp được đức Phật tuyên-thuyết một cách dứt-khoát, đều có liên-hệ đến đích giải-thoát.

- Đó là các pháp về: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

- Về câu nói của tu-sĩ ngoại-đạo: ''Sau khi chết, TỰ-NGÃ hoàn-toàn hạnh-phúc, vô bịnh'', đức Phật vạch rõ các lý-do chứng-minh ''lời nói đó không chính-xác, hợp-lý''.

- (Khởi lên tưởng về tự-ngã rồi chấp chặt lấy, đó là ngã-chấp). Phật nói, có ba loại ngã-chấp,và Ngài chỉ dạy cách diệt-trừ chúng. Đấy là những pháp mà Phật tuyên-thuyết, trình-bày một cách dứt-khoát.

052. DO NHÂN-DUYÊN NÀO CÓ SỰ SANH-KHỞI VÀ SỰ TẬN-DIỆT CỦA CÁC TƯỞNG?

Đức Phật nói: Các Sa-môn, Bà-la-môn nào bảo, không nhân, không duyên, các tưởng của con người sinh và diệt, đã sai-lạc ngay từ ban đầu. Vì sao vậy? Chính vì có nhân, có duyên, cáctưởng của con người mới sinh và diệt. Chính do sự học-tập, một loại tưởng sanh, chính do sự học-tập, một loại tưởng diệt...

Sự học-tập ấy là gì? Đó là: giới-hạnh thanh-tịnh,... hộ-trì các căn, ... xả-ly năm triền-cái, ... và tu-tập các cấp thiền-định (Xem lại Kinh Sa-Môn Quả).

- tại cấp Sơ-thiền, trong trạng-thái hỷ-lạc do ly-dục sanh, lìa được các dục-tưởng xưa kia và làm khởi sanh lên tưởng hỷ-lạc do ly-dục;

- tại cấp Nhị-thiền, trong trạng-thái hỷ-lạc do định sanh, lià được các tưởng do ly dục sanh trước kia, và làm khởi sanh lên tưởng hỷ-lạc do định;

- tại cấp Tam-thiền, tưởng hỷ-lạc diệt và tưởng ''xả-niệm lạc-trú'' sanh;

- tại cấp Tứ-thiền, tưởng xả-niệm lạc-trú diệt, tưởng ''xả-niệm thanh-tịnh'' sanh;

- tại cấp Không vô-biên-xứ định, tưởng xả-niệm thanh-tịnh diệt, tưởng Không vô-biên xứ sanh;

- tại cấp Thức vô-biên-xứ định, tưởng hư-không diệt, tưởng Thức vô-biên xứ sanh;

- tại cấp Vô-sở-hữu-xứ định, tưởng thức vô-biên diệt, tưởng Vô-sở-hữu xứ sanh;

- tại cấp Phi-tưởng, phi phi-tưởng định, tưởng vô-sở-hữu diệt, tưởng phi-tưởng phi phi-tưởngsanh;

- tại cấp Diệt-thọ-tưởng định, tiếp-tục đi từ tưởng nầy đến tưởng khác cho đến tưởng tột đỉnh,rồi diệt luôn tưởng đó, chấm dứt hẳn mọi tưởng.

053. CÁC LOẠI NGÃ-CHẤP.

Ngã-chấp là gì? Đó là một tà-kiến, một ảo-tưởng, do con người quá cố-chấp ôm chặt lấy, nên bị ràng-buộc. Cần phải diệt-trừ hẳn tất cả các loại tưởng về ngã-chấp.

Đức Phật dạy: Có ba loại ngã-chấp: (1) thô-phù ngã-chấp, (2) ý sở thành ngã-chấp, (3) vô-sắc ngã-chấp. Thế nào là thô-phù ngã-chấp? Có sắc, do bốn đại hình-thành, do đoàn-thực nuôi-dưỡng là thô-phù ngã chấp. Thế nào là ý sở thành ngã-chấp? Có sắc, đầy-đủ các căn và các chi-tiết, do ý sở thành. Thế nào là vô-sắc ngã-chấp? Không có sắc, do tưởng sở thành.

Ngài bảo, Ta thuyết pháp để diệt-trừ thô-phù ngã-chấp, ... ý sở thành ngã-chấp, ... vô-sắc ngã-chấp. Nếu các người thực hành theo pháp nầy thời nhiễm-pháp được diệt-trừ, tịnh-pháp được tăng-trưởng, và ngay hiện-tại, tự mình giác-ngộ, với thắng-trí, chứng đạt và an trú trí-huệ sung-mãn, quảng-đại ...

054. NÊN HỌC KINH POTTHAPÀDA NHƯ THẾ NÀO?

Trọng-điểm của Kinh Potthapàda là sự diệt-trừ hẳn mọi tư-tưởng cố-chấp để tâm và trí được giải-thoát. Vì thế, người học Kinh nầy, phải nên đọc lướt qua các đoạn nói dài-dòng về những vấn-đề mà đức Phật không trả lời dứt-khoát, và chú-tâm đến các đoạn nói rõ về sự khởi-sanh và sự diệt-tận của mọi loại tưởng qua sự học-tập về các cấp Thiền-định.

Cần suy-gẫm kỹ về cách diệt-trừ hẳn ba loại ngã-chấp được xem là những pháp mà đức Phật tuyên-thuyết, trình-bày MỘT CÁCH DỨT-KHOÁT, thuộc về đích giải-thoát, đưa đến giác-ngộ và Niết-bàn.

(TN. Mtl, 2006-02-23).

-ooOoo-

10. KINH SUBHA

055. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO KINH SUBHA ĐƯỢC THUYẾT-GIẢNG?

Vào một thời kia, sau khi đức Phật đã nhập Niết-bàn, Đại-đức A-nan (Ànanda) ngụ tại chùa Kỳ-viên (Jetavana), vườn ông Cấp-cô-độc (Anàthapindika), thuộc nước Xá-vệ (Sàvatthi). Bấy giờ có thanh-niên Bà-la-môn tên là Subha (Tu-bà) muốn đến thỉnh hỏi Ngài A-nan, vị thị-giả sống gần bên đức Phật, biết rõ các pháp nào được đức Phật tán-thán và khuyến-khích mọi người tuân theo. Nhơn đó, Ngài A-nan tới nhà Subha để giảng Kinh nầy, nhắc lại đầy-đủ các chi-tiết về các pháp Giới, Định, Huệ, đã được đức Phật giảng rõ trong Kinh Sa-Môn Quả.

056. NỘI-DUNG KINH SUBHA.

Kinh Subha tương-đối ngắn hơn các Kinh khác thuộc Trường-Bộ Kinh. Nội-dung nhắc lại lời Phật giảng về Giới, Định, Huệ trong hai bản Kinh Phạm-Võng và Sa-Môn Quả.

A.- Ý chánh: Kinh Subha trình-bày về: thánh-giới-uẩn, thánh-định-uẩn, và thánh-huệ-uẩn, đãđược đức Phật tán-thán và khuyến-khích nên tuân theo.

B.- Phân đoạn: Kinh Subha chia ra làm hai phần:

1.- Thanh-niên Bà-la-môn Subha thỉnh ngài A-nan đến nhà để cúng-dường và nghe giảng pháp.

2.- Ngài A-nan giảng về ba thánh-uẩn:

a.- Thánh-GIỚI-uẩn gồm có tiểu-giới, trung-giới, đại-giới, (được Phật nói rõ trong Kinh{Phạm-Võng), để được giới-hạnh đầy-đủ.

b.- Thánh-ĐỊNH-uẩn gồm có việc hộ-trì các căn, dẹp năm triền-cái và tu-tập các cấp Thiền-định (được Phật nói rõ trong Kinh Sa-Môn Quả) khiến cho nội-tâm định-tĩnh.

c.- Thánh-HUỆ-uẩn hướng tâm định-tĩnh đến lậu-tận-trí, tuệ-tri như thật thế nào là Khổ,nguyên-nhân của Khổ, sự diệt-tận Khổ và con đường đưa đến diệt-khổ, cùng các lậu-hoặc.

Đó là các pháp được Phật khích-lệ, khuyên mọi người tuân theo. Chẳng còn pháp nào cao-thượng hơn cần phải hành-trì.

057. HỌC KINH SUBHA LÀ DỊP ÔN LẠI BA MÔN-HỌC GIỚI, ĐỊNH, HUỆ.

Khi ôn lại ba môn vô-lậu-học Giới, Định, Huệ, cần phải nắm vững các điều sau đây:

1.- Về Giới: tiểu-giới có năm giới căn-bản và các giới bát-quan, thập-thiện; trung-giới có các tà-hạnh cần tránh (chẳng tích-trữ đồ-vật, chẳng du-hí, chẳng bàn chuyện phiếm...); đại-giới có các tà-mạng chẳng được dùng làm nghề sanh-sống (xem bói, xem tướng, làm môi-giới...)

2.- Về Định: phải hộ-trì các căn, dẹp bỏ năm triền-cái trước, rồi tập bốn cấp Thiền (từ Sơ-thiền đến Tứ-thiền), và năm cấp Định (từ Không vô-biên-xứ đến Diệt-tận-định) thì nội-tâm mới hoàn-toàn định-tĩnh.

3.- Về Huệ: khi tâm hoàn-toàn định-tĩnh, mới hướng tâm đến trí-huệ tối-thượng, để học-tập, hiểu rõ và noi theo Tứ-Diệu-Đế.

Nên ghi nhớ: Tinh-túy của Đạo Phật chính là ba môn học vô-lậu: Giới-ĐỊnh-Huệ.

(TN. MTL, 2006-02-23).

-ooOoo-

11. KINH KEVADDHA

058. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH KEVADDHA?

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại vườn Pavàri-kamba, làng Nalandà. Bấy giờ có cư-sĩ trẻ tuổi tên Kevaddha đến thỉnh-cầu đức Phật cho thi-triển các thần-thông trước mặt đông-đảo dân chúng trong làng nầy, để họ càng kính-tín Thế-tôn thêm lên.

Đức Phật từ-chối việc cho thi-triển thần-thông trước công-chúng, và nhơn đó Ngài giảng Kinh nầy, cho biết có ba loại thần-thông: (1) biến-hoá thần-thông, (2) tha-tâm thông thần-thông và (3) giáo-hoá thần-thông. Chỉ có loại thần-thông sau cùng là được đức Phật giảng-dạy, tức là ba môn học vô-lậu: giới, định, huệ.

Sau đó, đức Phật kể lại chuyện một vị Tỳ-kheo có thắc-mắc: chẳng biết bốn đại (đất, nước, lửa, gió) sau khi biến-hoại thì đi về đâu? Tỳ-kheo ấy nhập-định lên Thiên-giới, lần-lượt hỏi các vị Trời, và sau cùng được Đại-Phạm Thiên-vương mách cho, nên trở lại hỏi Phật. Đức Phật mới giảng cho vị Tỳ-kheo ấy biết, khi Thức diệt thì mọi thứ đều diệt-tận.

059. NỘI-DUNG KINH KEVADDHA.

Kinh Kevaddha khá dài, phần chánh bàn đến các thần-thông, thì hơi ngắn so với phần phụ, hơi dài-dòng có liên-quan đến việc trả lời thắc-mắc về đến bốn đại.

A.- Ý chánh: Trong các loại thần-thông, chỉ có giáo-hoá thần-thông là được đức Phật chỉ dạy mà thôi (đó là Giới-Định-Huệ). Còn việc đi tìm các bậc có thể giải-đáp thắc-mắc về sự tồn-tại hay tiêu-diệt của tứ-đại là ý phụ trong Kinh.

A.- Phân đoạn: Kinh Kevaddha có hai phần:

1.- Ba loại thần-thông:

- Biến-hoá thần-thông: biến ra nhiều thân; đi xuyên ngang qua tường, núi; chui xuống đất rồi trồi lên, đi trên mặt nước, bay trên hư-không... bị Phật bác bỏ vì có thể bị hiểu-lầm là do chú-thuật Gandhàri.

- tha-tâm-thông thần-thông: biết rõ các tâm-trạng, các suy-tư của kẻ khác... cũng bị Phật bác-bỏ vì có thể hiểu lầm là do chú-thuật Maniko.

- giáo-hoá thần-thông: chỉ-dạy sự suy-tư đứng-đắn, sự trừ-bỏ các điều ác, sự tu-tập, chứng-đạt và an-trú các cấp thiền-định, sự giải-thoát... tức là Giới-Định-Huệ (trong Kinh Sa-Môn Quả), mới được đức Phật chấp-thuận, tuyên-thuyết và thi-triển.

2.- Một vị Tỳ-kheo thắc-mắc về sự tồn-tại hay tiêu-diệt của tứ-đại, đi tìm các bậc có thể giải-đáp được:

- từ cõi Tứ-Thiên-vương đến cõi Phạm Thiên: các vị Trời được hỏi, đều trả lời chẳng biết và mách đến vị khác cao hơn;

- đến cõi Trời Đại-Phạm, vị Đại-Phạm Thiên-vương, sau khi lúng-túng che-dấu sự ''dốt'' của ông ta, mới khuyên vị Tỳ-kheo nên trở về gặp Phật để hỏi;

- lời giải-đáp của đức Phật: ''Khi Thức diệt, mọi thứ đều diệt tận''.

060. THẾ NÀO LÀ GIÁO-HOÁ THẦN-THÔNG?

Đức Phật nói: Thế nào là giáo-hoá thần-thông? Ở đời, có vị Tỳ-kheo giáo-hoá như sau: ''Hãy suy-tư như thế nầy, chớ có suy-tư như thế kia; hãy tác-ý như thế nầy, chớ có tác-ý như thế kia; hãy trừ bỏ điều nầy, hãy chứng-đạt và an-trú điều kia.''

Rồi đức Phật nhắc lại các lời giảng trong Kinh Sa-Môn Quả, về việc giữ giới-hạnh đầy-đủ, việc hộ-trì các căn, việc dẹp năm triền-cái, việc tu-tập các cấp thiền-định, và việc phát-triểntrí-huệ tối thắng để đi đến sự giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn.

Đó là sự giáo-hoá thần-thông được đức Phật tự mình giác-ngộ và tuyên-thuyết.

061. HỌC KINH KEVADDHA, NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

1.- Mục-đích chánh của việc tu-hành theo đạo Phật là để được giải-thoát khỏi cảnh Khổ của Luân-hồi. Người học Đạo còn sơ-cơ thường hay mong-cầu sớm đắc được các thần-thông. Ý-nghiã sâu-xa của Kinh Kevaddha dạy ta phải sớm bỏ sự mong-cầu chẳng chánh-đáng đó.

2.-Việc giáo-hoá thần-thông, như đã được đức Phật trình-bày trong Kinh nầy, chính là ba môn học vô-lậu Giới-Định-Huệ, đưa đến sự giải-thoát hoàn-toàn.

(TN. Mtl, 2006-02-24).

-ooOoo-

12. KINH LOHICCA

062. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH LOHICCA.

Vào một thời kia, đức Phật du-hành tại nước Câu-tát-la (Kosala), ngụ nơi làng Sàlavatikà, cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo. Có vị Bà-la-môn Lohicca (Lộ-già) tuy có mang ác-kiến nầy:''Sa-môn, hay Bà-la-môn nào chứng được thiện-pháp, chẳng nên nói cho người khác biết, vì có ai lại làm giúp cho ai được'', nhưng xin thỉnh đức Phật đến nhà để cúng-dường và nghe pháp.

Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh nầy nhằm đả-phá tà-kiến đó của Lohicca. Và Ngài cho biết có ba hạng đạo-sư chưa chứng các quả-vị Sa-môn mà thuyết pháp dạy đệ-tử, nên họ đáng bị chỉ-trích. Còn vị đạo-sư đáng kính-trọng là bậc đã chứng-đắc trọn vẹn đạo-quả, dạy cho các đệ-tử biết tin-nhận và tu-tập theo để đạt được đạo-quả như mình.

063. NỘI-DUNG KINH LOHICCA.

Kinh Lohicca nhằm phá bỏ ác-kiến ''người chứng được thiện-pháp chẳng nên chỉ dạy cho kẻ khác, vì có ai giúp được cho ai''. Trong Kinh nầy, đức Phật còn phân-biệt giữa một vị đạo-sư đáng kính-trọng với ba hạng đạo-sư đáng chỉ-trích, vì họ còn chưa chứng quả mà lại giảng pháp cho đệ-tử.

A. Ý chánh: Phá bỏ tà-kiến: ''chẳng nên nói pháp cho người khác''.

B. Phân đoạn: Kinh Lohicca có ba phần:

1.- Phá bỏ ác-kiến của Lohicca:

- Ác-kiến của Lohicca làm mất cơ-hội của kẻ khác được nghe giảng Chánh-pháp;

- Bằng phương-pháp vấn-đáp, qua hai thí-dụ, đức Phật chứng-minh ác-kiến của Lohicca là một tà-kiến, cần dẹp bỏ; nếu không sẽ tái-sanh vào đường ác.

- Thí-dụ I: Người nào bảo, chỉ để cho Lohicca hưởng một mình mọi sản-phẩm trong làng Sàlavatika, thì người ấy đã gây chướng-ngại cho các kẻ khác sống tuỳ-thuộc vào đó; như thế có hại cho họ. Người có tâm muốn hại kẻ khác là kẻ đang vướng phải tà-kiến.

- Thí-dụ II: cũng giống như thí-dụ I, với các nguồn lợi ở Câu-tát-la, chỉ để một mình vua Ba-tư-nặc hưởng, chẳng để cho những kẻ khác cùng chia-xẻ ...

2.- Ba hạng đạo-sư đáng bị chỉ-trích:

- đạo-sư chưa đắc các quả Sa-môn, giảng pháp cho đệ-tử nhưng họ không nghe theo, và sống trái ngược với giáo-pháp của vị bổn-sư. Đó cũng như ''người muốn tán-tỉnh cô gái muốn xa mình.''

- đạo-sư chưa đắc các quả Sa-môn, giảng pháp cho đệ-tử được họ tin nghe và sống đúng theo giáo-pháp của vị bổn-sư. Đó cũng như ''người bỏ ruộng dưa của mình mà đến nhổ cỏ ruộng kẻ khác.''

- đạo-sư chưa đắc các quả Sa-môn, giảng pháp cho đệ-tử được họ lắng nghe, nhưng họ lại sống trái-ngược với giáo-pháp của vị bổn-sư. Đó cũng như ''người cắt sợi dây trói buộc cũ, lại tự làm một sợi dây mới.''

3.- Bậc đạo-sư đáng kính-trọng: tự mình đã chứng-đắc trọn vẹn đạo-quả Sa-môn, giảng dạy Chánh-pháp cho đệ-tử được họ tin nghe và tu-tập theo để đắc quả.

Đức Phật lần-lượt kể lại, theo như trong các Kinh Phạm-Võng, Sa-Môn Quả, các giai-đoạn tu-tập: từ giữ giới đầy-đủ, hộ-trì các căn, dẹp bỏ năm triền-cái đến việc tu-chứng các cấp thiền-định và phát-triển trí-huệ tối-thắng đưa đến giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn.

064. ĐỨC PHẬT GIÚP LOHICCA DẸP BỎ TÀ-KIẾN.

Sau đây là trích-đoạn Kinh-văn nói về cách đức Phật giúp Lohicca gạt bỏ được tà-kiến, bằng phương-pháp vấn-đáp:

- (...) Nầy Lohicca, có thật chăng Người khởi lên ác-kiến như sau: ''Ở đời, có vị Sa-môn hay Bà-la-môn chứng được thiện-pháp, sau khi chứng được thiện-pháp, không nên nói cho người khác biết, vì có ai lại làm giúp cho ai được?...

- Vâng phải, Tôn-giả Gotama.

- Nầy Lohicca, Ngươi nghĩ thế nào? Có phải Ngươi ở tại Sàlavatikà?

- Vâng phải, Tôn-giả Gotqma.

- Nếu có người nói: ''Lohicca sống ở Sàlavatikà. Hãy để Lohicca hưởng một mình mọi sản-phẩm của Sàlavatikà, không cho một ai khác.'' Người nói như vậy là người gây chướng-ngại cho ai sống tùy-thuộc vào Ngươi, có phải không?

- Là người gây chướng-ngại, Tôn-giả Gotama.

- Nầy Lohicca, đã là người gây chướng-ngại, người ấy có phải là người có từ-tâm, nghĩ đến lợi-ích cho những người kia?

- Là người không có từ-tâm nghĩ đến lợi-ích cho kẻ khác, Tôn-giả Gotama.

- Đã không có từ-tâm nghĩ đến lợi-ích của kẻ khác, người ấy an-trú từ-tâm hay an-trú hại-tâm?

- Hại-tâm, Tôn-giả Gotama.

- Khi an-trú hại-tâm, như vậy là chánh-kiến hay tà-kiến?

- Là tà-kiến, Tôn-giả Gotama.

- Nầy Lohicca, Ta nói rằng, một người có tà-kiến sẽ sanh vào một trong hai ác-thú sau đây:điạ-ngục hay súc-sanh. (...)

065. NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO KHI HỌC KINH LOHICCA?

1.- Học Kinh Lohicca nên chú-ý đến hai điểm:

a)- Phá bỏ cái tà-kiến ''chẳng muốn giảng Chánh-pháp cho kẻ khác biết'' để tu-tập và đắc quả như mình;

b)- Chỉ giảng Chánh-pháp khi nào tự mình đã chứng quả và khiến cho người nghe biết tin theođể tu-tập.

2.- Kinh Lohicca, cũng như các Kinh khác trong Trường-Bộ Kinh, nhắc lại ba môn Học Vô-Lậu: Giới-Định-Huệ, được nói rõ ở hai Kinh Phạm-Võng, Kinh Sa-Môn Quả ở trước. Đó là cốt-tủy của Đạo Phật mà người học Kinh cần phải nghiền-ngẫm, hiểu thật rõ và thực-hành thật bền chí, cho đến ngày giác-ngộ.

(TN. Mtl, 2006-02-25).

-ooOoo-

13. KINH TEVIJJA .

066. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH TEVIJJA?

Vào một thời kia, đức Phật du-hành ở nước Kosala (Câu-tát-la), cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo, ngụ tại vườn xoài bên bờ sông Aciravati. Lúc bấy giờ có hai thanh-niên Bà-la-môn, Vàsettha và Bhàradvàja, đến yết-kiến đức Phật và nhờ Ngài giải-quyết sự tranh-chấp của họ về con đường tu-tập nào thẳng-tắp đưa đến cõi Phạm-Thiên. Cả hai đều cho rằng chỉ có lời chỉ-dạy của riêng thầy mình mới là đúng nhứt.

Nhơn đó, đức Phật mới giảng Kinh Tevijja nầy. Trước hết, đức Phật bảo, chẳng có vị thầy Bà-la-môn nào thấy được đức Đại-Phạm Thiên-vương cả, cũng chẳng ai biết rõ con đường tu-tập đưa tới cõi Phạm-thiên; họ ''như một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa không thấy, người cuối cùng cũng không thấy.'' Kế đó, Ngài vạch rõ các vị thầy Bà-la-môn đang chìm-đắm trong vũng lầy của năm dục-lạc, còn bị ràng-buộc bởi năm triền-cái, thì làm sao họ biết được, thấy được, con đường đưa tới cõi Phạm-thiên. Sau cùng, Ngài giảng cho hai thanh-niên đó con đường chơn-chánh đưa thẳng đến Phạm-thiên-giới: đó là conđường của Giới, Định, Huệ, Từ, Bi, Hỉ, Xả, được tuyên-thuyết trong Chánh-Pháp.

067. NỘI-DUNG KINH TEVIJJA.

Kinh Tevijja nhằm phá bỏ lối chỉ-dạy sai-lầm của tu-sĩ Bà-la-môn về con đường đưa tới cõi Phạm-Thiên và dạy rằng, ba môn học vô-lậu Giới, Định, Huệ trong Chánh-Pháp mới đưa các vị Tỳ-kheo chứng quả đến an-trú nơi cõi Trời Phạm.

A.- Ý chánh: Sự sai-lầm của đạo Bà-la-môn và sự đúng-đắn của đạo Phật, (với ba môn họcGiới-Định-Huệ), về con đường đưa tới cõi Phạm-Thiên.

B.- Phân đoạn: Kinh Tevijja chia ra hai phần:

1.- Sự sai-lầm trong lời dạy của Bà-la-môn về con đường dẫn đến sự an-trú nơi cõi Phạm-Thiên:

- Vàsettha và Bhàradvàja tranh-biện nhau về lời chỉ-dạy của mỗi vị thầy Bà-la-môn của họ về con đường dẫn đến ''cộng-trú với Phạm-Thiên.''

- Đức Phật cho rằng, các vị thầy Bà-la-môn đó và cả các bực tôn-sư của họ, chẳng ai thấy tận mặt vị Phạm-Thiên, và cũng chẳng biết con đường nào đưa tới Phạm-thiên-giới cả, mà lại dạyđệ-tử về con đường ấy.

- Với các thí-dụ cụ-thể, Đức Phật vạch rõ chỗ sai-lầm trong thái-độ của các vị thầy Bà-la-môn cũng như: (a) cầu-khẩn, tán-thán chỗ mặt trăng mọc và lặn đâu có đưa đến việc cộng-trú với mặt trăng; (b) như khi nước sông Aciravati bị tràn ngập, kẻ đứng ở bờ bên nầy, cứ kêu gọi mãi bờ bên kia hãy sang đây, thì có bao giờ sang sông cho được...

- Đức Phật chỉ rõ: các vị thầy Bà-la-môn còn đang chìm-đắm trong năm món dục-lạc, còn bị năm triền-cái ngăn-che, trong khi đấng Phạm-thiên chẳng có tham-ái, chẳng có nhiễm-tâm, luôn luôn tự-tại, thì làm sao mà họ có thể cộng-trú với vị Phạm-Thiên được.

2.- Đức Phật chỉ dạy con đường đưa đến sự cộng-trú với Phạm-Thiên:

- Sau khi nghe được Chánh-Pháp, thì xuất-gia làm Tỳ-kheo, từ bỏ gia-đình, tài-sản và quyến-thuộc, sống dưới sự chế-ngự của Giới-bổn (Pàtimokkha);

- giữ giới-hạnh cụ-túc (xem lại Kinh Sa-Môn Quả);

- hộ-trì các căn, dẹp năm triền-cái, tu-tập Thiền-định (xem lại Kinh Sa-môn Quả);

- tu-tập bốn tâm vô-lượng: Từ, Bi, Hỉ, Xả.

- Như thế, ''Tỳ-kheo sau khi thân hoại mạng chung sẽ cộng-trú với Phạm-Thiên''.

068. TRÍCH ĐOẠN PHẦN VẤN-ĐÁP GIỮA ĐỨC PHẬT VÀ VÀSETTHA, VẠCH RÕ LỐI DẠY THIẾU CHÂN-THẬT CỦA CÁC VỊ ĐẠO-SƯ BÀ-LA-MÔN.

''- Nầy Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Ngươi có nghe những Bà-la-môn niên cao lạp trưởng, tôn-sư và đại tôn-sư (của họ) cùng nhau nói chuyện không? Phạm-Thiên có dục-ái hay không có dục-ái?

- Tôn-giả Gotama, không có dục-ái.

- Có hận-tâm hay không có hận-tâm?

- Tôn-giả Gotama, không có hận-tâm.

- Có nhiễm-tâm hay không có nhiễm-tâm?

- Tôn-giả Gotama, không có nhiễm-tâm.

- Có tự-tại hay không có tự-tại?

- Tôn-giả Gotama, có tự-tại.

- Nầy Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Các Bà-la-môn tinh-thông ba tập Kinh Vệ-đà có dục-ái hay không có dục-ái?

- Tôn-giả Gotama, có dục-ái.

- Có hận-tâm hay không có hận-tâm?

- T ôn-giả Gotama, có hận-tâm.

- Có sân-tâm hay không có sân-tâm?

- Tôn-giả Gotama, có sân-tâm.

- Có nhiễm-tâm hay không có nhiễm-tâm?

- Tôn-giả Gotama, có nhiễm-tâm.

- Có tự-tại hay không có tự-tại?

- Tôn-giả Gotama, không có tự-tại.

- Nầy Vàsettha, Ngươi nói rằng các Bà-la-môn tinh-thông ba tập Vệ-đà là có tham-ái, Phạm-Thiên không có tham-ái. Giữa các Bà-la-môn tinh-thông ba tập Vệ-đà là có tham-ái với Phạm-Thiên không có tham-ái, có thể có một sự cộng-hành, cộng-trú không?

- Tôn-giả Gotama, không thể có được.

- Lành thay, Vàsettha ! Nầy Vàsettha, những Bà-la-môn tinh-thông ba tập Vệ-đà có dục-ái ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ cộng-trú với Phạm Thiên?

- Thật không thể có sự-kiện ấy...''

069. HỌC KINH TEVIJJA NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

1.- Thường-nhơn khi tu-hành thường mong-cầu được sanh lên ''Thiên-đàng'', để được sống sung-sướng. Đó là tâm-trạng của hai thanh-niên Bà-la-môn nói trong Kinh nầy, quá tin-tưởng vào lời thầy họ đã chỉ-dạy sai-lầm con đường đưa thẳng đến cõi Phạm-Thiên. Đức Phật giảng rõ tu-tập như thế nào mới được sanh lên cõi Trời. Nhưng mục-đích chánh của Phật-học là việc giải-thoát khỏi cảnh Khổ sanh, già, bịnh, chết, chấm dứt vĩnh-viễn việc tái-sanh vào sáu nẻo Luân-hồi, để chứng được cõi Niết-bàn an-vui, tịch-tĩnh. Người học Kinh Tevijja nên ghi nhớ kỹ mục-đích đó.

2.- Mỗi bản Kinh Phật đều khởi đầu bằng một tên Kinh. Trước khi đức Phật chấm dứt lời thuyết-giảng, các vị đệ-tử thường hỏi đức Phật đặt tên Kinh là gì, cùng cách thọ-trì Kinh ấy.

Tên Kinh thường là:

- tên người đương-cơ (người thỉnh Phật giảng bài Kinh đó), như Kinh Mahàli, Kinh Kassapa:

- tên một pháp-tu, như Kinh Sa-môn Quả;

- tên một thí-dụ, như Kinh Phạm-Võng, lấy thí-dụ cái lưới (Phạm-Võng) tóm thâu hết 62 kiến-chấp vào trong đó, chẳng gì thoát ra khỏi.

Trường-hợp tên của Kinh Tevijja rất lạ. Đọc suốt bản Kinh, chẳng thấy có ai mang tên Tevijja, chẳng có pháp-tu nào gọi là Tevijja, cũng chẳng thấy chữ Tevijja dùng làm thí-dụ, cũng chẳng thấy có đoạn nào nhắc đến chữ Tevijja, ngoài cái tên ở đầu Kinh.

Tra-cứu lại trong quyển Kinh Trường A-Hàm thuộc Hán-tạng nơi bản Kinh Tam-Minh (tương-đương với Kinh Tevijja thuộc Hệ Pali), có đoạn như sau:

...''Sở dĩ có cuộc tranh-luận đó, là vì Bà-la-môn Tam-Minh đưa ra ba con đường: con đường tự-tại dục, con đường tự-tác và con đường Phạm-Thiên. Ba con đường nầy đều đưa đến Phạm-Thiên...''

Tra-cứu Từ-điển Pali-Việt, chữ Tevijja có nghiã: Te là ba; Vijjà là sự hiểu-biết, kiến-thức.

Mặc dầu thắc-mắc về Tên Kinh chẳng quan-trọng bằng việc tìm hiểu nội-dung lời Phật dạy trong Kinh, nhưng cũng xin đề-nghị nên tạm hiểu như vầy: Kinh Tevijja lấy tên của vị Bà-la-môn Tam-Minh, để đặt tên cho Kinh, vì vị nầy có đưa ra ba đường-lối tu-tập đưa đến việc tái-sanh lên cõi Phạm-Thiên. Hai thanh-niên Vàsettha và Bhàradvàja đã tranh-luận nhau vì mỗi người cho rằng con đường của vị thầy mình mới là con đường thẳng-tắp nhứt đưa tới cõi Trời Phạm.

(TN. Mtl 2006-02-27).

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t...

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại...

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,...

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta ...

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.